Chờ...

Trẻ 17 tháng tuổi: Ngày càng khéo léo và nói nhiều hơn

(VOH) – Trẻ 17 tháng tuổi đã có được một vốn từ vựng kha khá, bé có thể sử dụng động từ, thậm chí là các câu nói ngắn. Bên cạnh đó, khả năng vận động cũng phát triển ngày một tốt hơn.

Đối với trẻ 17 tháng tuổi, việc có thể giữ bé ngồi yên một chỗ là rất khó, bởi bé luôn có nhu cầu tự mình khám phá thế giới xung quanh. Các kỹ năng vận động, ngôn ngữ và giao tiếp của bé vẫn tiếp tục phát  triển, nhưng nổi trội hơn cả chính là ngôn ngữ.

1. Sự phát triển của trẻ 17 tháng tuổi

Khi trẻ đạt mốc 17 tháng, bé có thêm nhiều kỹ năng mới, chẳng hạn như bé mở cánh tủ, ném đồ chơi khắp phòng, tự lột tã hoặc la hét bất chợt... Mặc dù, mẹ sẽ khá mệt khi trông chừng bé, nhưng khi con hoạt bát thế này, chứng tỏ bé yêu của mẹ đang không ngừng lớn lên và đạt được những cột mốc mới.

1.1 Cân nặng và chiều cao

Rất nhiều phụ huynh thắc mắc rằng, trẻ 17 tháng tuổi cân nặng và chiều cao bao nhiêu là hợp lý? Theo bảng cân nặng của trẻ tại viện dinh dưỡng, cân nặng chiều cao trung bình của bé 17 tháng tuổi sẽ nằm trong khoảng sau đây:

Bé trai

  • Cân nặng: từ 9.6 – 12kg, trung bình 10.7kg
  • Chiều cao: từ 76.3 – 81.2cm, trung bình 78.5cm

Bé gái

  • Cân nặng: từ 8.8 – 11.4kg, trung bình 10kg
  • Chiều cao: từ 74 – 85.4cm, trung bình 79.7cm

1.2 Phát triển về thể chất và vận động

Bé đã có thể tự đi một đoạn khá xa, bước đi vững vàng, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp ngày càng tốt. Mẹ đôi khi sẽ bắt gặp khoảnh khắc bé đang đi bỗng dưng dừng lại, cúi xuống để nhặt một vật gì đó ở dưới đất, sau đó đứng dậy và đi tiếp.

tre-17-thang-tuoi-ngay-cang-kheo-leo-va-noi-nhieu-hon-voh-0
Trẻ 17 tháng tuổi đi được khá xa (Nguồn: Internet)

Vì đôi chân đã ngày càng mạnh mẽ nên bé có thể trèo ra khỏi nôi, hoặc giường. Dường như bé 17 tháng tuổi sẽ thử leo trèo trên mọi thứ, từ nội thất, nôi,.. hay bất cứ thứ gì mà bé cảm thấy hứng thú.

1.3 Phát triển nhận thức và ngôn ngữ

Nếu trẻ 16 tháng tuổi vẫn chưa có nhiều sự tiến bộ về ngôn ngữ thì ở tháng 17 này bé bắt đầu khám phá ngôn ngữ và thích nói chuyện nhiều hơn.

Hầu hết trẻ 17 tháng đều có thể nói được ít nhất 2 đến 3 từ. Bé biết được nhiều từ hơn, nhất là những từ chỉ đồ chơi, người hoặc các bộ phận trên cơ thể bé yêu thích.

Xem thêm: Mẹo giúp mẹ dạy bé tập nói siêu nhanh, siêu đơn giản

Điểm đặc biệt nhất đối với sự phát triển của trẻ ở tháng tuổi này chính là bé bắt đầu sử dụng động từ chỉ hoạt động. Hiện tại, bé yêu của mẹ không chỉ có thể phát âm các từ rõ ràng mà còn có thể sử dụng động từ chủ động như “đi”, “nhảy”, “lên”, “xuống”,...

Bên cạnh đó, khả năng tư duy của trẻ cũng đã tiến bộ rõ rệt. Bé có khả năng nhận ra người quen ở khoảng cách khá xa.

1.4 Phát triển giao tiếp và cảm xúc

Trẻ 17 tháng có thể sử dụng các hành động đánh, xô, đẩy, giành giật và thậm chí cắn khi bé không thích hoặc bực bội. Các cảm xúc tức giận, buồn, vui vẻ... đều được thể hiện rõ ràng trên gương mặt bé.

