Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

7 tác dụng của táo mèo và cách sử dụng tốt cho sức khỏe

(VOH) – Táo mèo – một loại quả mọc ở vùng ‘sơn cước’ mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những tác dụng của táo mèo và cách sử dụng tốt cho sức khỏe mà bạn nên biết.

Với những ai sinh ra ở vùng Tây Bắc chắc hẳn không quá xa lạ với táo mèo, loại quả với rất nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, vừa là vị thuốc quý, vừa dùng làm nước giải khát mùa hè.

1. Táo mèo là gì?

Táo mèo (hay còn gọi là quả sơn tra), có tên khoa học là Docynia indica, thuộc họ Hoa hồng. Đây là loại quả “đặc sản” của vùng Tây Bắc (Việt Nam), được trồng hoặc mọc tự nhiên ở các tỉnh như Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái....

Ngoài ra, táo mèo còn được tìm thấy ở các nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc...

Không giống như táo ta hay táo tàu, táo mèo là loài cây thân gỗ dạng bán tán, hay sớm rụng lá. Cây cao từ 2 – 3m, phân cành ở độ cao 1.5 - 2m, cành có nhiều gai, vỏ nhẵn màu xám. Lá hình mác, nhỏ, đỉnh nhọn, mọc thành cụm trên các cành non. Hoa màu trắng, mọc thành chùm. Quả màu vàng, hình cầu hay elip.

tao-meo-cong-dung-cach-dung-va-luu-y-can-biet-voh-0
Táo mèo được xem là đặc sản vùng Tây Bắc (Nguồn: Internet)

Cây táo mèo thường cho quả vào khoảng tháng 8 – 9 tháng hàng năm, khi cây được 5-7 năm tuổi. Quả táo mèo chính là bộ phận được dùng làm thuốc trong Đông y.

2. Phân loại quả táo mèo

Táo mèo được chia làm 2 loại là: táo mèo tươi và táo mèo khô.

2.1 Táo mèo tươi

Táo mèo tươi sau khi hái về, đem đi rửa sạch là có thể sử dụng ngay. Với táo mèo tươi, bạn có thể đem đi ngâm rượu hoặc làm giấm tùy vào mục đích sử dụng. Khi sử dụng táo mèo tươi, bạn sẽ giữ lại toàn bộ giá trị dinh dưỡng của nó.

2.2 Táo mèo khô

Táo mèo khô thực chất là thành phẩm của táo mèo tươi sau khi phơi khô. Để có được táo mèo khô thơm ngon, bổ dưỡng thì bạn cần bỏ ra kha khá thời gian cho công đoạn sơ chế và phơi khô. Toàn bộ công đoạn này đều phải làm thủ công, không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản.

Táo mèo khô ăn có vị chua chát. Tuy nhiên, nếu đem ngâm với rượu, mật ong hoặc đường sẽ tạo ra vị chua ngọt, rất dễ uống.

Tuy hầu hết các loại táo mèo đều có hình dáng bên ngoài tương đối giống nhau, nhưng trên thực tế chúng lại được chia thành rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có hương vị khác nhau.

Một số loại táo mèo thường thấy nhất là:

  • Táo mèo Trung Quốc: Hình dáng bên ngoài khá đẹp, các quả đều nhau, ruột xốp hơn quả táo. Khi chín có vị ngọt, không có vị chua chát. Ngoài ra, táo mèo khô Trung Quốc còn có màu hơi xỉn tối, có mùi hơi thuốc Bắc.
  • Táo mèo Sapa: Loại táo này có vỏ hơi hồng, phần đầu có chỏm đen. Quả có vị không quá ngọt, có phần hơi chát. Hình dáng nhỏ hơn quả táo ta, các quả không đều nhau.
  • Táo mèo Yên Bái: Phần lớn táo mèo ở đây đều được trồng. Quả cho ra khá nhỏ, khi chín có màu hơi nâu hồng, trắng hoặc vàng. Táo mèo Yên Báo có vị ngọt vừa, giòn và mùi thơm đặc trưng.
  • Táo mèo Hà Giang: Đây là loại quả có màu xanh khi còn non, pha chút hồng. Khi chín, táo mèo chuyển sang màu hồng đặc trưng (hoặc màu đỏ tía). Ăn có vị ngọt pha chút vị chát.
  • Táo mèo rừng: Quả thường có màu xanh ngả xám, xen kẽ là các mảng màu xám hoặc hồng. Ăn có vị chát, không ngọt, có độ giòn nhưng không xốp.

