Tại sao lại nói ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’?

(VOH) - Từ xa xưa, ông bà ta có câu ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’. Vậy bạn đã hiểu câu nói này có nghĩa là gì chưa? Tại sao ông bà ta lại ví von như thế? Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé!

‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’ là câu tục ngữ có từ thời xa xưa mang ý nghĩa nhấn mạnh về việc xây dựng cơ nghiệp không thể thiếu vắng hình bóng của con trâu. Đặc biệt, trong nền nông nghiệp lúa nước xưa, con trâu lại càng gắn bó và gần gũi với đời sống của người nông dân.

1. "Con trâu là đầu cơ nghiệp" nghĩa là gì?

Từ ngàn xưa, hình ảnh con trâu vốn đã vô cùng quen thuộc với đời sống của người dân. Con trâu không chỉ hỗ trợ cho việc đồng áng mà còn mang đến giá trị kinh tế lớn. Vì thế, người xưa hay nói “con trâu là đầu cơ nghiệp” bởi theo người xưa đời người có 3 việc lớn phải trải qua đó là: tậu trâu, cưới vợ là làm nhà.

Tại sao lại nói ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’ ? 1

Trâu giúp người dân làm việc đồng áng dù mưa giông hay nắng gắt

Như vậy, trâu là một loài vật quen thuộc quan trọng nhất đối với người nông dân xưa. Còn “đầu” ở đây có nghĩa là đi đầu, là điều quan trọng cần phải có. “Cơ nghiệp” được hiểu là sự nghiệp, là quá trình tạo dựng tài sản cho cuộc sống. 

Do đó, cả câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” có nghĩa là con trâu là là loài động vật rất quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp, cuộc sống của người dân ngày xưa.

2. Tại sao lại nói "Con trâu là đầu cơ nghiệp"?

Khi nền văn minh lúa nước bắt đầu phát triển từ xa xưa, người nông dân cày cấy lúc này chỉ sử dụng sức người là chính bởi vì chưa có các dụng cụ lao động. Sau đó, con người đã sử dụng trâu để tăng năng suất và hiệu quả công việc.

Bởi vì trâu khỏe nên sẽ gánh vác những việc nặng giúp con người như cày, bừa, làm đất tơi xốp,... mặc cho thời tiết nắng nóng hay mưa giông khắc nghiệt. Bên cạnh đó, người nông dân còn dùng trâu để vận chuyển hàng hóa trong cuộc sống hằng ngày.

Do đó, có một con trâu khỏe thì chuyện đồng áng sẽ rất thuận lợi, mùa màng bội thu. Người xưa ví việc không có trâu cũng giống như đi đánh trận mà không có vũ khí. Nên người nông dân ngày xưa rất coi trọng việc sở hữu trâu, mỗi nhà đều cố gắng sở hữu một con trâu cho riêng mình. 

Bên cạnh đó, con trâu còn gắn liền với người dân vùng biển. Người dân còn có tục lệ dùng trâu để cúng biển trước khi ra khơi để đảm bảo an toàn và bội thu. Bởi vì sừng trâu tượng trưng cho mặt trăng lưỡi liềm, có liên quan với thủy triều.

Tại sao lại nói ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’ ? 2

Con trâu mãi mãi là một kí ức đẹp của người dân Việt Nam

Ngoài ra, đối với quan điểm của người xưa, “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là 3 việc mà một người đàn ông cần phải làm trong đời. Việc tậu trâu xếp trước cưới vợ và xây nhà cho thấy tầm quan trọng to lớn của trâu trong cuộc sống ngày xưa. Chính vì thế, không ngẫu nhiên mà ông bà ta ví von “con trâu là đầu cơ nghiệp”. 

Người đàn ông phải dựa vào trâu để cày cấy, làm ra tiền nuôi sống bản thân, sau đó mới tính đến việc cưới vợ. Sau khi đã có trâu, cưới vợ thì vợ chồng mới cùng nhau kiếm tiền, dành dụm để “làm nhà”. 

Không những giúp người nông dân thuận lợi trong việc đồng áng, con trâu còn giúp khẳng định vị thế của chủ trong xã hội ngày xưa. Bởi vì người xưa luôn quan niệm rằng sự giàu có của một gia đình sẽ dựa vào số lượng trâu mà họ có. Nhà càng nhiều trâu đồng nghĩa với việc gia đình càng giàu.

Xem thêm: ‘Liệu cơm gắp mắm’ – khám phá bài học chi tiêu quan trọng trong cuộc sống

3. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” liệu có còn tồn tại đến ngày nay?

Xã hội ngày nay đang phát triển theo hướng hiện đại, việc sử dụng trâu trong cày cấy không còn phổ biến như xưa. Nền nông nghiệp đã dần được cơ giới hoá,... Nên việc “con trâu là đầu cơ nghiệp” chẳng còn chính xác trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đề cao và coi trọng con trâu trong việc tạo dựng sự nghiệp, câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” còn có một ẩn ý khác đó là lời nhắn nhủ chúng ta nên tập trung vào những vấn đề quan trọng trong công việc làm ăn. Điều này sẽ giúp cho công việc không bị lãng phí quá nhiều thời gian và tiền bạc.

Tại sao lại nói ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’ ? 3
Hình ảnh những "chú trâu" vẫn mãi mãi là một phần ký ức của biết bao nhiêu thế hệ

Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” đã không còn hiện hữu nhiều. Tuy nhiên, trâu mãi mãi là một phần ký ức của biết bao nhiêu thế hệ. Không chỉ là tài sản, là phương tiện hỗ trợ cho sản xuất, trâu còn là bạn của người nông dân.

Xem thêm: Thành ngữ 'Của thiên trả địa" và ý nghĩa về quy luật nhân quả ở đời

4. Một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ gắn liền với hình ảnh con trâu

Ngoài câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, văn học dân gian ngày xưa còn dùng hình ảnh con trâu để đưa vào các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhằm răn dạy con người cũng như thể hiện các kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm.

  1. Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc.
    Ý nghĩa: Nói lên tầm quan trọng của trâu trong nông nghiệp. Nếu không có trâu thì việc đồng áng không đạt hiệu quả cao giống như nhà giàu mà không có thóc gạo. 
  2. Muốn giàu nuôi trâu nái, muốn lụn bại nuôi bồ câu.
    Ý nghĩa: Kinh nghiệm dân gian là muốn làm giàu thì phải nuôi trâu, nhất là trâu nái để vừa cày, vừa đẻ bán trâu giống.
  3. Trâu chết để da, người ta chết để tiếng.
    Ý nghĩa: Giáo dục con người phải biết sống tốt, phấn đấu để lại tiếng thơm cho đời sau.
  4. Trâu buộc ghét trâu ăn.
    Ý nghĩa: Phê phán thói ghen ghét những người tốt hơn mình.
  5. Trâu chậm uống nước đục.
    Ý nghĩa: Giáo dục con người nếu chậm trễ, lề mề sẽ bị thiệt thòi.
  6. Đàn gãy tai trâu.
    Ý nghĩa: Phê phán những người cứng đầu, nói không chịu nghe.
  7. Hùng hục như trâu húc mả.
    Ý nghĩa: Phê phán những hành động bốc đồng, không suy nghĩ, không tính toán sẽ không gặp kết quả tốt.
  8. Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã lắm kẻ cầm dao.
    Ý nghĩa: Phê phán những kẻ cơ hội, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của mình.
  9. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.
    Ý nghĩa: Phản ánh việc những thế lực lớn tranh chấp nhau làm cho dân tình khốn khổ. 
  10. Cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu.
    Ý nghĩa: Để chỉ những loại người tham lam, dân gian dùng hình ảnh cái bụng của chó và trâu.
  11. Nước giữa dòng chê trong, chê đụcVũng trâu đầm hì hục khen ngon.
    Ý nghĩa: Phê bình việc khi có nhiều thì luôn chê bai không chịu nhưng khi túng thiếu thì lại chấp nhận những cái tầm thường.
  12. Trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu.
    Ý nghĩa: Chỉ người con trai phải là người chủ động đi tìm người con gái để ngỏ lời chứ người con gái không nên đi tìm người con trai trước để tán tỉnh.
  13. Cứt trâu để lâu hóa bùn
    Ý nghĩa: Chỉ sự việc để lâu sẽ bị giảm sự nghiêm trọng, sự hiệu quả hoặc thậm chí có thể thay đổi cả bản chất của vấn đề.
  14. Trâu béo kéo trâu gầy.
    Ý nghĩa: Nói về sự tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

“Con trâu là đầu cơ nghiệp” – một câu nói đúc kết kinh nghiệm và cực kỳ chính xác của ông bà ta ngày xưa. Mặc dù hiện nay con trâu đã không còn vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà như ngày trước nhưng hình ảnh con trâu cày bừa ấy sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet