Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cháu bà nội tội bà ngoại’ là gì?

(VOH) - ‘Cháu bà nội tội bà ngoại’ trở thành một trong những câu nói quen thuộc của những người phụ nữ lập đã gia đình, sinh con đẻ cái mới có thể thấu hiểu và thấm thía.

Khi nghe câu “Cháu bà nội tội bà ngoại” sẽ khiến nhiều chị em đã lập gia đình không khỏi chạnh lòng, ngân ngấn nước mắt khi nhớ về mẹ ruột của mình. Tâm lý chung của đa số phụ nữ đều mong muốn trong giai đoạn “ở cữ” sẽ được mẹ ruột chăm sóc, vì ở nhà mình và được bên cạnh mẹ bao giờ cũng thoải mái hơn mà! 

Theo quan niệm thường thấy, mẹ chịu bao nhiêu vất vả nuôi con gái lớn khôn, bây giờ còn dưỡng thêm cháu ngoại. Thế nhưng, cháu ngoại mang dòng họ của nhà nội và sau này con lớn lên thì nhà bà nội lại được nhờ! Nhưng câu thành ngữ "cháu bà nội tội bà ngoại" có còn đúng với hiện tại?

1. “Cháu bà nội tội bà ngoại” nghĩa là gì?

Từ lâu, trong dân gian đã truyền miệng câu “Cháu bà nội tội bà ngoại”. Vậy tại sao cháu bà nội lại tội nghiệp cho bà ngoại, trong khi cháu là cháu chung của hai bên gia đình?. 

chau-ba-noi-toi-ba-ngoai-voh-1

Có lẽ, tâm lý chung của người phụ nữ trong giai đoạn hậu sản cũng thường muốn về bên nhà mẹ đẻ. Bởi ở bên cạnh mẹ ruột bao giờ cũng cảm thấy thoải mái hơn, và cảm thấy ngại để mẹ chồng chăm sóc, nhất là đối với những nàng dâu mới cưới. 

Là ông bà, ai cũng yêu thương con cháu của mình. Tuy nhiên, tại sao bà ngoại có mối quan hệ có phần thân thiết với cháu nhiều hơn. Có chăng, một phần là do người mẹ chính là “cầu nối” giữa bà và cháu. 

Mặc dù, con gái đã lập gia đình nhưng mỗi người mẹ luôn nghĩ rằng: “Con mình lúc nào cũng nhỏ nhắn, cần được che chở và bao bọc”. Chính vì thế mẹ lo cho con gái từ thuở nhỏ đến lúc “thành gia lập thất”, sinh con đẻ cái. Thậm chí, là nuôi dưỡng cháu ngoại như nuôi con gái ngày xưa. 

Bà ngoại chịu bao nhiêu vất vả từ lúc cháu ngoại lọt lòng, đến cả trong quá trình nuôi dạy cháu trưởng thành, dường như bà cũng là người lo lắng. Nếu cháu không ngoan ngoãn, nghịch ngợm người ta lại cho rằng bà chiều hư và nghe câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. 

Ấy thế mà, khi cháu trưởng thành thì bà nội cũng như gia đình bên nội dường như được hưởng lợi nhiều hơn. Bên cạnh việc cháu nội cũng được ưu ái nhiều hơn là cháu ngoại thì đứa trẻ còn mang họ ba và cũng chính là là thế hệ tiếp theo nối dõi cho gia đình nội. Đặc biệt, theo quan niệm xưa thì cháu nội trai thường có bộ phận lo toang mọi công việc và nhang khói cho ông bà tổ tiên bên nhà nội. 

Thực vậy “Cháu bà nội tội bà ngoại” là câu thành ngữ ám chỉ đứa cháu sinh ra mang dòng họ nội, được hưởng lợi ích. Ấy thế mà, bà ngoại lại là người trông nom vất vả và có công nuôi dạy trẻ trưởng thành nhiều hơn. 

Kiến thức khoa học thú vị:

Theo khoa học di truyền gen thì xác suất gen bà ngoại truyền đến cháu trai là 50% và cháu gái là 50%. Còn xác suất gen bà nội truyền đến cháu trai là 0% và cháu gái là 100%.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cháu bà nội tội bà ngoại’ là gì? 2
Các trường hợp gen của ông bà nội ngoại truyền đến cháu trai và cháu gái

Xem thêm: Người xưa nói ‘Chim có tổ người có tông’ là ngụ ý dạy con cháu điều gì?  

2. “Cháu bà nội tội bà ngoại” - lối suy nghĩ dễ dẫn đến bi kịch hôn nhân 

Đạo lý “trai lớn dựng vợ, gái lớn gã chồng” là lẽ đương nhiên. Nhưng khi con gái lấy chồng, làm dâu thì người mẹ không khỏi lo lắng. Không biết con có sống hạnh phúc cùng chồng, nhà chồng đối xử như thế nào, đặc biệt là con gái có hòa thuận với mẹ chồng hay không? 

Bà ngoại xót con, thương cháu chẳng ngại cực khổ chăm sóc chỉ mong sao con cháu mình được mạnh khỏe. Chắc rằng, bất kỳ người con gái nào cũng cảm nhận được tình cảm thiêng liêng và sự hy sinh của mẹ dành cho mình. 

chau-ba-noi-toi-ba-ngoai-voh-2

Nhưng đừng vì vậy mà có suy nghĩ “Cháu bà nội tội bà ngoại”, bởi điều đó có thể vô tình khiến cho thâm tâm bạn dần có sự phân biệt giữa mẹ chồng và mẹ ruột. Tương tự như việc bạn đang đặt tình cảm của bà ngoại với bà nội lên “bàn cân” để so sánh. 

Vốn dĩ, sau khi kết hôn thì ta đã xác định ba mẹ chồng là ba mẹ ruột. Và ngược lại, người chồng cũng yêu thương và tôn trọng ba mẹ vợ như người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. 

Thực tế, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” có gia đình cháu sinh ra đôi khi không phải bà ngoại chăm sóc. Mà bà nội mới chính là người trông nom cho ba mẹ đi làm, người trực tiếp nuôi dạy trẻ lớn khôn. 

Trong trường hợp, bà không thể chăm nom cháu nội, đối xử khắt khe với nàng dâu. Xin đừng gán mác “mẹ chồng” để buông những lời nói kiểu như “Mẹ chồng tôi như thế đấy, haizzz”. Hay những câu nói mang hàm ý phàn nàn và đem những suy nghĩ tiêu cực vào mối quan hệ giữa bạn với mẹ chồng

Những lời than phiền không giúp giải quyết vấn đề mà ngày càng khiến cho chồng bạn, người đàn ông đứng “cửa giữa” phải khó xử. Đẩy hôn nhân của hai bạn rơi vào bi kịch và cuộc chiến nội - ngoại không hồi kết. Thay vào đó, hãy nghĩ đơn giản đây là một phần tính cách của bà, và tính cách thì chúng ta khó lòng thay đổi. 

Khách quan mà nói, việc trực tiếp chăm sóc và nuôi dạy con trẻ không phải là trách nhiệm của bà ngoại hay bà nội. Vì họ đã thực sự quá cực khổ để nuôi bạn khôn lớn, bây giờ là thời điểm để nội ngoại được an dưỡng tuổi già. Đừng đem nội ngoại ra để so đo tình cảm và quyền lợi giữa hai bên với nhau. 

Xem thêm: Thấu hiểu đạo làm con cháu qua 65 câu ca dao tục ngữ về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ 

3. Tuyển chọn những câu ca dao, thành ngữ và tục ngữ hay về ông bà 

Chúng ta cùng điểm qua những câu nói hay về ông bà và bày tỏ lòng biết ơn với tình cảm yêu thương và hy sinh mà họ đã dành cho con cháu:

chau-ba-noi-toi-ba-ngoai-voh-3
  1. Ngó lên nuộc lạt mái nhà
    Bao nhiêu nuộc lạt thương bà bấy nhiêu.
  2. Tu đâu cho bằng tu nhà
    Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
  3. Ông bà là ngọc là vàng
    Ai mà biết quý phúc rơi đầy nhà
  4. Công cha đức mẹ cao dày,
    Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
    Nuôi con khó nhọc đến giờ,
    Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
  5. Mẹ già như chuối ba hương.
    Như xôi nếp một, như đường mía lau.
  6. Bà ơi cháu quý bà thay
    Quý bà về nỗi bà hay cho quà.
  7. Thương thay chín chữ cù lao
    Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
  8. Công danh hai chữ tờ mờ
    Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.
  9. Đố ai đếm được lá rừng,
    Đố ai đếm được mấy tầng trời cao.
    Đố ai đếm được vì sao,
    Đố ai đếm được công lao mẹ già.
  10. Chữ rằng: vấn tổ tầm tông
    Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành. 

Đừng để “Cháu bà nội tội bà ngoại” trở thành một câu phàn nàn và chạnh lòng xót thương cho bà ngoại. Bởi, ông bà nào mà không thương con cháu, mọi sự tính toán thiệt hơn trong tình cảm giữa bà nội và bà ngoại đều là khập khiễng.  

Điều chúng ta mong muốn nhất chẳng phải là con trẻ khỏe mạnh, lớn lên thành tài và làm người có ích cho xã hội hay sao!. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ là niềm tự hào chung của hai bên gia đình nội ngoại. 

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet