Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lưới an toàn ban công là gì và 'tất tần tật' những điều cần biết

(VOH) – Lưới an toàn ban công hiện đang là một dạng rào chắn bảo vệ cần thiết dành các căn nhà cao tầng hay nhà ở chung cư để giúp đảm bảo sự an toàn, nhất là khi trong gia đình có trẻ nhỏ.

Hiện nay, nhu cầu sinh sống tại các căn hộ chung cư, nhà cao tầng ngày càng cao. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, nhất là những gia đình có con nhỏ thì việc ở các căn hộ chung cư, nhà cao tầng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm tại các khu vực ban công, cửa sổ.

Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho cả gia đình và phòng ngừa các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, nhiều gia đình đã lựa chọn lắp đặt lưới an toàn ban công để giữ an toàn ở những khu vực có độ cao nguy hiểm.

1. Lưới an toàn ban công là gì ?

Lưới an toàn ban công là loại lưới giúp bảo vệ an toàn cho cả trẻ nhỏ và người lớn sống tại các căn hộ chung cư, nhà cao tầng. Loại lưới này thường được lắp tại các khu vực ban công – vị trí rất dễ gây tai nạn đáng tiếc cho con người. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng lưới an toàn để lắp tại cầu thang, cửa sổ lớn, giếng trời...

luoi-an-toan-ban-cong-la-gi-va-tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-voh-0
Lưới an toàn ban công là thiết bị giúp bảo vệ an toàn cho những gia đình sống ở căn hộ chung cư, nhà cao tầng...

Ngày nay, lưới an toàn ban công được sử dụng rộng rãi nhiều ở các căn hộ chung cư, những căn hộ có trẻ nhỏ. Nhờ thiết kế tinh tế, lưới an toàn ban công được xem như một hàng rào vô hình không làm ảnh hưởng đến vẽ thẩm mỹ của căn nhà, bởi ngoài tầm nhìn 15 mét sẽ không thể thấy được lớp “bảo vệ” này.

2. Cấu tạo lưới ban công

Lưới an toàn ban công là loại lưới được tạo nên từ hệ thống sợi cáp chắc chắn. Được lắp cố định để vừa giúp đảm bảo an toàn, vừa tăng khả năng chống trộm tại khu vực ban công.

Lưới an toàn ban công gồm 3 bộ phận chính là: hệ thống dây cáp, các thanh nhôm giúp định hình và các ốc vít cố định.

2.1 Hệ thống dây cáp

Hệ thống dây cáp của lưới an toàn ban công có lõi được làm từ các sợi inox xoắn có độ bền cao, có khả năng chống oxy hóa, chống gỉ cực tốt.

Bên ngoài dây cáp được bọc một lớp nhựa dẻo trong suốt HDPE hoặc PE không dẫn điện, không thấm nước và khả năng chống chịu với những ảnh hưởng của thời tiết. Hơn thế, lớp bảo vệ bên ngoài còn giúp chống xay xát cho trẻ nhỏ, người lớn và giảm thương tích khi có va đập.

Đường kính các sợi dây cáp khá nhỏ, khoảng 3mm. Các dây cáp này khi lắp đặt được sắp xếp tạo thành một tấm lưới với khoảng cách đều nhau. Đảm bảo an toàn mà không bị che khuất tầm nhìn.

Nhiệm vụ chính của hệ thống dây cáp an toàn ban công là giúp định hình lưới.

luoi-an-toan-ban-cong-la-gi-va-tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-voh-1
Lưới ban công chung cư là loại lưới được tạo nên từ hệ thống sợi cáp, thanh nhôm và các ốc vít cố định

2.2 Các thanh nhôm

Các thanh nhôm trong lưới an toàn ban công có công dụng cố định 2 đầu của các dây cáp bằng cách lắp dây cáp vào các bu-lông có sẵn trên thanh nhôm chịu lực kéo uốn.

Thanh nhôm được làm từ hợp kinh nhôm cao cấp, chuyên dụng, bề mặt được phủ một lớp sơn tĩnh điện màu trắng hoặc đen để bảo đảm tính thẩm mỹ, dễ lau chùi. Phía trên thanh nhôm có sẵn các lỗ để bắt vít sắt cố định và hệ thống bu-lông để siết cáp.

