Có rất nhiều nguyên nhân khiến tủ lạnh nhà bạn tiêu tốn lượng lớn điện năng. Để tiết kiệm điện, kéo dài tuổi thọ cho thiết bị mà vẫn đảm bảo thực phẩm được bảo quản tốt, hãy áp dụng các mẹo sau!
1. Hạn chế mở cửa tủ lạnh
Khi mở cửa tủ lạnh liên tục, độ mát bên trong sẽ giảm xuống. Mở cửa càng nhiều, lượng điện tổn hao càng lớn. Điều này buộc máy lạnh hoạt động nhiều hơn để bù đắp, gây tốn năng lượng. Do đó, cố gắng hạn chế mở cửa tủ lạnh và nên thao tác nhanh mỗi lần lấy hoặc cất thực phẩm.
2. Không kê tủ lạnh sát tường
Đây là sai lầm nhiều người mắc phải. Nếu kê tủ lạnh sát tường sẽ không có chỗ để tỏa nhiệt, hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ sẽ thiếu không khí mát để làm nguội, dẫn đến tốn điện, đồng thời tủ lạnh cũng nhanh xuống cấp.
Bên cạnh đó, tủ lạnh cần được đặt tại những vị trí thông gió, thoáng mát. Bởi nhiệt độ không gian càng cao, nhiệt lượng truyền vào tủ lạnh càng nhiều, càng tản nhiệt chậm, điện càng hao nhiều hơn.
Vì vậy, cần đặt tủ lạnh cách tường ít nhất 10cm. Muốn không khí lưu thông xung quanh thiết bị và để chống ẩm, bạn có thể kê tủ lạnh cách mặt đất hơn 5cm. Ngoài ra, cần chắc chắn rằng, tủ lạnh được kê cân bằng. Nếu bị chênh, cửa tủ dễ bị hở, ảnh hưởng đến quá trình làm mát và gây hao tốn điện năng.
3. Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp
Hầu hết tủ lạnh đều có thiết lập nhiệt độ từ 1 - 9 với mỗi vạch chỉ độ tăng dần hoặc giảm dần của nhiệt độ. Theo đó, vạch đầu tiên là ấm nhất, vạch cuối cùng là lạnh nhất.
Ngăn lạnh nhiệt độ nên đặt từ 1,7 - 5 độ, trong khi ngăn đông thì mức nhiệt phù hợp là -18 đến 0 độ C. Nếu tủ lạnh của bạn ngoài ngăn lạnh và ngăn đá còn có ngăn thực phẩm tươi thì đặt nhiệt độ từ 0 - 4 độ C, ngăn làm mát khoảng 0 độ C.
Ngăn đông ở mức -18 độ C là đủ để nước đóng băng và vi khuẩn sẽ không thể phát triển được, bạn có thể bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Nếu dùng -18 độ C thay cho -22 độ C thì mỗi tháng bạn tiết kiệm được trên dưới 25% điện.
Lưu ý, không nên để nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn quá nhiều so với mức nhiệt tiêu chuẩn. Nếu đặt nhiệt độ quá cao, thực phẩm sẽ nhanh hỏng và làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Còn nếu đặt nhiệt độ quá thấp, thực phẩm dễ bị đóng tuyết và tiêu hao điện năng nhiều hơn.
Ngoài ra, một số người có thói quen điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh quá thường xuyên, tăng lượng điện tiêu thụ hơn. Để tiết kiệm điện, hãy giữ nhiệt độ tủ lạnh ổn định lâu nhất có thể.
Xem thêm:
8 mẹo đơn giản giúp bạn sử dụng tivi “thả ga” nhưng vẫn tiết kiệm điện
9 loại đồ dùng không cần phải làm sạch thường xuyên
Những thiết bị "ngốn" điện âm thầm và mẹo tiết kiệm
4. Bảo quản bằng hộp thủy tinh
Tốt nhất nên sử dụng hộp thủy tinh để bảo quản thực phẩm. Bởi thủy tinh giúp cân bằng nhiệt độ trong tủ lạnh. Điều này giúp quá trình làm mát thực phẩm diễn ra nhanh hơn, tiết kiệm điện hiệu quả.
Ngoài ra, thủy tinh có khả năng cách nhiệt tốt, ngăn chặn sự truyền nhiệt từ môi trường bên ngoài vào hộp. Điều này giúp thực phẩm bên trong hộp giữ được nhiệt độ lạnh trong thời gian dài, giảm tiêu thụ điện năng.
5. Kiểm tra viền đệm cửa thường xuyên
Sau một thời gian dài sử dụng, các ron cao su (còn gọi là gioăng tủ lạnh) ở cửa có thể bị hỏng hóc, làm tủ bị thoát khí lạnh. Để tránh trường hợp này xảy ra, hãy kiểm tra thường xuyên gioăng cao su phía sau cánh cửa bằng cách kẹp một tờ giấy mỏng vào khe tủ. Nếu bạn dễ dàng kéo tờ giấy đi dọc theo khe hở thì ron cao su nhà bạn cần được thay thế. Ngoài ra, hãy vệ sinh gioăng tủ lạnh thật cẩn thận để tránh bụi bẩn làm hở cửa tủ.
6. Không được chất quá nhiều/quá ít đồ ăn trong tủ lạnh
Nếu cho quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, khí lạnh sẽ khó lưu thông, chất lượng bảo quản thực phẩm giảm, tủ lạnh sẽ hoạt động nhiều hơn, gây tốn điện và giảm tuổi thọ.
Ngược lại, nếu sắp xếp quá ít thực phẩm thì sự trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài khi mở tủ sẽ tăng mạnh, vừa gây tốn điện vừa giảm độ lạnh.
Vì vậy, để duy trì chế độ bảo quản tốt cũng như tiết kiệm năng lượng, bạn nên sắp xếp mức thực phẩm vừa đủ và đặt mức nhiệt độ phù hợp.
Ngoài ra, hãy chọn mua đúng loại tủ lạnh có dung tích phù hợp với thành viên trong gia đình để tránh lãng phí điện năng. Ví dụ, gia đình 4 người nên chọn loại tủ 100 - 180 lít.
7. Nước nóng, thức ăn nóng phải để nguội hẳn mới cho vào tủ lạnh
Nếu cho thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm nhiệt độ bên trong tăng lên quá nhanh, khiến máy nén hoạt động với công suất cao để cân bằng nhiệt độ cho tủ. Nếu bạn thường xuyên đặt nước nóng, thức ăn nóng vào tủ lạnh, thiết bị cũng sẽ bị giảm tuổi thọ do phải khởi động mô-tơ để làm lạnh nhanh cho tủ nhiều lần.
8. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh
Bụi bẩn bám và tích tụ trên bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, lưới lọc… gây trở ngại cho việc trao đổi nhiệt, làm máy chậm lạnh. Do đó, bạn cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh phát sinh vi khuẩn.
Theo GQ, mặc dù thao tác lau chùi, làm sạch có thể diễn ra bất cứ khi nào bạn cần, tuy nhiên, việc làm sạch sâu cho tủ lạnh nên được thực hiện với tần suất 3 - 4 tháng/lần. Thời gian tốt nhất để dọn tủ là trước khi đi mua thực phẩm mới. Quy trình này sẽ được tiến hành toàn diện, kỹ lưỡng và nhanh chóng (dưới 2 tiếng đồng hồ), để chất lượng thực phẩm không bị ảnh hưởng.