Những đứa trẻ song sinh thường giống nhau về hình dáng bên ngoài và một phần nào đó tính cách của nhau. Tuy nhiên đó là khi bạn mang song thai cùng trứng, còn nếu mang thai khác trứng thì những đứa trẻ sinh ra sẽ có những điểm khác biệt khá đặc trưng.
1. Những điều thú vị về sinh đôi khác trứng
Không giống như mang song thai cùng trứng, song thai khác trứng xuất hiện khi hai trứng tách biệt nhau được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau, nằm trong màng ối riêng biệt trong tử cung của người mẹ và có nhau thai riêng. Trong trường hợp này, sinh đôi có thể là hai nữ, hai nam hoặc một nam và một nữ (tỉ lệ cùng giới và khác giới là 50:50).
Về mặt di truyền, hai đứa trẻ này có cấu trúc gen tương tự nhau và giống như của những người anh chị em ruột khác trong gia đình, tức là chỉ có 50% cấu trúc ADN giống nhau.
Thời gian mang thai của một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 – 42 tuần nhưng với những đứa trẻ sinh đôi khác trứng hoặc cùng trứng sẽ ngắn hơn từ 37 – 38 tuần và cân nặng trung bình của những đứa trẻ này sẽ khoảng 1.9kg.
Do thai sinh đôi khác trứng phát triển theo hướng độc lập nên những cặp song sinh này có thể sẽ khác nhau, từ những đường nét trên khuôn mặt, vóc dáng cho đến tính cách lẫn sở thích. Khi trưởng thành, mỗi em bé sinh đôi khác trứng cũng sẽ có những thiên hướng phát triển khác nhau.
2. Các trường hợp sinh đôi khác trứng
Trường hợp thường hay gặp nhất khi sinh đôi khác trứng chính là khi cơ thể người mẹ có 2 trứng rụng cùng một lúc trong một chu kỳ kinh nguyệt và được thụ thai với 2 tinh trùng riêng biệt. Hai thai nhi sẽ cùng nhau phát triển trong tử cung của người mẹ.
Sinh đôi khác trứng 2 thai nhi sẽ cùng phát triển trong tử cung của mẹ (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sinh đôi khác trứng đặc biệt với tỷ lệ tương đối thấp, đó là:
- Bội thụ tinh khác kỳ: Cũng là mang song thai nhưng điểm khác biệt ở đây là hai trứng sẽ gặp hai tinh trùng vào những thời điểm khác nhau. Tức là một trứng gặp một tinh trùng tạo thành hợp tử thứ nhất, khi hợp tử này phát triển được vài tuần thì hợp tử thứ hai mới được hình thành. Vì vậy, sau khi sinh sẽ có một bé sẽ cứng cáp và lớn hơn so với bé còn lại.
- Song sinh khác trứng - khác bố: Người mẹ có thể mang thai đôi khác trứng với 2 người đàn ông khác nhau, trường hợp này được gọi là song sinh khác trứng – khác bố. Theo đó, khi người phụ nữ đã mang thai nhưng lại rụng trứng một lần nữa, trứng này thụ tinh với tinh trùng của người khác và phát triển song song với thai nhi đã được hình thành trước đó.
3. 5 yếu tố làm tăng khả năng sinh đôi khác trứng
Nếu như sinh đôi cùng trứng là sự may mắn thì sinh đôi khác trứng lại có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau:
3.1 Lịch sử gia đình
Nếu trong gia đình bạn có anh/chị/em sinh đôi giống mình (khác trứng) thì có khả năng bạn cũng sẽ mang thai đôi khác trứng. Tuy nhiên, nếu chồng bạn có anh/chị/em sinh đôi thì đều này sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội sinh đôi khác trứng của bạn, vì bạn mới là người ‘sản xuất’ trứng.
3.2 Vóc dáng người mẹ
Một nghiên cứu gần đây phát hiện rằng những người phụ nữ có chỉ số cơ thể (BMI) lớn lơn 30 rất dễ mang thai đôi, đặc biệt là sinh đôi khác trứng.
3.3 Tuổi của mẹ
Mặc dù, phụ nữ lớn tuổi mang thai sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng những người này lại có nhiều khả năng mang thai đôi, nhất là sinh đôi khác trứng. Nguyên nhân là do vào thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng của phụ nữ rụng nhiều trứng hơn mỗi kỳ và cơ thể tiết ra nhiều nội tiết tố estrogen nên làm tăng khả năng thụ tinh một cách bất thường.
3.4 Mang thai nhiều lần
Nếu đã mang thai nhiều lần trước đây thì bạn cũng sẽ có nhiều khả năng sinh đôi hơn. Càng có thai nhiều thì khả năng sinh đôi khác trứng càng cao.
3.5 Áp dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản
Nếu áp dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm sẽ giúp kích thích trứng rụng nhiều hơn trong mỗi tháng, từ đó làm tăng khả năng mang thai đôi, nhất là là thai đôi khác trứng.
4. Làm thế nào để nhận biết đang mang song thai khác trứng?
Ở thời kỳ đầu của thai kỳ, người mẹ hoàn toàn có thể xác định được việc mình mang đơn thai hay song thai thông qua kiểm tra siêu âm, tuy nhiên lúc này vẫn chưa thể phân biệt là sinh đôi cùng trứng hay khác trứng. Người mẹ chỉ có thể biết được mình mang thai song sinh cùng trứng hay khác trứng sau 12 tuần thai.
Có một số trường hợp dù đã được bác sĩ xác định là thai đôi nhưng khi sinh ra chỉ có một bé, trường hợp này được gọi là thai song sinh biến mất. Hiện nay, khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân của sự biến mất này.
4.1 Những rủi ro có thể gặp phải khi mang song thai khác trứng
Cũng giống như mang song thai cùng trứng, người có cặp sinh đôi khác trứng có thể sẽ gặp phải những rủi ro sau:
- Sinh mổ
- Sinh non và nhẹ cân do một tử cung của người mẹ phải chứa hai thai nhi
- Gây cao huyết áp
- Tăng khả năng bị tiểu đường thai kỳ
- Có thể bị nhau tiền đạo
- Thời gian hồi phục lâu hơn sau khi sinh.
Việc mang thai và sinh đôi hiện nay không phải là chuyện hiếm, tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì thế, nếu muốn sinh con thì ngay bây giờ các mẹ hãy lên kế hoạch thật kỹ và chi tiết hoặc có thể đến gặp bác sĩ bác sĩ chuyên môn để có được những lời khuyên bổ ích cho cả vợ chồng.