Có nên cắt amidan cho trẻ nhỏ ?

( VOH ) - Giai đoạn chuyển mùa là thời điểm thường khiến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh viêm amidan ở trẻ em. Vậy có nên cắt amidan cho trẻ nhỏ hay không ?

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, được chia làm hai thể cấp và mãn tính. Viêm amidan thường xảy theo nhiều đợt, với nhiều biến chứng tại chỗ như áp xe, hình thành ổ mủ vùng họng, biến chứng viêm tai, viêm mũi xoang.

Hậu quả lâu dài có thể gây viêm khớp, viêm tim, viêm đường hô hấp dưới, viêm phế quản. 

1. Dùng thuốc kháng sinh trị viêm amidan - lợi bất cập hại

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc phải viêm amidan, nhất là trong giai đoạn thời tiết đổi mùa, mưa nắng thất thường như hiện nay. Tuy nhiên, thay vì đưa con đi thăm khám nhiều bậc phụ huynh lại cho trẻ dùng thuốc kháng sinh để ngăn chặn bệnh.

Trường hợp chị N.H.N (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải vô cùng mệt mỏi vì bé nhà chị đã 6 tuổi nhưng chỉ được 18kg do liên tục bị ốm sốt vì viêm amidan. Theo chia sẻ, bé bị viêm amidan được 2 năm và và chị thường xuyên cho bé uống kháng sinh điều trị. Mặc dù đã được bác sĩ chỉ định nên phẫu thuật cắt amidan như chị lại lo lắng vì sợ sợ xảy ra biến chứng nên vẫn cứ chần chừ chưa quyết.

Một trường hợp khác của chị N.T.L (Hoàng Mai, Hà Nội), bé bị viêm amidan 5 năm, mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc bé chỉ vô tình lỡ uống nước lạnh thì viêm amidan lại tái phát. Mỗi lần như thế chị thường chỉ mua thuốc về cho con uống. Tuy nhiên, lần này bé không chỉ bị sốt mà còn đau đầu, chóng mặt  có dấu hiệu ngủ ngáy to nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện.

Sau khi đưa con đến khám tại Bệnh viện Tai – Mũi – Họng được bác sĩ chỉ định nên phẫu thuật cắt amidan nhưng chị vẫn chưa biết có nên cắt amidan hay không vì chị có nghe thông tin nếu cắt amidan trẻ sẽ dễ bị viêm đường hô hấp.

co-nen-cat-amidan-cho-tre-nho-VOH

Trẻ em cắt amidan có nên không ? (Nguồn: Internet)

Từ 2 trường hợp trên, có thể thấy rằng nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn đang rất băn khoăn về việc có nên đi cắt amidan cho trẻ hay không.

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai – Mũi – Họng Trung Ương, thời điểm giao mùa là thời điểm các bệnh lý nhiễm trùng gia tăng mạnh mẽ nhất, trong đó tình trạng viêm amidan là rất phổ biến.

Tình trạng viêm amidan tăng ước tính khoảng 10%, nguyên nhân là do nhiễm trùng và nhiễm khuẩn. Cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám để xác định nguyên nhân chính xác, nếu do virus sẽ chỉ điều trị chứng, nếu do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng kháng sinh. 

Cha mẹ không nên tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc cho con khi chưa biết nguyên nhân gây viêm amidan chính xác là gì. Việc làm này có gây lạm dụng thuốc kháng sinh và dẫn đến tình trạng nguy hiểm chính là kháng kháng sinh.

2. Khi nào thì cần nên cắt amidan ?

Theo chia sẻ của bác sĩ Cảnh, bệnh nhân chỉ có chỉ định cắt amidan khi việc điều trị nội khoa không có hiệu quả, người bệnh bị viêm amidan nhiều lần trong một năm (khoảng 5 lần) và nhiều đợt cấp.

Ngoài ra, với những trường hợp viêm amidan quá phát gây nên các biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang… những đứa bé có tình trạng ngủ ngáy, thậm chí ảnh hưởng đến việc học tập cũng sẽ được cắt amidan.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật cắt amidan cần phải có chỉ định từ bác sĩ, không phải muốn cắt bỏ là cắt vì đây cũng là một bộ phận của cơ thể có chức bảo vệ cửa ngõ của cơ quan hô hấp, việc chỉ định không đúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

co-nen-cat-amidan-cho-tre-nho-1-VOH

Phẫu thuật cắt viem amidan cần có sự chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Lý giải thêm về phẫu thuật cắt amidan, BS Cảnh cho biết, cắt amidan có thể gây chảy máu do cắt amidan không thể khép kín mà chỉ để hở. Tuy nhiên, nền y học hiện nay cũng đã có các biện pháp giúp cầm máu để cho bệnh nhân không phải mất máu nhiều.

Ngoài ra, khi cắt amidan sẽ làm cho phần cổ họng bị rỗng, từ đó vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng, không ai dám chắc 100% trường hợp cắt amidan sẽ không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu làm đúng theo chủ định và kỹ thuật thì sẽ không có gì đáng lo ngại.

Theo khuyến cáo của BS Cảnh, có nhiều trường hợp người bệnh sau khi cắt amidan xong lại bị viêm họng mạn tính, viêm thanh quản sau  gây nhiều  mệt mỏi. Chính vì thế, tốt nhất mọi người cần chủ động phòng tránh viêm đường hô hấp bằng cách giữ gìn vệ sinh miệng, súc miệng, giảm các tác động từ môi trường đến cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh hút thuốc lá thụ động, thời tiết giao mùa hãy giữ ấm cơ thể.