Chờ...

Ý nghĩa câu nói "Chó treo mèo đậy" là gì?

VOH - Không chỉ đơn giản là nhắc nhở việc cất giữ thức ăn cẩn thận trước những vật nuôi trong nhà, “chó treo mèo đậy” còn ẩn dụ ý nghĩa riêng.

Chó và mèo là hai loài động vật gần gũi với người Việt Nam. Trong dân gian cũng có câu “chó treo mèo đậy” để  nói về chúng. Vậy “chó treo mèo đậy” có nghĩa gì? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây.

“Chó treo mèo đậy” là thành ngữ hay tục ngữ?

Trong đời sống hằng ngày, ta thường nghe ông bà, cha mẹ nói đến câu “chó treo mèo đậy”. Đây là câu nói được đúc kết thông qua sự quan sát tỉ mỉ của người xưa, vậy bạn đã bao giờ tự hỏi “chó treo mèo đậy” là thành ngữ hay tục ngữ chưa?

voh-cho-treo-meo-day-2

Để có thể đưa ra được đáp án cho câu hỏi này, ta cần quay về tìm hiểu định nghĩa thành ngữ, tục ngữ là gì. Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB Đà Nẵng - 1977):

  • Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường sẽ không thể giải thích thông qua nghĩa của từ ngữ tạo nên nó.
  • Tục ngữ là những câu ngắn gọn, có vần điệu, hình ảnh và phần lớn là thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân, được vận dụng vào đời sống hàng ngày.

Hiểu một cách đơn giản, khi những tri thức được rút lại thành khái niệm thì ta có thành ngữ, còn khi được trình bày, diễn giải thành những phán đoán thì sẽ là tục ngữ.

Như vậy, rõ ràng với câu “chó treo mèo đậy” thì đây là một câu thành ngữ, bởi nó không nêu lên một nhận xét, một kinh nghiệm sống, một bài học lý luận hay bất kỳ một sự phê phán nào mà chỉ đơn giản là một khái niệm.

Thành ngữ “chó treo mèo đậy” nghĩa là gì?

Thành ngữ “chó treo mèo đậy” là câu thành ngữ quen thuộc trong dân gian về việc cất giữ đồ ăn, thức uống cẩn thận khi có vật nuôi trong nhà. Nếu nhà có nuôi chó thì thức ăn cần phải treo lên cao, còn nếu nhà có nuôi mèo thì phải cất đồ ăn thật kỹ.

Theo nghĩa đen, chó là động vật có sức khỏe và có khả năng đánh mùi tốt, cắn xé giỏi, cho nên dù đồ ăn có đậy kín thì nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung để ăn vụng. Tuy nhiên, dù là loài động vật thiêng về sức mạnh thì chó cũng không leo trèo, cho nên cách đề phòng tốt nhất là treo thức ăn lên cao.

Ngược lại, mèo được xem là loài động vật yếu ớt nhưng lại rất giỏi leo trèo. Do đó, nếu có vật nuôi trong nhà là mèo thì cách tốt nhất là đậy thức ăn cẩn thận.

voh-cho-treo-meo-day-1

Ý nghĩa ẩn dụ của thành ngữ “chó treo mèo đậy”

Câu thành ngữ “chó treo mèo đậy” xuất phát từ đặc tính riêng riêng của các loài vật, được ông cha ta quan sát tỉ mỉ và đúc kết thành kinh nghiệm sống.

Ngoài ra, thông qua câu thành ngữ ông cha ta cũng muốn gửi gắm lời khuyên chúng ta nên cảnh giác, đề phòng kẻ gian. Trong cuộc sống, tùy từng đối tượng (mối đe dọa) mà ta cần có biện pháp đề phòng dựa vào việc “khoét” vào điểm yếu, điểm mạnh của đối phương.

Khi bước ra ngoài xã hội, chúng ta sẽ gặp đủ loại người, nhiều khi ta không thể nhìn thấy được bản chất thực sự của họ. Một người xấu xa nhưng họ có thể khoác lên mình “chiếc áo thơ ngây và tốt bụng” để đánh lừa người khác.

Cho nên, một người tốt hay xấu sẽ không thể đánh giá qua bề ngoài mà cần phải được quan sát tỉ mỉ. Khi chúng ta quan sát, tiếp xúc và nhìn nhận được bản chất của họ, ta sẽ có cách cư xử, ứng phó hợp lý nhất để không bị thiệt cho mình.

Thành ngữ, tục ngữ về mèo và chó

“Chó treo mèo đây” là câu thành ngữ phổ biến được nhân dân sử dụng trong đời sống. Chó và mèo vốn là loài vật quen thuộc với con người, do đó hình ảnh của loài động vật này cũng được dùng rộng rãi trong các câu thành ngữ, tục ngữ.

Thành ngữ, tục ngữ có sự xuất hiện của mèo

  • Rình như mèo rình chuột: Câu nói ám chỉ sự quan sát, theo dõi người khác một cách kín đáo và đầy kiên nhẫn, không buông tha.
  • Mỡ để miệng mèo: Câu nói này được hiểu khi để một thứ quý giá trong trạng thái hớ hênh, sẽ khiến cho kẻ xấu thèm muốn và có ý chiếm đoạt; hành động và việc làm hớ hênh sẽ rất dễ dẫn đến mất mát, thiệt hại.
  • Mèo già hóa cáo: Câu nói ám chỉ, theo thời gian những người khôn ngoan, tinh ranh sẽ trở thành kẻ gian manh, xảo trá.
  • Ăn như mèo (Nữ thực như miêu): Ý nghĩa câu nói dùng để chỉ những người có nết ăn nhỏ nhẹ, ăn ít, ăn chậm.
  • Mèo mù vớ đợt cá rán: Câu nói ám chỉ sự may mắn đến một cách bất ngờ ngoài dự tính.
  • Chuột khôn đã có mèo hay: Ý nghĩa thương tự câu “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.
  • Có ăn nhạt mới thương đến mèo: Ý nghĩa câu nói muốn nhắc đến chính là chỉ khi rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn mới hiểu được nỗi khổ của người cùng cảnh.
voh-cho-treo-meo-day-3

Thành ngữ, tục ngữ có sự xuất hiện của chó

  • Chó ăn đá, gà ăn sỏi: Câu nói ám chỉ những nơi đất đai trơ trọi, nghèo nàn, cằn cỗi.
  • Chó ăn vụng bột: Ý nghĩa câu nói muốn nhắc đến những người có hành vi lấm lét, sợ sệt, hoảng loạn, không thể che giấu được.
  • Chó bỏ giỏ cua: Câu nói ám chỉ những người rơi vào tình thế bị kìm kẹp, chịu ép nhiều bề.
  • Chó cậy nhà, gà cậy chuồng
  • Chó cùng rứt dậu: Thể hiện sự liều lĩnh, làm bậy bất chấp hậu quả khi bị đẩy đến bước đường cùng.
  • Chó cụp tai: Ám chỉ sự rút lui thảm hại, nhục nhã của kẻ bị thua cuộc.
  • Lên voi xuống chó: Câu nói ám chỉ sự thay đổi địa vị đột ngột.
  • Treo đầu dê bán thịt chó
  • Đánh chó phải nể chủ: Câu nói muốn nhắc đến mỗi người khi muốn làm bất cứ đề gì có hại đến cái gì, người nào cũng phải dè chừng nhân vật sở hữu cái đó, người ấy.
  • Chó ngáp phải ruồi
  • Chó chui gầm chạn: Câu nói ám chỉ thân phần nghèo hèn, cảm sống cam chịu, nhẫn nhục dựa vào thế lực, tài sản của người khác.

Thành ngữ, tục ngữ có xuất hiện cả chó và mèo

  • Chó tha đi, mèo tha lại: Ý nghĩa câu nói ám chỉ những thứ ít giá trị, bị chê bai, đùn đẩy qua tay nhiều người.
  • Chửi chó, mắng mèo: Mượn cớ mắng chửi cái khác nhằm biểu hiện sự tức giận đối với một người nào đó.
  • Chó khô, mèo lạc: Nói về những người lang thang.
  • Chó tro mèo mù: Ám chỉ những người vô vụng, không mang lại tích sự.
  • Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang: Dân gian quan niệm, mèo vô chủ (lưu lãng miêu) nếu tự nhiên đến nhà chính là điềm gia chủ sắp đến vận bần cùng. Ngược lại, chó vô chủ (lưu lãng cẩu) tự dưng đến nhà là điềm gia chủ sẽ được giàu có.

Trên đây là ý nghĩa thành ngữ “chó treo mèo đậy” cũng như một số câu thành ngữ, tục ngữ có sử dụng hình ảnh mèo và chó trong dân gian. Mong rằng, nội dung bài viết sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.