Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tất tần tật những điều mẹ cần biết ở trẻ 22 tháng tuổi

(VOH) – Ở giai đoạn gần 2 tuổi, bé có thể hơi cau có và tỏ thái độ, vẫn thích chạy nhảy và tính cách của bé cũng đang được thể hiện một cách rõ ràng. Vậy trẻ 22 tháng tuổi phát triển những gì?

Trẻ 22 tháng tuổi đang học thêm những kỹ năng mới, bé có thể thất vọng khi gặp khó khăn trong lúc làm điều trẻ muốn hoặc khi không được người lớn cho phép. Vì các kỹ năng của bé vẫn đang phát triển mỗi ngày, nên mẹ hãy chú ý quan sát để chăm sóc con trẻ thật tốt.

1. Bé 22 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Rất nhiều cha mẹ đều muốn biết trẻ 22 tháng tuổi nặng bao nhiêu cân, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để mẹ theo dõi sự phát triển của trẻ. Theo bảng cân nặng từ Viện dinh dưỡng quốc gia, các chỉ số cân nặng của trẻ 22 tháng tuổi sẽ nằm trong khoảng sau đây:

1.1 Bé trai

  • Cân nặng: từ 10.5 – 13.2kg, trung bình 11.8kg
  • Chiều cao: từ 80.5 – 86cm, trung bình 83cm

1.2 Bé gái

  • Cân nặng: từ 9.8 – 12.6kg, trung bình 11.1kg
  • Chiều cao: từ 78.4 – 90.8cm, trung bình 84.6cm

Đây là những mức giới hạn cân nặng, chiều cao mà trẻ 22 tháng tuổi cần đạt được. Theo dõi kỹ các chỉ số cân nặng của trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể can thiệp và điều chỉnh kịp thời các tình trạng thấp còi, hay béo phì ở trẻ.

2. Bé 22 tháng tuổi biết làm gì?

Bé yêu của mẹ đang phát triển rất tốt trong 21 tháng vừa qua. Ở tháng 22 này, bé sẽ có thêm một số kỹ năng mới đó là:

2.1 Kỹ năng vận động

Kỹ năng vận động của trẻ 22 tháng tuổi vẫn phát triển, tuy nhiên có phần chậm hơn so với trước đó. Ở tháng này, bé đã đi rất “cứng” nhưng bé lại có xu hướng lười đi và muốn mẹ bế như trước.

tat-tan-tat-nhung-dieu-me-can-biet-o-tre-22-thang-tuoi-voh-0
Mẹ có thể phát hiện ra tay thuận của con khi bé được 22 tháng tuổi (Nguồn: Internet)

Đây là thời điểm mẹ có thể phát hiện ra tay thuận của con thông qua cách chơi. Nếu bé thuận tay trái, thay vì tập cho bé đổi sang tay phải mẹ có thể tập cho bé sử dụng thành thục cả 2 tay.

2.2 Phát triển về cảm xúc, nhận thức

Bé giờ đây đã ý thức được cách hành động của mình, vì thế, mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc đơn giản như rửa tay trước khi ăn, cất gọn đồ chơi của mình sau khi chơi xong....

Ngoài ra, cảm xúc của con cũng được thể hiện rất rõ ràng như buồn, vui, cáu, giận.... Bé sẽ thích chơi với nhiều người hơn là thích chơi một mình như trước đây.

2.3 Phát triển ngôn ngữ và lời nói

Giao tiếp giữa bé và mẹ sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Bé có thể nói cùng lúc 2 – 3 từ để diễn tả câu nói của mình. Số lượng từ ngữ của bé đã tăng lên khoảng 50 -100 từ.

Trẻ 22 tháng tuổi sẽ có xu hướng sử dụng danh từ nhiều hơn động từ, bởi trong thế giới của bé danh từ thường cụ thể và dễ hiểu hơn động từ.

