Giải thích thành ngữ “Được voi đòi tiên” là gì?

VOH - “Được voi đòi tiên” là câu thành ngữ được ông cha ta dùng để nói về lòng tham không có điểm dừng của con người trong cuộc sống.

Lòng tham là một trong những tính xấu của con người. Nói về lòng tham, ông bà ta đã có rất nhiều ca dao, thành ngữ tục ngữ hay và thâm thuý để răn dạy con cháu đời sau. Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn giải mã ý nghĩa câu thành ngữ “Được voi đòi tiên” là gì để thấy được những triết lý, bài học nhân sinh ý nghĩa.

“Được voi đòi tiên” nghĩa là gì?

“Được voi đòi tiên” là câu thành ngữ quen thuộc mà ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Mượn hình tượng của loài động vật gần gũi với đời sống người dân Việt Nam, người xưa muốn gửi gắm điều gì khi nói “Được voi đòi tiên”?

Con voi đã đi vào đời sống và trở thành một trong những biểu tượng văn hoá của Việt Nam. Voi là loài vật tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần. Ví dụ như truyền thuyết về voi chín ngà trong Sơn Tinh Thủy Tinh, voi trong những cuộc chiến chống quân xâm lược của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, vua Quang Trung, hay voi xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn, trên gốm, đồng, đá.

Trong văn học dân gian, ông cha ta còn dùng hình ảnh con voi để hướng con người tới chân - thiện - mỹ và phê phán những hành vi, thói hư tật xấu trong xã hội.

Giải thích thành ngữ “Được voi đòi tiên” là gì? 1
Thành ngữ "Được voi đòi tiên" nói về lòng tham, thái độ sống không biết điểm dừng của con người - Ảnh: Canva

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “Được voi đòi tiên” ví thái độ tham lam, được cái này tốt rồi, lại muốn cái khác nữa, tốt hơn.

Theo Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, “Được voi đòi tiên” nghĩa là quá tham lam, được cái này lại muốn có cái khác, không chịu thỏa mãn. Trong đó, “voi” và “tiên” là các con bằng bột màu làm đồ chơi cho trẻ em.

Như vậy, thành ngữ trên nói về lòng tham, thái độ sống không biết điểm dừng. Chính điều này sẽ khiến con người dần mất phương hướng, thậm chí đánh mất bản thân vì luôn mãi chạy theo những điều phù phiếm trong cuộc sống.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ và cách sử dụng trong cuộc sống
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng”

“Được voi đòi tiên” trong tiếng Anh

Trong tiếng Anh, “Được voi đòi tiên” là To give him an inch, he will take a yard. Tạm dịch là: Cho đi một tấc thì lại đòi đi một dặm/một sân. Có thể hiểu là khi bạn phóng khoáng cho ai một cái gì thì họ lại muốn được nhận nhiều hơn từ bạn.

“Được voi đòi tiên” trong tiếng Trung

Trong tiếng Trung, “Được voi đòi tiên” là 得寸进尺. Phiên âm: /décùnjìnchǐ/ - đắc thốn thiêm xích, được tấc thêm thước.

Vì sao lại nói “Được voi đòi tiên”?

Chẳng ai còn xa lạ gì với thành ngữ "Được voi đòi tiên", hàm nghĩa đã có một thứ tốt lại tham cầu một thứ tốt hơn. Nhưng tại sao lại nói như vậy? 

Theo nhiều tư liệu, câu thành ngữ này bắt nguồn từ một món đồ chơi dân gian được nặn bằng bột màu mà nhiều nơi gọi là tò he. Ngày xưa, ở làng quê, món đồ chơi này chỉ có hình thù của các con vật (trâu, bò, mèo, chuột,...) và hình thù các vị tiên.

Thông thường, khi nặn các con vật thì sẽ ít tốn bột và ít công phu, giá có thể rẻ hơn so với nặn hình cô tiên. Vậy nên, nói "Được voi đòi tiên" cũng là nói những đứa trẻ đã có con tò he hình thú vật mà vẫn ham cầu cái hơn nữa, là tò he hình tiên.

Cách giải thích này hợp lý với nghĩa rộng của câu: đã có thứ tốt còn tham thứ cao sang hơn. Cho nên “Được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu chê trách trẻ em có tính vòi vĩnh đối với thứ đồ chơi đó.

Giải thích thành ngữ “Được voi đòi tiên” là gì? 2
Tò he là món đồ chơi được yêu thích của trẻ em vùng quê thời xưa - Ảnh: Internet

Bài học từ câu thành ngữ “Được voi đòi tiên”: Sống biết đủ chính là hạnh phúc

Chúng ta nên có tham vọng để có thể đạt được thành công trong cuộc sống. Nhưng nếu tham vọng không thể kiềm chế và trở thành lòng tham, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. 

Cân bằng giữa tham vọng và lòng tham

Cân bằng lòng tham và tham vọng là điều quan trọng cho sự phát triển cá nhân và giữ đạo đức. Tham lam là ham muốn quá mức về của cải vật chất. Còn tham vọng là mong muốn mạnh mẽ để đạt được thành công nhờ vào làm việc chăm chỉ. Dưới đây là một số mẹo về cách đạt được sự cân bằng giữa hai điều trên:

  • Xác định giá trị bản thân: Xác định rõ ràng các giá trị và nguyên tắc cốt lõi của bạn. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp với mình. Tham vọng được thúc đẩy có sự ràng buộc với ý thức và giá trị bền vững sẽ được cân bằng hơn, phù hợp với đạo đức và chuẩn mực xã hội.
  • Đặt mục tiêu thực tế: Tham vọng sẽ trở nên không lành mạnh khi không thực tế hoặc quá rủi ro. Đặt mục tiêu phù hợp với khả năng có thể giúp không tham lam quá mức, dễ đạt được mục tiêu.
  • Tự nhìn nhận bản thân thường xuyên: Nhìn nhận bản thân thường xuyên sẽ giúp bạn điều chỉnh khi nhận thấy lòng tham đang lấn át tham vọng của bạn.

Cân bằng lòng tham và tham vọng là một quá trình liên tục đòi hỏi sự tự nhận thức và hành động lý trí. Bằng cách điều chỉnh tham vọng của bạn với các giá trị đạo đức, chú ý đến động lực của mình, bạn có thể vừa thành công vừa hạnh phúc.

Giải thích thành ngữ “Được voi đòi tiên” là gì? 3
Nên biết cân bằng tham vọng và những giá trị bền vững để hạnh phúc hơn - Ảnh: Canva

Biết đủ để hạnh phúc

Người biết đủ luôn cảm thấy an yên và hạnh phúc. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm thì làm, điều gì không nên làm, không tranh giành và đòi hỏi quá mức.  Nếu biết hài lòng với những gì mình đang có, chúng ta mới có thể sống hạnh phúc. Biết đủ cũng chính là gìn giữ những gì mà ta đang có.

Người không biết đủ lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn và khó tìm được hạnh phúc thật sự. Khi tham muốn trỗi dậy, lòng vị tha, khoan dung cũng biến mất và con người trở nên ích kỷ. Chỉ vì lòng tham, không thỏa mãn với những gì mình đang có mà họ mù quáng chạy theo hư danh, để rồi đánh mất những điều tốt đẹp.

Lòng tham quá mức sẽ làm tổn hại bản thân và liên lụy đến người khác. Chúng ta phải biết thế nào là đủ khi đứng trước cám dỗ của danh lợi, tiền bạc để không gặp tổn thất nặng nề về vật chất và tinh thần.

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng tham

Những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng tham dưới đây sẽ là bài học giúp bạn thức tỉnh trước những cám dỗ trong cuộc sống.

  1. Tham thì thâm.
  2. Tham có tham giàu, đâm đầu vào lưới.
  3. Ăn chó cả lông ăn hồng cả hạt.
  4. Uống nước không chừa cặn.
  5. Tham sáu đồng lãi mất năm mươi tư đồng vốn.
  6. Bắt cá hai tay.
  7. Tham thì thâm, lầm thì thiệt.
  8. Tham thực cực thân.
  9. Ăn một miếng, tiếng để đời.
  10. Ăn ngập mặt ngập mũi.
  11. Lòng tham không đáy.
  12. Muốn ăn, gắp bỏ cho người.
  13. Của mình thì giữ bo bo
    Của người thì thả cho bò nó ăn.
  14. Tham vàng phụ nghĩa ai ơi
    Vàng rồi tiêu hết, nghĩa đời còn nguyên.
  15. Muốn cho chắc thì lo nhắc người.
  16. Đừng ham nhà ngói cao nền
    Lăn thân vô đó biết bền hay không?
  17. Đừng nên tham phú phụ hèn
    Đừng như châu chấu thấy sáng đèn nhảy vô.
  18. Tham vàng bỏ đống gạch đầy
    Vàng thì ăn hết gạch xây nên thành.
  19. Một tay hai trái khó bưng
    Muốn bưng trái nọ thì đừng trái kia.
  20. Con chim ham ăn còn mắc cái tròng
    Người mà tham của sao khỏi mắc vòng gian nan.
  21. Miếng ăn quá khẩu thành tàn
    Tham ăn chết tắc, tiếng mang muôn đời.
  22. Ăn thì chị để phần tôi
    Làm thì phần chị chứ tôi không làm.
Giải thích thành ngữ “Được voi đòi tiên” là gì? 4

Xem thêm:
40 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng tham, sự tham lam
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về luật nhân quả cảnh tỉnh con người
Những câu nói hay về lòng dạ con người cực thâm thúy

Hình tượng con voi trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam

Con voi là con vật xuất hiện nhiều trong văn học dân gian, cụ thể là thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Dưới đây là một vài gợi ý tiêu biểu do VOH tổng hợp gửi đến bạn.

  1. Chỉ buộc chân voi.
  2. Dắt voi phải tìm đường cho voi đi.
  3. Đầu voi đuôi chuột.
  4. Được voi đòi tiên.
  5. Giấu voi đụn rạ.
  6. Lấy thúng úp voi.
  7. Lên voi xuống chó.
  8. Người roi, voi búa.
  9. Nhà như tàu tượng.
  10. Rước voi về giày mả tổ.
  11. Theo voi ăn bã mía.
  12. Thừa giấy vẽ voi.
  13. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
  14. Trăm voi không được bát nước xáo.
  15. Trói voi bỏ rọ.
  16. Voi chẳng đẻ chứ đẻ thì to.
  17. Voi uống thuốc gió.

Trên đây là phần giải thích “Được voi đòi tiên” là gì của VOH. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về câu thành ngữ. Đồng thời có được cho mình những bài học đắt giá về cuộc sống. Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.