Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo?

(VOH) - Gây chú ý sau khi tung loạt trailer hấp dẫn, Hồi Lang Đình đến khi phát sóng lại bị tố là 'chất lượng trailer một đằng, chất lượng phim một nẻo'. Vì sao lại như vậy?

Bộ phim Hồi Lang Đình được chuyển thể từ tiểu thuyết Vụ Án Mạng Ở Lữ Quán Kairotei của tiểu thuyết gia trinh thám hàng đầu Nhật Bản Higashino Keigo đã lên sóng được 4 tập trên tổng số 12 tập phim. Ngay sau khi lên sóng ngày đầu tiên, phim đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ cư dân mạng và cho đến nay, dư luận vẫn chưa có dấu hiệu gì là đổi hướng.

Rốt cuộc Hồi Lang Đình có điểm nào gây thất vọng? Cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 1
 

Thông tin phim

  • Tựa gốc: 回廊亭
  • Tựa tiếng Anh: The Murder in Kairotei / The Corridor Pavilion
  • Thể loại: Trinh thám, kịch tính, tâm lý
  • Nguyên tác: Vụ Án Mạng Ở Lữ Quán Kairotei - Higashino Keigo
  • Đạo diễn: Lý Nhã Thao
  • Ứng dụng trình chiếu: Youku (Trung Quốc), VieOn (Việt Nam)
  • Số tập: 12 tập
  • Diễn viên: Trương Tân Thành, Đặng Gia Giai, Vương Diễm, Trần Tử Hàm,...
  • Lịch chiếu: Thứ 4, 5, 6 hàng tuần lúc 21:00 (app VieOn)
Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 2
 

Diễn biến các tập vừa qua

Mở đầu phim là khung cảnh khách sạn Hồi Lang Đình bốc cháy, mọi người kéo nhau chạy thoát thân, duy chỉ có nữ chính Khương Viễn Tinh (Đặng Gia Giai) còn kẹt lại bên trong.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 3
Người nhà họ Cao kéo nhau chạy khỏi khách sạn đang cháy.

Trở lại 10 tháng trước, lúc này, Khương Viễn Tinh đang là nhân viên xuất sắc của tập đoàn Hồng Nghiệp. Cô xảy ra mâu thuẫn với Cao Tử Kiện (Cung Chính Diệp) vì xung đột về ý tưởng phát triển các dự án của tập đoàn.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 4
Viễn Tinh và Tử Kiện thường xuyên xảy ra tranh cãi.

Ông Cao Quảng Nghĩa (Tiền Ba) - chủ tịch tập đoàn Hồng Nghiệp đương thời, giao cho Viễn Tinh nhiệm vụ đi tìm người con rơi của ông. Sau khi điều tra, Viễn Tinh tìm ra Trình Thành. Sau đó, cô được chủ tịch cất nhắc lên thẳng chức Phó tổng giám đốc.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 5
Cao Quảng Nghĩa thông báo Viễn Tinh sẽ là phó tổng mới.

Trình Thành liên tục từ chối đến gặp ông Cao Quảng Nghĩa. Sau một thời gian dài tiếp xúc để thuyết phục cậu, Viễn Tinh và Trình Thành dần rơi vào lưới tình.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 6
Viễn Tinh và Trình Thành đón sinh nhật cùng nhau.

Nhược điểm

1. Kịch bản cải biên mất tinh thần nguyên tác, tình tiết dài dòng, lời thoại kém đặc sắc

Nguyên tác của Hồi Lang Đình là tác phẩm trinh thám, bản thân bộ phim cũng được đoàn phim quảng bá là mang đậm chất bí ẩn, giật gân. Thế nhưng sau 4 tập phim, tất cả những gì mà khán giả thấy được là hành trình yêu đương của Trình Thành và Khương Viễn Tinh.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 7
 

Thể loại trinh thám có đặc trưng là cần nhịp độ nhanh, các tình tiết có liên kết chặt chẽ, đảm bảo sự kịch tính khiến khán giả hồi hộp theo dõi mà không nỡ rời mắt khỏi màn hình. Nhịp độ của Hồi Lang Đình lại tương đối chậm rãi, có nhiều tình tiết quá dông dài ví dụ như những cảnh bàn về kế hoạch kinh doanh hoặc những phân cảnh tìm hiểu nhau của nam và nữ chính. 