Lưu  ý, trẻ 22 tháng tuổi nếu chưa biết nói hoặc chậm nói thì đây là một vấn đề cần phải được thăm khám, vì có thể trẻ đang bị chậm phát triển ngôn ngữ. Cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ để có thể khắc phục sớm nhất.

Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và cách khắc phục hiệu quả nhanh

3. Dinh dưỡng cho bé 22 tháng tuổi

Trẻ 22 tháng tuổi cần được ăn nhiều loại thức ăn bổ dưỡng để giúp bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Thực đơn ăn của con sẽ giống với gia đình nhưng với khẩu phần ít hơn. Bé cần được 3 ăn bữa một ngày. Nguồn thực phẩm cần ưu tiên cho trẻ là thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, ngũ cốc, các loại rau chứa nhiều sắt và vitamin C.

Bên cạnh các bữa ăn chính, bé cần ăn thêm những bữa ăn phụ để bù đắp năng lượng tiêu hao trong các trò chơi vận động của bé như sữa chua, hoa quả tươi, bánh quy.... Nên cho trẻ ăn hoa quả khoảng 20 phút sau bữa ăn, không nên cho trẻ ăn hoa quả trước lúc đi ngủ vì sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé.

Sữa luôn là thức uống cần thiết cho trẻ, bé cần được cung cấp đủ 500ml sữa hàng ngày. Ngoài sữa mẹ, mẹ cũng có thể cân nhắc lựa chọn các loại sữa công thức có các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: DHA, lutein, ARA, taurine, vitamin D để giúp trẻ phát triển trí não và chiều cao....

Nếu mẹ muốn cai sữa cho bé ở tháng tuổi này vẫn có thể được nhưng cần thực hiện chậm rãi. Nếu mẹ thực hiện cai sữa quá nhanh, mẹ có thể bị tắc tia sữa. Ngoài ra, việc cai sữa nhanh cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của con.

Xem thêm: 3 cách đơn giản giúp mẹ cai sữa cho bé thành công, ngại gì không thử?

4. Giấc ngủ của trẻ 22 tháng tuổi

Hầu hết trẻ 22 tháng tuổi đều cần ngủ khoảng 11-12 giờ vào ban đêm cùng với một giấc ngủ ngắn khoảng 1 -2 tiếng.

Đây là giai đoạn các bé thích chơi đùa hơn là đi ngủ, vì thế, tình trạng bé ngủ trễ hoặc không chịu ngủ có thể sẽ thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, giấc ngủ đối với trẻ những năm đầu đời lại vô cùng quan trọng, vì thế, mẹ hãy cố gắng tập cho bé đi ngủ đúng giờ mỗi đêm bằng cách âu yếm, vỗ về bé hoặc kể chuyện cho bé nghe trước giờ ngủ của con.

Một số trẻ thường giật mình khóc thét hoặc la hét giữa đêm khi đang ngủ. Điều này xảy ra do bé đang gặp vấn đề như: bé đang lo lắng, đang mọc răng hoặc bị thay đổi thói quen ngủ. Khi gặp trường hợp này, mẹ đừng đánh thức bé khi bé đang say ngủ, chỉ cần giúp trẻ trở lại giấc ngủ bằng cách thủ thỉ nhẹ nhàng, âu yếm trẻ để giúp bé an tâm khi ngủ.

Xem thêm: Mách mẹ 7 mẹo giúp bé ngủ ngon giấc vào ban đêm, không bị giật mình khi ngủ

5. Cách giáo dục trẻ 22 tháng tuổi

Khi trẻ được 22 tháng tuổi, trẻ đã có thêm rất nhiều cảm xúc mới mẻ nhưng lại không biết cách chia sẻ chúng. Bé thường học bằng cách quan sát mọi người xung quanh. Vì thế, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây để giúp con phát triển:

5.1 Dạy bé tính kiên trì

Mẹ có thể khuyến khích bé làm những việc đơn giản như xây dựng một tòa tháp nhỏ bằng cách ghép các hình khối lại với nhau. Điều này giúp trẻ rèn luyện được kỹ năng vận động và cũng dạy bé tính kiên trì để hoàn thành công việc.

