Thông thường, thai 40 tuần đã được xem là đủ ngày đủ tháng để chào đời. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 5% thai phụ sẽ sinh con đúng với ngày dự sinh của của bác sĩ. Còn lại là những trường hợp sinh sớm hơn hoặc mang thai 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sinh nở.
1. Sự phát triển thai nhi 40 tuần tuổi
Khi thai được 40 tuần, em bé của mẹ sẽ có cân nặng khoảng 3.4kg và dài khoảng 51cm. Hình dáng lúc này của bé sẽ tương tự như một quả dưa hấu nhỏ. Tuy nhiên, kích thước của các em bé thường không giống nhau, bé có thể sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh với khối lượng cơ thể lớn hoặc nhỏ hơn con số bình quân trên.
Những chuyển động thai nhi 40 tuần tuổi trong bụng mẹ có thể sẽ chậm lại một chút, vì lúc này không gian của bé đã khá chật chội. Mẹ hãy theo dõi cử động thai của con mỗi ngày. Nếu bé cử động ít hoặc không có cử động hãy đến bệnh viện để thăm khám nhằm phòng ngừa rủi ro.
Xem thêm: Cách nhận biết các dấu hiệu thai máy cho mẹ mang thai lần đầu
Thông thường thai nhi tuần 40 đã ở ngôi thai thuận, tức phần đầu hướng xuống dưới. Trong trường hợp thai nhi đang ở ngôi mông, bác sĩ có thể áp dụng một số thủ thuật để “ép” em bé xoay về đúng vị trí để chuẩn bị “bước ra” thế giới bên ngoài.
Ở thời điểm này, xương sọ của bé vẫn chưa khít lại. Chính vì thế, mẹ đừng ngạc nhiên khi bé sinh ra có đỉnh đầu hơi méo và hơi giống hình chóp. Đây chỉ là một hiện tượng bình thường và sẽ thay đổi theo thời gian.
Làn da của bé vừa mới sinh ra thường sẽ nhăn nheo, có màu đỏ tím, sau đó sẽ chuyển sang đỏ hồng trong khoảng một vài ngày. Sở dĩ bé có màu này là do làn da bé khá mỏng manh nên có thể nhìn thấy cả mạch máu bên trong. Hai bàn tay và chân của bé có thể sẽ có thể hơi xanh vì tuần hoàn máu vẫn trong giai đoạn trưởng thành. Làn da sẽ trở về bình thường trong 6 tháng sau sinh.
Ở tuần thai 40, nhau thai vẫn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp kháng thể cho thai nhi, mặc dù không còn nhiều như trước. Sau khi bé chào đời, sữa mẹ sẽ là nguồn cung cấp kháng thể chính cho bé.
Do sự hiện diện của hormone mẹ trong bé khiến bộ phận sinh dục của bé có thể lớn hơn bình thường. Ngoài ra, sau khi sinh cơ thể bé sẽ vẫn còn sót lại một ít máu, sáp bã nhờn, một ít lông tơ và nước ối.
Tầm nhìn của của bé vẫn còn rất hạn hẹp (khoảng cách tương đương 2.5cm), chỉ có thể trong thấy hình ảnh khá mờ nhạt của mẹ. Tuy nhiên, thị giác của bé sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Mặc dù chỉ mới vừa được sinh nhưng bé có thể nhận biết được âm thanh phát ra từ những giọng nói quen thuộc của người thân.
Những ngày đầu sau sinh, có thể bé vẫn sẽ nằm ở tư thế cuộn tròn giống như tư thế của thai nhi 9 tháng trong bụng mẹ. Cần phải mất một khoảng thời gian nữa, bé mới có thể nằm thẳng và thoải mái hơn.
2. Thai 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh có sao không?
Thai nhi 40 tuần tuổi đã lớn nên bé không thể “ở lì” trong bụng mẹ. Do đó, thai 40 tuần mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu sắp sinh thì mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kích sinh.
Hầu hết, các bác sĩ sẽ không để mẹ sinh sau ngày dự sinh quá 2 tuần (thai 42 tuần) nhằm đảm bảo an toàn cho cả 2 mẹ con. Cũng có một số ít trường hợp phụ nữ có thai kỳ dài hơn 3 tuần tính từ ngày dự sinh. Tuy nhiên, trẻ sinh ở tuần 42 trở đi sẽ khiến nhau thai già đi, gây nguy hiểm cho trẻ như:
- Tổn thương thần kinh
- Thiểu năng hệ thần kinh vận động
- Có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, sốt cao, thậm chí tử vong....
Ngoài ra, nếu không được phát hiện kịp thời, thai quá ngày có thể chết lưu, tử vong trong quá trình mẹ chuyển dạ, do lượng nước ối đã giảm dần, dây thần kinh bị chèn ép mỗi khi xuất hiện cơn gò tử cung, dễ gây suy thai.
