Chờ...

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột"?

(VOH) - Từ trước đến nay, phim Hàn thường bị đánh giá là "đầu voi đuôi chuột", những tập đầu cực hay nhưng dở dần về cuối. Nhưng bạn đã thực sự biết được lý do đằng sau việc đó chưa?

Không thể phủ nhận ngành công nghiệp phim ảnh của Hàn Quốc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đưa quốc gia trở thành một trong số những đất nước đứng top đầu về sản xuất phim ở khu vực Đông Á - Đông Nam Á. Nhận xét chung từ các mọt phim toàn cầu đó là phim Hàn Quốc khai thác đa dạng đề tài, kịch bản có chiều sâu nhất định, diễn viên đẹp và đa số diễn ổn, bối cảnh và kĩ xảo được đầu tư chất lượng.

Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng mảng phim truyền hình Hàn Quốc cũng thường nhận về những tranh cãi về kết cấu "đầu đuôi bất nhất": nửa đầu phim thì hay xuất sắc nhưng càng về gần cuối, kịch bản lại "đuối" dần, dẫn đến nhiều tình tiết vô lý ở đoạn cuối và cái kết thiếu thỏa mãn. Điều này khiến nhiều khán giả cảm thấy thất vọng và bất mãn mỗi khi xem phim Hàn. Điển hình là gần đây, bộ phim gây sốt Big Mouth sau khi lên sóng tập cuối vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về cái kết của các nhân vật từ người xem trong nước lẫn quốc tế.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
4 trong số những bộ phim bị đánh giá là "đầu voi đuôi chuột"

Cũng cần phải làm rõ rằng tình trạng đầu voi đuôi chuột này thường xảy ra ở các phim thuộc thể loại trinh thám, hình sự, bí ẩn, kịch tính hoặc các thể loại tương tự, chứ ít khi xảy ra ở các phim hài tình cảm hoặc đời thường, chữa lành. Hoặc nếu có xảy ra thì sự chênh lệch đầu - cuối phim cũng không quá lớn đến mức khiến khán giả khó chịu.

Trong bài viết này, VOH sẽ phân tích những lý do điển hình dẫn tới tình trạng đầu voi đuôi chuột ở một bộ phận phim Hàn thời gian qua. Cùng tìm hiểu nhé.

1. Biên kịch không định hướng được hướng phát triển của kịch bản

Tạo ra quá nhiều nút thắt nan giải

Lý do đầu tiên chính là các biên kịch phim Hàn thường vì muốn bộ phim giữ được sự kịch tính và bất ngờ liên tục mà không ngừng tạo ra các nút thắt, nút sau khó giải hơn nút trước, đến mức chính biên kịch cũng chẳng tìm được cách gỡ những nút thắt đó. Biên kịch chỉ biết tạo tình huống chứ chưa định hướng được hướng phát triển của kịch bản, dẫn đến việc các diễn biến của phim vượt tầm kiểm soát, mà thời lượng phim lại có hạn, chưa kịp giải quyết thì đã đến tập cuối. Thế là họ đành phải giải quyết qua loa để có thể kết thúc đúng tiến độ.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Phim Big Mouth

Lấy ví dụ về bộ phim gần đây nhất đang gây tranh cãi là Big Mouth, phim có một khởi đầu rất mạnh mẽ với hàng loạt câu hỏi được đặt ra, khiến khán giả háo hức trông chờ từng tập để tìm câu trả lời như: Big Mouse là ai? Luận văn của bác sĩ Seo có gì? Nam chính làm sao để minh oan? Sau đó, xuyên suốt bộ phim, lại có nhiều vấn đề khác được nêu ra như bệnh viện Gucheon nghiên cứu thuốc gì, tìm ra hung thủ giết con gái Big Mouse,...

Với một lượng lớn thông tin cần giải quyết như thế, ở những tập cuối cùng biên kịch lại ưu tiên... tạo thêm nút thắt mới. Đó là để nam chính tham gia vào giới chính trị. Đến kết phim, những câu hỏi cần lời giải đáp thì có câu được trả lời rất qua loa, có câu lại trôi hẳn vào quên lãng.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Thiên Nga Bóng Đêm

Hay như trong Thiên Nga Bóng Đêm, bộ phim khởi đầu kịch tính với hành trình trả thù của nữ chính, nhưng rồi cô lại nảy sinh tình cảm với kẻ thù. Chưa kể, hội phản diện trong phim quá quyền lực, mà những bằng chứng để vạch tội mà cô có được đa số đều là bằng chứng phi pháp, không được chấp nhận khi ra tòa.

Thế là thay vì để nữ chính tiếp tục trung thành với lý tưởng trả thù bất chấp tình cảm như 14 tập đầu, 2 tập cuối biên kịch lại để cô lựa chọn tình yêu. Biên kịch cũng không tìm được cách giải quyết chuyện bằng chứng sao cho hợp pháp, nên cuối cùng, những kẻ phản diện chính không ai "rớt đài" vì bằng chứng của nữ chính cả. Thay vào đó, kẻ thì tự tử vì tình yêu, kẻ phát điên, kẻ bị bỏ rơi đến chết.

Nhiều tình tiết phi logic, vô nghĩa, không có tác dụng phát triển mạch phim hoặc nhân vật

Khi biên kịch/tác giả viết một kịch bản hoặc một câu chuyện, điều hiển nhiên là những tình tiết được xây dựng phải dẫn đến một hệ quả cụ thể. Có thể là nhờ tình tiết đó mà nhân vật sẽ phát triển thêm về tư duy và hành động, hoặc nhờ tình tiết đó mà mạch phim có sự biến chuyển nhất định. Rất tiếc rằng nhiều biên kịch lại không làm được điều đó. Nhiều biên kịch thậm chí tạo thêm tình tiết "cẩu huyết" mà không xác định được ý nghĩa của tình tiết đó đối với nội dung toàn thể kịch bản, thu hút được độ bàn luận nhưng không có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của mạch phim, dẫn tới bộ phim trở nên mông lung, vô định.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Phim Penthouse

Một ví dụ điển hình của tình trạng này là bộ phim Penthouse từng làm mưa làm gió màn ảnh châu Á suốt từ cuối năm 2020 đến 2021. Vì quá hot, bộ phim được làm thêm phần 2 và phần 3, cũng bởi vậy mà các nhân vật bị "dậm chân tại chỗ". Những nhân vật gặp phải biến cố lớn, khóc lóc và đau buồn ở cuối phần cũ, sang phần mới vẫn lặp lại lối tư duy và hành động như cũ, như thể những chuyện đã xảy ra không hề có ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ.

Các nhân vật của Penthouse cứ luẩn quẩn mãi không tìm được điểm đột phá nào để phát triển thêm, dù "cơ hội" để thúc đẩy sự phát triển vẫn có. Từ phần 2 trở đi, Penthouse bắt đầu phát triển theo hướng phi logic khi nhân vật chết đi sống lại như thể có sức mạnh siêu nhiên. Dễ thấy, Penthouse thiếu đi một thông điệp rõ ràng và nhất quán, dẫn đến các nhân vật hành động không có định hướng. Cùng nói về đấu đá giới thượng lưu nhưng Sky Castle trước đó lại được phát triển ổn hơn rất nhiều.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Cùng nói về giới thượng lưu và áp lực đồng trang lứa, nhưng Sky Castle phát triển nhân vật tốt hơn, không có quá nhiều tình tiết thừa

Thêm một ví dụ nữa là Itaewon Class, cũng là một bộ phim từng tạo được tiếng vang rất lớn năm 2020. Trong bộ phim này, cả nam chính lẫn nữ chính đều không phát triển kịp theo tiết tấu của bộ phim.

Trải qua rất nhiều thử thách nan giải, nhưng nam chính của Itaewon Class vẫn không rút được kinh nghiệm, đa số những lần anh rơi vào thế khó đều có người đứng ra giúp anh giải quyết. Nữ chính trải qua nhiều biến cố nhưng tâm lý và hành động vẫn y như thiết lập ở đầu phim, cô không hành động vì thật sự hiểu được mấu chốt các vấn đề mình gặp phải mà chỉ hành động vì "nam chính muốn thế".

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Itaewon Class - hy vọng nhiều, thất vọng cũng thật nhiều

Hay gần đây, trong Big Mouth, biên kịch đột nhiên cho nam chính tham gia vào chính trị, mục đích của anh là ngồi lên được chức vụ cao hơn vai phản diện và xử lý hắn. Nhưng sau vài tập phim vận động tranh cử, tung ra những bằng chứng tội ác để kẻ phản diện không còn được dân chúng tin tưởng thì cuối cùng, nam chính vẫn thua trước phản diện. Nữ chính hy sinh mạng sống để vạch trần tội ác của phe phản diện, nhưng rồi tội ác vẫn bị giấu nhẹm đi và phe chính diện cuối cùng phải âm thầm dùng luật rừng để ám sát kẻ phản diện.

Vậy toàn bộ quá trình tranh cử và cái chết của nữ chính đóng góp được gì vào sự sụp đổ của kẻ phản diện? Không gì cả.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Nữ chính hy sinh một cách vô nghĩa

Trước đó trong Thiên Nga Bóng Đêm, nữ chính dành phần lớn thời lượng bộ phim để thu thập chứng cứ vạch tội phe phản diện, nhưng cuối cùng, số chứng cứ đó lại không sử dụng được vì theo luật, đó là chứng cứ có được bằng cách làm phi pháp. Chưa hết, sau một quá trình kiềm nén tình cảm để trả thù, đến khi bước vào giai đoạn cuối cô nàng lại buông xuôi theo trái tim. Vậy, quá trình tìm bằng chứng và đau khổ gạt bỏ tình cảm trước đó chẳng phải trở nên quá vô nghĩa sao?

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Nữ chính Ra El (Seo Ye Ji) cuối cùng lại chọn tình yêu sau một thời gian chứng minh bản thân sẵn sàng gạt bỏ tình yêu vì mối thù nhà

Những tình tiết thừa thãi, không có tác dụng đóng góp vào mạch phát triển của cốt truyện xuất hiện rất nhiều trong phim Hàn, dường như chỉ có tác dụng tạo "drama" chứ không có tác dụng định hướng cho nhân vật và nội dung kịch bản.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Hay như cái kết phần 1 của Hoàn Hồn cũng khiến khán giả tức tối vì nhiều đoạn vô lý, cơ thể nữ chính đã bị thiêu ở tập 1 đột nhiên nay lại lành lặn

Xem thêm: Nhật Bản remake Itaewon Class của Hàn Quốc, nhan sắc nam chính Takeuchi Ryoma gây xôn xao

Vai phản diện được xây dựng quá quyền lực

Nhiều biên kịch bị sa đà vào việc tạo nên một profile hoàn hảo cho nhân vật phản diện: thông minh, quyền lực, đôi khi giỏi ngụy trang bản thân,... Vốn dĩ mục đích khi xây dựng nhân vật phản diện có nhiều ưu điểm như vậy là để biến quá trình đấu trí/đấu sức giữa 2 thế lực chính - phản diện trở nên ly kì, khó đoán hơn. Nhưng nhiều lúc nhân vật được thiết lập hoàn hảo đến mức cả biên kịch cũng không biết làm cách nào để vạch trần tội ác của chúng, để chúng trả giá cho hành động của mình.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
W: Two Worlds cũng là một bộ phim có nửa cuối lan man

Có một bộ phim Hàn phản ánh tình trạng này là W: Two Worlds do Lee Jong Suk và Han Hyo Joo đóng chính. Trong phim, cha của nữ chính là một tác giả webtoon, bộ webtoon nổi tiếng nhất của ông kể về một tuyển thủ bắn súng một ngày nọ phát hiện cả gia đình mình bị sát hại. Nhưng kẻ sát nhân này quá bí ẩn, hắn cũng có khả năng bắn súng bách phát bách trúng, lại thông minh đến nỗi che giấu được mọi hành tung một cách hoàn hảo, dù cho nam chính có dùng cách nào cũng không bắt được hắn, cũng không biết rốt cuộc hắn có thù gì với gia đình mình.

Vấn đề là tác giả của câu chuyện, tức bố nữ chính, cũng không biết làm cách nào để cho nam chính bắt được và giải quyết nhân vật này. Thậm chí, tác giả còn chưa nghĩ ra đâu mới là thân phận thật của kẻ sát nhân ấy.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Kẻ phản diện không mặt trong bộ webtoon của phim thực chất là do tác giả chưa nghĩ ra được nhân vật nào nên là phản diện

Tương tự, các biên kịch phim Hàn tuy đa số chưa tới mức không biết phản diện của mình là ai, nhưng rất thường rơi vào tình huống xây dựng phản diện hoàn hảo đến mức không giải quyết nổi. Đó là do họ chỉ chú tâm vào tạo độ kịch tích mà quên mất cốt lõi của câu chuyện để định hình hướng phát triển. Vì vậy, bộ phim tuy ban đầu cuốn hút nhưng rồi cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng lan man, mơ hồ, sáo rỗng, đánh mất thông điệp do mình gầy dựng nên.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Choi Do Ha quá quyền lực, lại còn thông minh, gian xảo đến mức không ai và không pháp luật nào có thể nắm được sơ hở của hắn

Thông thường, với tình huống này, các biên kịch sẽ lựa chọn những phương án sơ sài, nửa vời sau để kết thúc giai đoạn thống trị của kẻ phản diện và đưa bộ phim đến đoạn kết:

  • Một ngày nọ, kẻ phản diện vốn hành động rất cẩn thận, đầu óc rất thông minh ấy bỗng dưng bất cẩn, bỗng dưng mất khả năng tư duy, để lộ ra hàng loạt manh mối và bị phe chính diện nắm thóp.
  • Bỗng nhiên có một (hoặc nhiều) nhân vật nào đó từ đâu xuất hiện cung cấp manh mối cho nhân vật chính.
  • Các nhân vật chính dùng hơn 10 tập phim không tìm ra được phương án giải quyết kẻ phản diện, đến những tập cuối cùng lại tìm ra được phương án ấy một cách hết sức đơn giản, dễ thực hiện và thậm chí có lúc còn không liên quan gì tới quá trình đấu tranh trước đó.
  • Hay như trong Itaewon Class, đột nhiên 4 năm trôi qua và lúc này, phe phản diện đã hoàn lương. Nhưng quá trình hoàn lương đó diễn ra thế nào thì biên kịch không nói.
Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Hội phản diện trong Itaewon Class cũng rất có đầu óc, thường hay đánh phủ đầu hội chính diện, cuối cùng nhận được cái kết "4 năm sau"

Kịch bản cuốn chiếu

Có thể nhiều người đã biết, phim Hàn thường được sản xuất theo phương pháp "cuốn chiếu", tức quay tới đâu chiếu tới đó. Cách làm này có ưu điểm là biên kịch có thể quan sát phản ứng của khán giả để điều chỉnh kịch bản cho phù hợp thị hiếu, nhưng khuyết điểm chính là tình tiết của phim dễ bị gấp rút về gần cuối, hoặc biên kịch có khi sẽ sót mất thông tin mình từng đưa ra ở nửa đầu phim, khiến cho diễn biến phim có phần kì lạ, thiếu liền mạch và thống nhất, như "râu ông nọ cắm cằm bà kia".

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Phim The Last Empress

The Last Empress dự định có 24 tập, nhưng vì nhận được sự yêu thích đặc biệt từ khán giả nên nhà sản xuất quyết định tăng thêm 2 tập nữa. Rắc rối là nam chính của phim - diễn viên Choi Jin Hyuk lại vướng lịch trình khác nên không thể tham gia ghi hình 2 tập bổ sung. Thế là từ nam chính, nhân vật của anh lại buộc phải ra đi như một vai phụ, các nhân vật còn lại cũng không quá nhớ thương hay nhắc về anh đủ nhiều nếu xét về vai trò quan trọng của anh trong cốt truyện.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Ở nửa đầu phim, nhân vật của Choi Jin Hyuk và Jang Nara được xây dựng theo hướng dần phát triển tình cảm với nhau. Nhưng vì nam chính không tham gia được vào hai tập bổ sung nên cuối cùng nữ chính lại được hint cho về với nam phụ kiêm phản diện 

Diễn viên Kwon Sang Woo đã từng lên tiếng về vấn đề quay phim cuốn chiếu này sau khi hoàn thành bộ phim Queen Of Ambition. Theo nam diễn viên, bản thân anh còn cảm thấy thất vọng dần theo diễn biến càng về cuối của bộ phim, anh thấy nhân vật của mình ngày càng mất đi sức hút, trở nên nhàm chán và có hướng phát triển kém chặt chẽ. Anh cho rằng nguyên do của việc này là bởi cả đoàn phải làm việc hết sức lực để đảm bảo đúng tiến độ lên sóng, khiến ai cũng mệt mỏi, đuối sức.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Kwon Sang Woo (góc dưới cùng bên phải) tự cảm thấy nhân vật của mình ngày càng nhàm chán khi phim dần về cuối

2. Cố gắng tạo ra một cái kết mang tính thực tế một cách khiên cưỡng

Có vẻ như biên kịch phim Hàn ngày càng bị "ám ảnh" với việc tạo ra một cái kết thực tế. Mà thực tế trong định nghĩa của họ thường là "chính nghĩa sẽ không thể nào chiến thắng triệt để, người có tiền và có quyền sẽ luôn sống ngoài vòng pháp luật". Việc muốn đưa những điều thực tế vào phim ảnh không phải là việc gì xấu xa hay không nên làm, biên kịch hoàn toàn có thể tạo ra cái kết thực tế, nhưng với điều kiện nó phải logic, phải thống nhất với thông điệp ở đầu phim và thống nhất với diễn biến phim. Không thể chỉ vì muốn "thực tế" mà tự tay đập tan những gì mình đã gầy dựng từ đầu phim được.

Lấy ví dụ là bộ phim Big Mouth vừa kết thúc gần đây. Từ đầu, nam chính Park Chang Ho (Lee Jong Suk) là một luật sư bị hàm oan và bị tống vào tù. Anh quyết tâm vạch trần Big Mouse và vạch trần những kẻ thủ ác ở NR Forum, buộc chúng phải công khai chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là lý do chính khiến anh thu thập chứng cứ, giả danh Big Mouse, thậm chí là tham gia vào chính trị. Đó cũng là lý do Big Mouse thật cảm thấy anh khác biệt với ông - ông đấu tranh trong bóng tối còn anh đấu tranh trong ánh sáng.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Chang Ho tranh cử thị trưởng để có thể trừng phạt Do Ha cách công khai, nhưng cuối cùng vẫn phải trừng trị Do Ha cách bí mật

Nhưng rồi vì cái gọi là "thực tế" mà cả tổ chức Big Mouse lẫn kẻ phản diện Choi Do Ha (Kim Joo Hun) không ai phải chịu trừng trị trước pháp luật cả. Tổ chức Big Mouse vẫn là một tổ chức vững mạnh ngoài vòng pháp luật, Choi Do Ha vẫn được người dân tin tưởng trao cho chiếc ghế thị trưởng. Cuối cùng, Chang Ho cũng xử lý Do Ha theo cách trái luật trong bóng tối - một việc không hề thống nhất với cả quá trình đấu tranh vừa qua của anh. Điều này khiến người xem phải đặt một dấu hỏi lớn rốt cuộc thông điệp mà biên kịch muốn truyền tải là gì.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Tổ chức tội phạm Big Mouse vẫn hoạt động bền vững

Cũng có cái kết thủ tiêu kẻ phản diện bằng luật rừng, nhưng vì sao Vincenzo lại không bị phản đối mà ngược lại còn được khán giả hoan hô? Đó là vì nhân vật Vincenzo (Song Joong Ki) vốn là luật sư cố vấn cho băng đảng mafia, tức là anh đã biết và đã quen với những hành động ngầm ám sát nhau của đám mafia. Chính Vincenzo trước khi về Hàn cũng đã dùng luật rừng để xử lý những tên mafia ngáng đường mình.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
3 diễn viên chính của Vincenzo

Mục đích của Vincenzo khi về Hàn là lén lấy số vàng được chôn dưới Geumga Plaza, nhưng vì vô tình mà anh buộc phải giúp người dân ở đó giành lại công bằng. Nói trắng ra, bản thân Vincenzo không phải là một chính nhân quân tử, động cơ hành động của anh cũng không hoàn toàn vì công lý hay công đạo gì. Ngay từ đầu, biên kịch Vincenzo đã không có ý định đưa ra thông điệp cái ác sẽ bị trừng trị bởi pháp luật mà rõ ràng, thông điệp của biên kịch Vincenzo là kẻ ranh ma rồi sẽ có kẻ ranh ma hơn trừng trị.

Vì sao Big Mouth và đa số phim Hàn thường rơi vào tình trạng
Phim VIP

Hay như VIP, vì muốn thể hiện thực tế rằng tài phiệt sẽ không chịu tổn hại nào mà cuối cùng tiểu tam bình yên ra nước ngoài bắt đầu cuộc sống mới. Trong khi ngay từ đầu, nữ chính tìm mọi cách để chồng mình và tiểu tam phải trả giá nhưng rồi khi chưa kịp thực sự khiến họ chịu bất cứ tổn hại nào, cô đã quyết định tha cho họ một cách rất đơn giản. Cuối cùng người vạch trần họ là người khác, nhưng dù vậy, cái kết của họ cũng khá nhẹ nhàng, không hề thỏa đáng so với những gì họ đã gây ra và những gì mà nữ chính đã chịu.

Xem thêm: Xem ngay! Những bộ phim Mafia hay nhất, kịch tính, hấp dẫn khiến bạn không thể rời mắt

Kết

Ngoài ra, hiển nhiên vẫn có những lý do cả khách quan lẫn chủ quan khác ảnh hưởng đến mạch phát triển của một bộ phim nữa, nhưng có thể nói các lý do trên là những yếu tố điển hình, thường thấy nhất biến một bộ phim từ đầy triển vọng trở thành nỗi thất vọng trong lòng công chúng. Có lẽ các biên kịch phim Hàn cần chú trọng hơn vào cốt lõi của kịch bản, hướng phát triển của câu chuyện, tính hợp lý của tình tiết và thông điệp mình muốn lồng vào hơn là sa đà vào việc tạo tình huống kịch tính, nan giải quá mức cần thiết. Có thế thì một sản phẩm được đưa ra thị trường mới có thể trọn vẹn được.

Cập nhật thêm các tin mới nhất về phim hay tại Tin Phim VOH.

(Ảnh: Internet)