tat-tan-tat-nhung-dieu-me-can-biet-o-tre-22-thang-tuoi-voh-1
Trẻ 22 tháng tuổi cần được rèn luyện tính kiên trì (Nguồn: Internet)

5.2 Giúp bé tăng khả năng sáng tạo

Khi bé đã dần thành thạo với bút màu và cọ vẽ, mẹ có thể mua cho bé thêm các loại sơn, vẽ và dán để bé tiếp tục “vẽ” những gì mình thích. Đây là cách để giúp bé phát triển khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng và các kỹ năng vận động tinh.

5.3 Thể hiện cảm xúc của mẹ cho bé thấy

Bé 22 tháng tuổi luôn quan sát người lớn để học hỏi và sao chép hành vi. Vì thế, mẹ có thể truyền đạt cảm xúc của mình cho trẻ bằng những cách thích hợp thay vì im lặng hay la hét. Ví dụ, mẹ có thể nói với bé rằng “hôm nay mẹ thất vọng” khi bé làm bể một cái ly, thay vì đánh hoặc la bé.

5.4 Khen thưởng cho bé

Khi bé làm được một điều gì đó mà mẹ thích mẹ hãy tập trung sự chú ý vào bé và dành cho bé những lời khen ngợi. Đây là cách hiệu quả nhất để khuyến khích hành vi tốt cho trẻ trong tương lai.

5.5 Cho bé tham gia chơi cùng trẻ khác

Cho trẻ chơi với những đứa bé khác là cách giúp trẻ xây dựng các kỹ năng xã hội và cũng là cơ hội để trẻ kết bạn. Mẹ có thể đưa bé đến công viên hoặc đến các khu vui chơi dành cho trẻ em để bé có thể gặp gỡ nhiều bạn bè cùng trang lứa.

6. Chăm sóc trẻ 22 tháng tuổi

Khi chăm sóc trẻ 22 tháng tuổi, mẹ cần lưu ý đến các vấn đề sau đây:

6.1 Chăm sóc răng miệng

Trẻ 22 tháng tuổi gần như đã mọc răng đầy đủ, vì thế việc vệ sinh răng miệng cho bé là cần thiết để tránh gặp phải các bệnh lý về răng miệng như sâu răng.

Mẹ đã có thể tập cho trẻ đánh răng hằng ngày với kem đánh răng không chứa flour để không làm ảnh hưởng đến men răng của trẻ nhưng răng miệng vẫn sạch sẽ, thơm tho.

6.2 Chăm sóc sức khỏe

Khi thấy trẻ bị cảm, sốt, ho, sổ mũi.... hãy chú ý chăm sóc bé kỹ càng. Trường hợp nghiêm trọng hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm.

Nếu thấy con có biểu hiện thu mình lại, không thích giao du, giao tiếp với ai... thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cần đưa bé đến chuyên gia tâm lý để được trao đổi thêm.

Các vấn đề về táo bón và tiêu chảy vẫn có thể xảy ra giai đoạn này, vì thế, cần chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến để đảm bảo hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh.

Bôi kem chống nắng cho bé và dạy bé cách bảo vệ da khỏi cháy nắng, đội mũ khi ra ngoài. Tốt nhất là nên chơi ở những nơi dưới bóng cây và chỉ nên chơi ngoài trời trước 10 sáng và sau 3 giờ chiều.

6.3 Các mũi tiêm phòng cho bé

Thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ cho bé. Tiêm vacxin chính là cách tốt nhất để bảo vệ bé yêu khỏi một số bệnh lý nguy hiểm.

Nhìn chung, giai đoạn trẻ 22 tháng tuổi vẫn đang tiếp tục phát triển những kỹ năng quan trọng trong cuộc đời. Cha mẹ nên nắm rõ các cột mốc và đồng hành cùng con để bé không gặp khó khăn. Khi phát hiện bé có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận