Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì? Có nguồn gốc từ đâu?

VOH - Có rất nhiều ý kiến về nguồn gốc của thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì nhưng khi sử dụng người ta đều có ý chỉ hạng người lừa lọc, bịp bợm.

“Ba que xỏ lá” hay “Xỏ lá ba que” là câu nói rất quen thuộc với người Việt. Thành ngữ này bắt nguồn từ đâu và tại sao lại mang ý nghĩa châm biếm, phê phán? Hãy cùng VOH giải thích, tìm hiểu qua bài viết sau.

Nguồn gốc, ý nghĩa thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì?

Thành ngữ được coi là “túi khôn” đúc kết kinh nghiệm sống bao đời của ông cha ta. Nó được tạo nên từ chất liệu từ thực tiễn, từ những sự kiện, hiện tượng… trong cuộc sống hàng này nên thường gắn với những câu chuyện. Thành ngữ “Ba que xỏ lá” hay “Xỏ lá ba que” mà chúng ta thường nghe cũng như vậy.

Trên thực tế, có khá nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của cụm từ “Ba que xỏ lá”. Tuy nhiên, dù giải thích theo hướng nào thì ý nghĩa của câu thành ngữ này cũng không thay đổi quá nhiều.

Giải thích thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì? Nguồn gốc từ đâu? 1
Hình ảnh minh họa cho thành ngữ "Ba que xỏ lá" - Ảnh: Canva

Theo Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân), ba que xỏ lá là một trò chơi ăn tiền. Chủ trò sẽ nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được tiền, rút que không lá thì phải trả tiền. 

Còn một cách giải thích khác về “trò chơi có thưởng” này. Ấy là có một cái que và ba chiếc lá, mỗi lá đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống. Người chơi sẽ cầm que nhỏ xỏ vào ba cái vòng này, mỗi người chỉ có một lượt. Nếu xỏ được cả ba lá và nhấc chúng lên cùng một lúc thì lĩnh thưởng, nếu trật (chỉ xỏ được một trong ba lá hoặc không được lá nào) thì mất tiền đặt cược.

Dù chơi theo cách nào thì người chơi bao giờ cũng thua vì chủ trò có nhiều mưu mẹo, thủ đoạn. Bởi vậy, người ta thường gọi chủ trò là bọn “Ba que xỏ lá” hoặc “ba que”, “xỏ lá” với ý chỉ hạng người chuyên bịp bợm, lừa đảo, dối trá, đểu cáng. Dùng tách riêng từng vế hay dùng cả câu đều được, ý nghĩa cũng tương tự.

Giải thích thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì? Nguồn gốc từ đâu? 2
Có ý kiến cho rằng "Ba que xỏ lá" hay "Xỏ lá ba que" liên quan đến trò Ba lá - Ảnh: Canva

Trong Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) “ba que” và “xỏ lá” được định nghĩa như sau:

  • Ba que: là một cuộc đánh tiền bằng ba cái que của bọn keo hèn bày ra đánh ở đường ở chợ; chỉ những người dối trá.
  • Xỏ lá: là trò làm ra để lừa gạt người khác nhằm kiếm tiền; thường nói tắt là “xỏ” để chỉ người gian giảo, lừa gạt, bợm bãi.

Cũng theo Việt Nam tự điển, khi người Pháp đưa bộ bài tây vào nước ta, một số trò cờ bạc mới bắt đầu xuất hiện. Trong đó có trò Ba quân hay còn gọi là Ba lá. 

Ba lá là “một cuộc đánh tiền, lấy ba quân bài tây đảo đi đảo lại, ai đặt tiền vào trúng quân ông lão thì được”. Nghĩa bóng chỉ những đứa hèn hạ”. (Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức). Ba quân hay ba lá là Bonneteau của Pháp.

Như đã nói, dù giải thích theo cách nào thì ý nghĩa của câu thành ngữ “Ba que xỏ lá” hay “Xỏ lá ba que” cũng là dùng để chỉ kiểu người bịp bợm, dối trá, lừa lọc, gian lận một cách đều cáng để kiếm lợi.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ 'Hứa hươu hứa vượn' nói lên điều gì?
Giải thích thành ngữ “Khua môi múa mép” nghĩa là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau

Bài học từ thành ngữ “Ba que xỏ lá”

Tỉnh táo, không tham lam

Dù có nhiều các giải thích nhưng về cơ bản, thành ngữ “Ba que xỏ lá” đều liên quan đến những trò chơi mang tính chất may rủi, đỏ đen đánh vào lòng tham của người chơi. Vì vậy, bài học đầu tiên mà chúng ta có được là không nên tham lam, phải tỉnh táo, cảnh giác trước những thứ có vẻ ngoài hấp dẫn, hào nhoáng nhưng không minh bạch.

