Đến với chương trình Chuyện Sao Kể, bộ ba ban giám khảo Học viện Cải Lương - NSND Bạch Tuyết, NS Châu Thanh và NS Thanh Hằng đã có buổi trò chuyện vui tươi, tràn trề nhựa sống và rất sâu sắc.
Tin chắc quý khán thính giả sẽ phải ngạc nhiên, được mở mang thêm kiến thức về bộ môn nghệ thuật cải lương. Song song đó chính là sự xúc động mãnh liệt trước tinh thần hy sinh vì nghề, những lời tâm tình rung cảm từ "cây đa cây" đề trong giới cải lương.
Trong buổi trò chuyện đặc biệt lần này tại Chuyện Sao Kể, khán giả còn được lắng nghe giọng ca của ba vị nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, từ ngẫu hứng tự sáng tác của NS Châu Thanh đến các câu trong những vở tuồng đã trở thành ký ức của bao thế hệ, những câu chữ mà giới mộ điệu cải lương đều thuộc nằm lòng.
Cải lương sẽ không bao giờ chết!
Nói về dự án Học viện Cải lương, đây là điều mà NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết đã suy tư, ấp ủ từ lâu. Cô là người bận tâm về cải lương suốt cả cuộc đời. Sở hữu lượng kiến thức uyên thâm không chỉ riêng về nghệ thuật cải lương, thấm nhuần tư tưởng và đạo lý làm người gắn liền với tinh thần không ngừng học hỏi, không ngừng tiến bộ, NSND Bạch Tuyết luôn tâm niệm phải sống thật bổ ích, biết ơn và trả ơn cuộc đời.
"Cải lương chi bảo" thấu hiểu giá trị cao quý của cải lương, hơn cả việc đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, đây chính là bộ môn nghệ thuật mang đậm tính văn hóa dân tộc, là tiếng nói của người Việt Nam.
Khi chia sẻ về lý do thực hiện dự án Học viện Cải lương, cô Ba còn bất ngờ đưa chúng ta trở về với dòng chảy của lịch sử dân tộc, về thời ông cha ta khi đất nước còn bị giặc Tây đô hộ. Lúc bấy giờ, cải lương ra đời với sứ mệnh cao cả mà hiện nay không phải ai cũng tỏ tường. Thậm chí, ngày nay cải lương bị hiểu nhầm là "sến", "vô học", bây giờ xưa quá rồi ai còn xem cải lương nữa... những điều này khiến cho cô Ba không khỏi đau lòng.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, quan sát và cảm nhận, người ta sẽ phải thốt lên rằng "hóa ra không phải như vậy". Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ khoa học kỹ thuật, thời đại internet toàn cầu ngày càng tân tiến hơn khiến người ta càng khó để "dối trá" với nhau. Khi một vấn đề có thật hay không nào đó nổ ra, công chúng tràn vào bình luận, tranh cãi nhưng chắc chắn sẽ tồn tại một lẽ phải ở đâu đó.
"Bởi vì thế giới vẫn đi tới, con người lương thiện vẫn sống, vẫn làm những việc tốt đẹp cho nhân loại. Đó là lý do cô rủ bạn bè cùng làm. Cô xem hầu hết những chương trình cải lương trong nước và ngoài nước ít nhất 10 năm nay kể cả chương trình showbiz làm cải lương. Chúng ta biết ơn tất cả những chương trình đó cho dù có chỗ được hay chưa được nhưng đã có nhiều chương trình về cải lương thậm chí đã làm rất tốt đẹp, làm rất hoành tráng mặc dù kết quả không như người ta mong muốn", theo lời NSND Bạch Tuyết.
Học viện Cải lương ra đời với ban giám khảo chính - NSND Bạch Tuyết, NS Châu Thanh và NS Thanh Hằng sẽ đồng hành xuyên suốt cùng các thí sinh. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", ba tên tuổi dày dặn kinh nghiệm trong nghề từ những năm tháng theo học các tổ nghiệp, từng đứng trên hàng trăm sân khấu lớn nhỏ khác nhau.
Mỗi người đều có màu sắc riêng, trải nghiệm riêng, kỹ thuật xử lý câu chữ riêng và cả cách làm người tốt có ích cho xã hội. Tin chắc sẽ là nguồn lửa cháy bỏng để tiếp sức, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm và vô số điều có ích trên hành trình làm nghề, làm người của các thí sinh.
NSND Bạch Tuyết khẳng định: "Với sự nghiên cứu của Bạch Tuyết, khán giả hãy vui mừng rằng cải lương không bao giờ chết! Cải lương là tiếng nói của Việt Nam, cải lương là hò xự xang xê cống, cải lương là sắc huyền hỏi ngã nặng, là melody (giai điệu) của dân tộc mình".
Theo dòng chảy của thời đại, sự tiên tiến, đổi mới chóng mặt, chính vì có những trái tim, tâm hồn sống hết mình vì nghệ thuật cải lương như NSND Bạch Tuyết nói riêng và tất cả các thế hệ nghệ sĩ cải lương từ bao đời nay, cải lương luôn thể hiện được tinh thần "cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh".
Giọng ca "cải lương chi bảo" còn nhấn mạnh rằng không có bất cứ luật lệ nào quy định không được làm thế này, thế kia với cải lương hay không được ca như thế nào... Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hoàn toàn tự do. Bác Hồ đã nói: "Không có gì quý hơn độc lập tự do...", chúng ta tự do và chúng ta giữ gìn điều đó bằng cách tôn trọng tự do của tất cả mọi người.
Cô Ba nhấn mạnh thêm rằng "cải lương không có dấu chấm không có dấu than, không có bất kỳ giới hạn nào để khẳng định thế này mới là cải lương... Người Việt Nam đều có quyền, có khả năng sáng tạo một câu ca cải lương như họ mong muốn giống với hoàn cảnh sống của họ. Đó cũng chính là lý do Học viện Cải lương ra đời.
Xem thêm: NSND Bạch Tuyết mở "Học viện Cải lương", đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Ở vị thế là giọng ca lão làng, được tổ nghiệp yêu thương, được đồng nghiệp, hậu bối, khán giả, người người quý mến, kính trọng nhưng NSND Bạch Tuyết luôn tạo cảm giác hết sức gần gũi với mọi người. Cô sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ những người trẻ và luôn mang đến nhiều điều bất ngờ đáng ngưỡng mộ.
"Quái kiệt" Thanh Hằng: "Trong cải lương cũng phải học học nữa học mãi"
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận lời mời tham gia Học viện Cải lương cùng NSND Bạch Tuyết, NS Thanh Hằng không thể kìm nén nổi sự xúc động đồng thời bày tỏ lòng biết ơn, yêu quý cô Ba bội phần.
NS Thanh Hằng tâm sự: "Một vị tiền bối, bậc trưởng thượng đỉnh đầu của sân khấu cải lương dân tộc Việt Nam đang hiện diện tại đây. Đối với Thanh Hằng, rất yêu quý và kính trọng (cô Ba), kể cả cách sống ở đời và xách xử lý trên sân khấu. Cách nói chuyện với những lời lẽ khiến Thanh Hằng phải cảm phục vô cùng. Rất cảm ơn Học viện Cải lương đã có lời mời để mình có điều kiện để học thêm nữa. Đúng là sân khấu cải lương ko có điểm dừng, học học nữa học mãi cho đến hơi thở cuối cùng".
Sự khiêm tốn và tinh thần học hỏi của những người con cải lương đều xứng đáng trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ. Bên cạnh sự hào hứng, vui mừng lẫn biết ơn, NS Thanh Hằng xem cơ hội đến với Học viên Cải lương không chỉ đứng ở vị trí của một người trong ban giám khảo có nhiệm vụ "cầm cân nảy mực".
Hơn thế, đó là cơ hội hiếm có để cô có thể học hỏi được thêm rất nhiều điều, được làm việc, đồng hành cùng vị trưởng bối đáng kính. Đó là điều mà NS Thanh Hằng thật sự trân quý, đồng thời chia sẻ với các thí sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Đổi lại, NSND Bạch Tuyết xem NS Thanh Hằng là vốn quý của nghệ thuật cải lương. Cải lương gồm thi ca, vũ, nhạc kịch; gồm tất cả các loại hình nghệ thuật cao quý nhất của nhân loại gộp lại mới thành cải lương.