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 8
Các cảnh quay liên quan đến vấn đề kinh doanh quá nhiều nhưng không cần thiết.

Trong nguyên tác, tình yêu giữa nữ chính và bạn trai tuy là lý do lớn nhất dẫn đến sự trả thù của nữ chính; tuy nhiên, tác giả Higashino Keigo chỉ nêu bật lên những giai đoạn quan trọng trong quá trình yêu đương để thấy được động cơ của nhân vật, chứ không sa đà vào chuyện tình cảm của hai người. Nhờ vậy mà Vụ Án Mạng Ở Lữ Quán Kairotei giữ được sự bí ẩn đến cuối cùng.

Thoại của các nhân vật cũng lâm vào tình trạng dài dòng nhưng không có thông tin gì quan trọng. Thậm chí tua nhanh qua những đoạn trò chuyện của các nhân vật vẫn hiểu được nội dung phim. Việc tập trung quá nhiều vào các vấn đề kinh doanh khô khan là một điểm bất lợi, vì không phải ai xem cũng có thể hiểu được các nguyên tắc kinh doanh mà nhân vật đề cập. Nếu muốn thể hiện sự đấu đá tranh giành quyền lực, có rất nhiều cách truyền tải khác.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 9
 

Vụ Án Mạng Ở Lữ Quán Kairotei không dùng những lý thuyết kinh doanh khó hiểu mà vẫn thành công khắc họa được sự ham muốn của các thành viên nhà Ichigahara đối với khối tài sản kếch xù. Điều đó được thể hiện ngấm ngầm qua những lời ẩn ý, bóng gió trong cuộc chuyện trò thường ngày của các nhân vật mà không cần lời thoại "đao to búa lớn" nhưng lại trở nên sáo rỗng đối với khán giả.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 10
 

Vốn dĩ giữa bản chuyển thể và nguyên tác khó có thể tương đồng 100%, vì còn phải xét đến nhiều yếu tố như bối cảnh khi tác giả viết tiểu thuyết và bối cảnh khi dựng phim, những yếu tố viết trên mặt giấy thì dễ nhưng không thể hiện thực hóa ra đời thường. Thêm vào đó, nếu bản cải biên quá giống nguyên tác thì sẽ không có gì mới mẻ hay bất ngờ đối với những ai đã biết qua nguyên tác. Bởi thế, khi cải biên khó tránh khỏi sẽ có thay đổi so với tác phẩm gốc.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 11
 

Tuy nhiên, sự thay đổi có thể chấp nhận được khi chúng vẫn giữ được tinh thần chung của tác phẩm. Đằng này, sự cải biên của Hồi Lang Đình lại rất kém hiệu quả trong việc tạo ra chất riêng: làm mất đi chất trinh thám vốn có, cũng không xây dựng được không khí hồi hộp và căng não cần thiết. 

2. Cách quay và dựng phim bất ổn

Phim có nhiều cảnh quay rung lắc khó hiểu, không rõ đạo diễn có dụng ý gì khi để cảnh bị rung như vậy, hay thật sự là do thiếu sót của khâu hậu kì.

Ngoài ra, phong cách lồng thêm giọng thuyết minh để giải thích tình tiết và cốt truyện là cách làm phim khá lỗi thời. Việc lồng thêm giọng ngoài này ngầm cho thấy biên kịch và đạo diễn không thể truyền tải được ý đồ của mình thông qua lời thoại, tình tiết và góc quay. Hơn nữa, lối dựng phim này cũng khiến câu chuyện trong phim kém phần sinh động hơn khi lúc nào khán giả cũng có cảm giác như đang nghe một người thứ ba khác kể lại, thay vì cảm giác được sống cùng các nhân vật.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 12
 

3. Diễn xuất không có điểm nhấn

Diễn xuất của các diễn viên đều không tệ. Tuy nhiên, cũng chẳng đặc biệt đủ để có thể tạo dấu ấn riêng cho nhân vật của mình. Nói cách khác, diễn xuất không đủ để trở thành điểm sáng cứu lấy bộ phim, mà ngược lại còn có dấu hiệu mờ nhạt, hòa lẫn vào nhịp phim chậm chạp.

