Chờ...

Tử cung lạnh là gì? Làm sao để ngăn ngừa tình trạng này?

(VOH) – Một trong những nguyên nhân gây vô sinh – hiếm muộn ở phụ nữ là do tử cung lạnh. Vậy tử cung lạnh là gì? có thể ngăn ngừa và điều trị bằng cách nào?

Nhiều chị em phụ nữ bị vô sinh – hiếm muộn được chẩn đoán là không rõ nguyên nhân. Trong số đó, một số trường hợp được thầy thuốc Đông y chẩn đoán là do tử cung lạnh. Vậy tử cung lạnh là gì?

1. Tử cung lạnh là gì?

Tử cung lạnh là một cụm từ có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng với y học, đặc biệt là y học cổ truyền thì đây là tình trạng xảy ra phổ biến, có khả năng gây ra vô sinh – hiếm muộn ở phụ nữ.

Có thể hiểu đơn giản, tử cung lạnh là tình trạng năng lượng dương không thể làm ấm cơ thể, mạch máu tử cung co thắt lại khiến tử cung thiếu máu nuôi, gây khó rụng trứng và thụ thai thành công.

Trong y học cổ truyền chú trọng đến sự cân bằng âm và dương (ví dụ như nóng và lạnh). Năng lượng dương chính là sự ấm áp, nóng và nổi trội ở pha sau của chu kỳ kinh nguyệt (nửa chu kỳ sau).

Trong suốt pha sau này, năng lượng dương sẽ làm ấm cơ thể, giúp lưu thông máu và tạo điều kiện để trứng rụng, đậu bám vào thành tử cung. Pha sau của chu kỳ kinh nguyệt chính là pha dương. Sau khi trứng và tinh trùng thụ thai, lượng progesterone (hormone dương) sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng lên, hỗ trợ bào thai đậu bám vào tử cung và phát triển.

Tuy nhiên, khi tử cung lạnh, lớp lót tử cung không đáp ứng thích hợp với hormone progesterone. Mạch máu cung cấp cho tử cung co thắt lại, dẫn đến tình trạng tử cung bị thiếu máu nuôi.

tu-cung-lanh-la-gi-lam-sao-ngan-ngua-tinh-trang-tu-cung-bi-lanh-voh

Tử cung lạnh là như thế nào? (Nguồn: Internet)

Do đó, nếu cơ thể người phụ nữ bị thiếu năng lượng dương, máu nuôi tử cung sẽ giảm đi, khiến những tế bào máu chết sẽ tích tụ ngày càng nhiều làm ngăn chặn dòng máu khác đến tử cung.

Mặt khác, khi tử cung thiếu độ ấm, nang trứng sẽ không thể trưởng thành hoàn toàn được. Trong trường hợp nang trứng có thể trưởng thành thì khả năng trứng rụng cũng rất thấp bởi không có đủ năng lượng dương. Vì thế, phụ nữ sẽ khó thụ thai thành công.

Ngoài ra, nếu quá trình thụ thai xảy ra, bào thai cần khoảng 1 tuần để đậu bám vào tử cung để bào thai có thể liên kết trực tiếp với các mạch máu nhằm cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Sự liên kết này cần được duy trì cho đến khi nhau thai được hình thành sau 3 tháng và trong giai đoạn này, mỗi một bất thường trong tử cung, kể cả tình trạng lạnh tử cung đều có thể dẫn đến sảy thai.

2. Có thể nhận biết dấu hiệu tử cung lạnh bằng cách nào?

Chị em phụ nữ có thể nhận thấy bản thân đang thiếu năng lượng dương nếu gặp phải các dấu hiệu tử cung lạnh như:

  • Cơ thể thường bị lạnh (luôn mặc áo khoác, khó làm ấm cơ thể...).
  • Chân tay lạnh.
  • Nhiệt độ cơ thể bị thấp so với bình thường.
  • Bị suy giáp.
  • Thường xuyên tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm.
  • Hệ tiêu hóa kém.
  • Ra máu trước chu kỳ kinh nguyệt hoặc bị tình trạng có cục máu đông trong chu kỳ kinh.
  • Pha sau của chu kỳ kinh ngắn.
  • Thường bị đau lưng dưới trong thời điểm rụng trứng hay trong kỳ kinh nguyệt.
  • Đau bụng kinh nhưng thường cảm thấy được dễ chịu hơn khi làm ấm.
  • Thường bị sảy thai.
  • Hiếm muộn.
  • Rụng trứng trễ hoặc không rụng trứng.

3. Nguyên nhân lạnh tử cung?

Tình trạng tử cung lạnh được chia làm 3 nguyên nhân điển hình:

3.1 Nguyên nhân lạnh tử cung từ bên trong

Do uống quá nhiều đồ uống lạnh

Uống quá nhiều đồ uống lạnh không chỉ gây hại cho dạ dày mà còn có thể khiến tử cung bị lạnh. Nếu bạn ăn quá nhiều đồ lạnh, tử cung có thể bị ảnh hưởng gây đau bụng, chu kỳ kinh nguyệt không đều và có thể khiến bạn khó mang thai.

Do nhiệt độ cơ thể thấp

Nhiệt độ thấp có thể gây phá hủy năng lượng dương trong cơ thể. Ngoài ra, lạnh còn được gọi là năng lượng âm và khi năng lượng âm tích tụ quá nhiều, sự mất cân bằng sẽ xảy ra và khiến năng lượng dương bị giảm đi nhiều. Hệ quả cuối cùng là cơ thể hay tử cung sẽ bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến khả năng mang thai.

3.2 Nguyên nhân lạnh tử cung từ bên ngoài

Có rất nhiều nguyên nhân từ bên ngoài có thể tác động đến cơ thể và gây ra tình trạng tử cung lạnh:

Thường xuyên để lạnh vùng dạ dày và lưng

Không chú ý giữ ấm cho dạ dày và vùng lưng như mặc áo hở rốn và eo lưng bất kể thời tiết. Điều này có thể khiến gió lạnh và sự ẩm ướt xâm nhập vào cơ thể qua vùng rốn, lưng eo đến tử cung. Ngoài ra, cái lạnh còn có thể theo chân di chuyển đến bụng. Vì thế, nếu bạn để chân, dạ dày hay lưng bị lạnh thì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bạn.

Do ngồi trên sàn nhà lạnh thường xuyên

Ngồi trên sàn nhà lạnh thường xuyên, nhất là sàn nhà ướt sẽ tạo điều kiện để cái lạnh theo mông đi đến vùng bụng và làm tử cung bị lạnh.

Do đi bơi trong thời kỳ kinh nguyệt

Bơi trong kỳ kinh nguyệt có thể gây lạnh tử cung. Nguyên nhân là do vào thời điểm này cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn, đồng thời hệ nội tiết cũng thay đổi và cổ tử cung sẽ mở rộng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn rất dễ bị nhiễm lạnh. Do đó, nếu bơi lội vào ngày “đèn đỏ” tử cung có thể sẽ bị nhiễm lạnh trực tiếp hoặc gián tiếp.

Bị nhiễm lạnh khi mắc mưa

Mặc quần áo ướt cũng là một trong những nguyên nhân khiến tử cung bị nhiễm lạnh.

tu-cung-lanh-la-gi-lam-sao-ngan-ngua-tinh-trang-tu-cung-bi-lanh-1-voh

Bơi lội trong kỳ kinh nguyệt có thể khiến tử cung bị lạnh (Nguồn: Internet)

3.3 Nguyên nhân bên trong và ngoài kết hợp

Mặc dù có nhiều sự khác biệt giữa nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nhưng giữa chúng đều có sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Suy giảm năng lượng dương bên trong, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh từ bên ngoài hơn. Và ngược lại, cái lạnh từ bên ngoài xâm nhập cũng có thể làm năng lượng dương bên trong suy giảm và hậu quả cuối cùng là dẫn đến khó mang thai.

4. Cách chữa tử cung lạnh

Mặc dù tử cung lạnh có thể dẫn đến tình trạng khó thụ thai nhưng bạn vẫn có thể điều trị tử cung lạnh bằng những thói quen hàng ngày như:

  • Ăn thức ăn nóng ấm và có tính nhiệt.
  • Ngâm chân trong nước ấm mỗi ngày trong 10 - 20 phút. Giữ ấm chân sau khi để khô chân.
  • Chườm nóng bằng cách để một túi chườm nhiệt lên bụng hay vùng lưng để làm ấm mỗi ngày hay cách ngày.
  • Uống trà gừng và đường nâu mỗi ngày.
  • Tập các bài tập thể dục dưỡng sinh như thái cực quyền, khí công... có thể sẽ giúp ích cho bạn.
  • Tự massage tại vị trí Tam âm giao (khoảng 4 lóng ngón tay tính từ đỉnh xương mắt cá đi lên).

tu-cung-lanh-la-gi-lam-sao-ngan-ngua-tinh-trang-tu-cung-bi-lanh-2-voh

Chườm nóng có thể giúp làm ấm tử cung (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong Đông y còn có chữa lạnh tử cung bằng bài thuốc dân gian dùng cho phụ nữ tử cung lạnh có tên là: Ôn bào ẩm. Cách dùng như sau: bạch truật (sao vàng):1 lượng, ba kích nhục (tẩm nước muối) 1 lượng, nhân sâm 3 chỉ, hoài sơn (sao) 3 chỉ, đỗ trọng (sao đen) 3 chỉ, thố ty tử (sao rượu) 3 chỉ, khiếm thực (sao) 3 chỉ, nhục quế 2 chỉ, bổ cốt chí (sao muối) 2 chỉ, phụ tử 1/2 chỉ. Ngày một thang uống liền 1 tháng thì bào cung ấm áp sẽ thụ thai dễ dàng.

Qua kinh nghiệm, dùng bài thuốc nói trên cùng với bài Lục vị hoàn (làm thuốc tễ) sẽ có công hiệu cao hơn.

5. Cách ngăn ngừa tình trạng tử cung lạnh

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng tử cung lạnh bằng cách lưu ý những điều sau:

  • Không nên ngồi lâu hay thường xuyên trên sàn nhà lạnh, ẩm ướt.
  • Giữ ấm chân, dạ dày và lưng. Nên mặc quần áo che cả rốn và eo, mang tất hay giày vào mùa đông.
  • Không đi bơi trong kỳ kinh nguyệt.
  • Thay quần áo ngay sau khi mắc mưa.
  • Sấy khô tóc sau khi tắm và trước khi đi ngoài trời lạnh.
  • Hạn chế uống nhiều đồ lạnh, nước lạnh nhất là trong kỳ kinh nguyệt.
  • Điều trị nếu cơ thể bạn thuộc dạng thiếu năng lượng dương. Triệu chứng của tình trạng này có thể bao gồm: thích ấm áp, chân và tay đều lạnh, đau đầu gối khi trời lạnh, da xanh xao...

Trên đây là những thông tin về tình trạng tử cung lạnh, hi vọng bài viết trên sẽ đến cho bạn nhiều kiến thức hữu ích. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý, nhiều tình trạng bất thường khác ở tử cung cũng có thể dẫn đến việc khó thụ thai, vì thế đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những vấn đề sinh sản, từ đó giúp kiểm soát và điều trị kịp thời.