Có hàng trăm lý do để chúng ta phải nâng ly rượu trên bàn nhậu như gặp mặt đối tác, mừng ký kết hợp đồng, mời xã giao,... Tuy nhiên, không phải ai cũng thích loại thức uống có cồn này. Vậy bạn đã biết cách từ chối uống rượu, bia thế nào để không mích lòng nhau chưa?
Sau đây, VOH xin mách bạn 7 cách từ chối uống rượu hiệu quả dành cho mọi đối tượng.
Kỹ năng từ chối là gì?
Có thể nói, kỹ năng từ chối là một trong những kỹ năng quan trọng với con người. Nó giúp chúng ta biết cách xử lý mọi tình huống khôn khéo, tinh tế hơn. Vậy kỹ năng từ chối là gì?
Kỹ năng từ chối (Rejection skills) là cách sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, hành động đúng mực để nói “không” trong trường hợp cá nhân không thể chấp nhận những điều được yêu cầu.
Trong cuộc sống, nhiều người rơi vào hoàn cảnh dù bản thân không muốn nhưng vẫn chấp nhận lời đề nghị của người khác. Bởi họ sợ làm mất lòng, phá hủy hình tượng của mình trong mắt những người xung quanh. Để từ chối một cách khéo léo, hãy sử dụng nghệ thuật nắm bắt tâm lý người khác và lựa chọn thời điểm cũng như thái độ từ chối thích hợp.
Xem thêm:
7 cách vượt qua nỗi sợ hãi khi thuyết trình và nói trước công chúng
Phát triển bản thân là gì? Ý nghĩa của việc phát triển bản thân mỗi ngày?
12 thói quen giúp bạn tốt hơn mỗi ngày, tinh thần lạc quan, sức khoẻ ổn định
Các cách từ chối uống rượu khéo léo bạn nên biết
Từ lâu, uống rượu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Nó gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, lễ nghi, hội hè,... Người ta thường nói, “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì chén rượu là đầu cuộc vui. Tuy nhiên, uống rượu nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe. Do đó, hãy cùng khám phá những cách từ chối uống rượu vừa không làm mất lòng người mời vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp.
Từ chối lịch sự kèm theo lời giải thích
Khi được người khác mời rượu, nếu bạn không thể sử dụng loại thức uống này thì hãy cố gắng đưa ra lời giải thích hợp lý nhất! Tin rằng, chỉ cần đưa ra một lý do đủ thuyết phục, chẳng ai có thể ép buộc bạn phải nâng ly.
Bạn có thể tham khảo một số cách từ chối uống rượu, bia sau:
- Ngày mai, em có chuyến công tác sớm, phải bay ra Hà Nội để gặp đối tác nên cần tỉnh táo anh ạ. Mong anh thông cảm giúp em.
- Cảm ơn anh đã mời nhưng hiện tại em đang duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Do đó, em xin phép được uống nước lọc hoặc đồ uống không có cồn ạ.
- Em rất trân trọng lời mời của anh. Tuy nhiên, anh biết rồi đấy, mấy năm nay em đều dùng thuốc đau dạ dày nên phải kiêng anh ạ.
Ngồi cạnh người cùng thói quen
Muốn tránh sử dụng rượu, bia trong các bữa tiệc, chiến thuật khôn ngoan nhất là chọn ngồi cạnh người sở hữu thói quen không uống đồ có cồn. Bởi những người “cùng tần số” sẽ dễ hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Đó là một cách thông minh để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Ngược lại, khi bạn ngồi kế những người “ngàn ly không say” thì việc bị ép uống liên tục là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, hãy cân nhắc lựa chọn vị trí hợp lý cho mình nhé!
Chọn đồ uống lành mạnh, không cồn
Để không bị ép uống rượu, bạn có thể tự mang theo trà hoa quả đã pha sẵn hoặc nước ngọt. Việc tự chuẩn bị đồ uống sẽ giúp tránh bị “làm phiền” trong các bữa tiệc. Ngoài ra, bạn cũng có thể thoải mái chọn soda hay nước ép để thay thế.
Đánh lạc hướng, thay đổi chủ đề
Nếu ai đó dự định mời bạn uống rượu, đặc biệt là họ đang say xỉn thì hãy chủ động đổi chủ đề trò chuyện bằng cách nói về những thứ khác. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát cuộc trò chuyện tốt hơn mà còn “trốn” được việc nâng ly.
Bạn có thể hỏi sở thích, đội bóng mà đối phương hâm mộ, thậm chí là các tin tức về công việc hoặc gia đình của họ. Thông qua cách nói chuyện cởi mở và thoải mái, nó giúp bạn không phải đối mặt với những lời mời dồn dập.
Xem thêm:
Tuyển chọn 21 bài thơ về rượu giúp bạn trút bầu vui buồn
58 status say rượu hay, cap nhậu bia rượu ngắn gọn hài hước
50+ Status mượn rượu thả thính, cap về rượu bia và tình yêu ngắn gọn hay
Kéo giãn thời gian uống rượu
Nếu trường hợp bạn bị ép uống rượu, hãy cố gắng tìm cách hoãn binh hoặc kéo dài thời gian để tìm một cái cớ phù hợp cho chính mình.
- Giữ cho bản thân luôn bận rộn: Bạn nên trò chuyện những lúc cụng ly hoặc giả vờ nhắn tin, gọi điện thoại cho ai đó để lảng tránh cũng như tìm cớ giúp bản thân bận bịu hơn.
- Dương đông kích tây: Tìm cách hướng sự chú ý của mọi người vào đồ ăn, các câu chuyện thú vị.
- Tạo khoảng thời gian nghỉ giải lao: Bạn hãy cố gắng đi vệ sinh nhiều nhất có thể để rời khỏi bàn nhậu, tránh được việc bị chuốc say.
Nói chuyện nghiêm túc với đối phương
Nếu bạn đang xây dựng cho mình một chế độ sống lành mạnh, không uống rượu, bia thì hãy chia sẻ thẳng thắn với đối phương. Có lẽ, họ sẽ không hiểu rõ vấn đề và cho đó là lý do để từ chối lời mời. Thời điểm này, bạn nên nói chuyện nghiêm túc về sức khỏe cũng như quan điểm sống của mình để họ có sự nhìn nhận khách quan hơn.
Từ chối lời mời một cách thẳng thắn
Trên thực tế, không phải ai cũng dũng cảm để nói lời từ chối một cách thẳng thừng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc từ chối thẳng thắn sẽ giúp bạn đạt hiệu quả tốt hơn. Bởi có một số người, bạn càng khéo léo từ chối thì họ càng tìm mọi lý do ép bạn uống.
Việc uống hoặc không uống là một lựa chọn cá nhân. Vì thế, hãy xem xét mức độ thân thiết của bạn và đối phương để có những cách từ chối uống rượu phù hợp!
Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.