Thai nhi 1 tuần tuổi: Sự khởi đầu hành trình làm mẹ

(VOH) – Thai nhi 1 tuần tuổi thực chất vẫn chưa có sự hình thành rõ ràng. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn tính đây là 1 phần của thai kỳ vì ngày dự sinh được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối.

1. Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào ?

Thông thường, người phụ nữ sẽ rụng trứng vào khoảng ngày 12 – 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Trong khoảng thời gian này, nếu trứng gặp tinh trùng quá trình thụ tinh sẽ diễn ra.

Bạn sẽ không thể biết được chuyện gì xảy ra trong quá trình thụ tinh, bởi sự thụ thai thường diễn ra âm thầm và hiếm khi có biểu hiện ra bên ngoài.

Hiểu đơn giản, có một khoảng thời gian ngắn để trứng tách ra khỏi buồng trứng. Sau đó mất khoảng 12 – 24 tiếng để trứng di chuyển từ buồng trứng đến ống dẫn trứng. Đây là nơi mà trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh.

Thông thường, chỉ một tinh trùng duy nhất đi được vào trong lõi trứng. Tại thời điểm đã tiếp nhận tinh trùng, trứng sẽ hình thành một lớp tường bảo vệ bên ngoài để ngăn những sự xâm nhập khác. Nếu một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng và sau đó bị chia tách, người phụ nữ sẽ mang thai song sinh ngay từ thời điểm khởi đầu này.

thai-nhi-1-tuan-tuoi-su-khoi-dau-hanh-trinh-lam-me-voh

Thai nhi 1 tuần tuổi thực chất vẫn chưa có sự hình thành bào thai (Nguồn: Internet)

Trứng được thụ tinh được gọi là hợp tử và được được chia thành nhiều tế bào, lúc đầu chỉ có 2 tế bào, đến ngày thứ 3 sẽ nhân lên thành 12. Trong giai đoạn này, hợp tử vẫn nằm trong ống dẫn trứng và đang tìm đường xuống tử cung để làm tổ và phát triển.

Một số lông mao nằm trong đường ống dẫn trứng sẽ tạo thành “làn sóng” để ngăn cản hợp tử đứng yên ở vị trí “không dành cho nó”. Thông thường, mất khoảng 60 phút để hợp tử được đẩy xuống tử cung. Lúc này đã có khoảng 60 tế bào được hình thành và đều được phân chia nhiệm vụ, chức năng riêng biệt. Các tế bào bên ngoài sẽ hình thành nhau thai, tế bào bên trong sẽ hình thành thai nhi.

Sau khi thụ tinh khoảng 1 tuần, trứng sẽ làm tổ ở thành tử cung. Bây giờ thì có khoảng 100 tế bào được liên kết với nhau và gọi là phôi thai. Ở thời điểm này, nội tiết tố mang thai (hCG) được sản xuất và chất này có thể đo được bằng cách xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu.

Lưu ý: Một số phụ nữ có thể bị chảy một ít máu ở thời điểm trứng đã được thụ tinh làm tổ bên trong thành tử cung, dân gian gọi là máu báo thai. Tuy nhiên, bạn có thể nhầm lẫn giữa máu báo thai và máu trong kỳ kinh nguyệt.

2. Sự phát triển của thai nhi 1 tuần tuổi như thế nào?

Kỳ thực sự phát triển của thai nhi 1 tuần tuổi không có nhiều khác biệt so với bình thường, bởi đây thực chất là tuần nguyệt san của bạn. Vì ngày sinh dự kiến của bạn được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng, do đó tuần này được tính là một phần của thai kỳ 40 tuần của bạn mặc dù em bé vẫn chưa được hình thành rõ ràng về hình dáng và kích thước.

Tuy nhiên, không vì thế mà tuần tuần tiên ít quan trọng, bởi đây là thời điểm để bạn lên kế hoạch và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

3. Dấu hiệu mang thai 1 tuần tuổi

Thai nhi 1 tuần tuổi vốn chưa được hình thành nên sẽ không có dấu hiệu nào để bạn có thể nhận biết là mình đang mang thai. Thông thường phải mất vài tuần sau đó, bạn mới có thể chắc chắn.

thai-nhi-1-tuan-tuoi-su-khoi-dau-hanh-trinh-lam-me-1-voh

Rất khó để nhận ra dấu hiệu mang thai ở tuần thai thứ 1 (Nguồn: Internet)

3.1 Có thai 1 tuần thử que được không?

Que thử thai là biện pháp tương đối chính xác để nhận biết bạn có đang mang thai hay không. Tuy nhiên, que thử thai thường chỉ cho hiệu quả chính xác khi bạn có dấu hiệu trễ kinh từ 5 – 7 ngày. Không áp dụng que thử thai với thai nhi 1 tuần tuổi.

4. Những điều lưu ý khi mang thai 1 tuần tuổi

Cơ thể bạn đang chuẩn bị rụng trứng. Hiện tượng này sẽ xảy ra trong khoảng ngày thứ 12 – 14 tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối trước khi mang thai. Do đó, nếu bạn có kế hoạch mang thai, đây chính là thời điểm tốt nhất để mang thai.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và em bé đang hình thành trong bụng mẹ. Do đó, trước khi mang thai mẹ nên đi tiêm chủng bởi quá trình mang thai, hệ miễn dịch của mẹ sẽ suy giảm và mẹ có nguy cơ mắc phải nhiều chứng bệnh khác. Một số loại vắc-xin mẹ có thể suy xét tiêm ngừa là:

  • Vắc-xin ngừa sởi, quai bị và rubella.
  • Vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu.
  • Vắc-xin ngừa cúm.

Ngoài ra, không cần quá lo lắng việc làm “chuyện ấy” sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Bởi em bé trong bụng mẹ được nằm trong tử cung và bao bọc bên ngoài là dịch ối – đây là môi trường tốt giúp bảo vệ bé khỏi những sang chấn từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, khi mang thai, bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lối sống sinh hoạt hàng ngày, bởi những thói quen lành mạnh và sức khỏe của bé luôn song hành với nhau.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ

4.1 Có thai 1 tuần nên kiêng gì?

  • Từ bỏ thói quen thuốc lá, rượu: Những chất có trong thuốc lá, rượu bia có thể gây dị tật bẩm sinh, hội chứng rượu bào thai, các vấn đề về hô hấp, nhẹ cân và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Thận trọng khi dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Do đó, nếu có ý định mang thai hãy cho bác sĩ biết về các loại thuốc bạn đang sử dụng.
  • Các loại hải sản: Bạn nên lưu ý khi ăn các loại cá như cá kiếm, cá ngừ xanh, cá thu... vì chúng thường chứa nhiều thủy ngân, ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển thai nhi.

4.2 Có thai 1 tuần nên ăn gì?

Trong giai đoạn này, bạn nên bổ sung axit folic mỗi ngày. Axit folic có thể giúp làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi, chẳng hạn như tật nứt đốt sống. Để chắc chắn, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung axit folic và một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Ngoài ra, bạn cần cố gắng giữ gìn sức khỏe và hoạt động đều đặn bằng cách tập thể dục. Đồng thời, bạn cũng nên đi khám sức khỏe để chắc chắn rằng bạn có một thể trạng tốt cho việc mang thai.