2.3 Các ốc vít cố định

Những khoen gồm những con ốc sáng chống trờn gen và những vòng đệm màu đen có độ bền cao, không bị nứt vỡ khi kéo cáp. Khi lắp đặt, thanh nhôm sẽ được gắn cố định ở phía trên – dưới (hoặc phải – trái), sau đó mới tiến hành luồn lần lượt các sợi cáp inox qua bu-lông.

Về mặt thông số, lưới an toàn ban công có thể chịu lực kéo tối đa lên đến 950N theo tiêu chuẩn ISO 1806. Thông thường, khoảng cách giữa 2 sợi dây của lưới an toàn được sẽ được lắp đặt cách nhau từ 5cm – 7cm. Với khoảng cách này, bạn sẽ không bị mất tầm nhìn khi ngắm cảnh nơi ban công.

Xem thêm: Những điều bạn cần ‘nằm lòng’ để tính diện tích cho các hạng mục quan trọng khi xây dựng nhà ở

3. Có nên lắp đặt lưới ban công?

Là một sản phẩm hỗ trợ an toàn cho các gia đình đang sống trong những căn hộ cao tầng. Lưới an toàn ban công đóng vai trò như một lớp rào chắn bảo vệ sự an toàn cho mọi người trong gia đình. Ngoài ra, sử dụng lưới an toàn ban công còn giúp bạn:

  • Hạn chế được những tai nạn không đáng có như sẩy chân, trượt ngã từ tầng cao xuống.
  • Ngăn chặn sự rơi vỡ của những đồ đạc có giá trị hoặc dễ vỡ trong nhà chẳng hạn như robot lau nhà, bình hoa,…
  • Có khả năng chống trộm, bởi bạn có thể gắn các thiết bị chống trộm lên lưới.

4. Ưu điểm khi lắp lưới an toàn ban công

Trước kia, khi lưới an toàn ban công còn chưa phổ biến, để bảo vệ ban công và an toàn cho trẻ nhỏ, các gia đình thường sử dụng những khung thép to cứng, thô kệch, chi phí cao nhưng lại khiến ban công trở nên xấu xí.

Với việc lắp đặt lưới an toàn ban công sẽ thay đổi hoàn toàn cảnh quan của ngôi nhà mà vẫn đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong gia đình.

luoi-an-toan-ban-cong-la-gi-va-tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-voh-2
Lắp đặt lưới an toàn ban công không làm mất đi tính thẩm mỹ của ngôi nhà

Dưới đây là những ưu điểm khi sử dụng lưới an toàn ban công:

  • Giúp bảo vệ an toàn cho ngôi nhà của bạn. Khi lắp lưới an toàn sẽ biến ban công từ một không gian mở thành 1 không gian kín an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên chúng không khiến ngôi nhà trở nên tù túng, bởi các sợi dây cáp có kích thước nhỏ chỉ từ 3mm nên nhìn từ xa các sợi thép dường như “vô hình” giữa không gian.
  • Có thể sử dụng lưới an toàn với nhiều kiểu ban công khác nhau như: ban công thẳng, ban công gấp khúc, ban công cong, ban công 1 cạnh, ban công 2 cạnh, ban công được làm bằng sắt, ban công tường gạch...
  • Sợi cáp hoàn toàn vô hại khi được bọc lớp nhựa mềm bên ngoài, có khả năng chịu lực lên tới 90kg nên dù có thiết kế mỏng manh.
  • Chi phí lắp đặt lưới chắn ban công rẻ hơn so với những cách làm bảo vệ ban công khác. Quá trình lắp đặt nhanh, gọn và rất dễ dàng mà không ảnh hưởng tới thiết kế hạ tầng xung quanh.
  • Thay mới hay bảo trì dễ dàng.

5. Nhược điểm khi lắp lưới an toàn ban công

Sử dụng lưới an toàn ban công hầu như không có điểm gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chụp cảnh bên ngoài, bạn phải đưa điện thoại ra ngoài lưới nên cần thận trọng để không đánh rơi máy, đây chính là nhược điểm duy nhất khi lắp lưới an toàn ban công.

Ngoài ra, so với khung thép, sử dụng lưới an toàn cũng có thể chống trộm nhưng không hiệu quả sẽ không cao, dù đối với các căn hộ ở tầng cao hay nhà ở chung cư thì điều này khó có thể xảy ra.

