Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’ là gì?

(VOH) - Câu ‘con giun xéo lắm cũng quằn’ không còn xa lạ với người dân Việt Nam, nhưng để hiểu hết ý nghĩa và bài học từ câu tục ngữ này thì không phải ai cũng biết!

Chúng ta thường nghe người khác nói rằng: “Sức chịu đựng của con người đều có giới hạn”. Vậy nếu chúng ta vượt qua giới hạn đó thì sẽ thế nào? Hãy cùng tìm hiểu điều này qua câu tục ngữ “Con giun xéo lắm cũng quằn” trong bài viết dưới đây.

1. "Con giun xéo lắm cũng quằn" là gì?

Trong câu tục ngữ trên, con giun là loài động vật không xương sống, thường sống trong đất và có vai trò làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất. Giun thường rất thẳng nhưng nếu chúng ta cố giày xéo, chọc ghẹo nó thì sẽ có lúc giun quằn mình lại.

Câu tục ngữ trên mượn hình ảnh con giun để ẩn dụ cho sức chịu đựng của con người khi vượt qua giới hạn của bản thân sẽ bùng phát và biến thành một người khác. 

Xung quanh ta có không ít người mang tính cách hiền lành, ít nói và cam chịu. Trong các mối quan hệ, họ thường là người dễ tính nhất, dễ dàng bỏ qua mọi chuyện và im lặng chịu đựng. Có lẽ vì thế mà nhiều người tưởng rằng họ không có một chút sát thương nào đối với người khác nên không quan tâm đến cảm xúc của họ mà mặc sức trêu đùa, thậm chí còn quên mất sự tồn tại của họ. 

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’ là gì? 1

Thế nhưng dù con người ta có hiền lành đến mấy, có giỏi chịu đựng đến bao nhiêu thì khi “giọt nước tràn ly”, mọi chuyện đã đi đến giới hạn và vượt quá sức chịu đựng, những người luôn hiền lành, lầm lũi ấy sẽ vùng dậy và trở thành một con người khác, thậm chí sẽ trả đũa một cách tàn độc hơn bất cứ ai, giống với câu tục ngữ “Con giun xéo lắm cũng quằn” ở trên.

Con người sinh ra mỗi người một tính cách khác nhau, có người hiền lành, có người độc ác, có người vui tính, có người lại xấu tính. Nhưng tất cả chúng ta đều có sức chịu đựng và sức mạnh riêng tiềm ẩn trong mỗi người. 

Có thể việc họ cam chịu, an phận, im lặng là để bảo vệ một điều gì đó, một người nào đó, bởi sống là đâu chỉ riêng mình mà còn là vì những người thân yêu bên cạnh. Thế nhưng, khi con người ta bị dồn vào đường cùng, mọi sự chịu đựng đã đạt đến giới hạn thì họ sẽ vùng lên và đấu tranh cũng là điều tất yếu.

Đừng bao giờ nghĩ rằng tất cả những người cam chịu, nhẫn nhịn, hiền lành sẽ không bao giờ động đến ai và làm tổn thương bất cứ ai. Họ hiền lành, ít nói, luôn cười đùa và bỏ qua mọi chuyện dễ dàng nhưng họ sẽ không tha thứ cho bất kỳ ai nếu người đó vượt qua giới hạn chịu đựng của họ. Đây là điều hết sức bình thường trong cuộc sống mà chúng ta phải hiểu rõ để biết cách ứng xử sao cho phù hợp trong các mối quan hệ.

Xem thêm: Người xưa nói ‘Chim có tổ người có tông’ là ngụ ý dạy con cháu điều gì?

2. Bài học cuộc sống qua câu tục ngữ “Con giun xéo lắm cũng quằn”

Câu tục ngữ “Con giun xéo lắm cũng quằn” tuy ngắn gọn nhưng để lại nhiều bài học sâu sắc và ý nghĩa, nhắc nhở ta về cách sống và ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, xã hội.

2.1 Làm việc phải có chừng mực vì vạn vật đều có giới hạn

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’ là gì? 2

Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao những người bình thường hiền lành, yếu đuối nhưng khi tức giận sẽ rất đáng sợ không? Bởi vì mọi vật đều có giới hạn riêng của nó. Khi chúng ta cố tình áp bức, ức hiếp và vượt qua giới hạn chịu đựng của một người thì việc họ trở lên mạnh mẽ, cứng rắn hơn là chuyện đương nhiên, thậm chí họ sẽ tàn nhẫn hơn và khiến chúng ta phải nhận hậu quả khôn lường.

Bởi vậy, trong các mối quan hệ chúng ta phải biết ứng xử khôn khéo, làm việc có chừng mực và giới hạn, đừng vượt qua vạch giới hạn đó bởi không biết rằng ta sẽ nhận lại những hậu quả gì. Trước khi làm việc, hãy suy nghĩ thật kỹ và đừng để bản thân phải hối hận vì những gì mình đã gây ra. 

Đừng xem nhẹ và coi thường bất kỳ ai bởi vì “Con giun xéo lắm cũng quằn”, nếu bạn vượt qua giới hạn của họ thì bạn sẽ khiến bạn phải bất ngờ vì một “con người khác” trong họ mà bạn chưa bao giờ được biết.

2.2 Giới hạn chịu đựng ở mỗi người là khác nhau

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’ là gì? 3

Câu tục ngữ “con giun xéo lắm cũng quằn” nhắc nhở chúng ta làm việc phải có chừng mực và giới hạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng giới hạn chịu đựng ở mỗi người là khác nhau để từ đó càng phải cẩn thận hơn với lời nói và hành động của mình.

Bạn đừng nghĩ rằng những trò đùa vui có thể sử dụng với người này thì cũng có thể dùng với người khác. Đôi khi với người này thì đó là sự vui nhộn và hài hước nhưng với người khác lại là sự lố lăng và phiền phức.

2.3 Hiền lành, nhẫn nhịn nhưng không cho phép người khác bắt nạt, ức hiếp

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’ là gì? 4

Ông cha ta có câu một điều nhịn, chín điều lành”. Thật vậy, hiền lành, nhẫn nhịn luôn là đức tính tốt đẹp cần có ở mỗi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là bản thân bạn phải yếu đuối và cam chịu mọi thứ. Nhẫn nhịn quá mức sẽ khiến bản thân trở nên nhu nhược và bị người khác lợi dụng, bắt nạt. 

Chúng ta nên học cách nhẫn nhịn đúng lúc và cứng rắn, mạnh mẽ khi cần. Vì xã hội luôn đầy rẫy những bất công và lòng người luôn khó đoán, nếu ai đối xử tốt với bạn thì hãy đáp lại như vậy, còn những người luôn ức hiếp và làm hại mình thì bạn không cần phải bao dung và nhân nhượng với họ. Chúng ta mạnh mẽ, can đảm là để bảo vệ bản thân và không cho phép người khác khinh thường mình. 

Xem thêm: ‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang’, câu ca dao dạy con người cách ứng xử khéo léo bằng lời nói

3. Thành ngữ, tục ngữ, câu nói tương đồng ý nghĩa “Con giun xéo lắm cũng quằn”

Câu tục ngữ “Con giun xéo lắm cũng quằn” muốn nhắc nhở chúng ta về cách sống có chừng mực, vừa phải. Khi sức chịu đựng của ai đó bị vượt quá giới hạn thì sẽ không còn là chính mình nữa. Trong cuộc sống cũng có rất nhiều câu nói thể hiện ý nghĩa sâu sắc ấy. 

  1. Tức nước vỡ bờ.
  2. Giọt nước tràn ly.
  3. Chó cùng dứt (rứt) giậu.
  4. Già néo đứt dây.
  5. Một vừa hai phải.
  6. Tức nòng súng, súng nổ.
  7. Ép quả thì nước chảy ra.
  8. Cả giận mất khôn.
  9. Ăn có chừng, chơi có độ.
Ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’ là gì? 5
  1. Chịu đựng là điều đầu tiên trẻ nhỏ cần học và cũng là thứ nó sẽ cần biết nhất. - Jean Jacques Rousseau
  2. Như lạc đà không hề uể oải dù vất vả, nóng bức, đói, khát trên sa mạc đầy cát; sức chịu đựng ngoan cường sẽ giúp con người vượt qua mọi hiểm họa. - Akhenaton
  3. Tôi đánh giá sức mạnh của ý chí qua việc nó có thể chịu đựng bao nhiêu đau khổ và dằn vặt và biết cách để biến chúng thành lợi thế. - Friedrich Nietzsche
  4. Tôi chắc chắn một điều này, rằng bạn chỉ phải chịu đựng để chinh phục. Bạn chỉ phải bền bỉ để cứu bản thân và cứu tất cả những ai dựa vào mình. Bạn chỉ phải tiếp tục đi và ở cuối đường, dù đường dài hay ngắn, chiến thắng và vinh dự đang chờ bạn. - Winston Churchill
  5. Trốn tránh không phải là một chuyện dễ dàng. Kể từ giây phút quyết định trốn tránh là bạn đã đánh mất dũng khí tiến về phía trước. Muốn lấy lại dũng khí đó, bạn sẽ phải nỗ lực gấp bội. Chịu đựng áp lực gấp bội và lãng phí thời gian gấp bội. - Khuyết danh
  6. Đường đời, dù có gập ghềnh trắc trở đến mấy cũng phải luôn giữ cho mình một tâm thái lạc quan. Chỉ cần được sống, mọi thứ rồi sẽ qua. Con người phải biết buông bỏ thì mới có được hạnh phúc. Con người phải biết khoan dung thì sống mới nhẹ nhàng. Phải biết chăm sóc bản thân thì mới bớt chút đau khổ. Phải biết chịu đựng áp lực thì mới nâng đỡ được cầu vồng cuộc đời. - Khuyết danh

Xem thêm: 775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam quý giá dạy bạn điều hay, lẽ phải trong cuộc sống

Giống như quả bóng bơm hơi căng quá sẽ nổ, sức chịu đựng của con người luôn có giới hạn. Khi con người bị tác động và vượt qua sức chịu đựng của bản thân thì sẽ biến thành một người khác. Vì vậy mọi hành động, lời nói của chúng ta đều phải có chừng mực để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng sau này. Hy vọng rằng qua bài viết trên bạn sẽ đúc kết được nhiều bài học hay qua câu tục ngữ “con giun xéo lắm cũng quằn”.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận