Ngày nay, “Treo đầu dê bán thịt chó” không chỉ là một câu thành ngữ quen thuộc với người Việt mà còn là một chiêu trò, vấn nạn trong kinh doanh. Muốn tìm hiểu về vấn đề này, trước hết hãy cùng VOH giải thích “Treo đầu dê bán thịt chó” là gì, có ý nghĩa gì và được dùng trong trường hợp nào?
“Treo đầu dê bán thịt chó” là gì?
“Treo đầu dê bán thịt chó” là câu nói được dịch phỏng từ một câu thành ngữ của người Trung, đó là 掛羊頭賣狗肉 (guà yángtóu mài gǒuròu) - “Quải dương đầu, mại cẩu nhục”. Trong đó:
- Quải: treo
- Dương: con dê
- Đầu: cái đầu
- Mại: bán
- Cẩu: con chó
- Nhục: thịt
Nghĩa đen của câu thành ngữ này đề cập đến hành động đánh lừa, gian lận của người làm ăn buôn bán. Ấy là “treo đầu dê” để thu hút, quảng cáo nhưng lại bán cho khách hàng “thịt chó”.
Ở đây, “đầu dê” ẩn dụ cho hàng tốt, “thịt chó” ẩn dụ cho hàng xấu, cho nên cả câu nói có ý chỉ sự thiếu nhất quán, lừa dối, tráo trở, danh không phù hợp với thực.
Từ đó, ta có thể hiểu nghĩa bóng của câu “Treo đầu dê bán thịt chó” là ví hành động gian trá, bịp bợm, phô trương; bày cái tốt đẹp ra bên ngoài để đánh lừa, che giấu hoặc thay thế cái xấu, cái kém chất lượng ở bên trong. Đây là kiểu làm ăn gian dối, lừa lọc, không trung thực của các con buôn.
Trong tiếng Anh, để chỉ phương thức bán hàng gian lận tương tự “Treo đầu dê bán thịt chó” người ta dùng cụm từ bait-and-switch. Cụ thể, người bán sẽ quảng cáo về một sản phẩm có mức giá thấp hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Nhưng khi khách đến, người bán sẽ thuyết phục, tìm mọi cách khiến họ mua sản phẩm khác có giá cao hơn.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Trăm nghe không bằng một thấy’ nói đến đạo lý nào?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau
Giải thích thành ngữ “Chọc gậy bánh xe” là gì?
Nguồn gốc thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó”
Ngày nay, chúng ta thường dùng câu “Treo đầu dê bán thịt chó” để chỉ chiêu trò giả mạo để lừa bịp hay hành vi tráo trở, gian lận trong buôn bán. Thế nhưng, nhắc đến nguồn gốc của thành ngữ này, có lẽ không phải ai cũng rõ.
Xét đến lai lịch của câu nói “Treo đầu dê bán thịt chó”, có khá nhiều cách lý giải. Sau đây là hai cách giải thích phổ biến và được nhiều người biết đến.
Câu chuyện thứ nhất
Thứ nhất là cách giải thích có liên quan đến chuyện ăn uống của người thời Tống (Trung Quốc). Theo đó, người dân thờ ơ với hải sản nhưng lại chuộng các loại thịt. Bên cạnh thịt bò, thịt heo, thịt dê… thì thịt chó cũng được tiêu thụ rất nhiều.
Đến thời vua Tống Huy Tông (vua thứ 8 của nhà Tống), có một viên hoạn quan kiến nghị với hoàng đế chó là loài vật tượng trưng cho sự trung thành, không phải để lấy thịt. Thế nhưng người dân ăn thịt chó quá nhiều, mong hoàng đế ngăn cản.
Hoàng đế Tống Huy Tông đồng ý, cấm cả nước giết thịt và ăn thịt chó. Song vì thói quen, nhu cầu vẫn còn nên người ta vẫn lén lút bán thịt chó. Để tránh sự kiểm tra, chủ quán ngụy trang bằng cách treo đầu dê hoặc đầu cừu lên trước gian hàng. Từ đó mà có câu “Treo đầu dê bán thịt chó”.
Câu chuyện thứ hai
Cách lý giải thứ hai liên quan đến câu chuyện một người rất thích ăn thịt chó tên Trương Thành ở tỉnh sơn Tây (Trung Quốc). Trong một lần đi buôn ngựa, Trương Thành ghé vào quán ăn thịt chó rồi mua một con chó bị xích trước cửa. Chủ quán thấy Trương Thành có tiền nên nổi lòng tham, đi theo để cướp tiền nhân lúc người này bất tỉnh vì say rượu.
Thế nhưng con chó được Trương Thành mua rất khôn ngoan và trung thành. Nó ra sức bảo vệ chủ. Lấy bạc không được, chủ quán châm lửa vào bãi cỏ khô nơi Trương Thành nằm để thực hiện mưu kế.
Con chó liều mạng bảo vệ Trương Thành rồi trút hơi thở cuối cùng. Sau khi tỉnh rượu và hiểu ra chuyện con chó cứu mình, Trương Thành vô cùng cảm động. Anh quay lại tiệm thịt chó, nói rằng sẽ dùng bạc mua hết những con chó đang bị nhốt và yêu cầu chủ quán hứa không giết chó, không bán thịt chó nữa.
Sau đó, Trương Thành đi mua vài con dê về cho chủ quán bán để mưu sinh. Anh chặt đầu dê đưa ông chủ treo lên trước cửa tiệm.
Sau khi nhận bạc, bán hết số thịt dê, chủ quán liền lật lọng, tiếp tục bán thịt chó. Sợ Trương Thành quay lại phát hiện mình không tuân thủ lời hứa nên người này vẫn giữ nguyên chiếc đầu dê treo trên cửa.
Từ đó, người ta thường dùng câu thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó” để chỉ việc trong ngoài bất nhất, nói một đằng làm một nẻo, phê phán kẻ vì lợi lộc mà lừa bịp, dối trá với người khác.
Bài học từ thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó”
Phê phán người làm ăn gian dối, bịp bợm
“Treo đầu dê bán thịt chó” là hành vi gian dối, lừa đảo, thiếu đạo đức, cần bị phê phán. Kiểu buôn bán, kinh doanh này có thể thu được lợi lộc nhất thời nhưng chắc chắn không thể duy trì lâu dài.
Khi người mua không còn lòng tin, họ sẽ không quay trở lại thậm chí có tâm lý tẩy chay. Cho nên dù xưa hay nay thì sự trung thực, uy tín của người làm ăn buôn bán hay việc xây dựng lòng tin với khách hàng đều rất quan trọng.
Trong kinh doanh, nhất là trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, lấy khách hàng làm trung tâm được xem là chiến lược kinh doanh, là xu hướng tất yếu. Câu thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó” của người xưa chính là muốn nhắc nhở, cảnh báo chúng ta những điều này.
Tỉnh táo trước “chiêu trò” quảng cáo
Ngoài việc cảnh báo những người làm ăn buôn bán, thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó” cũng khuyên chúng ta nên cẩn thận trước những mánh khóe của người người kinh doanh. Người xưa có câu, “Thuận mua vừa bán” nhưng đôi khi nếu chỉ tin vào lời quảng cáo mà không tỉnh táo, không tự kiểm tra và đánh giá kỹ càng thì bạn sẽ rất dễ bị sập bẫy.
Xã hội xưa hay nay đều không thiếu những kẻ vì lợi ích, vì đồng tiền mà sẵn sàng dùng thủ đoạn để lừa đảo người khác. Chính vì vậy, là một người tiêu dùng thông minh, thông thái, chúng ta cần có ý thức cảnh giác. Đồng thời, trang bị cho bản thân cả kiến thức lẫn lẫn kỹ năng để tránh trở thành nạn nhân của vấn nạn này.
Xem thêm:
30 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về giữ chữ tín sâu sắc
80 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về kinh doanh, buôn bán
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
Những câu tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa
Những câu thành ngữ, tục ngữ về làm ăn, buôn bán mà chúng ta có chính là kinh nghiệm được người xưa đúc kết và khái quát lên. Từ ý nghĩa tích cực cho đến tiêu cực, từ lời khuyên cho đến lời phê phán, mỗi câu nói đều là những bài học quý báu.
Dưới đây là một số ví dụ đồng nghĩa và trái nghĩa với thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó” do VOH tổng hợp, bạn có thể tham khảo.
Làm ăn, buôn bán bịp bợm, không trung thực
- Rao mật gấu, bán mật heo
- Rao ngọc bán đá
- Lường thưng tráo đấu
- Đong đầy bán vơi
- Buôn gian bán lận
- Thật thà cũng thể lái trâu
- Mạt cưa mướp đắng
- Dò sông dò biển dò nguồn, biết sao được bụng lái buôn mà dò
- Bán mướp đắng làm dưa, bán mạt cưa làm cám
- Đi buôn nói ngay không tày đi cày nói dối
Làm ăn, buôn bán tử tế, ngay thật
- Ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi
- Chân chỉ hạt bột
- Chẻ vỏ không bằng đỏ vận
- Khách nhớ nhà hàng, nhà hàng không nhớ khách
“Treo đầu dê bán thịt chó” là câu thành ngữ chỉ việc buôn bán gian lận, lừa lọc, nói một đằng làm một nẻo. Qua phần giải thích của VOH Sống đẹp, mong rằng bạn sẽ thu được bài học hữu ích cũng như biết thêm một câu nói hay để bổ sung vào cuốn sách tri thức của mình.