Cô Ba nhận xét "quái kiệt cải lương" Thanh Hằng có rất nhiều tố chất, truyền tải và cộng hưởng cảm xúc với khán giả. NS Thanh Hằng là một cô đào "hiếm" của nghệ thuật cải lương, sung cho sự phong phú và tính bác học của nghệ thuật cải lương khi có thể diễn tả hầu như tất cả thái độ sống của bao nhiêu con người Việt Nam từ trăm năm nay. Chúng mình cảm ơn nhau!".
NS Châu Thanh: "Chị Ba tôi mãi đỉnh"
Tham gia cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa cùng Chuyện Sao Kể, NS Châu Thanh có rất nhiều khoảnh khắc khiến khán giả vừa thích thú vừa bất giác rơi nước mắt. "Ông vua hơi dài" cảm thấy vinh dự và hạnh phúc khi đồng hành với hai người phụ nữ rất tài giỏi, dễ thương, năng nổ, trên cả tuyệt vời.
Bên cạnh đó, NS Châu Thanh tâm sự thêm về nghề cải lương đã giúp nam nghệ sĩ thay đổi số phận cuộc đời mình ra sao. Từ người nông dân chân lắm tay bùn, ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời nay đã trở thành NS cải lương Châu Thanh nhận được vô vàn tình yêu thương của đông đảo khán giả từ khắp mọi nơi. Nhờ đi theo cải lương, nam nghệ sĩ dần dần lo được chén cơm cho cha mẹ, vợ con, gia đình. Vì lẽ đó, nam nghệ sĩ thổ lộ: "Những giây phút cuối cùng của cuộc đời nguyện mãi mãi yêu quý cải lương".
Tương tự NS Thanh Hằng, NS Châu Thanh cũng dành tình cảm đặc biệt cho NSND Bạch Tuyết. Nam nghệ sĩ ví von cô Ba là "người không tuổi". Sự trẻ trung, năng lượng dồi dào và tình yêu bất diệt dành cho cải lương của cô luôn khiến ông phải thán phục. Ông còn đặc biệt sáng tác một ca khúc dành tặng riêng cho NSND Bạch Tuyết với tựa đề Chị Ba Tôi Mãi Đỉnh. Từng câu chữ mộc mạc, giản dị nhưng thể hiện rõ tấm lòng kính mến của Châu Thanh dành cho Bạch Tuyết.
Ở tuổi U80, điều kiện cuộc sống đủ đầy, lẽ thường tình NSND Bạch Tuyết có thể tạm biệt ánh đèn sân khấu, an hưởng khoảng thời gian còn lại theo ý muốn của mình. Song, cô vẫn lựa chọn đi theo tiếng gọi của trái tim, vẫn xông xáo để làm giàu đẹp thêm cho cải lương, cho nền văn hóa nước nhà.
Nghệ thuật cải lương có tính giáo dục rất sâu sắc
NSND Bạch Tuyết tự công nhận bản thân quả thật là "con cưng" của tổ nghiệp cải lương. Ngay từ những bước chân đầu tiên đặt nền móng cho hành trình theo đuổi đam mê cải lương từ năm 16 tuổi, NSND Bạch Tuyết đã được trao cơ hội làm đào chánh, liên tục gặp nhiều may mắn và nhận tình yêu thương từ tất cả mọi người. Cô Ba không vì vậy mà tự mãn hay trở nên kiêu ngạo thậm chí cô gây bất ngờ, cảm động trước tấm lòng biết sẻ chia, đồng cảm với người khác dù chỉ mới 16 tuổi.
Cô bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên cầm trên tay phần thù lao cho vị trí đào chánh. Lúc bấy giờ, cô rất ngạc nhiên và hào hứng vì nhận được rất nhiều, liền hỏi xem chú làm hậu đài nhận được bao nhiêu. Khi nghe thấy câu trả lời, tự nhiên cô cảm thấy muốn khóc vì mình nhận được rất nhiều trong khi chú hậu đài chỉ nhận lấy số tiền rất ít ỏi lại còn phải lo cho vợ con, gia đình.
Xuất phát từ suy nghĩ cá nhân mặc dù vẫn chưa hiểu được đó là chuyện tốt, hành động từ thiện, NSND Bạch Tuyết lúc bấy giờ chủ động nói với bầu gánh hát trong 3 đêm diễn sẽ chỉ nhận thù lao của 2 đêm, đêm còn lại nhờ bầu gánh chia lại cho các nhân viên hậu đài.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ rằng làm đào chánh mà không biết thương người hậu đài là không được. "Trong Học viện Cải lương sẽ nhắc các bạn trẻ, nếu như các bạn muốn đi xa ở nghề này thì các bạn phải biết ăn ở như thế nào để người xung quanh thương mình tức là mình thương con người, mình thương cuộc đời. Bản năng gốc, cốt lõi của nghệ thuật cải lương là chia sẻ những số phận người. Đồng thời bảo vệ dân tộc, chống ngoại xâm. Đó là hai tiêu chí của nghệ thuật cải lương của ông cha mình..."
Theo NSND Bạch Tuyết, cải lương nặng về văn hóa và tính giáo dục của cải lương rất sâu sắc. Rất nhiều câu chữ mà chính bản thân người hát có thể chiêm nghiệm, học hỏi rất nhiều.
Chẳng hạn như cô Lựu trong vở Đời Cô Lựu: "Chỉ có người trong cảnh mới hiểu!" Người ở ngoài nhìn vào sao thấy được? Đó cũng là lý do tại sao có những câu mà người nghệ sĩ cất lên, khán giả đều thuộc lòng.
Cô Ba cho rằng đã được ở trong một cái nghề cao quý như thế thì tại sao không lấy hơi sức của mình để nắm tay nhau truyền đạt lại cho các bạn trẻ những điều tốt đẹp đó của dân tộc. Đặc biệt, một nghệ sĩ có hàng trăm hàng ngàn khán giả hay một nghệ sĩ chỉ có vỏn vẹn bốn khán giả mà thôi khi kết nối được với nhau bằng cả trái tim và yêu và thương thì họ đều như nhau cả.
Nghề cải lương vẫn rất khắc nghiệt, những ai thiếu đức độ khó lòng đi lâu dài với nghề. Bởi lẽ, nếu trong lòng không có tổ quốc thì sao có thể hát những tuồng yêu nước mà dám ngẩng đầu lên cất tiếng ca. Nếu tâm tính ích kỷ sao có thể nhập vai vào những nhân vật tốt đẹp trong cải lương.
Cô Ba còn nhắc lại lời dạy xưa của tổ nghiệp: "Lòng con như thế nào, con hãy nói lên như vậy và nhân vật của con sẽ thuyết phục khán giả". Nếu không có được điều đó, mang sự dối trá lên sân khấu thì nên kiếm nghề khác mà làm.
Nghệ thuật cải lương là nơi chia sẻ những thân phận người
Những người cô gái nghèo khó phải làm nghề bán thân để nuôi cha mẹ thì cải lương có sự cảm thông bằng Nửa Đời Hương Phấn hay Lấy Chồng Xứ Lạ. Người phụ nữ đã hy sinh bản thân mình đến mức như vậy mà còn thiếu sự chia sẻ thì thật đáng thương. Cải lương phải làm được chuyện đó thì mới là nghệ thuật cải lương, là tiếng nói thay thế cho những hoàn cảnh ấy. Các nghệ sĩ chính là hình ảnh phản chiếu mà phải làm sao cho người trầm luân có thể cảm thấy sự cảm thông, được nắm tay, đỡ lên mà rửa mặt cho nhau.
Chính nhiệm vụ cao cả này đã chứng tỏ cải lương là một loại hình nghệ thuật của dân tộc, chia sẻ, cảm thông với dân tộc. Những câu chữ khi được cất lời khiến cho giới mộ điệu phải trầm tư, phải thuộc lòng là bởi họ thấy có bản thân mình trong đó.
