- Boy Over Flower – Vườn Sao Băng (2009)
- Silenced - Sự Im Lặng (2011)
- Thread Of Lies – Sát Nhân Học Đường (2014)
- Angry Mom – Khi Mẹ Ra Tay (2015)
- School 2015: Who Are You? - Học Đường 2015 (2015)
- Solomon’s Perjury - Nguỵ Chứng Solomon (2016)
- My Little Baby, Jaya - Jaya - Đứa Con Bé Bỏng (2017)
- Gangnam Beauty - Người Đẹp Gangnam (2018)
- Beautiful world - Thế Giới Tuyệt Vời (2019)
- Class Of Lies - Lớp Học Nói Dối (2019)
- Everyone Is There – Mọi Người Đều Ở Đó (2020)
- The Penthouse – Cuộc Chiến Thượng Lưu (2020)
- The King Of Pigs - Vua Lợn (2022)
- All Of Us Are Dead - Tất Cả Chúng Ta Đều Đã Chết (2022)
- Juvenile Justice - Tòa Án Vị Thành Niên (2022)
- Tomorrow - Ngày Mai (2022)
- Người Hùng Yếu Đuối - Weak Hero Class 1 (2022)
- Cô Giáo Em Là Số Một - Brave Citizen (2023)
- Vinh Quang Trong Thù Hận - The Glory (2023)
- Trò Chơi Kim Tự Tháp - Pyramid Game (2024)
Ở Hàn Quốc, chủ đề bạo lực học đường luôn là chủ đề hot trong những năm qua, được cộng đồng bàn tán xôn xao. Khoảng cách giữa giàu nghèo, hay sự ganh đua thành tích, ghen ghét nhau trong trường học làm cho giới trẻ Hàn Quốc chịu áp lực khi đi học. Chính vì thế các nhà làm phim Hàn Quốc đã dựng lên nhiều bộ phim được lấy từ những câu chuyện có thật ở ngoài đời để phản ánh, lên án bộ mắt đen tối sau vè đẹp hào nhoáng của giới trẻ xứ Hàn.
Dưới đây là danh sách các bộ phim bạo lực học đường Hàn Quốc hay nhất dựa trên những câu chuyện có thật gây rúng động xã hội Hàn Quốc, khiến người xem có cái nhìn khác về xứ sở kim chi:
Boy Over Flower – Vườn Sao Băng (2009)
Ra mắt khán giả năm 2009, Vườn Sao Băng đã từng là một hiện tượng toàn cầu với cơn sốt về mối tình giữa nàng cỏ Geum Jan Di (Goo Hye Sun) và thiếu gia nhà giàu Goo Jun Pyo (Lee Min Ho). Mặc dù tập trung khai thác vấn đề tình cảm nhưng Vườn Sao Băng còn phản ảnh một thực trạng nhức nhối ở Hàn Quốc lúc bấy giờ là bạo lực học đường.
Trong một lần cố cứu nam sinh tự tử vì bị bạn bè bắt nạt, Geum Jan Di đã được chỉ định theo học tại ngôi trường danh giá Shinhwa. Tưởng rằng cuộc sống của cô sẽ tốt đẹp hơn, nhưng khi chính thức đặt chân đến ngôi trường này, cô lại trở thành nạn nhân tiếp theo bị bạo lực học đường vì sự phân biệt giàu nghèo quá khắt nghiệt.
Hằng ngày, nữ chính luôn phải chịu đựng sự giễu cợt từ phía bạn bè, đỉnh điểm là khi cô bị bắt nạt tập thể bằng nhiều hình thức như bị kéo lê, ném bóng nước, bị phun bình cứu hỏa vào người,... Chỉ đến khi nhận được sự bảo hộ của Goo Jun Pyo (Lee Min Ho) thì bạn học xung quanh mới dừng những hành động bắt nạt Geum Jan Di.
Thật không thể tưởng tượng, nếu không có nam chính bảo vệ, Geum Jan Di sẽ còn phải đối mặt với những trò đùa tai quái nào nữa. Vườn Sao Băng chính là một bức tranh tàn khốc thể hiện rõ nét góc tối của chốn học đường ở xứ sở Kim Chi và vấn nạn phân biệt giàu nghèo nghiêm trọng ở nơi đây lúc bấy giờ.
Silenced - Sự Im Lặng (2011)
Nhắc đến những bộ phim bạo lực học đường Hàn Quốc chắc chắn không thể không kể đến Silenced – bộ phim khiến khán giả không ngừng suy nghĩ về hậu quả khôn lường của sự im lặng. Silenced là một bộ phim tâm lý được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kong Ji Young và dựa trên một câu chuyện có thật nên càng khiến người xem không khỏi ám ảnh.
Phim kể về hành trình tìm ra sự thật của thầy giáo Kang In Ho (Gong Yoo thủ vai) sau khi chuyển tới dạy học tại trường dành cho trẻ em câm điếc tại Mujin. Trong quá trình dạy học tại đây, anh dần dần nhận ra sự kì lạ trong thái độ của các đứa trẻ.
Một lần, sau khi giúp Yoo-ri rời khỏi gờ cửa sổ nguy hiểm, Inho được cô bé dẫn tới trước một cửa phòng đóng kín dưới cầu thang. Tại đây, Inho bị sốc khi chứng kiến người phụ trách khu nội trú của trường đang dúi đầu Yeon-doo, một học sinh khác trong lớp anh, vào máy giặt. Ngay lập tức anh đã đưa cô bé đến bệnh viện và gọi điện cho YooJin – một cô gái đang làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền thành phố Mujin tới giúp.
Ngay sau đó, hai người dần phát hiện ra những bí mật đen tối và đầy tội lỗi được che giấu trong nhà trường. Trong đó gồm có vấn nạn bạo hành và xâm phạm tình dục đối với những đứa trẻ khuyết tật và chưa đủ tuổi vị thành niên. Điều đáng sợ hơn cả là người đứng sau những điều này không ai khác chính là thầy hiệu trưởng và bạn lãnh đạo nhà trường.
Sau khoảng thời gian dài đấu tranh, tìm ra sự thật, Inho đã đưa sự việc ra ánh sáng khiến cả nước gần như chấn động. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử, anh đã hoàn toàn bất lực vì phía tòa án đã cấu kết với lãnh đạo nhà trường.
Bộ phim mang đến một không gian vô cùng mờ ảo, không quá ồn ào, cũng không có những cảnh quay trần tục hay đánh đập dã man. Nhưng qua lối diễn xuất bằng ánh mắt, bằng biểu cảm và sự đau đớn của những đứa bé khuyết tật, người xem không khỏi rùng mình vì cảm nhận được rất rõ những đau đớn mà các em đang phải trải qua.
Xem thêm:
Top 22 bộ phim Hàn Quốc buồn cảm động, xem là rơi nước mắt
Top 20 bộ phim Hàn Quốc hay trên Netflix bạn không thể bỏ lỡ
Thread Of Lies – Sát Nhân Học Đường (2014)
Để cảm nhận một cách chân thật nhất hậu quả của bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý như thế nào thì Sát Nhân Học Đường sẽ là bộ phim bạn không thể bỏ ra.
Tác phẩm kể về bà mẹ đơn thân Hyun Sook đang nỗ lực nuôi dưỡng 2 cô con gái bằng công việc tại cửa hàng tạp hóa. Bi kịch ập đến khi một ngày kia bà nhận được tin con gái út Cheon Ji của mình bỗng nhiên tự tử bằng cách treo cổ. Từ đây, hành trình truy tìm sự thật của Hyun Sook và người con gái lớn Man Ji bắt đầu.
Trong một lần tình cờ, chị gái của Cheon Ji vô tình nghe được cuộc trò chuyện từ các bạn học chung của em gái và phát hiện ra lí do khiến Cheon Ji hành động dại dột là vì bị bạo lực học đường. Trải qua quá trình điều tra đầy gian nan, Man Ji đã vô cùng đau đớn khi nhận ra rằng Hwa Yeon – cô bạn thân duy nhất của em gái lại chính là chủ mưu làm ra mọi chuyện.
Mặc dù các yếu tố bạo lực học đường chưa được nhà sản xuất khai thác quá rõ ràng, nhưng Sát Nhân Học Đường vẫn có thể giúp người xem hình dung được phần nào hiện thực tàn khốc mà nạn nhân bạo lực học đường phải chịu đựng.
Angry Mom – Khi Mẹ Ra Tay (2015)
Angry Mom là một bộ phim tiêu biểu cho vấn nạn bạo lực học đường ở Hàn Quốc. Bộ phim xoay quanh Jo Kang Ja (do Kim Hee Sun thủ vai), một bà mẹ tuổi ngoài 30 nhưng sở hữu vẻ ngoài trẻ trung như thiếu nữ. Trong một lần phát hiện những vết bầm tím trên người con gái, Jo Kang Ja quyết định đóng giả làm học sinh để tìm ra sự thật, đòi lại công bằng cho con gái.
Từ một người phụ nữ suốt ngày chỉ quẩn quanh với bếp núc, Jo Kang Jung đã ngày càng dấn thân vào môi trường học đường và phát hiện ra nhiều sự thật bất ngờ đằng sau bục giảng. Từ việc con gái cô luôn bị đám bạn học hành hung, đánh đập cho đến sự thờ ơ, vô cảm của giáo viên lẫn cảnh sát. Vốn là người có tính khí nóng nảy, Jo Kang Ja đã không ngần ngại dạy cho đám học sinh đã đánh đập con mình một bài học để sau này không còn dám bắt nạt ai nữa.
Cùng với hành trình tìm ra sự thật, khoảng cách giữa Jo Kang Ja và con gái cũng ngày càng được rút ngắn. Cô bé đã không còn tỏ ra thờ ơ hay né tránh cô như trước đây nữa. Bên cạnh “tường thành nhan sắc” Kim Hee Sun, bộ phim còn có sự góp mặt của nữ diễn viên trẻ Kim Joo Jung trong vai cô con gái.
School 2015: Who Are You? - Học Đường 2015 (2015)
“School” là chuỗi series phim lấy đề tài học đường của Hàn Quốc được giới trẻ vô cùng yêu thích. Nếu như các phần trước, phim chỉ lấy chủ đề về tình yêu, tình bạn thì School 2015 lại xoáy sâu hơn về vấn nạn bạo lực học đường. Đặc biệt, việc nữ diễn viên Kim Soo Hyun đảm nhiệm cả 2 vai trong một bộ phim cũng là yếu tố thu hút khán giả.
School 2015: Who Are You kể về hai chị em sinh đôi Eun Byeol và Eun Bi. Trong khi cô chị gái Eun Byeol sống tại Seoul và được đi học tại ngôi trường giàu có thì cô em gái Eun Bi lại sống ở vùng quê nghèo hẻo lánh. Việc không có bố mẹ và phải sống trong trại trẻ mồ côi khiến Eun Bi trở thành đối tượng bị nhóm nữ sinh do Kang So Young bắt nạt. Không chỉ đánh đập, ném bột vào người hay đe dọa tâm lý, nhóm nữ sinh này còn bày mưu hãm hại và dùng thế lực của gia đình để ép Eun Bi phải bị đuổi khỏi trường khiến cô vô cùng ấm ức.
Trong một lần đi thực tế đến vùng quê nơi Eun Bi đang sinh sống, Eun Byeol đã thấy em gái mình đang nhảy xuống sông tự tử. Chính vì vậy nên cô nàng đã lao đến cứu lấy Eun Bi và cả hai bắt đầu trao đổi thân phận từ đó. Eun Bi được người mẹ nuôi của Eun Byeol đón về nhà ở Seoul trong tình trạng mất trí nhớ. Tại đây, cô đã được bắt đầu một cuộc sống mới với một ngôi trường mới và những người bạn luôn yêu thương mình.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại khi Kang So Young cũng vô tình chuyển đến Seoul và theo học cùng lớp với Eun Bi từ trước. Vốn đã có hiềm khích từ trước, So Young luôn cố gắng tìm cách để tiết lộ danh tính thật sự của Eun Bi nhằm cô lập cô với những người bạn xung quanh. May mắn là Eun Bi đã luôn mạnh mẽ đối mặt với những thử thách do Kang So Young gây ra.
Ngay giây phút kịch tính nhất, chị gái của Eun Bi là Eun Byeol đã trở về và dạy cho Kang So Young một bài học vì đã liên tục bắt nạt em gái mình. Cái kết khiến người xem vừa hả hê vì kẻ xấu cuối cùng cũng bị trừng trị, đồng thời cũng không khỏi xót xa cho những bất công mà Eun Bi đã trải qua trong suốt những năm tháng tuổi thơ của mình.
Xem thêm:
Điểm qua hàng loạt bộ phim thanh xuân lãng mạn Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại
Top 23+ bộ phim hài lãng mạn Hàn Quốc hay nhất dành cho bạn mê ngôn tình
Solomon’s Perjury - Nguỵ Chứng Solomon (2016)
Ngụy Chứng Solomon được nhận xét là bộ phim học đường Hàn Quốc đáng xem nhất khi vạch trần những góc khuất chốn học đường, gia đình và xã hội. Trong đó, vấn nạn bạo lực tại trường học cũng được tô rõ như nữ sinh xấu xí chuyên bị bạn bè giễu cợt, nhổ nước bọt hay nam sinh bị bạn học nhúng đầu vào bồn cầu nhà vệ sinh...
Bên cạnh những người luôn phải nhẫn nhịn khi bị bắt nạt, vẫn có những học sinh mạnh mẽ dám đứng lên nói ra sự thật, đấu tranh lại nỗi sợ những tên đầu gấu chuyện dùng bạo lực.
My Little Baby, Jaya - Jaya - Đứa Con Bé Bỏng (2017)
Đứa Con Bé Bỏng là bộ phim kể về sự trả thù của Won Sool - một người đàn ông 45 tuổi bị bại não trước cái chết của con gái bởi bạo lực học đường. Ông cũng là một ông bố đơn thân nên đứa con gái mới lớn Jaya là cả thế giới của ông. Thế nhưng, đứa con gái mà ông hết mực cưng chiều lại phải chịu đựng những hành vị bạo lực học đường, thậm chí là hãm hiếp cho đến khi cô không thể chịu đựng và tự sát.
Người cha cảm thấy bất lực trước sự ra đi của con gái và thù hận đối với xã hội bất công, khinh thường mình. Để trả thù cho con gái bé bỏng, ông đã dùng những cách thức cực đoan để bày tỏ nỗi phẫn uất và bất bình của mình. Ông đã hủy dung những nữ sinh bắt nạt Jaya bằng axit và giết chết những nam sinh đã hãm hiếp con gái mình. Đến cuối cùng, ông không còn hy vọng và vấn vương gì với cuộc đời mà chọn cách tự sát.
Gangnam Beauty - Người Đẹp Gangnam (2018)
Không chỉ xuất thân từ gia đình bình dân mà ngoại hình kém sắc cũng là lý do khiến cho một người trở thành đối tượng bị bắt nạt và Người Đẹp Gangnam đã phản ánh hiện thực đó. Bộ phim nói về nhân vật Kang Mi Rae (Im Soo Hyang) - một nữ sinh có ngoại hình xấu xí và luôn bị bạn bè bắt nạt ở trường. Chính vì thế, khi lên đại học Mi Rae đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để nâng cấp nhan sắc và để đổi đời.
Tường chừng như khi ngoại hình trở nên xinh đẹp, cuộc sống của Mi Rae sẽ bắt đầu tốt đẹp hơn. Nhưng không, cô lại bị mọi người chế nhạo là "Người đẹp Gangnam" - ý chỉ nét đẹp dao kéo. Nhưng thật may khi có Do Kyung Seok (Cha Eun Woo) - một người bạn đại học của Mi Rae chỉ quan tâm đến tính cách của cô thay vì vẻ ngoài như thế nào.
Xem thêm:
Top 30+ bộ phim học đường Trung Quốc hay nhất năm 2023
Top 25 bộ phim học đường Việt Nam đặc sắc nhất định không thể bỏ qua
Beautiful world - Thế Giới Tuyệt Vời (2019)
Bạo lực học đường chưa bao giờ là vấn đề cũ đối với các nhà sản xuất phim của xứ Hàn, nhưng phải đến Beautiful World, người xem mới thật sự cảm thấy bùng phát vì tội ác đã đẩy đến cao trào. Nếu như trước đó, bạo lực học đường thể hiện qua việc hành hung, hăm dọa nhưng bố mẹ vẫn có thể phát hiện ra thông qua những vết thương hiện trên da thịt. Nhưng ở Beautiful World, bạo lực học đường xuất phát từ hành động tẩy chay, cô lập, những tin đồn hay những lời gièm pha ác ý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nạn nhân.
Việc phải sống giữa ánh mắt soi mói và lời nói độc ác của mọi người xung quanh khiến các em học sinh gần như vị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Thế nhưng các em lại chẳng thể chia sẻ cùng ai, đồng thời bố mẹ cũng khó lòng phát hiện được những vết thương ẩn giấu tận sâu thẳm tâm hồn.
Bộ phim kể về cậu nam sinh 18 tuổi Sun Ho do “em trai quốc dân” Nam Da Reum đảm nhiệm. Ban đầu, Sun Ho có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc bên bố mẹ dù cuộc sống gia đình không mấy khá giả. Tuy nhiên, chính người bạn thân Joon Seok đã trở mặt và khiến Sun Ho trở thành nạn nhân bạo lực học đường khi luôn tìm cách cô lập, bắt nạt cậu. Thậm chí, chính Joon Seok là người đã thẳng tay đẩy Sun Ho xuống từ tầng thượng trường học khiến cậu phải hôn mê và không biết sống chết thế nào.
Mặc dù cảnh sát đã kết luận rằng đây là một vụ tự tử, mẹ của Sun Ho và gia đình đã cố gắng tìm ra sự thật ẩn giấu đằng sau. Thông qua đó, khán giả không khỏi phẫn nộ trước hành động vô tình, nhẫn tâm của những thiếu niên khi sẵn sàng ra tay sát hại bạn bè của mình. Cùng với đó, sự im lặng từ những người xung quanh khi chứng kiến tội ác nhưng không dám lên tiếng cũng chính là nguyên nhân gián tiếp khiến nạn bạo lực học đường ngày càng lan rộng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới trẻ hiện nay.
Class Of Lies - Lớp Học Nói Dối (2019)
Bộ phim kể về Ki Moo Hyeok - một luật sư nổi tiếng và thành công nhưng lại là một người rất ích kỷ và tham tiền. Vì một vụ án giết người mà anh ta mất đi danh tiếng đã tạo dựng một thời. Moo Hyeok trở thành một giáo viên tạm thời tại một trường trung học có liên quan đến vụ án đó để lấy lại danh dự của mình. Mặc dù anh ta vào lớp vì những lý do cá nhân nhưng anh ta lại bắt đầu thay đổi khi xen vào cuộc sống học đường của các học sinh tại đây. Moo-Hyeok tình cờ thấy được những tội ác đang xảy ra tại trường học và anh ta đã quyết định bảo vệ những nạn nhân của bạo lực học đường.
Bộ phim sẽ làm nổi bật thực trạng thanh thiếu niên phải đối mặt với những hành động bạo lực đến từ những người bạn đồng trang lứa với mình. Những kẻ gây nên những điều đó thì chỉ chịu ít hoặc không phải chịu hậu quả sau khi phạm tội vì họ là vị thành niên, Những nạn nhân của bạo lực học đường không nhận được bất cứ sự bảo vệ hay trợ giúp nào từ bên ngoài vì sự tự ti, yếu thế và không dám tố cáo những tội ác đó.
Xem thêm:
Top 9 phim hình sự Hàn Quốc hay nhất với nội dung kịch tính, gay cấn đến nghẹt thở
Top 24 phim tâm lý Hàn Quốc hay nhất 'thao túng' khán giả mà bạn nên xem
Everyone Is There – Mọi Người Đều Ở Đó (2020)
Mọi Người Đều Ở Đó là một bộ phim drama học đường nằm trong dự án thường niên do Ryu Seung-Jin chịu trách nhiệm đạo diễn, bộ phim xoay quanh một học sinh có tên Soo Yeon vì bị bạn bè bắt nạt, đánh đập và quay video lại để sỉ nhục khiến cô quyết định từ bỏ cuộc sống. Để rồi Jung-Yeon – chị gái song sinh của Soo Yeon với nét tính cách mạnh mẽ, táo bạo trái ngược hoàn toàn với em gái đã phát hiện ra, và với sự giúp đỡ của một vị cứu tinh, cô đã lên kế hoạch thay em gái tới trường nhằm mục đích ra tay trừng trị đám học sinh đã bắt nạt em gái mình, cứu em gái khỏi những tháng ngày sống trong sợ hãi.
Càng về cuối phim thì tiết tấu của bộ phim càng kịch tính hấp dẫn, cánh cổng sự thật về thân phận thật sự của người đã ra tay giúp đỡ hai chị em Jung-yeon dần được mở ra để thỏa mãn tính tò mò của khán giả.
The Penthouse – Cuộc Chiến Thượng Lưu (2020)
Tác phẩm Cuộc Chiến Thượng Lưu từng là một tác phẩm làm mưa làm gió trong một thời gian dài với nội dung khai thác những bí mật, uẩn khúc, sự đấu tranh quyền lực của tầng lớp thượng lưu. Bên cạnh đó, thông qua lăng kính của Cuộc Chiến Thượng Lưu thì vấn nạn bạo lực học đường cũng được lột tả một cách trần trụi và bị lên án gay gắt.
Trong phim, nạn nhân là những kẻ thân cô thế cô, ít bạn bè, không có khả năng chống trả. Nạn nhân đầu tiên chính là Min Seol Ah (Jo Soo Min) – một cô gia sư xinh xắn nhưng bất hạnh. Bọn con cháu nhà giàu hết lần này đến lần khác đều đem Seol Ah ra làm trò tiêu khiển, xúc phạm và lăng mạ cô. Đỉnh điểm là trong một lần bắt nạt, họ đã suýt lấy đi mạng sống của cô gái nhỏ chỉ vì gia cảnh của cô khó khăn, túng thiếu.
Không dừng lại ở đó, sau Seol Ah thì nạn nhân thứ hai bị đám người này để mắt đến chính là Bae Ro Na (Kim Hyun Soo). Lí do chính xuất phát từ sự ghen tị với giọng hát trời cho của cô. Họ không ngừng nghĩ ra mọi thủ đoạn để hạ bệ cô bé, tính chất của các vụ bắt nạt ngày càng trở nên vô nhân đạo, thậm chí là tiếp tay nhau dẫn đến cái chết thương tâm của cô bé. Vấn nạn bạo lực học đường được thể hiện rõ nét hơn thông qua việc ngay cả bản thân thành viên của hội bắt nạt – cô nàng Je Ni (Jin Ji Hee) cũng là một nạn nhân bị bạo lực học đường. Đây chính là hồi chuông báo động cho tất cả mọi người về quy luật nhân quả, đã là bạo lực học đường thì sẽ có thể xảy đến với bất kì ai.
The King Of Pigs - Vua Lợn (2022)
Bộ phim được chuyển thể từ phim hoạt hình cùng tên - một phim hoạt hình tâm lý, kinh dị dành cho người lớn. Được sản xuất bởi đạo diễn nổi tiếng Yeon Sang Ho, bộ phim được khán giả vô cùng chờ đón sau những thành công từ những bộ phim trước đây của anh như Train To Busan, Peninsula, Hell Bound,...
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Hwang Kyung Min - một người đàn ông 30 tuổi gặp phải sóng gió cuộc đời khiến anh giết chết vợ mình trong lúc bốc đồng. Sự việc này khiến anh nhớ lại những quá khứ đen tối thời trung học của mình. Do đó, anh đã liên lạc với một người bạn trung học của mình là Jung Suk.
Bộ phim chia làm hai mốc thời gian là thời trung học và hiện tại của nam chính. Thời trung học bị bạo lực học đường một cách dã man đã tạo nên kẻ giết người Kyung Min và thám tử Jung Suk hiện tại. Cả hai từng là bạn thân nhưng khi trải qua thời trung học đen tối, giờ đây họ lại đứng ở phía đối lập nhau. Cuộc rượt đuổi, truy tim hung thủ giữa cả hai sẽ là điểm nhấn thu hút khán giả trong cả bộ phim.
Xem thêm:
Điểm qua hàng loạt bộ phim zombie Hàn Quốc làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ
Top 30+ phim kinh dị Hàn Quốc hay, giật gân và rùng rợn nhất
All Of Us Are Dead - Tất Cả Chúng Ta Đều Đã Chết (2022)
All Of Us Are Dead là tác phẩm truyền hình được chuyển thể từ bộ webtoon nổi tiếng cùng tên. Bắt kịp xu hướng hiện nay, nội dung bộ phim liên quan đến Zombie, đây là một chủ đề được tập trung khai thác vào những năm gần đây và thu hút được nhiều khán giả.
Cuộc sống ở trường trung học Hyosan không có gì đặc biệt… cho đến khi các học sinh nhận ra rằng họ đang ở trong tình cảnh hết sức nguy hiểm. Một loại virus chết chóc biến nạn nhân của nó thành những con quái vật ăn thịt người. Khi những người nhiễm virus cắn xé những bạn học khiến virus lây nhiễm nhanh chóng chỉ trong trong vài giờ, họ nhận ra rằng mình không còn nơi nào để chạy. Bị mắc kẹt trong trường trung học cùng với các phiên bản zombie của bạn bè và giáo viên của mình, họ phải tìm cách chiến đấu - và thoát khỏi hiểm cảnh bị ăn thịt và đồng hóa thành zombie.
Juvenile Justice - Tòa Án Vị Thành Niên (2022)
Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) là tác phẩm gây sốt nửa đầu năm 2022 với chủ đề khai thác mới mẻ, lôi cuốn với góc nhìn đa chiều phản ánh một số thực trạng nhức nhối ở Hàn Quốc hiện nay. Trong đó, vấn nạn bạo lực học đường cũng là một góc khuất được bóc trần một cách thẳng thắn.
Cụ thể, ở tập 8 của bộ phim đã vẽ nên một bức tranh u ám kể về một học sinh nữ của trường trung học đã phải trải qua những chuỗi ngày kinh hoàng khi bị một nhóm bạn học quấy rối tình dục, đe dọa bạo lực và thậm chí là bị chụp ảnh, quay clip khỏa thân. Bạn thân của cô, một nam sinh cương trực vì muốn giúp bạn của mình thu hồi những bức ảnh xấu hổ mà vô tình cũng trở thành một “con mồi” của nhóm học sinh bất lương này, cam chịu trở thành tay sai của chúng và nhận về một kết cục bi thảm là trở thành người thực vật.
Bộ phim là một tác phẩm thiên về khai thác tâm lý nhân vật nên bằng những thước phim dằn vặt nội tâm của chính nạn nhân nữ bị bạo lực học đường đã làm rõ nét hơn hệ lụy vô cùng tàn khốc của vấn nạn này, và để lại sự ám ảnh nhất định trong lòng khán giả.
Tomorrow - Ngày Mai (2022)
Vẫn là một bộ phim khai thác đề tài bạo lực học đường, tuy nhiên thay vì lột tả những thước phim về quá trình diễn ra bạo lực học đường thì Ngày Mai với góc nhìn mới mẻ đã tập trung phát triển nội dung về những tháng ngày ám ảnh tinh thần của nạn nhân sau khi bị bắt nạt.
No Eun Bi – một nữ biên kịch trưởng thành với sự ám ảnh về những hồi ức bị bắt nạt ở trường học. Đáng buồn thay, kẻ đã từng bắt nạt cô, Kim Hye Won sau khi tốt nghiệp lại trở thành một mẹ đẻ của một tác phẩm truyện tranh phòng chống bạo lực học đường nổi tiếng. Thậm chí cô ta còn áp dụng những chiêu trò tâm lý để khơi gợi lại quá khứ đau thương năm xưa của Eun Bi khi hai người gặp lại nhau trong một cuộc phỏng vấn làm cho nữ biên kịch đưa ra quyết định dại dột. Nếu không nhờ sự giúp đỡ và khuyên giải kịp thời của thần chết Goo Ryun, có lẽ cô đã thật sự gieo mình xuống lầu vì chấn thương tâm lý luôn âm ỉ bên trong người cô.
Tác phẩm đã để người xem phần nào hình dung được sự thật về hậu quả của bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những tổn thương về thể xác mà còn là một nỗi ám ảnh tinh thần theo họ cả về lâu dài.
Người Hùng Yếu Đuối - Weak Hero Class 1 (2022)
Người Hùng Yếu Đuối kể về Yeon Shi Eun (Park Ji Hoon) - một nam sinh gương mẫu có thành tích học tập luôn nằm trong top đầu. Shi Eun có vóc dáng nhỏ bé và thể lực yếu nên thường trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt. May mắn thay, nhờ có trí tuệ và vận dụng tốt các kiến thức vật lý vào thực tiễn, cậu vẫn có thể bảo vệ được bản thân trong các tình huống bạo lực.
Trong cuộc chiến đấu chống lại những tên bắt nạt học đường, Shi Eun có cơ hội kết bạn với Ahn Su Ho (Choi Hyun Wook) và Oh Beom Seok (Hong Kyung). Cả 3 cùng nhau đấu tranh, nỗ lực sống sót trong môi trường trung học đầy nguy hiểm.
Ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, Người Hùng Yếu Đuối đã trở thành một chủ đề nóng, được các "mọt" phim bàn tán sôi nổi. Nội dung chân thực, lôi cuốn về vấn nạn bạo lực học đường và sự gắn kết tình bạn của các nhân vật trong phim là những yếu tố chinh phục được trái tim người xem. Bên cạnh đó, diễn xuất đầy cảm xúc của dàn sao trẻ tuổi cũng là một điểm sáng nổi bật của Người Hùng Yếu Đuối.
Xem thêm:
Top 15 web drama Hàn hay đáng xem nhất hiện nay
Top 33 phim truyền hình Hàn Quốc hay năm 2023 các mọt phim không thể bỏ lỡ
Cô Giáo Em Là Số Một - Brave Citizen (2023)
Cô Giáo Em Là Số Một kể về cuộc đối đầu trực diện với kẻ bạo lực học đường của cô giáo mạnh mẽ So Si Min (Shin Hye Sun). Sau khi từ bỏ sự nghiệp võ sĩ quyền anh, Si Min trở thành giáo viên hợp đồng cho một trường trung học. Vì muốn có cơ hội trở thành giáo viên chính thức, cô luôn cô gắng làm lơ trước mọi vấn đề trong trường, không để bản thân bị vạ lây vào bất kỳ rắc rối nào.
Tuy nhiên, khi chứng kiến những hành vi quá quắt của Han Su Kang (Lee Jun Young) - một nam sinh "con ông cháu cha" ngang ngược, Si Min không thể nhẫn nhịn nổi nữa. Cô quyết định sẽ đích thân trừng trị cậu học trò này, chấm dứt tình trạng bạo lực trong trường.
Sau khi công chiếu, Cô Giáo Em Là Số Một đón nhận nhiều lời khen ngợi từ công chúng nhờ các cảnh hành động đẹp mắt, cách kể chuyện mới mẻ, khai thác đề tài bạo lực học đường theo hướng không quá nặng nề. Bên cạnh đó, diễn xuất của bộ đôi diễn viên chính là Shin Hye Sun và Lee Jun Young cũng được khán giả đánh giá cao.
Vinh Quang Trong Thù Hận - The Glory (2023)
Được chắp bút bởi "biên kịch vàng" Kim Eun Sook, The Glory xoay quanh kế hoạch báo thù của Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) - một nạn nhân của bạo lực học đường. Xuất thân trong một gia đình nghèo, Dong Eun từng mơ ước trở thành kiến trúc sư và đã rất cố gắng học tập để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, cô vô tình trở thành mục tiêu bị bạo hành bởi một nhóm 5 học sinh khác mà trong đó, kẻ cầm đầu là nữ sinh xinh đẹp, giàu có Park Yeon Jin (Im Ji Yeon).
Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, Dong Eun đi đến quyết định bỏ học, từ bỏ khát vọng làm kiến trúc sư. Thay vào đó, cô chọn cho mình một mục tiêu mới: trả thù. Nhiều năm sau, Yeon Jin và đồng bọn đều trưởng thành và có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Lúc này, Dong Eun xuất hiện trở lại với tư cách giáo viên chủ nhiệm lớp của con gái Yeon Jin. Từng bước một, cô bắt đầu thực hiện kế hoạch phá hoại cuộc đời những kẻ đã nhẫn tâm đẩy cô vào đường cùng.
Vốn là một biên kịch chuyên viết thể loại hài tình cảm, Kim Eun Sook khiến ai nấy đều bất ngờ khi lần đầu thử sức với một kịch bản có nội dung khá "nặng đô" như The Glory. Tuy vậy, nữ biên kịch đã chứng minh được khả năng của mình khi The Glory gây sốt toàn cầu, nhận về cơn mưa lời khen từ khán giả trên khắp thế giới. Bên cạnh nữ chính Song Hye Kyo vốn đã là sao hạng A, dàn diễn viên còn lại của phim cũng nhận được nhiều sự chú ý hơn nhờ diễn xuất quá đạt.
Sự bùng nổ của The Glory còn đem lại hiệu ứng tích cực cho xã hội. Được truyền cảm hứng từ tác phẩm, nhiều người đã dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi bạo lực học đường, góp phần đưa nhiều vụ việc nghiêm trọng ra ánh sáng.
Trò Chơi Kim Tự Tháp - Pyramid Game (2024)
Chuyển thể từ webtoon cùng tên, Trò Chơi Kim Tự Tháp là một trong số ít những phim Hàn Quốc về bạo lực học đường lấy bối cảnh chính tại một trường nữ sinh. Chuyện phim bắt đầu khi Sung Soo Ji (Bona) chuyển đến học tại trường trung học nữ Baekyeon. Vào ngày đầu tiên, cô nhận thấy bầu không khí của lớp mình khá yên ắng nhưng lại mang đến cảm giác bất thường.
Lúc này, cô bị buộc phải tham gia vào trò chơi kim tự tháp - một trò được lớp cô tổ chức hằng tháng mà trong đó, mọi người phải bỏ phiếu bầu cho nhau. Những nữ sinh nào có số phiếu cao nhất sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, còn học sinh có số điểm thấp nhất sẽ trở thành mục tiêu bị bạo lực học đường. Vì là học sinh mới nên Soo Ji không có số phiếu nào và trở thành mục tiêu mới của những kẻ bắt nạt. Giờ đây, Soo Ji phải cố gắng chống chọi và tìm cách chấm dứt trò chơi kim tự tháp tàn bạo này.
Dù không quy tụ những cái tên hàng đầu, Trò Chơi Kim Tự Tháp vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả nhờ nội dung cuốn hút và dàn diễn viên diễn xuất tròn vai. Đặc biệt, Jang Da Ah - nữ phản diện của phim là nhận về nhiều sự chú ý và phản ứng tích cực nhất, không chỉ bởi cô là chị ruột của IVE Jang Won Young mà còn bởi diễn xuất gây "sởn da gà" của mình dù đây chỉ mới là bộ phim đầu tay.
Một số phim bạo lực học đường Hàn Quốc khác như:
- 18 Again - Trở Lại Tuổi 18 (2020)
- A Moment At Eighteen (Khoảnh Khắc Tuổi 18, 2018)
- The Heirs - Người Thừa Kế (2013)
- School 2013 - Học Đường 2013 (2012)
- Bunshinsaba - Bút Tiên (2004)
- School 2 - Chuyện Học Đường 2 (1999)
Bạo lực học đường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: áp lực thành tích, sự ganh ghét, đố kỵ, cách biệt giàu nghèo. Chính vì Hàn Quốc là đất nước đang ngày càng phát triển nên vấn nạn này cũng đang ngày càng lan rộng với mức độ nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Chỉ hy vọng rằng thông qua những bộ phim này có thể phần nào tác động đến giới trẻ cũng như phụ huynh để có thể cùng nhau ngăn chặn vấn nạn này.
Cập nhật thêm các tin tức mới nhất về phim hay tại Tin Phim VOH nhé!