Chờ...

4 nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh và cách khắc phục dành cho mẹ

( VOH ) - Tình trạng mất ngủ có thể khiến cho các mẹ bị mất bình tĩnh, khó kiềm chế khi xử lý các về như trẻ quấy khóc, đòi bú... Vậy làm thế nào để khắc phục được tình trạng mất ngủ sau sinh?

Phụ nữ bị mất ngủ sau sinh không phải là một triệu chứng hiếm gặp. Theo số liệu thống kê, có khoảng 60% phụ nữ trải qua chứng mất ngủ ở tuần 32 của thai kỳ và 8 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, bạn có biết tình trạng mất ngủ nếu không được khắc phục có thể là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh.

1. Những nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh

Chứng mất ngủ sau sinh xảy ra khi người mẹ không thể ngủ hoặc ngủ không được ngon giấc dù đã mệt lả người. Một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng bị mất ngủ sau khi sinh là:

1.1 Nội tiết tố thay đổi

Sự thay đổi nội tiết tố sau khi mang thai và sinh con thường khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy khó chịu và khó ngủ. Nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến các rối loạn về giấc ngủ, thậm chí gây ra chứng trầm cảm sau sinh.

1.2 Đổ mồ hôi vào ban đêm

Sau khi sinh, các hormone trong cơ thể sẽ cố gắng làm sạch lượng chất lỏng dư thừa mà cơ thể đã sản xuất trong thời gian mang thai. Chính điều này sẽ khiến cho các mẹ đổ mồ hôi nhiều, nhất là vào ban đêm gây khó chịu và mất ngủ.

1.3 Cho bé bú

4-nguyen-nhan-gay-mat-ngu-sau-sinh-va-cach-khac-phuc-danh-cho-me-voh

Cho bé bú vào ban đêm là một trong những nguyên nhân có thể khiến mẹ bị mất ngủ (Nguồn: Internet)

Một số mẹ bị mất ngủ sau sinh con là do phải thức dậy cho bé bú lúc nửa đêm, đặc biệt những rối loạn về giấc ngủ này thường xảy ra trong vài đầu sau sinh.

1.4 Rối loạn tâm lý sau sinh

Những cảm xúc khác nhau sau sinh như lo lắng, căng thẳng, tâm lý bất ổn do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ người thân... cũng có thể dẫn đến sự thay đổi về giấc ngủ và đôi khi gây ra chứng mất ngủ.

2. Chứng mất ngủ sau sinh có triệu chứng gì?

Phụ nữ sau sinh nếu gặp phải triệu chứng mất ngủ trầm trọng thường sẽ đi cùng với các triệu chứng trầm cảm như:

  • Tâm trạng thất thường
  • Dễ bị kích động
  • Luôn có cảm giác buồn bã
  • Thường hay lo lắng quá mức

Nếu chị em có bất cứ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên thì nên đến gặp bác sĩ, bởi với một số người bị mất ngủ sau sinh có thể sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác.

3. Mất ngủ sau sinh có thể gây ra những tác hại nào?

Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, cáu gắt, dễ nóng giận. Đặc biệt, nếu đang trong thời gian cho con bú, tâm trạng mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ tiết ra, gây tắc sữa hoặc mất sữa.

Mất ngủ còn là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm sau sinh. Ở dạng nhẹ, chứng trầm cảm sẽ tác động đến tâm lý, khiến mẹ thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực với cuộc sống, không hứng thú trong việc chăm sóc con và bản thân. Nặng hơn, người mẹ sẽ không muốn giao tiếp, chăm sóc con, thậm chí còn xuất hiện cảm giác chán ghét chính con ruột của mình.

4. 7 cách giúp mẹ điều trị mất ngủ sau sinh

Để làm giảm tình trạng bị mất ngủ sau sinh con, mẹ có thể thử áp dụng một số biện pháp như:

4.1 Chia sẻ công việc và tập thói quen đi ngủ sớm

Nếu mẹ cảm thấy mệt mỏi và đuối sức trong việc chăm sóc bé thì mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của chồng hoặc người thân trong gia đình.

Ngoài ra, nên tập thói quen đi ngủ sớm nếu có thời gian. Trường hợp không thể ngủ được mẹ hãy thử các kỹ thuật giúp thư giãn như tắm nước nóng, uống trà thảo dược... để giúp xoa dịu trí óc và thúc đẩy giấc ngủ ngon.

4.2 Tăng cường vận động và các hoạt động thư giãn

4-nguyen-nhan-gay-mat-ngu-sau-sinh-va-cach-khac-phuc-danh-cho-me-1-voh

Tạo tâm lý thoải mái, thư giãn sẽ giúp mẹ đi vào giấc ngủ được dễ dàng hơn (Nguồn: Internet)

Nhiều mẹ sau sinh bị mất ngủ vì luôn cảm thấy khó ngủ. Để cải thiện mẹ có thể thực hiện những vận động với cường độ vừa phải như đi dạo, nghe nhạc, đọc sách, nói chuyện với người thân, bạn bè để giúp giải tỏa tâm trạng, thư giãn và dễ ngủ hơn.

4.3 Theo dõi giấc ngủ

Đối với một số mẹ sau khi sinh, ngủ trưa hay những giấc ngủ ngắn ban ngày có thể làm họ khó ngủ hơn vào ban đêm. Trong trường hợp này mẹ nên theo dõi và ghi lại để biết nguyên nhân mất ngủ sau khi sinh, từ đó cân đối giờ ngủ cho phù hợp để mẹ có thể cảm thấy khỏe mạnh và thoải mái nhất.

4.4 Bổ sung khoáng chất

Magiê và sắt đóng vai trò nổi bật trong việc ngăn ngừa rối loạn thần kinh. Chúng giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon và đánh bại trạng thái trầm cảm. Vì thế, mẹ có thể chữa chứng mất ngủ sau sinh bằng cách bổ sung những khoáng chất này vào cơ thể thông qua chế độ ăn uống hoặc các loại thuốc uống, thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ.

4.5 Hạn chế căng thẳng

Căng thẳng sẽ làm mẹ mệt mỏi và làm cho việc đi vào giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Vì thế, hãy cố gắng không lo lắng hoặc căng cẳng về mọi thứ. Một số biện pháp làm giảm căng thẳng như: ngồi thiện, tập yoga, đi bộ, nghe nhạc...

4.6 Tập hít thở sâu và các kỹ thuật thư giãn cơ

Các bài tập thở đơn giản có thể khiến mẹ cảm thấy buồn ngủ và giúp thư giãn hơn. Ngoài ra, những bài tập thư giãn cơ cũng giúp mẹ được bình tĩnh và làm cho mẹ dễ đi vào giấc ngủ.

4.7 Tắt tất cả các thiết bị điện tử một giờ trước khi đi ngủ

Các thiết bị điện tử như máy vi tính, điện thoại di động và tivi sẽ kích thích hoạt động của não, làm rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, ánh sáng phát ra từ các thiết bị này cũng sẽ làm giảm hàm lượng melatonin, khiến các mẹ khó đi vào giấc ngủ.

Lưu ý: Hạn chế việc sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ để vượt qua chứng mất ngủ, vì những thành phần trong các loại thuốc này có thể làm ảnh hưởng đến sữa mẹ và sức khỏe của con.