Với quy mô chế tác lớn, được quảng bá rầm rộ trước khi ra mắt, được so sánh và kỳ vọng tương đương với siêu phẩm Khánh Dư Niên nhưng Đại Phụng Đả Canh Nhân nhanh chóng vỡ mộng. Phim nhận về vô số gạch đá, bị đánh giá cực thấp ngay sau ngày đầu tiên lên sóng, còn chẳng bằng dự án tầm trung Cửu Trọng Tử. Đáng nói, dự án vốn tưởng là "bánh ngon" này đã khiến sao nam Vương Hạc Đệ như "mất cả chì lẫn chài", trở thành "trò cười cho thiên hạ".
Kịch bản cải biên thua xa nguyên tác
Đại Phụng Đả Canh Nhân được thực hiện dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Tiểu Lang Quân Bán Báo. Đa số khán giả đều biết đây là IP khá nổi tiếng, có motif "nam tần". Mọi tuyến câu chuyện đều bắt nguồn, xoay quanh nam chính Hứa Thất An và chủ yếu tập trung vào hành trình "sự nghiệp".
Thế giới quan của câu chuyện vốn rất đỗi hấp dẫn, tập hợp nhiều yếu tố giả tưởng vượt xa trí tưởng tượng của con người, có sự phân chia giữa các thế lực, có hệ thống tu luyện, có nhân tình thế thái và những cuộc chiến chống lại cái xấu đầy gay cấn. Dù trong bối cảnh cổ đại nhưng những thứ tồn tại ở Đại Phụng rất tiên tiến, thậm chí còn có cả những thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, sau khi được cải biên thành phim người đóng, Đại Phụng Đả Canh Nhân lại hoàn toàn khác xa với tưởng tượng của khán giả. Từ kịch bản đến phần nhìn, dàn diễn viên đều không đạt đến chất lượng như kỳ vọng. Cặp đôi lưu lượng Vương Hạc Đệ - Điền Hi Vi và nhiều gương mặt lão luyện không đủ sức để "kéo nhiệt" cho bộ phim.
Thay vì là chuyến phiêu lưu, xông pha Đại Phụng với quy mô hoành tráng, mở ra những vụ điều tra phá án ly kỳ, đấu trí hấp dẫn, Đại Phụng Đả Canh Nhân chỉ như một bộ phim hài "rẻ tiền". Phim lạm dụng quá nhiều tình tiết gây cười cũ rích, thiếu sáng tạo và sự thông minh, đôi lúc còn kém duyên. Tuy có tác dụng gây cười là thật nhưng nếu cười quá nhiều sẽ dẫn đến nhàm và thành ra trở nên "nhảm", hạ thấp giá trị tinh thần cốt lõi của bộ phim.
Trên nền tảng Douban, Đại Phụng Đả Canh Nhân nhận về "bão 1 sao". Nếu không phải là nhận xét chê kịch bản dở, bỏ gần hết các chi tiết quan trọng đắt giá của nguyên tác cũng sẽ là không thể nào cảm được lối diễn xuất quá khoa trương, kém tự nhiên của dàn diễn viên dù đa số đều từng góp phần tạo nên thành công cho phim cổ trang hay Khanh Khanh Nhật Thường.
Không phải tự nhiên Đại Phụng Đả Canh Nhân được so sánh với Khánh Dư Niên. Hai dự án giống nhau về motif, có cùng nền tảng sản xuất nên không tránh được sự so sánh và kỳ vọng tương đương. Song, nếu khán giả đã xem qua Khánh Dư Niên sẽ càng không thể nào chấp nhận được chất lượng của Đại Phụng Đả Canh Nhân khi tự xưng là đại chế tác.
Vương Hạc Đệ "ngã ngựa"
Ắt hẳn, nhiều khán giả biết đến Vương Hạc Đệ bởi hình tượng Ma tôn bất bại Đông Phương Thanh Thương trong Thương Lan Quyết. Vai diễn này đã giúp Vương Hạc Đệ phi thăng, được săn đón, khen ngợi hết lời về visual lẫn diễn xuất. Tuy nhiên, khi bỏ đi "bộ lọc" Đông Phương Thanh Thương, Vương Hạc Đệ bỗng dưng không còn khả năng "gánh phim".
Thiết lập nhân vật “ảo tưởng sức mạnh”
Trong Đại Phụng Đả Canh Nhân, Vương Hạc Đệ đảm nhận vai chính Hứa Thất An. Trước khi đến với thế giới Đại Phụng, anh là Dương Lăng, một nhân viên kinh doanh ở thời hiện đại. Chính vì sự thay đổi thiết lập quá sai lầm này đã khiến cho hình tượng nhân vật Hứa Thất An trở nên thiếu logic, gây khó hiểu và "khó chịu vô cùng".
Một nhân viên kinh doanh lại có biệt tài phá án hơn người đặt ra dấu chấm hỏi cực lớn vì trước đó chẳng có chi tiết nào liên quan để chứng minh. Đáng nói, những phân đoạn xử lý tình huống của nhân vật Hứa Thất An cũng toàn là thủ đoạn rất trẻ con, không tinh vi, không có chiều sâu. Việc Hứa Thất An bỗng dưng trở thành thiên tài thu hút rất nhiều "ô dù lớn" chống lưng cũng đầy khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
Bên cạnh đó, tính cách của Hứa Thất An không được thiết lập rõ ràng, không có bao nhiêu sức hút. Vấn đề nằm ở kịch bản hay diễn xuất phụ thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi khán giả.