Ưu điểm

Dù vậy, vẫn phải công nhận một ưu điểm của Hồi Lang Đình đó là chọn diễn viên rất hợp với thiết lập nhân vật của bản cải biên. Đặng Gia Giai trông ra dáng một phụ nữ thành đạt, thạo việc, nghiêm túc, đáng tin cậy nhưng có vẻ đơn độc. Trương Tân Thành thì lông bông, trẻ con và có vẻ nóng nảy. Cung Chính Diệp kiêu ngạo, xấc xược, không xem ai ra gì. Lý Nhã Nam hiền lành, lúc nào cũng như có tâm sự. Lương Ái Kỳ và Trần Tử Hàm thì sang trọng, quý phái... Tất cả các diễn viên đảm nhiệm tuyến nhân vật chính đều có ngoại hình và toát lên khí chất phù hợp với vai diễn của họ.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 9
Khương Viễn Tinh tuy thành đạt nhưng cô đơn.
Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 10
Trình Thành bồng bột, bất cần đời.
Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 11
Cao Tử Kiện xấc xược.
Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 12
Cao Hồng Chí (Lý Nhã Nam) - người con út ôn hòa, không đam mê quyền lực của nhà họ Cao.
Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 13
Cao Thi Diệu của Trần Tử Hàm toát lên vẻ sang trọng.

Những điểm khác biệt so với nguyên tác

1. Thiết lập nhân vật và các mối quan hệ

Trong nguyên tác, nữ chính Kiriyu Eriko được miêu tả là một cô gái chỉ có năng lực làm việc, còn ngoại hình rất bình thường, thậm chí còn từng bị các đồng nghiệp nam trong công ty đánh giá 1 điểm trên thang 5 điểm. Chính vì vậy, Kiriyu Eriko chưa từng được ai yêu, và cũng vì vậy mà tình yêu của Satonaka Jiro trở thành điều quý giá nhất trong cuộc đời một con người luôn khát khao được yêu như cô.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 14
Đặng Gia Giai quá xinh đẹp so với miêu tả nữ chính trong nguyên tác.

Nhưng ở trên phim, chúng ta đều thấy Khương Viễn Tinh của Đặng Gia Giai rất xinh đẹp, rất có khí chất độc lập tự cường. Thậm chí, nhan sắc ấy mà nói rằng hơn 30 năm cuộc đời chưa từng được ai để ý thì đúng là khó tin.

Kiriyu Eriko vốn là thư ký riêng cho ông Ichigahara Takaaki, cho nên cô ấy ít có cơ hội tiếp xúc với người nhà Ichigahara. Vì vậy mà sau khi bị hủy dung, cô ấy trở về trong lớp hóa trang của một bà lão 70 tuổi, các thành viên gia đình Ichigahara hầu như không ai nghi ngờ gì vì họ chưa bao giờ tiếp xúc với cô quá nhiều hay nói chuyện với cô đủ lâu trước đó.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 15
Viễn Tinh hết mâu thuẫn với Tử Kiện...

Khương Viễn Tinh thì khác, cô ấy là nhân viên của tập đoàn Hồng Nghiệp và còn trực tiếp đụng độ với người của Cao gia nhiều lần.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 16
...lại đụng độ với mẹ Tử Kiện là bà Quý Đông Mai.

Gia đình Ichigahara có 5 anh em, trong đó ông Ichigahara Takaaki là anh cả. Còn Cao gia cho đến hiện tại có 4 chị em, trong đó ông Cao Quảng Nghĩa là chồng người chị cả, chỉ ở rể nhà họ Cao chứ không có máu mủ ruột thịt gì với những người còn lại.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 17
Gia đình Quý Đông Mai - Cao Hồng Kiệt (hai người bên trái) có Quý Đông Mai làm tổng giám đốc Hồng Nghiệp.
Gia đình Cao Thi Diệu - Đằng Tuấn có Đằng Tuấn điều hành dự án liên kết với Hồng Nghiệp.

Các thành viên của gia đình Ichigahara đa phần đều không làm việc cho tập đoàn hay làm việc liên quan đến tập đoàn mà đều có sự nghiệp riêng. Đó cũng là một lý do khiến họ và Kiriyu ít có cơ hội gặp mặt. Các thành viên của Cao gia thì có người làm trong công ty, có người điều hành dự án liên kết với công ty.

Nhà Ichigahara có 3 người cháu: 2 nữ 1 nam, nhưng Cao gia cho đến hiện tại mới chỉ xuất hiện một người là Cao Tử Kiện.

2. Trật tự thời gian và thời lượng các sự kiện

Vụ Án Mạng Ở Lữ Quán Kairotei bắt đầu bằng cảnh nữ chính Kiriyu Eriko trở về lữ quán sau vụ hỏa hoạn nửa năm trước. Lúc này, ông Ichigahara Takaaki đã qua đời được gần 49 ngày và gia đình Ichigahara sẽ đến để nghe công bố di chúc. Sau đó là hành trình nữ chính tìm ra hung thủ gây ra vụ hỏa hoạn từng khiến cô mất tất cả ngày trước. Xen kẻ với quá trình phá án và báo thù của Kiriyu còn là những hồi ức vụn vặt về cô và Satonaka Jiro - người đã chết trong vụ hỏa hoạn, hồi ức về ông Takaaki, về hành trình từng bước tính toán tỉ mỉ của cô để trả thù,...

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 22
 

Những phân đoạn hồi tưởng này không được kể theo thứ tự và cũng không chiếm nhiều thời lượng, chỉ mất tầm 1/4 quyển sách. Vì được kể theo ngôi thứ nhất nên việc sắp xếp tình tiết quá khứ không tuân theo trật tự thời gian cũng là việc dễ hiểu. Như thể nhân vật chính có lúc đột nhiên nhớ ra kí ức này, có lúc đột nhiên nghĩ đến kí ức khác.

Hồi Lang Đình bắt đầu bằng toàn cảnh vụ hỏa hoạn, sau đó lại quay ngược về điểm khởi đầu và kể lại mọi chuyện theo đúng trật tự thời gian tuyến tính. Ngoài ra, phim còn lồng thêm một giọng kể chuyện theo ngôi thứ ba.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 18
Người nhà họ Cao bên ngoài khách sạn Hồi Lang Đình lúc đang có hỏa hoạn.

Các phân cảnh miêu tả thời gian bên nhau của Kiriyu và bạn trai chỉ chiếm tầm 3-5 chương trên tổng số 30 chương, tức chỉ mất tầm 1/10 thời lượng tiểu thuyết. Nhưng trên phim, hành trình yêu đương của Khương Viễn Tinh và Trình Thành đã chiếm hết 1/3 thời lượng phim và chưa có dấu hiệu kết thúc để bước sang một bước ngoặt khác.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 19
 

Ngoài ra, trong nguyên tác, tất cả những người có mặt ở lữ quán Kairotei vào đêm hỏa hoạn đều không ai biết đến âm mưu đằng sau đám cháy. Nhưng ngay ở phân cảnh đầu phim, cảnh một người đàn ông nhảy ra khỏi phòng nữ chính đã bị 2 người khác nhìn thấy.

Review Hồi Lang Đình: Có gì khác với nguyên tác của tác giả Higashino Keigo? 20
Cảnh một người đàn ông nhảy ra khỏi phòng Viễn Tinh đã bị nhìn thấy.

Trước mắt, vẫn chưa rõ đạo diễn và biên kịch sẽ sử dụng những yếu tố khác biệt này thế nào để giúp tác phẩm trở nên mới mẻ hơn. Nhưng hy vọng họ có thể dùng chúng một cách hiệu quả, giúp bộ phim lật ngược ván cờ dù rằng với tình hình kịch bản hiện tại thì khả năng cao là bất khả thi.

Hồi Lang Đình hiện đang được phát sóng trên app VieOn vào 21:00 tối thứ 4, 5 và 6 hàng tuần.

Xem thêm các thông tin về Hồi Lang Đình và nhiều phim khác tại Phim VOH nhé!

Ảnh và video: Internet

Bình luận