Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trẻ 16 tháng tuổi: Mốc phát triển, cách chăm sóc và dinh dưỡng

(VOH) – Trẻ 16 tháng tuổi đang ở giai đoạn thích di chuyển liên tục, bé thích khám phá và tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Bé cũng dễ bị sụt cân, nên mẹ cần biết cách chăm sóc và dinh dưỡng cho bé đủ đầy.

Mẹ có để ý trẻ 16 tháng có một sự thay đổi ngoạn mục so với những sự phát triển của bé trong những tháng trước đây? Dường như bé có thể mô phỏng những trò chơi của bé giống như thật, ví dụ như tiếng xe chạy, tiếng con vật...Thực ra đây chính là giai đoạn bé đang phát triển trí tưởng tượng của mình đấy mẹ ạ!

1. Trẻ 16 tháng tuổi biết làm gì?

Thực tế, trẻ 16 tháng tuổi đã có thể làm được rất nhiều thứ chẳng hạn như:

  • Bé ngày càng tự tin hơn với những bước chân của mình. Thậm chí là có thể chạy ở một khoảng cách ngắn.
  • Bé biết lắc đầu hoặc quấy khóc khi không hài lòng về một vấn đề nào đó.
  • Rất thích chơi những trò chơi có trí tưởng tượng, ví dụ bé thích đặt những hình người tí hon vào các chiếc xe giống như một người đang lái xe hoặc hành khách trên xe....
  • Bé rất thích nhìn vào đôi mắt của những người khác (ba, mẹ, anh chị hoặc vật nuôi...) và thậm chí là chạm (chọc) vào chúng.
  • Bé có thể nhận ra được người thân trên đường và chỉ trỏ một cách hào hứng.
  • Bé thích khám phá “vùng nhạy cảm” của chính mình, điều này thường xảy ra khi mẹ đang tắm cho bé hoặc thay tã.
  • Bé rất thích nghe mẹ hát những vần điệu và bài hát dành cho trẻ ở tuổi mẫu giáo, bé có thể sẽ hát theo bằng vốn từ ít ỏi của mình.
  • Vào tháng thứ 16, vốn từ của bé bắt đầu tăng lên, bé đang tập nói và nói được khoảng 1 vài từ.

2. Các mốc phát triển trẻ 16 tháng tuổi

Thông thường, mức cân nặng của một em bé 16 tháng tuổi sẽ không có quá nhiều sự khác biệt so với trẻ 15 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, mức cân nặng, chiều cao chuẩn của bé sẽ là:

Bé trai

  • Cân nặng: từ 9.4 – 11.8kg, trung bình 10.5kg
  • Chiều cao: từ 75.4 – 80.2cm, trung bình 77.5cm

Bé gái

  • Cân nặng: từ 8.7 – 11.2kg, trung bình 9.8kg
  • Chiều cao: từ 73 – 84.2cm, trung bình 78.6cm
tre-16-thang-tuoi-moc-phat-trien-cach-cham-soc-va-dinh-duong-voh-0
Trẻ 16 tháng tuổi phát triển cả về vận động, nhận thức và cảm xúc (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, ở giai đoạn này các kỹ năng về vận động, nhận thức, giao tiếp hay cảm xúc của bé đều đang tăng tốc phát triển. Ví dụ như:

2.1 Phát triển vận động

Chính sự tò mò về mọi thứ xung quanh và khả năng đi lại độc lập đã khiến cho trẻ 16 tháng tuổi có thể đi bất cứ lúc nào, ở nơi đâu. Tuy nhiên, ở độ tuổi này bé vẫn chưa có cảm giác nguy hiểm, bởi bản năng tự bảo vệ của trẻ vẫn chưa được phát triển.

Phần lớn trẻ ở độ tuổi này thường sẽ bị thu hút mạnh mẽ khi thấy nước, vì thế mẹ cần thận trọng, tránh cho bé chơi gần sông, hồ bơi, bãi biển, thậm chí là bể bơi hoặc bồn tắm trong nhà.

