Cuộc đời chính trực của Chu Văn An, người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

(VOH) – Chu Văn An là người thầy có công to lớn trong việc sáng lập nên trường học trong nhân dân, đào tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước. Mệnh danh là ‘Vạn thế sư biểu’!

Chu Văn An (còn gọi là Chu An hay Văn Trinh) là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới thời nhà Trần. Ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Với cương vị một người thầy ông không phân biệt trò giàu, trò nghèo, vô cùng nghiêm khắc, coi trọng hiền tài và không chấp nhận những kẻ cậy giàu có, bề thế mà chơi bời lêu lỏng.

Trong cuộc đời mình ông theo đuổi 4 giá trị giáo dục là Cùng lý, Chánh tâm, Tịch tà và Cự bí. Trong đó Cùng lý là tranh luận tìm ra lý lẽ. Chánh tâm là sống thẳng ngay, không thẹn với người, với lòng. Tịch tà là không mê tín dị đoan. Cự bí là chống lại những điều làm hoen ố nhân tâm. 

chu-van-an-nguoi-thay-chuan-muc-muon-doi-cua-viet-nam-voh
Chu Văn An là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

Cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của Chu Văn An   

Chu Văn An sinh ra ở làng Văn Thôn, Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Thời trẻ ông đã nổi tiếng cương trực, luôn giữ tiết tháo, trong sạch, không màng danh lợi, vật chất, thích tìm tòi đọc sách nâng cao sự hiểu biết. Cuộc đời ông có thể chia thành ba giai đoạn chính là mở trường dạy học ở quê nhà, làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám và lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng.

Mở trường dạy học ở quê nhà

Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng lại từ chối làm quan mà về làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch mở trường dạy học. Ông thấy rằng nước Nam không có mấy trường học, người hiền tài muốn trao dồi kinh sử cũng thật khó khăn nên thay vì làm quan ông mài dũa nhân tài cho đất nước. Chẳng những có công lớn trong việc sáng lập nên trường học trong nhân dân, Chu Văn An cũng là người góp sức không nhỏ trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.

Trong sự nghiệp giáo dục của mình, người thầy Chu Văn An có rất đông học trò, trong số đó rất nhiều người thành danh, trở thành quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Ấy mà khi có cơ hội về thăm thầy cũ họ vẫn hành lễ, lấy làm mừng rỡ, một mực tôn trọng, kính nể, dễ nhận ra Chu Văn An là một người thầy hiền đức, học vấn sâu rộng và có uy nghiêm. 

Cứ thế tiếng tăm về người thầy giỏi Chu Văn An lan rộng khắp nơi, ai ai cũng muốn đến tầm sư học đạo, học trò của thầy ngày càng đông và đủ loại. Tuy nhiên thầy giáo Chu Văn An luôn công tâm, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo mà chỉ đề cao trò nào thông minh, trò nào cố gắng, đối với những trò ham chơi ông cũng thẳng thắng trách mắng, phê bình.

chu-van-an-nguoi-thay-chuan-muc-muon-doi-cua-viet-nam-voh-9
Tiếng lành đồn xa, người ở khắp nơi đổ về Huỳnh Cung mong muốn được làm học trò của Chu Văn An 

Xem thêm: Cuộc đời lạ lùng của Nữ hoàng đế duy nhất lịch sử Việt Nam Lý Chiêu Hoàng

Làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám

Năm Khai Thái đời Vua Trần Minh Tông (1314-1329), nghe được danh tiếng của Chu Văn An, vua Trần Minh Tông đã mời ông về nhận chức Tư nghiệp (hiệu trưởng) cho trường Quốc Tử Giám. Dù vậy thời gian đầu Chu Văn An chỉ dạy cho thái tử Trần Vượng.

Năm 1329, Trần Vượng lên ngôi gọi là vua Trần Hiến Tông, lúc này Chu Văn An mới chuyên tâm mở rộng và phát triển giáo dục cho trường Quốc Tử Giám. Ông viết Tứ thư thuyết ước, tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung, làm giáo trình dạy học, mỗi năm Quốc Tử Giám lại càng được củng cố, phát triển.  

Vua Trần Hiến Tông trị vì được 2 năm thì mất, Trần Dụ Tông lên thay. Vua Trần Dụ Tông tuổi đời còn trẻ, không có tài trị quốc, đam mê tửu sắc, chơi bời, việc nước bê tha, không ngó ngàng, tình hình đất nước ngày càng lũng đoạn, nhiễu nhương. Bọn quan viên bất tài lấy đó làm cơ hội, bề trên thì xu nịnh, còn bề dưới thì ra sức tham nhũng, chèn ép dân lành, khiến cho đời sống người dân ngày càng khốn khổ, đói kém.   