Thông thường, lựa chọn an toàn và tốt nhất cho mẹ có thai kỳ quá ngày là tiến hành sinh mổ.
Xem thêm: Những kiến thức mẹ bầu cần biết về phương pháp sinh mổ
3. Dấu hiệu mang thai 40 tuần
Nếu ngày dự sinh của mẹ nằm trong tuần 40 của thai kỳ thì mẹ cần lưu ý đến những dấu hiệu sắp sinh, chẳng hạn như:
- Các cơn gò Braxton-Hicks
- Ra huyết hồng âm đạo
- Bụng tụt xuống
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi và mất ngủ
- Vỡ nước ối
- Co thắt tử cung thật sự
3.1 Mang thai 40 tuần ra dịch màu trắng có sao không?
Cổ tử cung là nơi tập trung niêm mạc tử cung (còn gọi là nút nhầy cổ tử cung). Nút nhầy này có rất nhiều dịch nhầm bảo vệ bào thai khỏi bị nhiễm trùng. Khi tử cung co thắt, nút nhầy sẽ bị bung ra và mẹ bầu sẽ thấy có dịch màu trắng chảy ra từ âm đạo.
Tuy nhiên, dịch màu trắng xuất hiện ở tuần thai 40 không phải là mẹ sẽ sinh ngay trong ngày. Bởi chất dịch này có thể chảy liên tục, nhiều cùng một lúc hoặc từ chút một trong vài ngày, vài tuần khi tử cung có sự co giãn.
3.2 Có thai 40 tuần ra dịch màu nâu có sao không ?
Nếu như bà bầu tiết ra dịch nhầy màu trắng khi thai nhi 40 tuần được xem là bình thường thì việc xuất hiện dịch nhầy màu nâu, có thể có lốm đốm máu đỏ tươi là dấu hiệu báo mẹ bầu sắp “vỡ chum”.
Do đó, nếu mẹ gặp phải dấu hiệu này kèm theo cảm giác đau bụng từng cơn thì mẹ hãy cùng người thân mang túi đồ đi sinh đến ngay bệnh viện.
Xem thêm: Trọn bộ ‘bí kíp’ các vật dụng cần thiết đảm bảo mẹ đi đẻ là suôn sẻ
4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 40
Sự chờ đợi và lo lắng chắc chắn sẽ diễn ra nếu ở tuần thai 40 em bé vẫn chưa chịu chào đời. Nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu như bác sĩ bảo mọi thứ ổn. Điều quan trọng lúc này là mẹ hãy thật thư giãn và nghỉ ngơi thật thật tốt.
Đồng thời mẹ hãy lưu ý thêm một số điều sau đây:
4.1 Không nên đi xa
Tuần thai 40 là thời điểm sinh đẻ, do đó mẹ hãy ở nhà để đảm bảo việc sinh nở diễn ra thuận lợi, đặc biệt nếu mẹ đang thuộc trường hợp dưới đây:
- Mang song thai
- Bị bệnh tiểu đường thai kỳ
- Bị cao huyết áp
- Nhau thai bất thường hoặc chảy máu âm đạo
- Có tiền sử bệnh đông máu
4.2 Khám thai đúng lịch
Ở tuần thai này, mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ trước khi sinh. Bác sĩ cũng có thể sẽ thực hiện kiểm tra vùng xương chậu của mẹ để xem xét một số yếu tố:
- Thai đang ở ngôi thuận hay ngôi ngược
- Độ lọt của bé
- Độ mở của tử cung
4.3 Chuẩn bị đồ đi sinh
Các vật dụng cần thiết cho ngày đi sinh chắc hẳn mẹ đã chuẩn bị từ những tuần trước đó. Tuy nhiên, để đảm bảo không có sự thiếu sót mẹ nên kiểm tra lại các vật dụng đi sinh, bao gồm:
- Tã, bỉm, khăn sữa
- Sữa cho trẻ sơ sinh, dự phòng trường hợp mẹ không có sữa
- Dụng cụ ăn uống cho mẹ và bé
- Băng vệ sinh cho sản phụ
- Phích nước nóng, khăn, chậu, bàn chải đánh răng
- Khăn trùm đầu
- Giỏ đựng đồ
Tóm lại, sự phát triển của thai nhi 40 tuần đã hoàn thiện và chỉ cần đúng thời điểm là mẹ sẽ “vỡ chum”. Vì thế, hãy chú ý bồi bổ cơ thể, nghỉ ngơi và thăm khám thai theo đúng lịch hẹn bác sĩ để ngày “lâm bồn” diễn ra suôn sẻ.