Ngoài ra, ở giai đoạn bé mới tập đi mẹ cần chú ý về tư thế cũng như bước đi của trẻ để tránh bé gặp phải các tình trạng như chân vòng kiềng, bàn chân bẹt,...

Xem thêm: Những mối nguy hiểm từ hội chứng bàn chân bẹt và cách kiểm tra trẻ có mắc dị tật này hay không

2.2 Phát triển nhận thức

Vì trí tưởng tượng của bé đang được kích hoạt ở giai đoạn này, vì thế, mẹ sẽ thấy bé có sự thay đổi từ việc sao chép hành động sang những trò chơi mang tính tượng trưng, ví dụ như bé có thể lấy điện gọi để thực hiện cuộc gọi giả hoặc sử dụng các hình khối để làm điện thoại và gọi.

Mặc dù tâm trí của bé đang phát triển mạnh mẽ và bé có thể thỏa sức tưởng tượng, nhưng sự chú ý của bé vẫn rất ngắn. Thông thường, trẻ 16 tháng tuổi có thể tập trung trong một vài phút và rất dễ phân tâm.

Vì thế, mẹ đừng cố ép bé phải tập trung vào một việc gì, vì bé chưa phát triển đến mức độ này. Hãy để con được chơi và làm mọi thứ theo ý muốn của con.

2.3 Phát triển giao tiếp và cảm xúc

Trẻ 16 tháng tuổi đã bắt đầu biết giữ đồ chơi của mình, bé không thích chia sẻ đồ chơi với với người khác.

Hiện tại, có thể bé vẫn chưa biết nói “không” nhưng từ “không” sẽ sớm trở thành từ ngữ yêu thích của bé, bởi bé đã biết một số hành động của mình sẽ có tác động đến người lớn. Vì thế, bé sẽ thường xuyên dùng từ “không” khi muốn từ chối ngồi vào ghế ô tô, hoặc ghế cao, hoặc không muốn ra khỏi bồn tắm...

Tâm lý trẻ 16 tháng tuổi rất sợ bị bỏ rơi, vì thế bé thường sẽ có xu hướng bám lấy mẹ hoặc ba mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là khi bé mệt mỏi, bệnh hoặc sợ hãi. Do đó, để trấn an tinh thần con, mẹ cần để bé hiểu rằng mẹ không đi xa và sẽ quay trở lại ngay. Không nên trốn bé mỗi khi mẹ muốn ra khỏi nhà, vì điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực và khiến trẻ trở nên đeo bám hơn.

Ngoài ra, do trẻ 16 tháng tuổi chỉ mới đạt được sự tập trung và chú ý ngắn, cho nên bé sẽ rất nhanh cười, nhanh khóc, nhanh giận dữ và cũng nhanh chuyển sự chú ý của mình qua việc khác.

2.4 Nâng cao kỹ năng giải quyết

Bước sang tháng 16, bé yêu của mẹ đang dần học cách tự giải quyết vấn đề cùng với nhu cầu muốn khám phá mọi thứ nên bé thường sẽ rất muốn biết mọi thứ hoạt động như thế nào và có thể bị thu hút bởi các loại đồ chơi cơ học, công tắc, nút bấm, nút vặn... Vì thế, mẹ nên tặng cho bé những loại đồ chơi và hoạt động thử thách nhưng không nên quá khó để tránh khiến bé nản lòng.

3. Trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

Trẻ 16 tháng tuổi đã ăn được những loại đồ ăn giống như những người khác trong gia đình. Các bác sĩ cho biết, hầu hết các bé mới biết đi đều cần khoảng 1000 calo mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý khẩu phần ăn của trẻ giai đoạn này chỉ bằng ¼ khẩu phần của người lớn.

tre-16-thang-tuoi-moc-phat-trien-cach-cham-soc-va-dinh-duong-voh-1
Trẻ 16 tháng tuổi có thể ăn được đa dạng thực phẩm (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, mẹ nên tránh việc nấu đồ ăn riêng cho bé nhất là các loại cháo rây nhuyễn, bột vì sẽ không tốt cho sự phát triển răng của trẻ.