Chu Văn An lúc này là người có uy tín trong triều, nhìn thấy cớ sự vô cùng căm giận. Vốn tính thẳng thắn, cương trực, không sợ cường quyền, ông dâng “Thất trảm sớ” lên vua Trần Dụ Tông xin chém bảy tên nịnh thần, đó đều là những người được vua yêu thích, vua Dụ Tông không nghe. Sau đó “Thất trảm sớ” cũng bị thất truyền, nhiều người cho rằng vua Trần Dụ Tông không muốn triều đình một phen loạn và muốn Chu Văn An được yên ổn nên đã huỷ đi, chính sử không ghi chép về danh sách bảy người này.

Duy chỉ trong cuốn tiểu thuyết “Vương triều lịch sử” của Hoàng Quốc Hải có nêu đích danh bảy nịnh thần trong "Thất trảm sớ", tuy nhiên danh sách này chỉ là thông tin tham khảo. Đó là: 
- Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ. 
- Trâu Canh, viên ngự y. 
- Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự.
- Văn Hiến hầu.
- Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương.
- Hành khiển hữu ty hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu.
- Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự. 

chu-van-an-nguoi-thay-chuan-muc-muon-doi-cua-viet-nam-voh-10
Nhìn thấy dân chúng lầm than, đất nước ngày càng suy thoái, Chu Văn An không cầm lòng được mà dâng "Thất trảm sớ"

Lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng

Cảm thấy chán nản và bất lực trước thời cuộc khi can gián nhưng vua không nghe, muốn giúp đời mà không giúp được, Chu Văn An bèn treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi từ quan lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi hái củi ẩn dật).

Ông quay về làm một người thầy, mở lớp dạy học, viết sách, ngâm thơ, trồng cây thuốc, nghiên cứu y khoa, chữa bệnh giúp dân, cuộc sống an nhàn. Triều đình nhiều lần cử người đến mời Chu Văn An về triều nhưng ông từ chối.

Năm Thiệu Khánh thứ nhất đời Trần Nghệ Tông, tháng 11/1370 Chu Văn An ốm nặng rồi từ trần khi gần 80 tuổi. Vua làm lễ tế và đặt tên thụy là Văn Trinh, được thờ ở Văn Miếu xem ông ngang hàng với những bậc thánh hiền ngày xưa, một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức thời bấy giờ. 

Xem thêm: Huyền Trân công chúa và cuộc hôn nhân với vua Chế Mân

Truyền thuyết về Chu Văn An và Thần Nước

Kể rằng khi Chu Văn An còn dạy học ở quê nhà, bên cạnh nhiều học trò thì có một trò khá bí ẩn. Học trò này vô cùng chăm chỉ, sáng nào cũng đến nghe giảng từ rất sớm nhưng không rõ là người ở đâu. Chu Văn An bèn cho người dò xem thì thấy mỗi ngày cứ đến khu đầm Đại học trò liền biến mất không để lại dấu vết gì, ông biết đó là Thần Nước.

Thời gian sau hạn hán kéo dài, sau khi bài giảng đã xong thầy tập trung học trò lại và hỏi xem ai có cách nào làm mưa giúp dân qua cơn đại nạn. Người học trò bí ẩn thoạt đầu e dè nhưng sau khi nghe Chu Văn An phân trần kể khổ cho dân đã đứng ra mà nói: “Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”.

Người học trò bước ra giữa sân, mài mực, ngửa mặt lên trời mà khấn, lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi, khi mực gần hết thì tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Mây đen kéo đến, cuồng phong nổi lên, mưa một trận lớn.

Đêm hôm ấy tiếng sét vang vọng, sáng ra thì người dân trong vùng phát hiện một thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An hay tin vô cùng thương xót, ông cùng học trò làm lễ an táng cho Thần Nước. Người dân trong làng và các làng lân cận cũng đến viếng và lập đền thờ, đến nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Vị trí nghiên mực bị ném xuống biến thành đầm nước, lúc nào nước trong đầm cũng đen nhánh, người ta gọi là Đầm Mực. Chiếc bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, ngôi làng này về sau trở thành làng văn học đã sinh ra nhiều nhân tài như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm,…

Dù chỉ là một truyền thuyết nhưng qua đó có thể thấy Chu Văn An là một người thầy hiền đức, đức độ và tài trí của người sâu rộng đến mức cảm hoá được cả quỷ thần.

chu-van-an-nguoi-thay-chuan-muc-muon-doi-cua-viet-nam-voh-2
Gian thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (Ảnh: Duy Khôi)

Cuộc đời thanh khiết và ngoan cường của Chu Văn An đã trở thành tấm gương sáng của thời phong kiến, mãi đến bây giờ người đời vẫn ca ngợi, thán phục. Sinh thời người ta gọi ông là "Vạn thế sư biểu" nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời, ngày nay nhắc đến Chu Văn An mọi người gọi ông là "thầy của những người thầy"! 

Nguồn ảnh: Internet