Trên thực tế, chiếc bẫy “ngọt ngào” do những kẻ bịp bợm, xảo trá giăng ra có ở khắp mọi nơi. Vì vậy, để bảo vệ bản thân, chúng ta cần học cách phân biệt đúng sai, nhìn nhận vấn đề toàn diện, phân biệt thật lòng với giả dối, biết điểm dừng, biết từ chối… Đây là điều có thể áp dụng trong cả công việc lẫn cuộc sống và chuyện tình cảm.

Giải thích thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì? Nguồn gốc từ đâu? 3
Con người cần phải tỉnh táo và cảnh giác trước những cạm bẫy trong cuộc sống - Ảnh: Canva

Học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân

Muốn tránh hoặc đối phó với kiểu người “Ba que xỏ lá” vốn xảo trá, lắm mưu mẹo, thủ đoạn chúng ta phải trang bị cho mình cả kiến thức lẫn kỹ năng. Đây là những thứ giúp bạn phân tích thông tin, đánh giá vấn đề đồng thời bảo vệ bản thân, tài sản, quyền lợi trước những rủi ro tiềm ẩn. 

Thêm vào đó, những kẻ lừa lọc, bịp bợm cũng thường xuyên để mắt đến các đối tượng thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống. Nâng cao, tự hoàn thiện bản thân chính là cách giúp chúng ta hạn chế gặp phải hoặc bị kiểu người này nhắm đến.

Giải thích thành ngữ “Ba que xỏ lá” là gì? Nguồn gốc từ đâu? 4
Không ngừng học hỏi, nỗ lực nâng cao bản thân là một trong những cách giúp ta có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng để đối phó với những kẻ "3 que xỏ lá" - Ảnh: Canva

Sống trung thực, ngay thẳng

“Ba que xỏ lá” là kiểu người cần phải bị phê phán, lên án. Ngược lại, qua câu thành ngữ này, người xưa cũng muốn nhắn nhủ với con cháu phải sống trung thực, ngay thẳng. Không nên sử dụng thủ đoạn, lợi dụng người khác để kiếm lợi cho bản thân. Vì đời có nhân quả, “ Ác giả ác báo, hậu giả hậu lai”.

Xem thêm:
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
40 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng tham, sự tham lam
Danh sách ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự phản bội thâm thúy nhất

Thành ngữ, tục ngữ bàn về thói lừa lọc, bịp bợm

Bước vào xã hội, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều kiểu người khác nhau, có người tốt, có kẻ xấu, có cả người chuyên lừa lọc, gian dối, gian lận. Ngoài “Ba que xỏ lá”, ông cha ta cũng đã từng đề cập đến kiểu người này trong một số câu thành ngữ, tục ngữ khác.

  1. Bán mướp đắng làm dưa, bán mạt cưa làm cám
  2. Buôn gian bán lận
  3. Mẹ lừa ưa con ngọng
  4. Mạt cưa mướp đắng
  5. Treo đầu dê, bán thịt chó
  6. Chạy đua một ngựa
  7. Bán đong buông, buôn đong be
  8. Xập xí xập ngầu
  9. Có chồng càng dễ chơi ngang
  10. Đong đầy bán vơi
  11. Lường thưng tráo đấu
  12. Một đồng một cốt
  13. Ăn gian ăn lận
  14. Hứng tay dưới, với tay trên
  15. Lừa thầy phản bạn
  16. Cờ gian bạc lận

“Ba que xỏ lá” là câu thành ngữ được dùng để chỉ kiểu người gian xảo, lừa lọc, bịp bợm, lắm mưu mẹo, thủ đoạn… Mong rằng phần giải thích của VOH Sống đẹp đã giúp bạn có thêm kiến thức cũng như tự đúc kết được những bài học hữu ích cho bản thân.

Bình luận