Thông thường, tiêu chuẩn ăn một ngày của bé sẽ là 3 bữa chính cùng với 2 bữa ăn phụ lành mạnh khác. Xen kẽ là các cữ bú sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa bò.

4. Chế độ dinh dưỡng, thực đơn cho bé 16 tháng

Vì thời điểm này, bé đã có thể ăn được nhiều loại thực phẩm như người lớn nên mẹ cần đa dạng các nhóm thực phẩm, đổi món thường xuyên. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các món ăn phụ như sữa chua, phô mai, nho, đủ đủ, bơ.... để đáp ứng nhu cần phát triển của trẻ.

Ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh thực phẩm khi chế biến thực phẩm cho bé. Các thực phẩm cần đưa vào thực đơn cho bé 16 tháng như:

  • Thực phẩm từ sữa: Ở giai đoạn này trẻ chủ yếu bổ sung dinh dưỡng từ sữa bột nhưng ngoài sữa bột ra thì ba mẹ có thể cho trẻ ăn phô mai, sữa chua, váng sữa,....để thay đổi khẩu vị và nạp thêm nhiều chất dinh dưỡng khác.
  • Protein từ trứng và thịt: Đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng trong sự phát triển của trẻ, nên bổ sung thịt và trứng vào thực đơn ăn hàng ngày của bé.
  • Rau củ quả: Nhằm thay đổi khẩu vị, bổ sung chất xơ thì mẹ bầu nên chọn các loại rau củ như bông cải xanh, súp lơ, cà rốt,...luộc chín cho bé ăn dặm và ăn kèm cùng nước sốt để kích thích vị giác giúp bé ăn ngon miệng hơn.
  • Trái cây: Trẻ nên bổ sung trái cây vào chế độ dinh dưỡng để cung cấp đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất và mẹ nên cho bé ăn thử các trái như kiwi, xoài, chuối,...để cho bé dễ tiêu hóa, xây dựng thói quen cho trẻ ăn trái cây.
  • Chất béo: ở độ tuổi này bé cần bổ sung năng lượng để tốt cho quá trình hoạt động của cơ thể, bạn có thể cho bé dùng các chất béo như: dầu ô liu, chất béo từ quả bơ,...
  • Sắt: sắt là thành phần quan trọng trong sự phát triển của bé giai đoạn đầu, giúp hỗ trợ tạo máu trong cơ thể. Nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt như cà chua, đậu gà, thịt bò, gan động vật. Ngoài ra nên kết hợp bổ sung các thực phẩm giàu viamin C để tăng khả năng hấp thụ chất sắt.
  • Các loại hạt và đậu: nên bổ sung đậu vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ để nạp thêm chất xơ, làm đa dạng món ăn. Có thể cho trẻ ăn các món ngon từ các loại hạt như quả óc chó, đậu xanh, đậu đen,....

Không nên cho trẻ ăn nhiều các loại ngũ cốc đã chế biến, hoa quả đóng hợp, bánh quy hoặc các loại đồ ăn nhanh chế biến sẵn, vì đây là những thực phẩm không an toàn cho trẻ.

Xem thêm: Nằm lòng những cách bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ phát triển tối ưu

Nếu trẻ 16 tháng biếng ăn, không chịu ăn thì rất có thể chỉ là một trường hợp kén ăn, bé đang bị bệnh do sốt, do mọc răng....Mẹ hãy cho bé ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau trong mỗi bữa ăn, thức ăn nấu mềm để bé dễ nhai và tiêu hóa.  

