Cách khắc phục khi bôi kem chống nắng bị vón cục

VOH - Chỉ cần ghi nhớ 7 mẹo nhỏ này là bạn có thể xử lý “ngon ơ” tình trạng bôi kem chống nắng bị vón cục, để lại vệt trắng loang lổ.

Bôi kem chống nắng bị vón cục không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ da. Cùng VOH lý giải nguyên nhân và “bỏ túi” cách thoa kem chống nắng mướt đẹp, không bết dính, không mốc mặt, không vón cục.

Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục?

Kem chống nắng là sản phẩm thiết yếu trong mọi quy trình chăm sóc da và được sử dụng hàng ngày. Vì vậy, dù không mong muốn nhưng đôi khi chúng ta vẫn sẽ gặp phải một vài rắc rối liên quan đến món skincare này. Tình trạng bôi kem chống nắng vón cục chính là một trong số đó.

Kem chống nắng bị vón cục là kết quả của việc sản phẩm không được hấp thụ, “bám” vào da, khiến bề mặt da trông sần sùi, bong tróc… Theo các chuyên gia, kem chống nắng bị vón cục có thể do hai nguyên nhân chính là do sản phẩm hoặc do người sử dụng.

Do sản phẩm

Trên thực tế, một số thành phần trong kem chống nắng và cách mà chúng phản ứng với các sản phẩm chăm sóc da khác có thể góp phần gây ra tình trạng vón cục. Do đó, nếu bạn thường xuyên gặp phải tình huống trên khi sử dụng một loại kem chống nắng nào đó thì hãy thử kiểm tra bảng thành phần.

Silicones (như Dimethicone, Amodimethicone, Cyclomethicone), Talc, Mica Oxide, Xanthan Gum, Carbomer… là những cái tên phổ biến có thể khiến các sản phẩm kết tụ lại trên da. Khi thoa các công thức này lên trên sản phẩm chứa dầu (oils), tình trạng vón cục sẽ xảy ra phổ biến hơn.

Cách khắc phục khi bôi kem chống nắng bị vón cục 1
Kem chống nắng bị vón cục có thể do chính công thức của sản phẩm - Ảnh: Internet

Ngoài ra, kem chống nắng vật lý cũng được cho là có khả năng dẫn đến hiện tượng vón cục nhiều hơn so với kem chống nắng hóa học, đặc biệt là khi chúng ta thoa, chà xát nhiều trên da. Điều này là do công thức vật lý nằm trên bề mặt da còn công thức hóa học được hấp thụ vào da khi sử dụng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải phải tránh tất cả những loại kem chống nắng chứa các thành phần ở trên và kem chống nắng vật lý. Chỉ cần chú ý chọn, layer sản phẩm và thoa kem chống nắng đúng cách thì chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng bong tróc, mốc mặt…

Do người sử dụng

Bên cạnh công thức của sản phẩm thì cách thoa kem chống nắng cũng là một nguyên nhân chính có thể gây nên tình trạng vón cục. Cùng VOH điểm nhanh những gạch đầu dòng sau để kiểm tra xem mình có mắc phải những sai lầm phổ biến này hay không.

Cách khắc phục khi bôi kem chống nắng bị vón cục 2
Bôi kem chống nắng sai cách cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vón cục, mốc mặt - Ảnh: Internet
  • Không xem xét loại da, nhu cầu của bản thân khi chọn kem chống nắng.
  • Cách kết hợp các sản phẩm chăm sóc da.
  • Không làm sạch da trước khi thoa kem chống nắng.
  • Thoa kem chống nắng khi các sản phẩm skincare trước đó chưa hấp thụ hoàn toàn vào da hoặc thoa các sản phẩm chăm sóc da không đúng thứ tự.
  • Bôi quá nhiều kem chống nắng, chà xát da mạnh.

Khi nắm được những nguyên nhân khiến việc bôi kem chống nắng dễ bị vón cục, loang lổ, để lại vệt trắng… chúng ta sẽ tìm ra cách hạn chế, khắc phục tình trạng này.

Kem chống nắng vón cục có ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ da không?

Kem chống nắng bị vón cục không có nghĩa là chúng không thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nếu phần lớn sản phẩm bị bong tróc thì làn da của bạn có thể không nhận được sự bảo vệ tối ưu. Vì vậy, khi gặp tình trạng này chúng ta cần tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt.

Cách bôi kem chống nắng không bị vón cục

Chọn kem chống nắng phù hợp loại da

Việc tìm kiếm một loại kem chống nắng phù hợp với loại da và nhu cầu rất quan trọng. Da khô dễ bị bong tróc, da dầu tiết nhờn nhiều… đều có thể khiến cho kem chống nắng dễ bị vón cục hơn. Vì kết cấu da không đồng đều sẽ khiến cho sản phẩm khó hấp thụ. 

Với nhu cầu trang điểm, bạn nên chọn kem chống nắng có công thức nhẹ, thấm nhanh và tốt nhất là được thiết kế dành riêng cho mục đích này.

Bôi kem chống nắng lên da sạch, khô

Làm sạch da là bước đầu tiên trong mọi quy trình skincare. Trước khi bôi kem chống nắng, bạn cần rửa mặt, thoa toner, thoa kem dưỡng ẩm đồng thời đảm bảo làn da đã khô. Điều này giúp kem chống nắng được hấp thụ đúng cách và giảm nguy cơ bị vón cục, để lại vệt trắng.

Lưu ý rằng, da khô hoặc bong tróc có thể khiến kem chống nắng khó “bám” da. Vì vậy, chúng ta cần tẩy tế bào chết đều đặn và chú ý dưỡng ẩm.

Cách khắc phục khi bôi kem chống nắng bị vón cục 3
Muốn bôi kem chống nắng không bị vón cục, chúng ta cần làm sạch da trước - Ảnh: Internet

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da đúng thứ tự

Bôi các sản phẩm chăm sóc da đúng thứ tự là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng kem chống nắng bị vón cục. Nguyên tắc chung là dùng các công thức từ lỏng, mỏng nhẹ đến đặc để giúp mọi thứ được hấp thụ đúng cách và không cản trở lẫn nhau.

Nếu bạn thoa kem dưỡng đặc chứa các phân tử lớn trước huyết thanh chứa các hoạt chất có cấu trúc phân tử nhỏ thì huyết thanh sẽ không thể thẩm thấu, không phát huy được tác dụng. Nó cũng tạo một lớp cặn trên da khiến cho kem chống nắng thoa sau đó bị vón cục.

Đợi các sản phẩm chăm sóc da hấp thụ hoàn toàn

Muốn bôi kem chống nắng không bị vón cục, bạn còn cần cho da thời gian để hấp thụ hoàn toàn sản phẩm được sử dụng trước đó. Thời gian chờ giữa các bước skincare của mỗi người sẽ khác nhau và phụ thuộc vào loại sản phẩm, loại da. Bạn có thể dùng tay chạm vào mặt, nếu còn ướt, sản phẩm còn dính vào tay thì hãy chờ thêm.

Cách thoa kem chống nắng không bị vón cục

  • Dùng lượng kem chống nắng vừa đủ, không thoa quá nhiều.
  • Chấm kem chống nắng thành nhiều điểm nhỏ trên da sau đó mới tán đều.
  • Với những loại kem chống nắng có kết cấu đặc, khó tán, nhanh khô… bạn có thể bôi từng vùng nhỏ và bôi nhiều lớp cho đến khi đạt được độ che phủ cần thiết.
  • Sử dụng cọ, mút để tán kem chống nắng, giúp chúng “bám” da hơn, đặc biệt là khi trang điểm.
  • Hạn chế miết, chà xát da, nên tán và vỗ nhẹ da.
  • Khi thoa lại kem chống nắng, nên tẩy trang, loại bỏ hết lớp kem chống nắng trước đó để giúp sản phẩm hấp thụ tốt hơn, tránh bị vón cục. 
Cách khắc phục khi bôi kem chống nắng bị vón cục 4
Biết được những tips nhỏ hữu ích, việc bôi kem chống nắng của bạn sẽ dễ dàng hơn - Ảnh: Getty Images

Kiểm tra thành phần sản phẩm

Ngoài việc chú ý đến một số thành phần trong kem chống nắng như đã nói ở trên chúng ta cũng cần quan tâm đến thành phần trong sản phẩm chăm sóc da. Vì cách mà chúng phản ứng với kem chống nắng có thể là nguyên nhân khiến bạn chưa thể giải quyết vấn đề dù đã cố khắc phục bằng nhiều cách.

Hãy thử tránh xa các món skincare chứa dầu mỏ (Petrolatum), dầu khoáng (Mineral oil) hoặc sáp (Waxes) vì chúng có thể gây tắc nghẽn hoặc tạo thành một lớp màng trên da. Các phân tử lớn hơn trong những thành phần này cũng ngăn cản các phân tử nhỏ hơn hấp thụ vào da đúng cách, dẫn đến vón cục kem chống nắng.

Đổi kem chống nắng

Không có sản phẩm chăm sóc da nào phù hợp với mọi loại da hay với tất cả mọi người, kem chống nắng cũng vậy. Nếu bạn không thể khắc phục được tình trạng vón cục khó chịu thì tốt nhất hãy tìm một công thức khác. Với trường hợp tiếp tục gặp vấn đề dù đã đổi vài loại kem chống nắng thì hãy xem lại thật kỹ những lưu ý trên.

Khi bạn hiểu được nguyên nhân dẫn đến tình trạng bôi kem chống nắng bị vón cục thì việc khắc phục sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Đừng quên theo dõi chuyên mục Mẹo vặt để cập nhật thêm nhiều tips hữu ích cho cuộc sống nhé!

Bình luận