Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giới giải trí Việt đạo nhái, ăn theo Kpop hay fan quá nhạy cảm?

VOH - Khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, nhiều sản phẩm âm nhạc Việt vướng vào nghi vấn ăn cắp ý tưởng từ Kpop.

Đạo nhái luôn là vấn đề được quan tâm trong giới giải trí. Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm bị nghi ngờ sử dụng ý tưởng từ các bản "hit" của các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Biên đạo Lan Nhi liên tục "lấy cảm hứng" từ Kpop

Với sự thịnh hành của dòng nhạc dance, các ca sĩ Việt Nam hiện nay thường bổ sung phần trình diễn vũ đạo bắt mắt khi trình diễn trên sân khấu. Trong đó, không ít lần các động tác nhảy do nữ biên đạo Lan Nhi sáng tạo có sự tương đồng lớn với vũ đạo của các thần tượng Hàn Quốc. 

Gần đây nhất, các động tác trong ca khúc DOC của rapper Pháp Kiều do Lan Nhi biên đạo có điểm giống với đoạn điệp khúc trong Pink Venom của BLACKPINK. Từ cách sắp xếp đội hình xen kẽ đến quay lưng về máy quay và lắc hông, không khó để người xem liên tưởng đến động tác của nhóm nữ đình đám nhà YG. 

pagenghesivietdaonhai1
Động tác nhảy của DOC gây liên tưởng đến Pink Venom

Lan Nhi còn là biên đạo chính cho các tiết mục trong chương trình thực tế nổi tiếng Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng. Suốt thời gian diễn ra chương trình, nhiều phần trình diễn đều tạo ra tranh cãi khi giống y hệt các vũ đạo Kpop, trùng khớp đến từng chuyển động. Thậm chí, chỉ trong một màn biểu diễn, biên đạo Lan Nhi được cho là đã cắt ghép nhiều đoạn của các vũ đạo Kpop khác nhau, đưa vào tiết mục của mình. 

pagenghesivietdaonhai
Phân đoạn nằm lên các vũ công nam của Huyền Baby trong tiết mục Đã Không Yêu Thì Thôi giống hệt vũ đạo Stay Tonight của Chung Ha

Nhiều người hâm mộ suy đoán rằng, đơn vị sản xuất Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng không tiếp tục giao vị trí biên đạo cho Lan Nhi trong chương trình mới Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai là do các ý kiến trái chiều về vấn đề đạo nhái. Kể từ khi ồn ào ăn cắp ý tưởng nổ ra, nữ dancer xuất thân từ vũ đoàn Bước Nhảy chưa từng lên tiếng giải thích rõ sự việc. 

nghesivietdaonhai004-20240622-193833
Nữ dancer gây ra nhiều tranh cãi vì các ý tưởng trùng lặp của mình

"Tái sử dụng" hình ảnh concept, giai điệu bài hát

Không chỉ về vũ đạo, loạt ca sĩ Vpop thường bị "soi" ra điểm tương đồng trong hình ảnh quảng bá với các idol Kpop. Năm 2022, nhóm nhạc DREAMeR khiến fan Kpop bức xúc khi mặc quần áo, trang điểm, làm tóc giống hệt BLACKPINK. Cách chụp ảnh, thiết kế poster cũng giống với các cô gái nhà YG đến 90%. 

nghesivietdaonhai005-20240622-193833
MiiNa có tạo hình giống với Rosé (BLACKPINK)
nghesivietdaonhai003-20240622-193833
Từ trang phục, kiểu tóc đến dáng chụp ảnh đều giống nhau

Nhiều ca khúc Vpop liên tục vướng vào nghi vấn "mượn" giai điệu lẫn cách hòa âm, phối khí. "Chị đẹp" Trang Pháp từng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi biểu diễn ca khúc Chỉ Là có đoạn remix mang giai điệu giống với "hit" Drama của aespa. Ca khúc Moonlight của LUNAS do Trang Pháp sáng tác cũng gây không ít tranh cãi vì có cấu trúc bài hát tương đồng với BLACKPINK. 

lunasramatmoonlight003-20240520-235418
LUNAS được cho là đang cố gắng giống với màu sắc Kpop

Ăn theo các thuật ngữ Kpop

Các khái niệm chỉ có tại giới giải trí Hàn Quốc còn được nhiều nghệ sĩ Việt sử dụng không đúng. Khi ra mắt sản phẩm Từng Quen, nam ca sĩ Wren Evans khiến nhiều fan Kpop khó hiểu khi tung poster thông báo ca khúc đạt Perfect All Kill. Tại Việt Nam chưa có một quy chuẩn cụ thể nào để công nhận một bài hát đạt thành tích này. 

nghesivietdaonhai001-20240622-193833
Dù Từng Quen đứng nhất ở nhiều bảng xếp hạng, việc sử dụng cụm từ Perfect All Kill vẫn không đúng với nền âm nhạc Việt

Perfect All Kill (PAK) là khái niệm dùng để chỉ trạng thái dẫn đầu tất cả các bảng xếp hạng trên hệ thống iChart của một bài hát, được phát hành tại Hàn Quốc, cập nhật số liệu 1 lần/giờ. Ngoài ra còn có khái niệm Real-time All Kill (RAK), chứng nhận một ca khúc đạt hạng 1 toàn bộ các nền tảng tính theo thời gian thực. Thị trường Vpop, không có một hệ thống chung như iChart, vì vậy không thể sử dụng khái niệm "All Kill". 

Ngoài ra, đơn vị tổ chức Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng còn gây phẫn nộ khi sử dụng ý tưởng video "Line distribution" (phân chia thời lượng hát) cho ca khúc Moonlight của LUNAS. Đây vốn là nội dung sáng tạo của kênh YouTube random_k từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2019. Trong mỗi video, chủ kênh đều nhắc nhở không được đăng lại video ở các nền tảng khác và không sao chép thiết kế video dù có ghi credit hay không. Sau khi nhận về hàng loạt chỉ trích, đơn vị này đã xóa video chỉ sau vài giờ đăng tải. 

nghesivietdaonhai006-20240622-193833
Âm nhạc, hình ảnh đến cách quảng bá của LUNAS đều có nét tương đồng với các thần tượng xứ Hàn

Giới hạn giữa học hỏi và đạo nhái tại thị trường giải trí Việt Nam còn khá mong manh. Chưa có một quy định cụ thể nào về vấn đề đạo nhái trong lĩnh vực giải trí. Vì vậy, âm nhạc Việt Nam có tạo ra được một bản sắc riêng trên bản đồ thế giới hay vẫn chịu ảnh hưởng bởi làn sóng Kpop sẽ lệ thuộc vào tư duy và ý thức tôn trọng bản quyền của các công ty giải trí, nhạc sĩ Việt Nam. 

Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.

 
Bình luận