5. Giấc ngủ của trẻ 16 tháng tuổi

Không có nhiều sự thay đổi trong thói quen ngủ của trẻ 16 tháng tuổi. Bé vẫn ngủ khoảng 14 giờ/ngày, bao gồm một giấc ngủ ban đêm từ 11-12 giờ và từ 1- 2 giấc ngủ ngắn vào ban ngày.

Hãy tập cho bé thói quen ngủ đúng giờ, vì giấc ngủ mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ cho trẻ.

Xem thêm: Giấc ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?

6. Những hoạt động và trò chơi giúp trẻ 16 tháng tuổi phát triển

Dưới đây là một số cách mà mẹ có thể làm để giúp bé 16 tháng tuổi phát triển:

6.1 Khuyến khích tương tác

Đưa bé đến các khu vui chơi dành cho trẻ để bé gặp gỡ và chơi đùa cùng nhiều bạn nhỏ khác, nhằm tăng kỹ năng hợp tác và tương tác trong khi chơi.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể tự chơi đùa cùng con. Hãy nhớ rằng con rất thích được nói chuyện chơi đùa cùng ba mẹ. Đây là cách tuyệt vời để bé yêu phát triển và cũng là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình.

tre-16-thang-tuoi-moc-phat-trien-cach-cham-soc-va-dinh-duong-voh-2
Chơi đùa cùng con là cách giúp con phát triển cũng như gắn kết tình cảm gia đình (Nguồn: Internet)

6.2 Chơi nhạc

Những giai điệu vui tươi hoặc êm dịu có thể giúp nuôi dưỡng tình cảm của trẻ 16 tháng tuổi. Các chuyên gia tin rằng, cho trẻ nghe các loại nhạc êm dịu có thể giúp cải thiện tâm trạng, dễ ngủ, giảm cảm giác lo lắng và căng thẳng.

6.3 Chuyển hướng chú ý của trẻ

Giai đoạn này, dường như bé có thể hiểu những gì mẹ nói, tuy nhiên, bé vẫn thích hành động theo ý mình. Vì thế, để đảm bảo sự an toàn cho bé mẹ hãy cất những vật dụng có thể gây nguy hiểm xa khỏi tầm tay trẻ. Khi trẻ đến những khu vực nguy hiểm, hãy chuyển hướng chú ý của con, bằng cách “dụ” bé bé sang chỗ khác bằng đồ chơi, hoặc bế và ôm bé vào lòng.

6.4 Giúp bé yêu thích học tập

Thường xuyên đọc những bài đồng dao, những bài thơ cho bé nghe sẽ giúp bé làm quen với các cấu trúc âm thanh và các chữ cái. Khi các bài đồng dao, bài thơ được đọc đi đọc lại nhiều lần, bé sẽ nhớ được âm thanh cũng như vần điệu, đây là một bước đầu tiên để giúp bé yêu thích việc học tập.

7. Chăm sóc trẻ 16 tháng tuổi cần lưu ý điều gì?

Bé yêu của mẹ có thể bị cảm lạnh, sốt, ho, sổ mũi... ở bất cứ thời điểm nào. Vì thế, hãy chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe của con trẻ, chẳng hạn như:

  • Cho bé nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước hoặc các loại nước trái cây như nước ép cam....
  • Trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi để bé dễ thở hơn.
  • Trẻ bị sốt nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách đo nhiệt độ và dùng thuốc hạ sốt. Trẻ bị sốt cao liên tục cần đưa đến gặp bác sĩ.

Đặc biệt, trong các trường hợp trẻ 16 tháng tuổi chưa biết nói, bị vàng da,... hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn rõ.

Nhìn chung, tháng thứ 16 là giai đoạn trẻ vẫn thích tò mò và khám phá mọi thứ, các kỹ năng của trẻ cũng thuần thục hơn rất nhiều. Vì thế, ba mẹ hãy lưu ý đến những kiến thức chăm sóc trẻ phù hợp nhằm giúp con yêu hoàn thiện hơn các kỹ năng.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận