Nhau thai là gì? Mẹ bầu có thể gặp những vấn đề nào về nhau thai?

(VOH) – Nhau thai được xem là mối liên kết và là con đường vận chuyển chất dinh dưỡng giữa thai nhi và người mẹ. Vậy nhau thai là gì và nếu nhau thai có vấn đề thì có nguy hiểm đến thai nhi không?

1. Nhau thai là gì?

Nhau thai (hay còn gọi là nhau, bánh nhau) được gắn vào thành tử cung, thường là phía trên, bên cạnh, phía trước hoặc phía sau tử cung và dây rốn của bé mọc ra từ đó. Trong một số trường hợp hiếm, nhau thai có thể bám vào phần dưới tử cung (nhau tiền đạo).

Nhau là một cơ quan rất quan trọng nối thai nhi với cơ thể người mẹ thông qua dây rốn. Đây là một cơ quan đặc biệt, duy nhất mà cơ thể tạo ra khi người phụ nữ mang thai và tự loại bỏ trong quá trình sinh con.

Trong giai đoạn thai kỳ, nhau thai đảm nhận nhiệm vụ lọc oxy, đường và các chất dinh dưỡng từ máu của mẹ cung cấp cho thai nhi thông qua dây rốn. Đồng thời, nhau cũng lọc ra các chất có thể gây hại cho thai nhi, loại bỏ carbon dioxide và các chất thải ra khỏi máu của em bé.

Ngoài ra, nhau thai còn tiết ra một số kích thích tố cần thiết cho cơ thể người mẹ, chẳng hạn như: lactogen, estrogen và progesterone....

Bên cạnh đó, bánh nhau như một hàng rào phòng vệ giúp máu của mẹ không xâm lấn máu của thai nhi, tránh cho bé khỏi các nguy cơ bị nhiễm trùng. Vào cuối thai kỳ, nhau truyền các kháng thể từ cơ thể mẹ để bảo vệ trẻ sau khi được sinh ra.

nhau-thai-la-gi-me-bau-co-the-gap-nhung-van-de-nao-ve-nhau-thai-voh

Nhau thai được cơ thể tạo ra khi người phụ nữ mang thai và sẽ tự loại bỏ trong quá trình sinh con (Nguồn: Internet)

Sau khi sinh, cơ thể mẹ sẽ không cần đến nhau thai nữa. Nếu trẻ sinh theo đường tự nhiên, cơ thể mẹ sẽ tự đẩy nhau ra ngoài qua đường âm đạo. Nếu sinh mổ, bác sĩ sẽ lấy bánh nhau ra khỏi tử cung của mẹ. Nhau thai thường có trọng lượng từ 0.4 – 0.9kg, hình tròn và dẹt, bề mặt nổi nhiều gân máu trong như gân lá sen khô.

Lưu ý: Sau khi sinh con, toàn bộ bánh nhau phải được loại hoàn toàn ra khỏi tử cung. Nếu bị sót nhau thau, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ để ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng.

1.1 Nhau thai được hình thành như thế nào?

Các bác sĩ cho biết, 3 tuần sau khi trứng được thụ tinh, nang buồng trứng (hoàng thể) sẽ phân rã, bắt đầu sản xuất hormone progesterone và cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi.

Khi thai được 4 tuần, phôi sẽ bám vào thành tử cung. Một số tế bào của phôi tách ra, bám sâu hơn vào lớp niêm mạc tử cung. Một trong những tế bào đó sẽ hình thành và phát triển thành bánh nhau.

Trong tuần thứ 12 của thai kỳ, bánh nhau có cấu trúc hoàn chỉnh và sẽ tiếp tục tăng trưởng theo kích thước của bé. Chính sự tăng trưởng này đã giúp bánh nhau có thể cung cấp nhiều oxy và dưỡng chất hơn cho bé.