Cải lương còn cho ta biết hy sinh và thấu hiểu
Khi MC Hồng Ngọc thắc mắc về khó khăn của NSND Bạch Tuyết khi theo nghề cải lương, cô chủ yếu đề cập đến tầm quan trọng của sức khỏe và ý thức bảo vệ "hơi ca" mà cha mẹ sinh ra cho mình chỉ một lần duy nhất trong đời. Thanh quản không phải như một chiếc xe hơi, xe hơi có thể sửa chữa thay đổi các linh kiện khi hư hỏng nhưng thanh quản thì hoàn toàn không.
Nếu không biết giữ gìn hơi ca, sức khỏe thì làm sao đủ tươi tắn, sức lực để đứng trên sân khấu hàng giờ đồng hồ. Không có một trạng thái tinh thần thoải mái, tươi tắn làm sao vào vai mỹ nhân Dương Vân Nga, Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga...
Những nhân vật có số phận ai oán mà trong một vở tuồng có khi cần đến bốn phần diễn cảnh khóc khác nhau mà phải làm sao cho có sự khác biệt, cho thấy rõ tâm trạng của nhân vật đang đối mặt với tình cảnh gì. Tuổi nghề sẽ đi theo định mệnh. Nếu quyết tâm sẽ có phương pháp, sẽ có dữ liệu bảo vệ giọng ca, sức khỏe và bài hát của mình.
Đồng thời, phía sau ánh đèn sân khấu, cái giá cho sự thành công, danh tiếng rực rỡ của người nghệ sĩ cải lương cũng không phải nhỏ. Không chỉ riêng NSND Bạch Tuyết, không ít nghệ sĩ đã phải hy sinh rất nhiều để sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Thế nên những đứa con của người nổi tiếng thường phải chịu thiệt thòi khi không có nhiều thời gian được ở bên cạnh cha mẹ vì những ngày bận rộn đi diễn sớm tối.
Người bạn đời cũng phải thật sự đủ thấu hiểu, hy sinh rất nhiều để có thể làm hậu thuẫn vững chắc cho nửa kia toàn tâm toàn ý sống với đam mê. Chia sẻ những hy sinh đồng nghĩa với những nỗi niềm về gia đình, bộ ba Học viện Cải lương thật sự xúc động và cảm thấy may mắn khi đã đi đến được ngày hôm nay và chắc chắn sẽ dùng hơi thở cuối cùng để đền đáp ơn tổ nghiệp.
Học viện Cải lương hứa hẹn là điểm giao lưu, học hỏi, mở ra cánh cửa của "thánh đường" cải lương. Trong đó, bất kể là ai, ở độ tuổi nào khi đến với chương trình đều có thể tiếp cận với kho tàng kiến thức sâu rộng của nghệ thuật sân khấu cải lương. Học viện Cải lương sẽ là cầu nối để những trái tim đam mê cải lương hiểu biết nhiều hơn, trau dồi đầy đủ hành trang để hoàn thiện hơn trong cả tài, trí và đức.
Điều kiện hiện nay đã tốt hơn xưa rất nhiều, sự góp mặt của ba vị giám khảo đều là những bậc tiền bối đáng kính sẽ càng tăng thêm chất lượng, phong phú thêm các khía cạnh đặc sắc trong bộ môn nghệ thuật cải lương bao la. Trong nghề cải lương, không ai có khả năng đào tạo ai thành gì cả.
Ban giám khảo sẽ vận dụng, phát triển những gì học được, không làm gì khác hơn thế hệ ông bà, cha mẹ, các vị tổ để giúp các hạt giống cải lương có thể tìm thấy đúng vị trí của mình để phát huy thật tốt trên sân khấu, để góp phần đem tiếng ca làm giàu đẹp thêm cho nghệ thuật cải lương, cho văn hóa dân tộc Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ, trường tồn.
Chuyện Sao Kể phát sóng vào 21h00 tối thứ Tư hàng tuần trên sóng Radio VOH 95.6 Mhz, phát trên TikTok - YouTube Trạm Giải Trí vào tối cùng ngày. Ngoài ra, khán thính giả có thể nghe lại chương trình tại Podcast VOH.