3. Táo mèo có tác dụng gì?

Táo mèo ở dạng tươi hay khô đều mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Trong Đông y, táo mèo có vị chua ngọt, hơi chát, tính ấm. Táo mèo có tác dụng kiện vị, tiêu thục, an thần.

Còn với nghiên cứu y học hiện đại, táo mèo chứa nhiều các hoạt chất như: axit tactric, flavonoid, vitamin C, đạm, chất béo, carotene, canxi, sắt, tatin, choline, phytosterin, phenolic... các axit hữu cơ thuộc loại triterpen, rất tốt cho sức khỏe con người.

Dưới đây là một số tác dụng của táo mèo bao gồm:

3.1 Chữa mất ngủ

Trong Đông Y, táo mèo có công dụng an thần. Đăc biệt, hạt táo mèo còn có thể gây buồn ngủ. Khi sử dụng hạt táo mèo đúng cách có thể giúp bạn chữa bệnh mất ngủ.

3.2 Cải thiện sức khỏe tim mạch

Nhờ chứa nhiều các axit amin, táo mèo có thể giúp đào thải cholesterol có hại ra khỏi cơ thể, bảo vệ hệ tim mạch được khỏe mạnh.

tao-meo-cong-dung-cach-dung-va-luu-y-can-biet-voh-1
Táo mèo có thể giúp ích cho việc phòng ngừa bệnh lý về tim mạch (Nguồn: Internet)

Ăn táo mèo có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch như: xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp....

3.3 Tăng cường hệ miễn dịch

Hàm lượng vitamin C trong táo mèo khá cao, đây là thành phần có thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa tốt một số bệnh thường gặp như bệnh cúm, cảm lạnh, viêm họng...

Xem thêm: 4 lưu ý điều trị cảm lạnh tại nhà bạn nên biết

3.4 Giải độc gan, bảo vệ thận

Ăn táo mèo có thể giúp tăng cường bảo vệ tế bào gan, phòng ngừa các bệnh lý về gan, cũng như giúp giải độc gan.

3.5 Chữa rối loạn tiêu hóa

Táo mèo có tác dụng tốt trong việc kích thích tiêu hoá. Loại quả này có thể thúc đẩy sự hoạt động của các enzym tiêu hóa, giúp có cảm giác ngon miệng hơn khi ăn uống.

3.6 Giảm cân

Trong táo mèo chứa một lượng lớn axit có tác dụng tiêu mỡ thừa trong cơ thể. Điều này có nghĩa, khi bạn sử dụng táo mèo hợp lý sẽ có thể giúp bạn có được một vóc dáng chuẩn không mỡ thừa.

3.7 Tốt cho da

Táo mèo mang đến nhiều công dụng làm đẹp cho chị em phụ nữ. Ăn táo mèo sẽ giúp se khít lỗ chân lông, hạn chế sự tích tụ chất thải, bã nhờn trên da. Điều này sẽ làm cho làn của bạn được căng bóng, mịn màng, không lo bị mụn.

Xem thêm: 9 thói quen sai lầm với da mụn mà bạn không biết mình đang mắc phải

4. Cách sử dụng táo mèo

Quả táo mèo có thể ăn tươi, tuy nhiên, nhiều người thích dùng táo mèo ngâm với rượu, mật ong... để tạo thành những bài rượu thuốc vừa giúp bồi bổ cơ thể vừa ngon miệng.

4.1 Rượu táo mèo

Táo mèo ngâm rượu mang đến rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như giúp trị huyết áp cao, chữa đầy hơi chướng bụng, phòng máu nhiễm mỡ, đau bàng quang. Uống táo mèo ngâm rượu còn giúp bạn tiểu tiện dễ dàng.

Chuẩn bị

  • Táo mèo tươi : 2kg ( Táo mèo khô: 1kg )
  • Rượu nếp: 4 lít
  • Đường trắng: 1kg
  • Bình ngâm rượu: 3 – 5 lít

Cách ngâm rượu táo mèo tươi

Táo mèo rửa sạch, để ráo nước. Dùng dao cắt bỏ đầu và những chỗ bị thâm. Sau đó, cắt đôi quả táo và ngâm trong nước sach khoảng 5 phút. Tiếp theo ngâm trong nước muối khoảng 30 phút, vớt ra để ráo nước.

Cho táo mèo vào bình ngâm rượu. Đổ 1 lượng táo mèo vào trước, phủ lên trên 1 lớp đường trắng. Thực hiện đến khi hết táo mèo. (Thông thường bạn sẽ cần khoảng 1kg đường cho 2kg táo mèo). Đặt bình ở nơi thoáng mát trong 1 tuần.

Tiếp theo, bạn chắt hết phần nước cốt táo mèo ra ngoài để riêng. Đổ rượu nếp vào theo tỷ lệ 1 phần táo: 4 phần rượu, rồi đậy nắp, ngâm từ 3-6 tháng là có thể sử dụng.

Cách ngâm rượu táo mèo khô

Lấy táo mèo khô ngâm với nước sôi, khuấy đều để tầm 5 phút thì vớt ra để ráo.

Cho táo mèo khô vào bình, tiếp theo đổ rượu vào để ngâm theo tỷ lệ là 1:5 ( 1 kg táo mèo khô tương đương với 5 lít rượu ).

Đậy nắp bình thật kín và để ngâm rượu tầm 100 ngày là có thể dùng được.

4.2 Táo mèo ngâm đường

Táo mèo ngâm đường là thức uống giúp giải nhiệt mùa hè hiệu quả. Uống một ly táo mèo ngâm đường sẽ giúp bạn giải độc gan cũng như phòng ngừa được một số vấn đề đến từ gan.

Chuẩn bị

  • Táo mèo: 1 kg
  • Đường trắng: 1kg
  • Bình thủy tinh có nắp

Cách làm táo mèo ngâm đường

Táo mèo rửa sạch, để ráo, cắt thành miếng vừa ăn.

Cho táo và đường theo tỉ lệ 1:1 vào bình. Xếp theo kiểu 1 lớp táo sẽ rải 1 lớp đường, rải cho đến khi đầy bình. Sau đó đậy nắp lại và để nơi khô ráo tránh gió trong vòng 10 ngày.

Sau khi bình tiết ra siro là bạn có thể đem đi pha nước uống.

4.3 Táo mèo ngâm mật ong

Với một bình táo mèo ngâm mật ong, bạn sẽ tránh được một số “rắc rối” từ cơ thể như: chứng nhức đầu, đau nửa đầu, đau vai gáy, giúp giải rượu, chống buồn nôn.... Ngoài ra, táo mèo ngâm mật ong còn chữa được chứng đau nhức xương khớp, khó tiểu tiện.

tao-meo-cong-dung-cach-dung-va-luu-y-can-biet-voh-2
Uống táo mèo ngâm mật ong tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Táo mèo: 1kg
  • Mật ong nguyên chất: 1 lít
  • Bình thủy tinh có nắp

Cách làm táo mèo ngâm mật ong

Táo rửa sạch, có thể ngâm với nước muối khoảng 30 phút, vớt ra rửa lại với nước để ráo.

Cho táo mèo vào bình thủy tinh đã được rửa sạch, tráng qua nước sôi. Sau đó, đổ ngập mật ong vào trong bình đậy kín nắp. Để nơi thoáng mát, tránh gió và ánh nắng mặt trời.

Ngâm táo mèo từ 2 đến 2.5 tháng là có thể dùng được. Có thể lắc bình để các nguyên liệu ngấm dần.

Xem thêm: 6 lý do vì sao bạn nên cất giữ sẵn ít nhất 1 lọ mật ong trong nhà mình

4.4 Táo mèo muối xổi

Táo mèo muối xổi chua chua cay cay không chỉ giúp ngon miệng mà còn nhiều tác dụng như: giúp tiêu hóa tốt, đỡ đầy bụng, khó tiêu, kích thích ăn uống...

Chuẩn bị

  • Táo mèo: 300gr
  • Gia vị: Chanh, đường, muối, ớt tươi hoặc ớt bột
  • Một cái bát to

Cách làm táo mèo muối xổi

Táo mèo rửa sạch, để ráo nước. Chuẩn bị một tô nước muối ấm. Sau đó, táo mèo gọt vỏ, bỏ hạt, bổ 3 hoặc bổ đôi rồi cho vào tô nước muối đã chuẩn bị sẵn. Ngâm táo mèo trong nước muối khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch với nước, để ráo.

Cho táo mèo vào 1 cái tô lớn, cùng với 1 thìa muối, 2 – 3 thìa đường, 1 quả ớt nhỏ và 1 thìa nước cốt chanh. Trộn đều táo mèo cho ngấm gia vị, để yên thêm 30-40 phút là hoàn thành.

4.5 Giấm táo mèo

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng táo mèo để làm giấm táo. Giấm táo mèo có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: giảm cân, mịn sáng da, phù hồi da, sạch mụn, loại bỏ gàu....

Chuẩn bị
  • Táo mèo tươi
  • Giấm gạo
  • Nước lọc
  • Bình đựng thủy tinh
Cách làm giấm táo mèo

Rửa sạch táo mèo rồi cắt lát, cho ngâm với nước muối loãng tầm 30 phút thì vớt ra để ráo.

Cho táo mèo và nước lọc vào bình theo tỷ lệ 1:1,5 ( 1kg táo mèo tương đương 1,5 lít nước ), đổ 1 chén giấm gạo vào bình để ngâm chung.

Dùng một miếng vải sạch để bịch miệng bình lại và cột kín bằng sợi dây thun. Để bình ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ lên men thích hợp là 25 độ C.

Sau 10 ngày thì mở bình để kiểm tra giấm, nếu giấm có những mảng trắng, không có bọ bay qua và có mùi thơm là đã làm giấm thành công. Ủ giấm tầm 3 - 4 tuần, đến khi nước trong bình chuyển sang màu vàng, vị giấm chua chua là có thể dùng được.

4.6 Trà táo mèo bông cúc

Chuẩn bị
  • Táo mèo khô: 20g
  • Bông cúc: 20g
  • Đường phèn: 2 muỗng cà phê
Cách làm trà táo mèo bông cúc

Bông cúc rửa sạch rồi vắt khô. Táo mèo khô rửa sạch qua nước để sạch bụi bẩn rồi vắt khô.

Cho táo mèo khô, 500ml nước lọc, bông cúc vào nồi để nấu sôi. Khi nước sôi thì cho đường phèn vào khuấy đều, khuấy đến khi đường tan thì tắt bếp. Rót trà ra ly để dùng.

Xem thêm: Mách bạn cách làm giấm táo ngon - bổ - rẻ tại nhà

Lưu ý: Các thành phẩm từ táo mèo như rượu táo mèo, giấm táo mèo... cần sử dụng dụng với liều lượng hợp lý. Tránh lạm dùng vì có thể gây tổn hại cho sức khỏe.

5. Ai không nên dùng táo mèo?

Táo mèo là thực phẩm lành mạnh nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại quả này. Một số đối tượng cần lưu ý khi sử dụng táo mèo, đó là:

  • Phụ nữ mang thai: Bà bầu dùng táo mèo có thể làm giảm lượng lipit trong máu. Ngoài ra, táo mèo có thể gây khiến tử cung co bóp nhanh, tăng nguy cơ sảy thai và sinh non.
  • Người gầy hoặc mới hết bệnh nên hạn chế sử dụng táo mèo.
  • Những người mắc bệnh tim mạch không nên uống rượu táo mèo vì sẽ làm tăng lượng hồng cầu trong máu và gây hại cho sức khỏe.

6. Những lưu ý khi sử dụng táo mèo

Để tốt cho sức khỏe và hạn chế những tác hại của táo mèo thì khi sử dụng cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Uống nhiều rượu táo mèo sẽ gây vàng da, dị ứng và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng,
  • Ăn nhiều táo mèo có thể gây tổn hại răng.
  • Táo mèo là trái cây lành tính nên có thể ăn hoặc ngâm rượu để dùng tùy theo sở thích mỗi người.

Như vậy, táo mèo đã và đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Với những tác dụng của táo mèo mang lại cho sức khỏe, chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy thừa thãi khi có táo mèo trong căn bếp gia đình.

Bình luận