2. Những yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến nhau thai

Có rất nhiều tác nhân có thể ảnh hưởng đến nhau thai trong suốt thai kỳ. Chẳng hạn như:

  • Tuổi của người mẹ: Những thai phụ lớn tuổi, đặc biệt sau tuổi 40 sẽ dễ gặp phải một số vấn đề về nhau thai hơn.
  • Vỡ ối sớm: Suốt thai kỳ, em bé của mẹ được bao bọc bởi một màng chứa dịch gọi là túi ối. Tuy nhiên, nếu túi ối bị vỡ trước khi mẹ chuyển dạ, nguy cơ xảy ra các vấn đề về nhau sẽ tăng lên.
  • Tăng huyết áp: Những thai phụ bị tăng tăng huyết áp khi mang thai cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nhau thai.
  • Song hoặc đa thai: Nếu người mẹ đang mang thai nhiều hơn một bé thì nguy cơ nhau thai có vấn đề sẽ tăng lên.
  • Rối loạn đông máu: Bất kì tình trạng nào làm khả năng đông máu diễn tiến bất thường sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải một số vấn đề về nhau thai.
  • Đã từng phẫu thuật tử cung: Nếu người mẹ từng có can thiệp ngoại khoa vào tử cung, như phẫu thuật mổ lấy thai hoặc cắt u xơ tử cung thì sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề liên quan đến nhau thai
  • Những vấn đề của nhau thai trước đây: Nếu trong lần mang thai trước thai phụ đã gặp phải các vấn đề của nhau thai, rất có thể sẽ gặp lại các vấn đề tương tự ở lần mang thai tiếp theo.
  • Lạm dụng thuốc: Một số vấn đề nhau thai thường gặp ở các phụ nữ hút thuốc lá hoặc lạm thuốc trong suốt thai kỳ.
  • Chấn thương bụng: Chấn thương bụng như ngã hoặc va chạm khác dễ làm tăng nguy cơ bóc tách nhau thai.

nhau-thai-la-gi-me-bau-co-the-gap-nhung-van-de-nao-ve-nhau-thai-1-voh

Có rất nhiều yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến nhau thai (Nguồn: Internet)

3. Những vấn đề nào thường hay gặp ở nhau thai?

Suốt thai kỳ, những vấn đề có thể xảy ra quanh nhau thai là: nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược hoặc sót nhau sau sinh.

  • Nhau bong non: Nếu nhau bị tróc ra khỏi thành tử cung trước khi sinh, dù là một phần hay hoàn toàn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy và dinh dưỡng của thai nhi và làm mẹ bị chảy máu nghiêm trọng. Nhau bong non cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng em bé sinh sớm hơn dự kiến.
  • Nhau tiền đạo: Tình trạng này xảy ra khi nhau thai lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng suốt thai kỳ và lúc lâm bồn.
  • Nhau cài răng lược: Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu và các bộ phận khác của nhau thai phát triển sâu vào thành tử cung. Thông thường, nhau thai sẽ tự tách khỏi thành tử cung sau sinh, nhưng với nhau cài răng lược, một phần hoặc toàn bộ nhau thai vẫn dính chặt vào tử cung, gây mất máu nghiêm trọng sau sinh.
  • Sót nhau thai: Nếu nhau thai không được đẩy ra trong vòng 30 phút sau sinh sẽ được gọi là sót nhau thai. Sót nhau có thể xảy ra bởi nhau bị mắc sau cổ tử cung một phần hoặc nhau vẫn còn bám vào thành tử cung. Nếu không được can thiệp, sót nhau có thể gây nhiễm trùng nặng hoặc mất máu nhiều đe dọa tính mạng của sản phụ.

nhau-thai-la-gi-me-bau-co-the-gap-nhung-van-de-nao-ve-nhau-thai-2-voh

Thai phụ nên thăm khám bác sĩ sớm ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường (Nguồn: Internet)

Để tránh những vấn đề liên quan đến nhau thai có thể xảy ra, các bác sĩ thường khuyến cáo thai phụ cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi có những triệu chứng sau đây:

  • Chảy máu âm đạo.
  • Đau bụng.
  • Đau lưng nặng.
  • cơn gò tử cung bất thường.

4. Thai phụ cần làm gì để giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề nhau thai?

Hầu hết các vấn đề liên quan đến nhau thai không thể ngăn chặn trực tiếp. Tuy nhiên, thai phụ có thể thực hiện các bước sau để có một thai kỳ khỏe mạnh.

  • Thăm khám bác sĩ thường xuyên trong suốt thai kỳ hoặc nhận thấy có điều bất thường.
  • Không hút thuốc hoặc dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
  • Tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi quyết định mổ lấy thai chủ động.