Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Rạch tầng sinh môn khi sinh có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Rạch tầng sinh môn khi sinh nở là một thủ thuật được áp dụng đối với phụ nữ sinh thường. Thế nhưng, nhiều mẹ sau sinh lại bị ám ảnh với những cảm giác đau rát, khó chịu...sau khi bị rạch tầng sinh môn

Đối với những mẹ bầu sinh thường, việc rạch và khâu tầng sinh môn là điều khó tránh khỏi. Đây là một loại phẫu thuật nhằm mở rộng đường ra cho thai nhi qua ngả âm đạo, ngăn ngừa một số tổn thương và chấn thương nghiêm trọng ở âm đạo trong lúc sinh.

1. Tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là khoảng trống nằm giữa hậu môn và âm hộ của nữ giới, có chiều dài 4 – 5cm, nằm ở phần nông của sàn chậu. Đây là một bộ phận gồm các cân cơ, dây chằng bịt phía dưới khung chậu.

Chức năng của tầng sinh môn là bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng.

Trong quá trình sinh nở, tầng sinh môn sẽ giãn nở để đưa thai nhi ra ngoài an toàn. Những trường hợp tầng sinh môn không giãn nở tốt thì sản phụ sẽ phải rạch tầng sinh môn để em bé có thể ra ngoài.

1.1 Những trường hợp bắt buộc phải rạch tầng sinh môn

Không phải trường hợp nào cũng bắt buộc rạch tầng sinh môn. Một số chị em dễ đẻ sẽ không phải động đến dao kéo. Một số khác, để việc sinh nở diễn ra suông sẻ, bác sĩ thường sẽ rạch một đường nhỏ trên tầng sinh môn để thai nhi an toàn chào đời.

rach-tang-sinh-mon-khi-sinh-co-anh-huong-gi-den-suc-khoe-voh

Rạch tầng sinh môn khi sinh để việc sinh nở diễn ra an toàn và suôn sẻ hơn (Nguồn: Internet)

Đặc biệt có một số trường hợp sản phụ chắc chắn sẽ phải thực hiện thủ thuật này là:

  • Sản phụ có độ co giãn tầng sinh môn kém, bị viêm âm đạo, phù nề...
  • Thai nhi có đường kính đầu to khiến bé bị chặn lại ở đáy chậu.
  • Bà bầu trên 35 tuổi, mắc bệnh tim khi mang thai hoặc có nguy cơ bị cao huyết áp thai kỳ...
  • Cổ tử cung rộng, đầu thai nhi thấp nhưng thai nhi lại có hiện tượng thiếu oxy máu, nhịp tim bất thường, nước ối đục hoặc bị trộn với phân su. Trường hợp này cần phải rạch tầng sinh môn rộng để lấy con ra ngoài nhanh chóng.

1.2 Vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì lành?

Vết rạch tầng sinh môn sau khi được khâu xong sẽ cần có thời gian hồi phục và lành lại. Thông thường, các chị em sẽ mất khoảng 7 - 14 ngày mới hết cảm giác đau và khó chịu, tuy nhiên, đây không phải là thời gian chính xác tuyệt đối bởi nó còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Điều quan trọng là sản phụ sau sinh cần phải giữ gìn, chăm sóc và giữ cho vùng khâu sạch sẽ để giúp mau liền và không gặp phải những rủi ro khi rạch tầng sinh môn.

2. Những ảnh hưởng thường gặp khi rạch tầng sinh môn

Sản phụ thực hiện thủ thuật cắt tầng sinh môn mặc dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Việc tiến hành thủ thuật này làm tăng nguy cơ mất máu trong lúc sinh và tăng tỷ lệ nhiễm trùng.

rach-tang-sinh-mon-khi-sinh-co-anh-huong-gi-den-suc-khoe-1-voh

Phụ nữ sau khi trải qua thủ thuật cắt tầng sinh môn có thời gian hồi phục lâu hơn bình thường. Ảnh minh hoạ: Nguồn: Internet

Những phụ nữ sau khi trải qua thủ thuật cắt tầng sinh môn sẽ cần phải có thời gian hồi phục lâu hơn và thường bị đau đớn, mất tự chủ trong việc đi tiểu, ngay cả khi vết mổ đã lành.

Thủ thuật rạch tầng sinh môn cũng làm tăng nguy cơ rách âm hộ nghiêm trọng. Nếu vết khâu tầng sinh môn không được chăm sóc vệ sinh kỹ càng có thể sẽ khiến vết khâu bị hở, bị bục chỉ...

3. Làm gì để giảm đau và giúp tầng sinh môn hồi phục nhanh chóng?

  • Vết rạch tầng sinh môn có thể khiến cho vị trí tại vùng chậu bị sưng, để giúp vùng đáy chậu giảm sưng, mẹ có thể dùng đá lạnh bọc bằng khăn mềm và chườm tại chỗ sưng.
  • Sau khi may tầng sinh xong, mẹ cần chú ý vệ sinh cơ thể đúng cách để tránh nhiễm trùng bằng cách rửa sạch vùng kín bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ, sau đó lau khô bằng khăn mềm hoặc khăn giấy dùng một lần.
  • Nêu lau từ trước ra sau mỗi khi đi tiểu hoặc đi ngoài để tránh đưa vi khuẩn, vi trùng từ trực tràng vào vùng âm đạo. Rửa cẩn thận tầng sinh môn để giữ vệ sinh.
  • Trong lúc đi tiểu mẹ có thể dùng vòi sen mở nước ấm xối nhẹ nhàng vào vùng kín để giảm cảm giác đau buốt khi tiểu.
  • Cần thay băng vệ sinh đối đa 4 tiếng/lần và phải nhớ rửa sạch tay trước và sau khi thay băng.
  • Cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh việc đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế vì sẽ dễ dẫn đến sưng đau, khó chịu, thậm chí gây tắc nghẽn máu trong khu vực âm đạo.
  • Tắm bằng nước ấm 2 lần mỗi ngày, mỗi lần không quá 20 phút. Để giúp giảm đau vùng tầng sinh môn mẹ cũng có thể thực hiện phương pháp ‘Tắm sitz – tắm ngồi’. Đây là một giải pháp giúp giảm đau đơn giản, mẹ chỉ cần để mức nước đạt đến khoảng 7.5 – 10cm, sử dụng nước ấm sạch, có thể thêm một ít muối biển sạch, ngồi ngâm từ 15 - 30 phút để vết rạch giảm sưng đau.
  • Hạn chế mặc đồ lót ôm sát, sử dụng đồ lót làm bằng chất liệu cotton để thấm hút mồ hôi.
  • Tuyệt đối không được tự ý thụt rửa hay chà xát âm đạo.

Lưu ý: Với những trường hợp mẹ bị táo bón sau sinh thì nên uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc nhuận tràng. Không nên dùng thuốc xổ hay các phương pháp điều trị trực tràng khác...

3.1 Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Nếu mẹ bầu bị đau, sưng tầng sinh môn kéo dài và ngày càng nặng hơn hoặc có cảm giác căng kéo đáy chậu khiến việc di chuyển gặp khó khăn thì nên đi đến gặp bác sĩ.

Ngoài ra, cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu sản phụ có các dấu hiệu nhiễm trùng như: âm đạo rỉ dịch, có mùi hôi, mưng mủ, chảy máu âm đạo...

Bình luận