Xem thêm: ‘Hớp hồn’ với những ban công đẹp khiến bao người 'mê ngắm'

6. Tiêu chuẩn đánh giá lưới ban công an toàn

Để có thể mua được lưới an toàn ban công chất lượng tốt cho căn hộ của gia đình, bạn cần đánh giá dựa trên các tiêu chí như:

6.1 Chất liệu của lưới an toàn ban công

Chất liệu là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng quyết định xem liệu bạn nên mua lưới an toàn ban công loại nào.

Hiện nay, lưới an toàn ban công làm từ chất liệu inox là lựa chọn được ưu tiên sử dụng rộng rãi. Chất liệu này có khá nhiều ưu điểm như không han gỉ, chịu lực tốt, độ bền và tính thẩm mỹ được đánh giá cao. Cùng với sự hỗ trợ của lớp nhựa bên ngoài, cho nên xu hướng hiện nay bạn ưu tiên loại lưới an toàn làm từ inox.

6.2 Kích thước lưới an toàn

Lưới an toàn ban công hiện được sản xuất với nhiều kích cỡ khác nhau (2mm, 2.5mm, 3.5mm). Mỗi một loại sẽ có đặc điểm hình thái và công năng riêng. Tùy vào sở thích và kiểu kiến trúc ngôi nhà bạn sẽ lựa chọn loại lưới an toàn ban công phù hợp.

luoi-an-toan-ban-cong-la-gi-va-tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-voh-3
Tùy vào sở thích và kiểu kiến trúc ngôi nhà bạn sẽ lựa chọn loại lưới an toàn ban công phù hợp

Khi mua bạn nên chú ý lựa chọn kích thước lưới tương thích với độ bền bức tường. Không thể chọn lưới dày cho tường quá mỏng và ngược lại.

6.3 Thương hiệu sản xuất

Nên cân nhắc chọn mua lưới an toàn ban công tại các thương hiệu sản xuất uy tín, và quan trọng là phải chọn hàng chính hãng ở các địa chỉ phân phối tin cậy. Vì mục đích chính là giúp gia cố bảo vệ cho an toàn của ngôi nhà và các thành viên trong nhà nên yếu tố về chất lượng và công năng là vô cùng quan trọng.

7. Hướng dẫn sử dụng đúng cách lưới an toàn ban công

Khi lắp đặt lưới an toàn ban công, bạn hãy lưu ý một số điều sau đây để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng:

  • Hạn chế căng dây cáp: Sức chịu nặng của lưới có thể lên đến hơn 90kg. Tuy nhiên, không nên dùng tay hay vật nặng để cố căng dây cáp vì có thể sẽ làm giảm tuổi thọ của lưới.
  • Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây cáp, ốc vít cố định: Tuổi thọ lưới an toàn ban công có thể lên đến 10 năm, tuy nhiên, trong thời gian sử dụng bạn cần kiểm tra định kì về độ chắc chắn cũng như an toàn của các bộ phận, kịp thời thay mới nếu cần thiết.

8. Nên sử dụng lưới an toàn ban công ở đâu?

Lưới an toàn ban công là cần thiết với tất cả mọi gia đình, tòa nhà hay những nơi có ban công, bởi nó sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi trẻ nhỏ chơi đùa. Hơn thế, nó còn giúp bảo vệ tối đa cho ngôi nhà bạn.

Dưới đây là một số địa điểm nên sử dụng lưới an toàn ban công:

  • Ngôi nhà ở cao tầng.
  • Nhà trẻ, trường học…
  • Villa, biệt thự, căn hộ cao cấp.
  • Cơ quan, doanh nghiệp, tòa nhà…
  • Ban công, cửa sổ, hành lang, chuồng cọp…

Nhìn chung, lưới an toàn là thiết bị hữu ích cho các căn hộ chung cư hoặc nhà cao tầng. Nếu bạn muốn đảm bảo sự an toàn cho con nhỏ và các thành viên khác trong gia đình thì lưới an toàn ban công là một thiết bị bạn không nên bỏ qua.

cach-tinh-m2-cac-hang-muc-can-thiet-khi-xay-dung-nha-voh-9
The Peak: Biểu tượng hoàn hảo cho những giá trị tuyệt đỉnh
Bài viết được tài trợ bởi Công Ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng
Địa chỉ: Lầu 10, 801 Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phú, Q.7, TP. HCM

Tel: (028) 5411-9999 - Fax: (028) 5411-5999
E: info@phumyhung.com.vn
Bình luận