Sai lầm khi không lồng tiếng
Sử dụng giọng gốc hay lồng tiếng là một trong những vấn đề được quan tâm trong lĩnh vực phim ảnh Trung Quốc nhất là dòng phim cổ trang. Không phải diễn viên nào cũng có chất giọng dễ nghe và thật sự hợp với vai diễn của mình. Lần này, nhà sản xuất đã có một quyết định sai lầm khi để Vương Hạc Đệ tự lồng tiếng cho nhân vật Hứa Thất An.
Vương Hạc Đệ là người Tứ Xuyên, giọng nói tiếng phổ thông của anh không thuộc kiểu dễ nghe và ở Đại Phụng Đả Canh Nhân thật sự không phù hợp. Không chỉ chất giọng khiến nhiều khán giả khó chịu, cả khẩu hình miệng của anh cũng trở thành tâm điểm để chê bai.
"Diễn xuất Dĩ Ái Vi Doanh”, "tạo hình Ngộ Long tóc đen"
Từ hai vấn đề lớn ở trên đã đủ khiến cho hình tượng Hứa Thất An bị mất điểm trầm trọng, thay vì thấy điểm sáng toàn nhìn ra những điểm tối. Thiết lập nhân vật bất ổn, giọng nói khó nghe, đến cả diễn xuất và sắc vóc của Vương Hạc Đệ cũng bị âm điểm trong mắt nhiều khán giả.
Một số ý kiến nhận xét Hứa Thất An của Vương Hạc Đệ có diễn xuất "dầu mỡ" của tổng tài bá đạo Thời Yến trong Dĩ Ái Vi Doanh và kém sắc giống thời anh đóng phim Ngộ Long. Trước thềm lên sóng, Vương Hạc Đệ đã vướng phải nhiều ồn ào không hay và tiếp tục bị vùi dập sau khi Đại Phụng Đả Canh Nhân lên sóng.
Đại Phụng Đả Canh Nhân có thật sự là phim hài nhảm?
Tương tự như bất cứ một tác phẩm phim ảnh nào khác, Đại Phụng Đả Canh Nhân có người chê nhưng cũng có đối tượng khán giả của riêng mình. Khách quan mà nói, nếu dự án không "đánh trống khua chiêng", tự nhận định sẽ không thua kém Khánh Dư Niên, tin chắc phản ứng của khán giả sẽ không khắt khe như hiện tại.
Dù kịch bản thiếu đầu tư chất xám nhưng vẫn có tính giải trí nhất định, có gắn kết với các vấn đề trong xã hội và "gãi đúng chỗ ngứa" của nhiều khán giả. Hứa Thất An mang tư duy của người hiện đại, có nhiều kiến thức của các môn học, anh vận dụng tất cả mọi thứ được học tại trường lớp để tìm kiếm cơ hội, tìm cách tự cứu mình và càng không bỏ mặc người xung quanh.
Câu cửa miệng của Hứa Thất An là "trao đổi tương đương". Vậy đối với anh, trao đổi tương đương là gì, các nhân vật khác có suy nghĩ giống anh hay không? Chỉ một câu thoại này đã đủ mở ra nhiều góc nhìn và những giá trị sống vừa thực tế vừa chạnh lòng.
Đáng chú ý, Đại Phụng Đả Canh Nhân như đang muốn phản ánh về cuộc sống của người đi làm. Các thực trạng về "ma cũ bắt nạt ma mới", lấy lòng cấp trên, tăng ca không lương, làm việc bán sống bán chết... tất cả dường như đều được bộ phim thể hiện với phong cách "cười ra nước mắt". Ngoài ra, câu chuyện còn phản ánh những thái độ sống và làm việc khác nhau, đa chiều đa màu sắc.
Ở hiện đại, Hứa Thất An là "nô lệ tư bản", đến Đại Phụng, anh tiếp tục phải làm kiếp "con sen chăm chỉ". Anh bị bắt tăng ca không thương tiếc, buộc phải ôm cả đống việc về nhà, bị trở thành công cụ tranh giành của các "lãnh đạo"... Tất cả những điều này đều rất gần gũi, rất quen thuộc với khán giả "cùng chung cảnh ngộ".
Tin rằng, không ít mọt phim sẽ nhìn thấy chính mình qua Hứa Thất An. Anh không hẳn là một người tốt, không hoàn hảo, có "ảo tưởng sức mạnh", có ngông cuồng, bốc đồng nhưng tuyệt đối không phải người xấu. Hứa Thất An có vẻ đầy tài năng nhưng cũng hậu đậu, vụng về, học nửa bỏ nửa, có nhiều ưu điểm nhưng cũng đầy khuyết điểm và nhiều lúc hành xử chẳng giống ai. Một nhân vật bị tâng bốc quá đà nhưng rõ ràng cũng chẳng khác gì một người bình thường sẽ không khó để lấy được sự đồng cảm của người xem.
Tóm lại, Đại Phụng Đả Canh Nhân vẫn tồn tại nhiều điểm đáng xem. Nếu bạn không phải là một khán giả khó tính, muốn tìm kiếm một bộ phim kỳ ảo thú vị thì đây vẫn là lựa chọn đáng cân nhắc.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.