*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Bước Chân Thép (Road To Boston) là một bộ phim dựa trên các sự kiện có thật, kể về những vận động viên huyền thoại trong làng marathon Hàn Quốc là Son Ki Jung (29/8/1912 - 15/11/2002), Nam Sung Yong (23/11/1912 - 20/2/2001) và Seo Yun Bok (9/1/1923 - 27/6/2017). Hoàn tất ghi hình từ đầu năm 2020 nhưng vì nhiều lý do mà mãi đến năm 2023, bộ phim mới chính thức được ra mắt công chúng Hàn Quốc và quốc tế.
Sau khi công chiếu ở Hàn Quốc, Bước Chân Thép nhận được nhiều lời khen ngợi, thu hút được đông đảo khán giả đến xem. Vậy, ở bộ phim lấy đề tài thể thao này có gì đặc sắc, xứng đáng để ra rạp thưởng thức? Cùng VOH tìm hiểu nhé!
Thông tin phim
- Tựa gốc: 1947 보스톤
- Ngày phát hành tại Việt Nam: 20/10/2023
- Thể loại: Thể thao, lịch sử, chính kịch
- Đạo diễn: Kang Je Gyu
- Diễn viên: Ha Jung Woo, Im Si Wan, Bae Sung Woo, Kim Sang Ho,...
- Thời lượng: 108 phút
Năm 1936, vận động viên marathon Son Ki Jung (Ha Jung Woo) đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội Olympics tổ chức ở Berlin, Đức. Là vận động viên Hàn Quốc đầu tiên giành chức vộ địch Thế vận hội, nhưng Son Ki Jung lại chẳng thể ngẩng cao đầu. Đó là vì anh thi đấu và chiến thắng dưới tư cách một vận động viên Nhật Bản, vì đất nước anh khi ấy còn nằm dưới ách thống trị của Đế quốc Nhật, chưa giành được độc lập. Không lâu sau đó, Ki Jung cũng giải nghệ, rời khỏi đường đua.
Hơn 10 năm sau, khi Hàn Quốc đã thoát khỏi sự đô hộ của Nhật, Nam Sung Yong (Bae Sung Woo) - người đoạt huy chương đồng Thế vận hội Olympics ở Berlin năm 1936 đã thuyết phục Son Ki Jung cùng mình bắt tay vào đào tạo thế hệ sau, đưa Hàn Quốc đến kỳ Olympics tiếp theo. Lần này, họ không còn phải thi đấu dưới danh nghĩa quốc gia khác nữa.
Ứng cử viên sáng giá nhất mà Son Ki Jung và Nam Sung Yong tìm được là Seo Yun Bok (Im Si Wan) - một đôi chân nghiệp dư, chưa từng trải qua huấn luyện chuyên nghiệp. Để đủ điều kiện tham gia kỳ Olympics tiếp theo, Hàn Quốc buộc phải có kinh nghiệm tham gia một cuộc thi quốc tế khác. Vì vậy, 3 thầy trò Son Ki Jung nhắm đến giải đấu Boston Marathon. Để có thể đến được Boston, họ đã phải trải qua hàng loạt khó khăn và thử thách trên nhiều phương diện.
Xem thêm: Bước Chân Thép: Mỹ nam Im Si Wan tái xuất, kết hợp cùng "ông hoàng phòng vé Hàn"
Kịch bản cảm động về tinh thần dân tộc
Là một bộ có đề tài thể thao, nhưng trọng tâm của Bước Chân Thép thực chất xoay quanh tinh thần dân tộc của những người dân Hàn Quốc vào thời điểm năm 1947 - thời điểm đất nước vừa được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật. Tuy nhiên, dù mang danh là đất nước độc lập, thực chất là Hàn Quốc khi ấy vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền một quốc gia khác. Đó chính là Mỹ.
Vì lẽ đó, Hàn Quốc lúc đó tuy mang danh là quốc gia độc lập, nhưng lại không có đầy đủ các quyền lợi và không được tôn trọng như một quốc gia độc lập. Những tình tiết chứng minh điều này được thể hiện một cách rõ ràng và trực tiếp xuyên suốt bộ phim.
Son Ki Jung là nhà vô địch được người người ngưỡng mộ, dù đã giải nghệ nhưng người ta vẫn xem anh như một anh hùng của quốc gia. Dù vậy, trong hồi đầu của Bước Chân Thép, Son Ki Jung lại thường xuyên xuất hiện với dáng vẻ chán chường. Anh không thể ngưng cảm thấy nhục nhã vì chiến thắng của mình mang lại vinh quang cho quốc gia khác. Vì vậy mà khi có cơ hội đào tạo thế hệ vận động viên mới tham gia giải đấu quốc tế, Son Ki Jung quyết tâm phải chiến thắng dưới danh nghĩa của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, với tình hình chính trị xã hội như đã đề cập bên trên, hành trình vươn đến đỉnh vinh quang bằng tư cách vận động viên Hàn Quốc của thầy trò Son Ki Jung không hề dễ dàng. Họ gặp phải tầng tầng lớp lớp khó khăn, thử thách: khó khăn do hoàn cảnh cá nhân của tuyển thủ, khó khăn về mặt tài chính, khó khăn trong chuyện thủ tục,... Bất chấp tất cả, các thầy trò vẫn vượt qua từng khó khăn một để cuối cùng được tham gia giải đấu quốc tế với chiếc áo in hình cờ Thái cực của Hàn Quốc.
Tinh thần dân tộc trong phim thể hiện ở sự kiên cường, không chịu khuất phục của các vận động viên, đồng thời còn thể hiện ở sự đồng lòng của toàn thể người dân Hàn Quốc. Các tình tiết nhấn mạnh vào lòng tự tôn dân tộc, vào tình cảm đồng bào đều dễ dàng khơi gợi được sự đồng cảm nơi người xem.
Bên cạnh đề cao tinh thần dân tộc, phim còn gây xúc động với nội dung về tình cảm gia đình, về khát vọng và đam mê của các vận động viên - bất kể đó là thế hệ vận động viên trẻ như Seo Yun Bok hay thế hệ đi trước như Son Ki Jung và Nam Sung Yong. Đặc biệt, ở cao trào phim, người xem như hòa vào làm một với bầu không khí nghẹt thở của giải đấu Boston Marathon, nín thở dõi theo từng bước chạy của Seo Yun Bok, để rồi cuối cùng vỡ òa trong niềm vui sướng khi thấy anh vượt qua đối thủ một cách hết sức kỳ diệu và phi thường. Đây quả thực là một trải nghiệm đầy chân thực và thú vị khi thưởng thức bộ phim này ở rạp.
Màn hóa thân đầy xuất sắc của các diễn viên chính
"Ông hoàng phòng vé" Ha Jung Woo hẳn không còn xa lạ gì với các "mọt" phim Hàn. Nam diễn viên nổi tiếng với diễn xuất đa dạng, khắc họa tốt tâm lý nhân vật, từng thành công vang dội với các tựa phim như Thử Thách Thần Chết, Narco-Saints, Đại Thảm Hoạ Núi Baekdu, Cô Hầu Gái,... Vai diễn Son Ki Jung này cũng không phải ngoại lệ. Ha Jung Woo thể hiện tốt các cung bậc cảm xúc của nhân vật từ sự chán nản ban đầu cho đến sự quyết tâm, phẫn nộ, thất vọng, mong chờ, xúc động,...
Tuy nhiên, có thể nói nhân tố tỏa sáng nhất trong Bước Chân Thép chính là Im Si Wan - một trong những diễn viên xuất thân idol thành công nhất, được đông đảo khán giả công nhận thực lực. Để hóa thân thành Seo Yun Bok, Si Wan đã nghiêm túc tuân theo chế độ ăn kiêng và tập luyện để duy trì lượng mỡ trong cơ thể ở mức 6%, để hình thể trông giống với một vận động viên nhất có thể. Điều này cho thấy tinh thần hết mình vì vai diễn của nam diễn viên.
Mặc dù Seo Yun Bok không phải dạng vai có tâm lý phức tạp, nhưng lại là một nhân vật có tính tình cố chấp và ít nói ra cảm xúc của bản thân. Bằng diễn xuất tình tế của mình, Im Si Wan để khán giả thấy được những tâm tư không nói thành lời của Seo Yun Bok qua ánh mắt, để ta thêm thấu hiểu nhân vật hơn.
Các diễn viên còn lại như Bae Sung Woo, Kim Sang Ho, Park Hyo Joo, Lee Gyu Bok,... đều thể hiện tròn trịa nhân vật của mình, giúp những thước phim tái hiện lịch sử thêm phần sống động và đa chiều. Đặc biệt, Park Eun Bin trong vai Ok Rim tuy không có nhiều đất diễn nhưng lại có chemistry khá đáng yêu với Si Wan, khiến khán giả cũng phải bật cười thích thú ở các phân cảnh chung giữa hai diễn viên.
Những thước phim đầy tính nghệ thuật, kết hợp với nhạc phim giúp bổ trợ cảm xúc
Đạo diễn Kang Je Gyu là một tên tuổi có kinh nghiệm làm phim lịch sử, từng tạo tiếng vang lớn với các phim điện ảnh Chiến Dịch Shiri (1999), Cờ Thái Cực Giương Cao (2004),... Với Bước Chân Thép, ông tiếp tục phát huy năng lực chỉ đạo tài tình của mình, thể hiện qua cách chọn góc quay, màu phim, cách sử dụng hiệu ứng và cắt cảnh - chuyển cảnh phù hợp.
Cũng như nhiều phim lấy bối cảnh lịch sử khác, Bước Chân Thép được phủ một gam màu vàng nâu tạo cảm giác cổ xưa, hoài niệm. Các cảnh quay ở Hàn Quốc toát lên cảm giác gần gũi, mộc mạc, thân thương, tô đậm ấn tượng về một quốc gia vừa được giải phóng, còn khó khăn đủ bề. Các cảnh quay ở Boston hiện đại hơn, nhưng vẫn tạo cảm giác cổ kính vừa đủ.
Tiết tấu phim hợp lý, nhanh chậm đúng lúc, không có phân đoạn nào quá lê thê, cũng không có phân đoạn nào quá vội vã và gượng ép. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất là phân cảnh khi Seo Yun Bok đang lao về đích trong giải đấu Boston Marathon, hiệu ứng slowmotion kết hợp với chuyển cảnh mượt mà, tình tiết hồi tưởng đan xen phù hợp giúp đẩy cảm xúc người xem lên cao trào.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến phần nhạc phim được lồng ghép đầy tinh tế, có giai điệu phù hợp hoàn hảo với không khí chung của các cảnh phim, càng khiến khán giả thêm nhập tâm vào bộ phim, hòa chung nhịp tim và tâm trạng với nhân vật.
So sánh với thực tế lịch sử
Tất nhiên, bất kể một sự kiện nào khi chuyển thể thành phim đều không tránh khỏi có nhiều cải biên khác với thực tế, chủ yếu nhằm mục đích tăng tính ly kỳ cho kịch bản. Bước Chân Thép có 2 tình tiết chính trái với sự thật lịch sử.
Đầu tiên, về vấn đề tài chính của các vận động viên tham gia giải đấu tại Boston, thực tế là Trung tướng John Reed Hodge, chỉ huy của Chính phủ Quân sự Hoa Kỳ tại Hàn Quốc đương thời đã vận động các binh sĩ Hoa Kỳ quyên góp cho vận động viên. Tuy nhiên trên phim, nhân vật Trung tướng lại từ chối giúp đỡ và cuối cùng thì số tiền các vận động viên có được là nhờ sự quyên góp từ nhân dân Hàn Quốc.
Tình tiết thứ 2 là lá cờ in trên áo vận động viên khi tham gia giải đấu ở Boston. Trong lịch sử, phía Hiệp hội Maraton ở Boston và các tuyển thủ Hàn Quốc không hề có xung đột nào vì ngay từ đầu, trên chiếc áo thi đấu đã in hình cờ Thái cực cạnh bên cờ Mỹ. Phía Hiệp hội cũng cho phép vận động viên tham gia thi đấu được mặc đồng phục riêng biệt chỉ in cờ Thái cực. Khi lên phim, tình tiết này đã được thay đổi hoàn toàn nhằm tạo nên chướng ngại cuối cho các tuyển thủ trước khi tham gia trận đấu.
Dù vậy, vẫn có nhiều chi tiết nhỏ của phim được dựng sát với lịch sử. Tuy những sai lệch của Bước Chân Thép cũng gây tranh cãi với một bộ phận khán giả Hàn, nhưng nhìn chung thì những tình tiết này không gây trở ngại đến việc cảm nhận thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải.
Với nội dung tái hiện sự kiện lịch sử, đề cao tinh thần dân tộc, tình tiết Bước Chân Thép được phát triển theo công thức có phần rập khuôn và dễ đoán. Tuy vậy, nhờ vào diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên, kết hợp tốt các yếu tố hình ảnh - âm thanh nên bộ phim không chỉ không bị nhàm chán mà còn thành công khơi dậy được sự đồng cảm nơi khán giả. Đây chắc chắn là một tác phẩm nên được thưởng thức tại rạp, để được tận hưởng bầu không khí căng thẳng của một giải đấu thể thao quốc tế, cũng như để hòa cùng những cao trào cảm xúc của các nhân vật.
Phim được trình chiếu tại các rạp Việt Nam từ ngày 20/10/2023. Cùng VOH Giải trí cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh mới nhất, hấp dẫn nhất tại chuyên mục Phim ảnh nhé!