Ở giai đoạn này, bé sẽ sử dụng tiếng khóc, thậm chí là la hét khi cha mẹ rời đi hoặc đòi đi theo cha mẹ.

2. Giấc ngủ của trẻ 17 tháng tuổi

Trẻ 17 tháng tuổi tiếp tục cần ngủ từ 12 – 14 giờ mỗi ngày. Vẫn là một giấc ngủ dài vào ban đêm và một giấc ngủ trưa vào buổi xế chiều, kéo dài trong khoảng 1- 2 tiếng.

Giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bé trong giai đoạn này, vì thế mẹ hãy đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ hoặc mẹ có thể cho bé được chợp mắt bất cứ khi nào bé muốn.

Khi bé ở độ tuổi này, bé có thể gặp phải tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc đang ngủ ngon bỗng tỉnh dậy quấy khóc. Đây là hiện tượng khá bình thường, vì thế mẹ hãy kiên nhẫn dỗ dành bé để bé biết bé luôn được yêu thương nhé!

Xem thêm: Mách mẹ 7 mẹo giúp bé ngủ ngon giấc vào ban đêm, không bị giật mình khi ngủ

3. Dinh dưỡng cho trẻ 17 tháng tuổi

Để tốt cho sự phát triển của bé trong giai đoạn đầu đời thì những chất dinh dưỡng bé cần phải bổ sung gồm:

3.1 Protein

Đây là chất dinh dưỡng quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của bé, phụ huynh nên cho bé ăn các thực phẩm như thịt heo, thịt bò, đậu tương ( đậu nành ) để giúp trẻ bổ sung nguồn năng lượng, xây dựng cơ bắp chắc khỏe để bé thỏa sức vận động, vui chơi, khám phá mọi thứ xung quanh.

3.2 Carbohydrate

Để giúp bé thoải mái vận động, khám phá, vui chơi trong ngày thì ba mẹ có thể cho trẻ nạp chất carbohydrate để bổ sung năng lượng và tăng cường trí não ở bé 17 tháng. Giai đoạn này là giai đoạn trẻ tập đi nên cần bổ sung khoảng 135g carbohydrate mỗi ngày và các thực phẩm bé có thể ăn bao gồm như gạo, chuối, sữa chua, khoai tây.

3.3 Calo

Bé 17 tháng tuổi rất dễ biếng ăn dẫn đến việc không nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể duy trì hoạt động trong ngày, điển hình là chất calo. Vì mỗi ngày bé cần phải nạp từ 1000 - 1400 calo vào cơ thể để bé được khỏe mạnh và năng động. Một số thực phẩm giàu calo mà mẹ nên bổ sung cho bé như:

  • Phô mai.
  • Sữa.
  • Các loại thịt.
  • Bơ đậu phộng.
  • Các loại rau củ và trái cây.

3.4 Chất xơ

Nhằm giúp bé có một hệ tiêu hóa tốt và tránh táo bón thì mẹ bầu phải cho trẻ ăn những loại rau củ đã được hầm mềm, màu sắc bắt mắt để kích thích trẻ ăn như cà rốt, bông cải xanh, đậu Hà Lan và các loại trái cây như dưa lưới, dưa hấu.

3.5 Sắt

Sắt là nguồn dinh dưỡng quan trọng đóng vai trò trong việc tạo máu, tăng cường hệ miễn dịch, giúp tăng cường trí não. Vì ở giai đoạn này có thể em bé đang bắt đầu cai sữa mẹ dẫn đến lượng sắt nạp vào cơ thể mỗi ngày sẽ bị ít đi.

Nếu để bé bị thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và dễ mắc các bệnh như thiếu máu, da xanh nhợt nhạt và suy dinh dưỡng. Vì thế mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt như:

  • Thịt bò
  • Trứng
  • Gan động vật
  • Khoai lang
  • Bông cải xanh
  • Các thực phẩm chế biến từ sữa ( váng sữa, sữa chua, phô mai )
  • Các thực phẩm chế biến từ đậu nành ( sữa đậu nành, đậu hũ )

3.6 Nước

Ngoài bổ sung sữa thì mẹ cũng đừng quên cho trẻ uống nước đều đặn các cữ trong ngày giúp cho hệ tiêu hóa của bé được hoạt động tốt và tránh tình trạng bị khô da ở trẻ.

4. Cách cho trẻ 17 tháng tuổi ăn đúng cách

Giờ đây, thức ăn cho trẻ đã đơn giản hơn nhiều vì bé đã quen với việc ăn chung với cả nhà, thức ăn của bé cũng tương tự như người lớn, chỉ là với khẩu phần ít hơn.

Mẹ vẫn cho bé ăn 3 bữa một ngày, bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm chính cùng với một vài bữa ăn phụ lành mạnh và uống sữa. Lưu ý, sữa cho bé uống có thể là sữa mẹ hoặc sữa nguyên chất, không sử dụng sữa tách béo khi bé chưa đủ 2 tuổi.

Không nên nấu các bữa ăn riêng cho trẻ với hi vọng con sẽ ăn nhiều hơn. Cũng như tránh việc cho trẻ uống nước có gas, trà hoặc các chất lỏng khác nhiều, vì sẽ dễ khiến bé bị sâu răng, béo phì và các vấn đề về tiêu hóa.

tre-17-thang-tuoi-ngay-cang-kheo-leo-va-noi-nhieu-hon-voh-1
Giai đoạn 17 tháng tuổi trẻ có thể bị kén ăn (Nguồn: Internet)

Một số trẻ 17 tháng tuổi có thể sẽ kén ăn – đây là một phần trong sự phát triển của bé, vì thế mẹ không cần phải lo lắng. Để kích thích sự hứng thư của bé đối với ăn uống, mẹ có thể thử một số mẹo sau đây:

  • Không ép trẻ ăn
  • Cho trẻ nhiều sự lựa chọn về món ăn
  • Cho bé ăn cơm cùng với các thành viên khác trong gia đình
  • Chế biến thêm cho trẻ nhiều món ăn mới

5. Chăm sóc răng miệng cho trẻ 17 tháng tuổi

Các về đề về răng miệng rất dễ xảy ra ở bé 17 tháng tuổi như tưa lưỡi, viêm lợi, viêm loét miệng, sâu răng,... Những căn bệnh về răng miệng có thể tác động trực tiếp để khả năng nhai, học nói, gây ra những ảnh hưởng tới đường ruột, cũng như tạo tiền đề để các căn bệnh khác hình thành và phát triển.

Do đó, bé 17 tháng tuổi cần phải được chăm sóc răng miệng đúng cách. Vệ sinh răng miệng ngày 2 lần, khám răng thường xuyên để đảm bảo sự hình thành và phát triển của răng.

Xem thêm: Dạy trẻ đánh răng đúng cách qua 7 bước đơn giản, giúp bé giữ gìn vệ sinh răng miệng

6. Những hoạt động và trò chơi giúp trẻ 17 tháng tuổi phát triển

Để giúp bé yêu có thể phát triển tốt, mẹ có thể áp dụng một số hoạt động và trò chơi sau đây với con trẻ:

6.1 Gọi tên các đồ vật hàng ngày

tre-17-thang-tuoi-ngay-cang-kheo-leo-va-noi-nhieu-hon-voh-2
Gọi tên các đồ vật cho bé nghe giúp bé ghi nhớ tốt hơn (Nguồn: Internet)

Việc gọi và giải thích các đồ vật thông thường và các hoạt động hàng ngày, ví dụ, mẹ có thể nói con chó kêu gâu gâu, cái chảo để nấu ăn.... Việc làm này sẽ giúp bé ghi nhớ dễ dàng các đồ vật, tăng khả năng phát triển ngôn ngữ cho bé.

6.2 Cho bé nghe nhạc khi vệ sinh răng miệng

Thiết lập một thói quen vệ sinh răng miệng và đánh răng đúng cách cho trẻ ở độ tuổi này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, một số bé có thể sẽ “không hợp tác” với mẹ, vì thế mẹ hãy biến việc vệ sinh cho trẻ là một hoạt động thú vị bằng cách mở nhạc cho bé nghe khi đánh răng cho bé.

6.3 Đọc sách cho trẻ nghe

Trẻ rất thích nghe giọng nói của người thân quen, đặc biệt là ba mẹ. Vì thế, mẹ có thể đọc sách, kể chuyện hoặc hát cho bé nghe trước khi bé ngủ. Đây là cách giúp bé dễ dàng “đi” vào giấc ngủ cũng như giúp tăng thêm tình cảm mẹ con.

6.4 Cho trẻ giao lưu cùng trẻ khác

Mẹ có thể cho trẻ tiếp xúc với những đứa trẻ cùng trang lứa khác để trẻ học cách chia sẻ đồ chơi, và thiết lập mối quan hệ tình bạn.

Vì giai đoạn trẻ 17 tháng tuổi là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng trong những năm tháng đầu đời, vì thế, mẹ hãy lưu ý đến chế độ dinh dưỡng, cách thức chăm sóc để bé có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh