- Những điểm “ăn tiền” của Trường Nguyệt Tẫn Minh
- Những tiếc nuối không nên có của Trường Nguyệt Tẫn Minh
- Lối trang điểm “ô dề” dìm nhan sắc diễn viên
- Các frame hình thiếu liên kết, cắt ghép vụn về
- Mạch phim rượt đuổi như chạy KPI
- Mời một dàn sao hoành tráng nhưng lại không thể nâng đỡ được ai
- Nội dung gốc vốn mới mẻ nhưng bản phim lại không giữ được trọn vẹn
- Những tình tiết nửa vời khi đạo diễn làm phim
- Drama bên lề thì nhiều mà nội dung viral thì chẳng thấy đâu
- Phim S+ nhưng đầy sạn linh tinh
- Cái nhìn chung
Thành tích phát sóng của Trường Nguyệt Tẫn Minh đã bỏ xa các “bạo phẩm” của năm ngoái như Thương Lan Quyết hay Trầm Vụn Hương Phai với lượt xem trung bình mỗi tập lên đến 36 triệu lượt (số liệu sau khi lọc nước, tính đến tập 20). Liên tục giữ vị trí số 1 trên hầu hết mọi bảng xếp hạng nhiệt độ phim ảnh, bảng xếp hạng nhân vật. Được CCTV điểm danh là “phim tiên hiệp bạo nhất trong 3 năm gần đây”. Nhìn vào đây, mọi người có thể nhận định Trường Nguyệt Tẫn Minh đã phát sóng thành công.
Tuy nhiên, đáng lẽ đi đôi với thành tích phải là những lời đánh giá “có cánh” từ phía khán giả nhưng quảng trường bàn luận về phim lại khá loạn. Các nội dung trong phim cũng không được viral tốt như các bộ phim “bạo khoản” trước đây. Fan của các diễn viên cũng tăng khá chậm. Đó là lý do khiến Trường Nguyệt Tẫn Minh dù có thành tích cao nhưng vẫn không được netizen công nhận là “bạo”. Hay nói đúng hơn là phim bạo thành tích, không bạo thảo luận.
Như vậy, hôm nay chúng ta hãy cùng VOH phân tích một chút về Trường Nguyệt Tẫn Minh, về những cái hay và những điều gây tiếc nuối để có một cái nhìn tổng quát về phim. Đặc biệt với những ai chưa xem phim sẽ tìm được cho mình câu trả lời là nên hay không nên xem bộ phim này.
Những điểm “ăn tiền” của Trường Nguyệt Tẫn Minh
Sự chuẩn bị mang tầm S+
Phim thì phải có nội dung. Mà nội dung là gì? Nội dung chính là những thứ có thể thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai thì mới cảm nhận được bằng trái tim. Kịch bản thế nào chưa biết nhưng đầu tiên là những thứ hỗ trợ được nhà sản xuất chuẩn bị rất chu đáo, có tâm và có tầm.
Một chữ mà ai cũng muốn dành tặng cho Trường Nguyệt Tẫn Minh chính là “đẹp”. Đẹp từ dàn cast cho đến bối cảnh, đạo cụ, phục trang và đỉnh cao nhất có lẽ là kỹ xảo - thứ khiến người ta phải thảng thốt ngay từ ánh nhìn đầu tiên - “Phim Youku bây giờ có đồ họa đỉnh vậy sao”.
Dàn diễn viên phụ “đỉnh của chóp”
Diễn viên chính của Trường Nguyệt Tẫn Minh không có ai là “đỉnh lưu”. Phim không có hai chữ “đỉnh lưu” gánh danh tiếng và nhiệt độ nhưng bù lại nhà sản xuất đã sưu tầm được một đội ngũ diễn viên phụ rất sáng mặt ăn tiền.
Không chỉ quy tụ được dàn sao gạo cội từng là mỹ nam một thời như: Trịnh Quốc Lâm, Huỳnh Hải Băng, Vu Ba, Hà Trung Hoa,... hay những gương mặt nổi bật như Trần Đô Linh, Đặng Vi, Tôn Trân Ni, Cảnh Nghiệp Đình, Trần Bác Hào, Trương Chỉ Khê, Vương Nhất Phi, Uông Tịch Triều, Lý Phai Ân… mà các vai cameo 12 vị thần cũng đều là những diễn viên có nhan sắc nổi bật. Đến cả những vai phụ hơn nữa như Chấp Bạch Vũ (Lý Gia Hào đóng), Nguyệt Oánh Tâm (Hoàng Vân Vân đóng), … cũng đều khiến người ta phải nhớ mặt tìm tên.
Nhan sắc đắt giá của dàn diễn viên phụ này chính là công cụ trợ diễn mang tầm S+ dành cho dàn cast chính. Cũng là điểm thu hút đầu tiên, khiến khán giả nhìn thấy liền muốn xem phim.
Kỹ xảo “đập tiền”, phong cách mỹ thuật vươn tầm
Đây là thứ giúp Trường Nguyệt Tẫn Minh tạo nên “cơn địa chấn lời khen”. Từ lúc phát hành trailer, khán giả đã phần nào nhìn thấy được thế giới quan rộng lớn được đồ họa rất đẹp và lạ mắt. Đến khi phim chiếu, khán giả đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi kỹ xảo mang tầm “đẳng cấp” ngay từ tập 1.
Phong cách mỹ thuật mà tổ đồ họa dày công chuẩn bị cho của Trường Nguyệt Tẫn Minh không chỉ dừng lại ở mức đẹp mà phải nói là mới mẻ hoàn toàn so với trước đây - sặc sỡ, sống động.
Trước nay các phim tiên hiệp đều đi theo lối mòn trong việc chọn tone màu, thường sẽ luôn trắng trắng, xanh xanh, tím tím, hồng hồng. Nhàn nhạt và có chút ngọt ngào. Mà ở Trường Nguyệt Tẫn Minh thì các tone màu được lựa chọn lại toàn là gam nóng, không những không gây chói mắt mà còn mang đến cảm giác rất mạnh mẽ, cá tính và mị hoặc.
Phục hóa trang thoát khỏi lối mòn, điểm sáng “Đôn hoàng” được khen ngợi
Thời gian qua, khán giả luôn phàn nàn rằng phim tiên hiệp trong khoảng 10 năm nay chỉ toàn thấy thần tiên “mặc đồ tang”, nhiều bài báo lên tiếng so sánh với các phim ngày xưa, cho rằng ngày xưa thần tiên mặc đồ đủ màu nhưng cũng không thấy ai xấu xí, kỳ dị. Tại sao bây giờ lại rập khuôn như vậy?
Đáp lại những thành kiến mà mọi người dành dòng phim tiên hiệp đương thời, Trường Nguyệt Tẫn Minh cho ra đời một bộ sưu tập thời trang xuân, hạ, thu, đông với đủ loại màu sắc. Phong cách phối màu vừa sặc sỡ vừa trầm tính chính là điểm nhấn khiến phục trang của Trường Nguyệt Tẫn Minh nhận được hai chữ “sáng tạo” từ các khán giả khó tính của năm 2023.
Trong các cuộc phỏng vấn, La Vân Hi và Bạch Lộc cũng rất tâm đắc khen ngợi phục trang mà ekip chuẩn bị cho phim. Mỗi một thời điểm, mỗi một nhân vật sẽ mặc đồ theo một phong cách khác nhau. Phù hợp với tính cách cũng như hoàn cảnh sống của mỗi người.
Đặc biệt nhất phải kể đến phong cách Đôn hoàng phi thiên mà ekip đưa vào tạo hình của 12 vị trụ thần. Đây là một nét đẹp văn hóa đã bị các nhà sản xuất bỏ quên trong thời gian dài, kể từ Tây Du Ký (1986). Chính vì vậy, khi phong cách này quay lại trong Trường Nguyệt Tẫn Minh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Cảm giác cổ xưa và thần thoại ngập tràn màn hình.
Thế giới quan rộng lớn, bối cảnh và đạo cụ được chuẩn bị chỉn chu, tỉ mỉ
Thế giới quan của Trường Nguyệt Tẫn Minh rất lớn và mỗi một nơi đều mang một vẻ đẹp và phong cách khác nhau. Nhân gian cổ điển, trang nhã. Thần giới bí ẩn, nguy nga. Tu chân giới thanh tĩnh, yên bình. Ngoại cảnh thì non xanh nước biếc, nội cảnh thì được trang trí tinh xảo, mỗi một gian phòng lại mang một dáng vẻ khác nhau. Các cảnh phông xanh sau khi hậu kỳ thì đều hiện lên tráng lệ, lung linh.
Thế giới quan của Trường Nguyệt Tẫn Minh
Đạo cụ được chuẩn bị chỉn chu từng món một, từng chi tiết, hoa văn đều được tỉ mỉ khắc họa sao cho mang đúng cái tinh thần mà món đồ nên có. Ví như 3 món thần khí của Ma thần là Nỏ Đồ Thần, Kiếm Trảm Thiên, Ấn Tẩy Tủy sẽ toát lên vẻ tà ma, mạnh mẽ. Thần khí của Lê Tô Tô - Trọng Tử đàn không thì thanh lãnh, tinh khiết. Chiến giáp hay thanh trường thương của Minh Dạ thì uy vũ, chính nghĩa. Cùng nhiều món đạo cụ khác nữa từ cái bát, đôi đũa, cái đèn lồng, đến từng chiếc trâm, miếng ngọc… đều được cẩn thận chuẩn bị để thổi đúng cái hồn bối cảnh.
Chiến giáp của Minh Dạ bám sát văn hóa Đôn Hoàng
Nội dung mới lạ, thiết lập nhân vật siêu cuốn
Bao nhiêu cái ưu điểm vừa kể ở trên dù nổi bật đến mấy thì cũng chỉ là “vật ngoài thân”. Một bộ phim hay hay dở sẽ do kịch bản quyết định. Mà ở đây, kịch bản thế nào vẫn chưa thể đánh giá (bởi vì phim chỉ mới chiếu được một nửa) nhưng nếu chuyển thể bám sát nguyên tác thì có thể khẳng định “nội dung rất mới mẻ”.
Mới mẻ ở chỗ nào? Chính là ở chỗ nam chính nhưng lại mang vibe phản diện. Hắn không phải chính phái, không có thân phận đế quân, thái tử, chiến thần gì cả…không có hào quang chính đạo phủ vây lại càng không phải Ma tôn bá đạo, người người tôn sùng. Hắn sinh ra thấp kém, hèn mọn; cơ hàn và nhục nhã là những thứ quấn lấy nửa đời hắn.
Đối với nữ nhân của mình, lại càng không hề “lạnh lùng với cả thế giới nhưng dịu dàng với riêng em”. Để miêu tả về Đạm Đài Tẫn chỉ có thể dùng các từ như biến thái, lạnh lùng, u ám, tàn khốc để miêu tả. Cũng có thể nói là hắn rất “Yandere”. Tuy nhiên, kiểu nam chính này lại khiến người ta cảm cuốn hút vô cùng.
Để hắn có thể trở thành nam chính “kiểu mẫu”, nữ chính phải từng bước uốn nắn hắn. Mà nữ chính cũng không phải “Mary Sue” có tâm hồn “thánh mẫu”, tự nhiên mà phát tâm bồ tát giúp hắn “nên người”. Cô tiếp cận hắn cũng có mưu đồ và tính toán của riêng mình. Chính là kiểu “nếu ngươi đã không tốt lành gì thì đừng đòi ta đơn thuần”.
Nữ chính Lê Tô Tô cũng không đi theo hình tượng ngốc bạch ngọt, ngây thơ trong sáng rồi từng bước trưởng thành, cũng không có giai đoạn “hắt hóa”. Từ đầu đến cuối đều giữ vững bản tâm. Lê Tô Tô cũng không được xây dựng hình tượng “nữ cường”, mỗi ngày trải qua một trận ngược để lớn lên mạnh mẽ, bá đạo.
Lê Lê Tô có tính cách rất bình thường, không nóng nảy, không lạnh lùng, không quá điềm tĩnh cũng không dễ kích động, nhìn chung tính cách của nàng ấy không có cái gì “quá” nhưng lại làm người ta cảm thấy dễ chịu. Đối mặt với những cú sốc nàng thường mất thời gian để suy nghĩ, phân tích rồi mới quyết định làm gì. Cũng không phải kiểu con gái dễ dàng rung động, đồng cảm. Nói bình tĩnh thì cũng không phải mà nói chậm nhiệt thì cũng không đúng lắm, nhưng đúng là cũng không phải kiểu “nhanh như chớp”.
Chính vì thế, câu chuyện này không có cuộc đời của ai được xây dựng theo motif bạch nguyệt quang nào rồi cũng sẽ “hắt hóa” mà đi theo chiều ngược lại, hắc nguyệt quang từng bước gột rửa sự u ám, trở thành con người bình thường. Nên nhớ là chỉ bình thường thôi chứ cũng không phải bát ái gì cả. Nhưng cái cái bình thường đó lại khiến người ta cảm thấy không nhàm chán.
Diễn viên diễn xuất tốt, đài từ tốt
Diễn xuất của La Vân Hi đã được bảo chứng qua thời gian, điều này không có gì để bàn nữa. Diễn xuất của Bạch Lộc cũng đã được Thôi Thời Nghi “lên tiếng” khi diễn Châu Sinh Như Cố. Cho dù không thuộc hàng xuất sắc thì trước nay cũng ít có ai phàn nàn rằng La Vân Hi hay Bạch Lộc diễn tệ.
Từ khi phim lên sóng đến nay, người ta cùng lắm chỉ phàn nàn diễn xuất của hai người vẫn chưa có bước tiến mới, chứ cũng không chê bai. Ở thời đại này, các diễn viên thường xuyên bị phàn nàn là chỉ có ngoại hình, không có nội hàm thì diễn xuất không gây phản cảm của La Vân Hi và Bạch Lộc cũng có thể được cho là tốt.
Điểm “ăn tiền” quan trọng của dàn cast Trường Nguyệt tẫn Minh chính là khả năng đài từ. Những năm gần đây, sau khi trung ương ra lệnh “dùng diễn viên lồng tiếng sẽ mất tư cách được đề cử giải thưởng diễn xuất” thì các diễn viên đều lên phim với giọng gốc của mình. Chính điều này đã khiến rất nhiều diễn viên nổi tiếng là “có diễn xuất” bị lên án vì đài từ dở. Từ đó lộ yếu điểm và đánh mất thiện cảm với khán giả. Mà dàn diễn viên của Trường Nguyệt Tẫn Minh lại được cộng đồng Douban nhận xét là đài từ dễ chịu, chất giọng của từng người đều có màu sắc riêng. Đây lại là một điểm cộng quan trọng nữa đối với diễn viên lẫn bộ phim.
Những tiếc nuối không nên có của Trường Nguyệt Tẫn Minh
Trường Nguyệt Tẫn Minh vốn dĩ là một bộ phim có câu chuyện khá hay cộng thêm dàn diễn viên vừa có nhan sắc vừa có khí chất lẫn diễn xuất, lại còn được “đập tiền” mạnh tay vào kỹ xảo. Đây vốn dĩ là siêu phẩm nhưng cuối cùng lại bị kéo chân bởi quá nhiều thứ linh tinh không đáng có.
Lối trang điểm “ô dề” dìm nhan sắc diễn viên
Thứ gây mất thiện cảm nhất khi người ta khi xem Trường Nguyệt Tẫn Minh chắc chắn chính là phong cách trang điểm lòe loẹt. Đã có không ít khán giả “thoát phim” chỉ vì lớp makeup làm họ quá đau mắt. Nhiều người nói rằng họ rất muốn xem tiếp để dõi theo câu chuyện của phim nhưng lớp makeup của nhân vật làm họ tuột cảm xúc đến mức quên luôn những tò mò. Một bộ phận còn lại thì xem phim trong cố gắng. Họ phải kiềm chế sự khó chịu khi đối diện với lớp trang điểm “kinh hoàng” này để có thể xem tiếp vì thích câu chuyện.
Mà nhân vật gây phản cảm nhiều nhất chính là nam chính. Các fan của nam chính cũng vô cùng căm hận tổ hóa trang của Trường Nguyệt Tẫn Minh. La Vân Hi vốn có ngũ quan rất rõ ràng, sắc nét. Vốn dĩ chẳng cần trang điểm gì nhiều thì anh ấy vẫn đẹp trai. Ấy vậy mà chẳng hiểu vì ý đồ gì mà tổ hóa trang lại họa mặt cho anh thành một “gánh hát di động”. Nói khó nghe hơn chính là trông khá “đồng bóng”.
Nhất là ở giai đoạn Đạm Đài Tẫn lên làm vua. Môi thì tô đậm như quý phi, lại còn vẽ viền môi. Đã kẽ mắt thì thôi lại còn đánh “tám ngàn” lớp màu đỏ, cam, vàng lên đó. Mặt thì phủ phấn trắng bệch như ma. Cuối cùng khuôn mặt đẹp trai của La Vân Hi lại bị ekip lãng phí một cách tàn nhẫn như vậy.
Nhan sắc của La Vân Hi thực sự không có cách nào gánh nỗi lớp makeup này. Cuối cùng phải dùng diễn xuất để cứu vớt lại nhưng cũng chỉ được vài phần. Vì khán giả nhìn thấy nam chính mắt xanh, môi đỏ đã bỏ chạy hết rồi.
Phục trang rất sáng tạo, thoát khỏi lối mòn “mặc đồ tang”, đúng là có một điểm cộng cho sự mới mẻ. Nhưng sự cầu kỳ và rườm rà trong tạo hình của các nhân vật lại trở thành điểm trừ. Ngoài tạo hình các vị thần theo phong cách Đôn Hoàng là điểm sáng ra thì các tạo hình còn lại đều trông có vẻ rất cồng kềnh. Phụ kiện rườm rà từ đầu đến eo. Bên cạnh việc gắn “7749” món trang sức lên đầu diễn viên thì còn đeo thêm “9981” món phụ kiện trên người.
Các frame hình thiếu liên kết, cắt ghép vụn về
Đây chính là tội ác của quy định “một bộ phim không được vượt quá 40 tập” của trung ương. Vì để có thể an toàn lên sóng mà Trường Nguyệt Tẫn Minh từ 58 tập phải cắt xuống còn 40 tập. 18 tập phim không từ mà biệt đã lại một lỗ hổng lớn cho tác phẩm gắn mác S+ này. Các cảnh phim nối nhau bị “thiếu logic hình ảnh” ở mức nghiêm trọng.
Tuy các cảnh toàn không để lại nhiều vấn đề nhưng ở các cảnh đặc tả thì các frame hình nối nhau trông rất kỳ dị. Một số cảnh vừa thấy góc trái biểu cảm diễn viên đang cười thì sang góc phải lại thấy đang quạu. Trong cùng một câu thoại, đang thấy nhân vật đứng thì giây tiếp theo lại thấy đang ngồi. Đôi lúc đang thấy người nọ đứng ngoài cửa lại không biết di chuyển bằng tốc độ gì mà giật một cái liền thấy ở sát bên người này.
Đây là phim, không phải clip tiktok giật giật trendy. Một tác phẩm truyền hình mà lại kết nối hình ảnh buồn cười như một short-video thế này thì thực sự đáng bị chê trách. Đây rốt cuộc là dựng phim cẩu thả hay vì phải cắt bỏ quá nhiều mà không tài nào kiểm soát được độ mượt của hình ảnh? Đúng là đồ hoạ xịn mấy cũng không gánh nỗi lỗi cât ghép vụn về này.
Mạch phim rượt đuổi như chạy KPI
Nguyên tác Hắc Nguyệt Quang Cầm Chắc Kịch Bản BE là câu chuyện rất dài và được chia làm 3 giai đoạn chính:
- Quá khứ phàm nhân của Đạm Đài Tẫn; Lê Tô Tô rút được tà cốt rồi nhảy thành.
- Nữ chính tỉnh dậy là lúc 500 đã qua đi kể từ khi cô nhảy thành. Hai người gặp lại nhau, nam chính nay đã tu tiên nhưng nữ chính giả vờ không quen biết. Giằng giằng co co lại ngược nhau một hồi khá lâu.
- Nam chính nhập Ma giới, bị Tiên môn căm hận. Nhưng đó là giả vờ thôi. Mục đính của hắn là mở ra Cùng Bi đạo, lấy thân mình tuẫn thế để giải cứu chúng sinh. Sau khi hắn chết Lê Tô Tô mới biết mình hiểu lầm hắn, dẫn con truy phu. Nàng lại tìm hắn suốt 100 năm và tìm ra rất nhiều sự thật đau lòng. Cuối cùng, những tưởng là “cầm chắc kịch bản BE” nhưng lại HE.
Khi Trường Nguyệt Tẫn Minh thông báo lên sóng với 40 tập phim nhiều người đã nghi hoặc rằng câu chuyện dài như vậy, nhiều tình tiết như vậy mà hệ thống nhân vật cũng rất đồ sộ, có thể gói gọn trong 40 tập sao? Câu trả lời là có thể. Vì sau một nửa hành trình mọi người đã nhìn thấy các diễn biến trong truyện đều được giữ lại, không cắt bỏ một chi tiết nào. Tuy nhiên, mọi thứ đều được diễn ra như chạy đua. Khiến người xem xem đến chóng mặt, hoa mắt.
Nhiều người cảm thấy mạch phim nhanh như vũ bão của Trường Nguyệt Tẫn Minh không phải là kiểu dồn dập, hồi hộp mà là tình tiết nào cũng giữ lại nhưng lại giữ lại khá qua loa. Làm người ta cảm thấy cứ như là đang chạy deadline câu chuyện. Mỗi một tình tiết là một nhiệm vụ. Phải chạy nốt để đủ KPI.
Tiết tấu nhanh là một điều rất cần để giúp khán giả xem phim đỡ chán nhưng mạch phim của Trường Nguyệt Tẫn Minh thực sự nhanh có chút hơi quá. Chính vì điều này mà khán giả không thể đắm chìm vào cảm xúc của nhân vật. Không có dư vị để lại sau mỗi diễn biến chính là nguyên nhân khiến phim không có một nội dung nào viral. Một thất bại sâu sắc dành cho một tác phẩm ngôn tình, tiên hiệp đáng ra phải lấy được sự đồng cảm của mọi người.
Mời một dàn sao hoành tráng nhưng lại không thể nâng đỡ được ai
Chúng ta từng thấy Nhuận Ngọc “huyết tẩy” B trạm như thế nào vào năm 2018; từng nhìn thấy một Cổ Kiếm Kỳ Đàm, Thanh Vân Chí hay Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa một lúc nâng toàn bộ dàn diễn viên trẻ lên hàng sao hạng A. Cũng nhìn thấy một Trần Tình Lệnh hay Lưu Ly Mỹ Nhân Sát, Sơn Hà Lệnh và Thương Lan Quyết đẩy nhiệt độ cho dàn sao phụ ra sao. Quan trọng, diễn viên chính của các tác phẩm này sau phim đều trở thành “đỉnh lưu”.
Mà Trường Nguyệt Tẫn Minh cũng sở hữu dàn cast nổi bật không kém nhưng sau một nửa hành trình vẫn chưa thấy ai bật lên. Kể cả người được đi bản thảo nhiều nhất là Trần Đô Linh. Như vậy, là do diễn viên của Trường Nguyệt Tẫn Minh thể hiện chưa đủ tốt hay vì lý do gì?
Có lẽ, đây lại là một tội lỗi nữa của việc cắt bỏ 18 tập phim. Vì bị cắt bỏ quá nhiều mà thời lượng lên hình của các nhân vật phụ rất ít. Chính vì thế mà không thể khắc họa được rõ nét từng nhân vật một. Vốn dĩ mỗi một nhân vật trong phim đều có một câu chuyện riêng, ai cũng xứng đáng được đồng cảm và có thể gây thương nhớ. Ấy vậy mà cuối cùng, các nhân vật phụ chỉ có thể làm nền.
Còn hai diễn viên chính thì tốc độ tăng fan cực chậm. Nói khách quan thì diễn viên đã nổi rồi sẽ khó bạo. Nói chủ quan thì lớp makeup và những yếu điểm mạch phim khiến hai nhân vật chính vốn dĩ có thiết lập cuốn hút cũng trở thành nhạt hòa. Việc cắt nhiều cảnh cũng khiến cho diễn xuất của họ không còn được phô diễn trọn vẹn.
Mời được một dàn diễn viên vô cùng sáng mặt ăn tiền và phù hợp với nhân vật nhưng cuối cùng lại không thể giúp một diễn viên nào tạo được dấu ấn. Một thất bại tiếp theo của một bộ phim mang danh “siêu phẩm”.
Nội dung gốc vốn mới mẻ nhưng bản phim lại không giữ được trọn vẹn
17 tập đầu phim không để lại nhiều tranh cãi, thậm chí còn cuốn người xem bởi kỹ xảo “đập tiền” và hình tượng Đạm Đài Tẫn vô cảm, lì lì, biến thái khá sát nguyên tác. Hay câu chuyện của Tang Tửu và Minh Dạ được viết lại cảm tình hơn trong truyện cũng được đánh giá cao.
Tạo hình của La Vân Hi trong 17 tập này cũng không đến mức “đau mắt” như các tập hiện tại. Thậm chí hình tượng Chiến thần của anh còn được khen ngợi bởi tiên khí ngút ngàn. Mà Tang Tửu so với Diệp Tịch Vụ cũng xinh xắn, trẻ trung hơn nhiều.
Xem thêm: Trường Nguyệt Tẫn Minh ngày đầu phát sóng đã "chèn ép" hàng loạt đối thủ
Tuy nhiên, từ khi các nhân vật chính bước ra khỏi mộng cảnh của Minh Dạ thì câu chuyện gốc đã bị biên kịch bẻ cua sang lối mòn. Chuyện yêu đương của nam, nữ chính diễn ra hết sức nhàm chán với các tình tiết cũ rích. Đoạn này là đoạn chủ chốt nêu lên những chuyển biến tâm lý, tình cảm của nhân vật nhưng lại là đoạn biên kịch viết dở nhất. Trong truyện, đoạn này không có ngọt ngào, sến súa như vậy.
Bản phim còn “tẩy trắng” một cách gượng gạo cho Tẫn hoàng bằng cách bồi đắp hình tượng ông vua hiền đức, nhân nghĩa, chuộng hòa bình, lo cho muôn dân. Rồi để cho Diệp Thanh Vũ dễ dàng quy thuận chỉ sau vài ba câu đạo lý. Lê Tô Tô cũng vì hình tượng “vị vua tốt” này mà dễ dàng rung động, nảy sinh tình cảm chân thật dành cho hắn. Như vậy là cuối cùng vẫn lặp lại gu nữ chính “kiểu mẫu” của các phim khác. Hình tượng nữ chính lại vì điều này mà tụt điểm.
Phim nếu muốn lấy nước mắt của người xem, muốn khán giả đồng cảm, đắm chìm thì đáng ra nên giữ lại sự tàn nhẫn của Đạm Đài Tẫn. Có vậy người ta mới nhìn thấy được hắn thay đổi lớn như thế nào kể từ sau cái cú nhảy thành của Lê Tô Tô.
Những tình tiết nửa vời khi đạo diễn làm phim
Tập 14 người xem đang rất hài lòng vì trận Thần - Ma đại chiến diễn ra vô cùng hoành tráng và mãn nhãn. Từ võ thuật đến mỹ thuật đều đẹp. Âm thanh đã tai, kỹ xảo đã mắt. Nhưng qua tập 15 lại cảm thấy khó chịu vì cuộc đánh nhau giữa Ma thần và Chiến thần khá “nhây”. Cứ chết đi sống lại, xem thật chướng mắt. Mặc dù việc nhìn thấy các vị thần ngã xuống khá đau lòng, cảm động nhưng có cái gì đó vẫn chưa đủ thuyết phục.
Một cảnh nữa làm chưa tới chính là đoạn thân xác Giao Long của Minh Dạ hóa thành bộ xương trắng. Cuối cùng là người xem vẫn không rõ ràng được nó hóa thành bộ xương bằng cách nào, lý do gì. Giải thích quá chớp nhoáng. Trong khi phân đoạn này trong truyện khá hay. Đạm Đài Tẫn trong Bàn Nhược Phù Kiếp (phim là Bát Nhã Phù Sinh) là Minh Dạ, giai đoạn cuối mộng Đạm Đài Tẫn và Minh Dạ phải đấu tranh để chọn thành ma hay thành thần. Cuối cùng thần thức của Minh Dạ được Lê Tô Tô thức tỉnh chọn thành thần rồi nó mới tan biến. Từ đó Đạm Đài Tẫn mới không thu phục được nó. Mà đoạn này bản phim làm không thỏa mãn.
Cảnh động phòng hoa chúc của Tang Tửu và Minh Dạ cũng được xem là cảnh phim dở nhất. Bởi hầu như không mang đến chút cảm xúc phấn khích nào cho người xem mà trông còn rất gượng gạo. Vấn đề còn nằm ở chỗ phong cách hôn của nam chính quá lịch sự, đến mức như vô cảm.
Drama bên lề thì nhiều mà nội dung viral thì chẳng thấy đâu
Những chiếc hot-search vớ vẩn
Hot-search lên toàn những từ khóa vớ vẩn, đặc biệt là các hot-search về nam chính, giống bị mua bài hắc hơn là được marketing. Điển hình phải kể đến là: “La Vân Hi xách váy”, “Thiếu nữ Ma tôn”, “La Vân Hi quá gầy”...
Các hot-search của các ngày đầu lên sóng cũng chẳng tốt đẹp là bao, các key-word điển hình là: “Marketing của Youku”, “đất diễn của nam nữ phụ”, “diễn viên quần chúng xấu quá không giống huyền huyễn”... và nhiều thảo luận cọ nhiệt phản cảm như “Lê Lê Tô và Hoa Thiên Cốt đánh nhau ai sẽ thắng”, “Bạch Lộc sẽ thay thế vị trí của Trịnh Sảng”, “so sánh cảnh khóc của Dương Tử và Bạch Lộc”... Một số hot-search trung tính hơn thì: “nam chính bệnh kiều biến thái đúng chất nguyên tác”, thiện cảm hơn một chút thì “kỹ xảo của phim đỉnh quá”,...
Những hot-search chẳng ra làm sao này làm người cảm thấy rất buồn cười. Nhiều người lên tiếng chê trách Youku pr bẩn, cọ nhiệt đụng chạm nhiều người, nhiều tác phẩm.
Sau đó, ekip phải hành văn bản thanh minh, cho biết những chiêu trò cọ nhiệt đều không liên quan đến đoàn phim, diễn viên và nền tảng phát sóng. Phía đoàn phim đã ủy thác cho luật sư xử lý những thông tin sai lệch, bôi nhọ Trường Nguyệt Tẫn Minh cùng diễn viên và nền tảng phát sóng. Trong khi đó, fan của Bạch Lộc cũng đồng loạt thay avatar đen, yêu cầu phòng làm việc phải lên tiếng bảo vệ nghệ sĩ.
Tuy nhiên điều này cũng cho thấy rằng dù không phải marketing vớ vẩn cũng là do netizen hoàn toàn không để tâm đến nội dung phim, chỉ toàn lo bàn chuyện bát quái. Cho thấy nội dung phim bị kém cuốn hút.
Nữ phụ Trần Đô Linh marketing phản cảm hay fan tâng bốc quá lố?
Trần Đô Linh đúng là trông rất xinh xắn nhưng khí chất cũng chỉ có thể nói là phù hợp Diệp Băng Thường, nhìn thì nữ tính hơn Bạch Lộc nhưng cũng không có cảm giác gì gọi là bức người. Xinh đẹp nhất bộ phim này phải Tôn Trân Ni.
Hơn nữa, Trần Đô Linh diễn vai phụ này cũng không cho thấy sự tiến bộ gì về mặt diễn xuất. Muốn đi content “lấn át nữ chính” nhưng chỉ hơn Bạch Lộc ở ngoại hình, diễn xuất hoàn toàn không nổi trội. Đứng cạnh Tôn Trân Ni thì cũng không trẻ trung, linh động bằng.
Ấy vậy mà từ lúc phim chưa chiếu cho đến chiếu rồi thì các bản thảo Trần Đô Linh nổi bật hơn Bạch Lộc hay Trần Đô Linh phải “nhường trang” để nhan sắc không lấn át Bạch Lộc xuất hiện tràn lan.
Phản cảm nhất chính là thời điểm phim mới lên sóng, fan của cặp đôi phụ Trần Đô Linh và Đặng Vi còn đưa từ khóa “nam, nữ phụ diễn quá ít” lên hot-search vì thời lượng lên hình của hai diễn viên trong 8 tập đầu chỉ có 18 phút/tổng 400 phút trong khi super topic của nam nữ phụ cao hơn nam nữ chính. Mặc dù đất diễn của họ bị cắt đến đáng thương nhưng fan duy quyền đòi vai phụ lên hình nhiều như vai chính thì cũng thật là quá phận.
Phim S+ nhưng đầy sạn linh tinh
Trong những đầu mới chiếu phim, Youku đã để lộ những hạt sạn khá phản cảm như lộ ống dây truyền máu cho nam chính, lộ đường ống nước trên hành lang, nhân viên đoàn phim mặc đồ hiện đại lọt vào dàn diễn viên quần chúng. Bộ lọc chân thực đến mức lộ luôn đường chân tóc giả và lớp makeup “lên mốc” của diễn viên.
Tuy sau đó Youku đã edit lại, xóa bỏ các hạt sạn vớ vẩn này nhưng dù sao cũng đã bị soi rồi.
Cái nhìn chung
Thứ người ta có thể moi hết ruột gan ra để khen Trường Nguyệt Tẫn Minh có lẽ chỉ là kỹ xảo. Một lời khích lệ khác chính là có chú ý cải thiện lối mòn trong phong cách. Vì thần tiên đã không còn “mặc đồ tang”, trang phục thể hiện sự mới mẽ thấy rõ trong việc phối màu và chất liệu. Đồ họa cho thế giới quan cũng nhiều màu hơn và màu sắc dùng đa số là tone ấm và nóng, trông đậm đà hơn hẳn các phim tiên hiệp xanh xanh, tím tím mờ mờ ảo ảo trước đây. Bên cạnh đó là thành công truyền bá được nét đẹp văn hóa Đôn Hoàng.
Lời khen thứ hai mà người ta có thể thốt lên được khi xem Trường Nguyệt Tẫn Minh chính là La Vân Hi dù bị mỉa mai ngoại hình “gầy gò như ma” nhưng diễn xuất vẫn thuyết phục.
Còn về tiếc nuối thì tiếc nuối lớn nhất chính là các diễn viên được chọn đều có ngoại hình phù hợp với nhân vật của mình. Ví như Trần Đô Linh có vẻ ngoài nhu nhược, mong manh nhưng khó dò tâm tư giống hệt Diệp Băng Thường, Tôn Trân Ni vừa quyến rũ vừa dễ thương, nhan sắc căng tràn sức sống rất hợp với vai hồ ly tinh hay Đặng Vi cũng có ngoại hình rất ăn-rơ với khí chất chính trực, đôn hậu của Tiêu Lẫm và Công Dã Tịch Vô. Hai vị thần Tắc Trạch và Sơ Hoàng cũng rất có thần khí. Nhưng vì bị cắt đất diễn quá nhiều, không đủ thời lượng để khắc họa nhân vật mà dàn phụ vốn dĩ nổi bật cuối cùng lại không bật lên được ai. Mọi người đều bị lướt qua và bỏ lại.
Nếu như nhân vật của họ có nhiều đất diễn hơn một chút, nhân vật của họ sẽ được khắc họa rõ ràng hơn, bởi ai cũng có câu chuyện của riêng mình, thì nhất định quãng trường thảo luận của Trường Nguyệt Tẫn Minh sẽ sôi nổi hơn và tích cực hơn hiện tại.
Quan trọng hơn hết, giá như phim đừng cắt bỏ 18 tập thì mạch phim cũng không rượt đuổi và thiếu chiều sâu như vậy, chuyển cảnh cũng sẽ mượt mà hơn.
Cùng VOH giải trí cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh hấp dẫn nhất tại chuyên mục phim.