Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các thay đổi kĩ năng vận động và nhận thức ở trẻ 19 tháng tuổi

(VOH) – Khi trẻ 19 tháng tuổi, con ‘ra dáng’ hơn, các kỹ năng vận động cũng như nhận thức ngày càng hoàn thiện. Chăm sóc các bé trong thời kì này đòi hòi sự kiên nhẫn và quan sát tinh tế từ cha mẹ.

Các bạn nhỏ ở tháng tuổi thứ 19 lúc nào cũng bận rộn tay chân bởi con có thể tự mình làm được kha khá hoạt động, không khí gia đình vì thế trở nên rộn ràng và náo nhiệt.

1. Bé 19 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu?

So với tháng trước đó, các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ như cân nặng và chiều cao có tăng nhưng tăng không nhiều, cũng không quá nhanh. Dựa trên bảng chiều cao cân nặng Viện dinh dưỡng quốc gia công bố, chỉ số của bé trai và bé gái 19 tháng tuổi được ước tính như sau: 

Chỉ số của bé trai

  • Cân nặng: từ 9.9 – 12.5kg, trung bình 11.1kg
  • Chiều cao: từ 78.1 – 83.2cm, trung bình 80.4cm

Chỉ số của bé gái

  • Cân nặng: từ 9.2 – 11.9 kg, trung bình 10.4 kg
  • Chiều cao: từ 75.8 – 87.6 cm,trung bình 81.7cm

2. Trẻ 19 tháng tuổi biết làm gì?

Lớn thêm một tháng tuổi có lẽ không chỉ con háo hức học thêm nhiều điều mới lạ mà ngay cả cha mẹ cũng hồi hộp mong chờ xem bé sẽ biết làm những gì. Cùng tìm hiểu các hoạt động mà bé cưng 19 tháng tuổi có thể làm được nhé. 

2.1 Phát âm nhiều từ 

Bé con 19 tháng tuổi sẽ trở nên vô cùng đáng yêu vì con cứ “líu lo” nói suốt cả ngày, trẻ có thể phát âm được nhiều từ, đôi khi là một câu ngắn có ý nghĩa rõ ràng như “cái áo của con” hay “con mèo kìa”. Đặc biệt, trong giai đoạn này, con dần hiểu và nhớ tên của mọi người xung quanh cũng như tên gọi của các món đồ, con vật yêu thích. 

Nếu quan sát thấy bé 19 tháng tuổi chưa biết nói, thậm chí không bập bẹ gọi ba hay mẹ, thì có thể khả năng nói của con đang phát triển chậm. Cha mẹ hãy liên hệ các chuyên gia nhi khoa để kịp thời can thiệp.  

Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và cách khắc phục hiệu quả nhanh

2.2 Biết chạy

Trông chừng trẻ 19 tháng tuổi sẽ là một nhiệm vụ khá vất vả của các thành viên trong gia đình vì con luôn chân luôn tay nghịch ngợm và chạy nhảy liên tục nhưng chẳng hề thấy mệt. Các bạn nhỏ bắt đầu thích chạy nhảy, đuổi bắt thay vì chỉ đi chậm rãi bình thường, chính vì vậy hãy đảm bảo không gian vui chơi thật an toàn cho con. 

cac-thay-doi-ki-nang-van-dong-va-nhan-thuc-o-tre-19-thang-tuoi-voh-0
Bé 19 tháng tuổi không thích ngồi yên một chỗ, liên tục chạy nhảy (Nguồn: Internet) 

2.3 Tập thay quần áo 

Ở tháng tuổi này, sự phối hợp tay chân của bé nhịp nhàng hơn nên con dần tự thay quần áo. Con có thể ngồi xuống và tự xỏ chiếc quần vào chân, hay mở nút hoặc kéo khóa những chiếc áo. Dù còn đôi chút vụng về, nhưng các con sẽ sớm thuần thục kĩ năng nên cha mẹ cần tạo điều kiện để con tự thực hành nhiều hơn. 

2.4 Thích giúp đỡ người lớn 

Đây là khoảng thời gian mà bé yêu luôn sẵn lòng chờ đợi lời “nhờ vả” từ người lớn vì bé cảm thấy rất phấn chấn khi mình được giúp đỡ mọi người xung quanh thực hiện công việc. Nếu thấy mẹ rửa bát hay quét nhà, các con sẽ “xung phong” tham gia, nhưng tất nhiên sau đó mẹ có thể sẽ phải làm lại. 

2.5 Bày tỏ cảm xúc 

Những khoảnh khắc vui buồn, quấy khóc bất chợt của con trong tháng thứ 19 này xuất hiện ít hơn, nhưng nếu gặp tình huống khiến bé không hài lòng, con cũng sẽ bày tỏ sự giận dữ qua cái nhăn mặt, nhíu mày, lắc đầu và có lúc là khóc to. 

3. Trẻ 19 tháng tuổi uống bao nhiêu sữa 

Thời kì này bé vẫn duy trì bú sữa mẹ cùng với dùng sữa công thức hoặc sữa tươi. Lượng sữa công thức khuyến cáo cho con uống ở tháng thứ 19 khoảng từ 300-400ml, tuy nhiên nên theo dõi nhu cầu ăn của bé để điều chỉnh phù hợp, không nên ép trẻ ăn thêm vì lo con đói. 

Xem thêm: Nên cho trẻ uống sữa công thức hay sữa tươi?

Khi được 19 tháng tuổi, một số trẻ bắt đầu được gửi tới các trường mầm non để cha mẹ có thể tập trung vào công việc, chính vì thế nên chế độ ăn của bé lúc này có thay đổi khá nhiều. Con cần ăn đủ 3 bữa một ngày, kèm thêm 2 bữa phụ, đặc biệt bé có thể ăn các nhóm thực phẩm tương tự như người lớn nhưng với lượng ít hơn. 

cac-thay-doi-ki-nang-van-dong-va-nhan-thuc-o-tre-19-thang-tuoi-voh-1
Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh như pizza, gà rán (Nguồn: Internet) 

Hạn chế tối đa cho trẻ ăn các thức ăn nhanh như gà rán, pizza hay khoai tây chiên, để tránh tình trạng tiêu chảy xảy ra. Khuyến khích con ăn thêm rau xanh và trái cây nhằm bổ sung vitamin cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết khác. 

4. Trẻ 19 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Để đảm bảo cho sự tăng trưởng tốt, thời gian ngủ ban đêm của trẻ 19 tháng tuổi kéo dài tối đa 13.5 tiếng, con cần có bữa tối sớm và bắt đầu giấc ngủ vào tầm 7 - 8 giờ tối. 

Trẻ con thường ham vui chơi nên không thích ngủ trưa, chính vì vậy mẹ cần tập cho bé có thói quen ngủ giấc trưa trong khoảng từ 1-2 tiếng để phục hồi năng lượng trong một ngày chạy nhảy nô đùa của con. 

Xem thêm: Mẹo đơn giản để trị ‘chứng’ gắt ngủ ở trẻ, giúp bé yêu tự ngủ ngoan và sâu giấc

5. Chăm sóc trẻ 19 tháng tuổi như thế nào?

Dựa theo những thay đổi và phát triển của trẻ vào mỗi tháng tuổi, cha mẹ cần thực hiện những phương pháp chăm sóc riêng. Dưới đây là một số lưu ý chăm sóc dành cho trẻ 19 tháng tuổi. 

5.1 Chăm sóc răng miệng 

19 tháng tuổi con có đủ những chiếc răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới, bên cạnh đó bé mọc thêm 2 chiếc răng hàm đầu tiên. Giai đoạn này cần nhắc nhở bé vệ sinh răng miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, tránh tình trạng trẻ bị hôi miệng do sâu răng. 

Xem thêm: Cách xử lý an toàn khi bé bị sâu răng sữa

5.2 Thực hiện lịch tiêm chủng 

Nhiều cha mẹ thường thắc mắc trẻ 19 tháng tuổi tiêm mũi gì, theo lịch tiêm chủng đầy đủ, trong tháng này, mẹ nên hoàn thiện các mũi vacxin mà tháng trước bé chưa được tiêm như vacxin viêm gan B, viêm gan A, mũi tích hợp bạch hầu ho gà, uốn ván, tiêm mũi nhắc lại vacxin sởi. 

5.3 Tăng cường vận động 

cac-thay-doi-ki-nang-van-dong-va-nhan-thuc-o-tre-19-thang-tuoi-voh-2
Hướng dẫn trẻ tập đạp xe ba hoặc bốn bánh (Nguồn: Internet) 

Trẻ 19 tháng tuổi thường thích thú với các trò chơi vận động, con hiếm khi nào ngồi yên một chỗ. Hãy dành thời gian rảnh để cùng bé chơi trốn tìm, đá bóng và dạy con tập đạp xe ba hoặc bốn bánh. 

Xem thêm: Cha mẹ cần biết: Cách ‘can thiệp sớm’ vật lý trị liệu cho trẻ chậm vận động

5.4 Hướng dẫn bé làm việc nhà 

Khi bé đang hào hứng muốn làm mọi việc giúp đỡ bạn thì hãy tận dùng cơ hội này hướng dẫn bé làm những công việc nhà đơn giản như thu dọn đồ chơi, gấp quần áo hay xếp bàn ghế nhỏ. 

Một ngày chăm sóc các bạn nhỏ khiến bạn mệt nhoài bởi con thật nhiều năng lượng nghịch ngợm, nhưng chính sự lớn khôn và lém lỉnh của trẻ sẽ đem đến cho cả nhà những phút giây hạnh phúc. Mỗi đứa trẻ có một nhịp điệu phát triển riêng, chính vì vậy hãy theo sát em bé của mình nhé. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận