Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu nói 'Học, học nữa, học mãi' của Lenin

VOH - 'Học, học nữa, học mãi' là câu châm ngôn gắn liền với tên tuổi của Lê Nin và nó cũng vô cùng quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Vậy câu nói này mang đến cho chúng ta bài học gì?

V.I. Lê-nin - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đồng thời lãnh đạo Nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Bên cạnh đó, ông còn được người biết đến thông qua châm ngôn “học, học nữa, học mãi”. Vậy câu nói này của Lênin có ý nghĩa như thế nào? 

1. "Học, học nữa, học mãi" có nghĩa là gì?

Đối với mỗi chúng ta, việc học đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết. Học không chỉ giúp chúng ta tiếp thu kiến để phục vụ cho công việc mà nó còn bước đệm để chúng ta có được những thành công trong cuộc sống. Nhà cách mạng Lênin cũng đã có một câu nói về việc học mà các thế hệ ngày sau cần học hỏi, đó là “Học, học nữa, học mãi”.

  • Học: là động từ thúc giục con người bắt đầu học tập, lĩnh hội và tiếp thu kiến thức mới.
  • Học nữa: Mang ngụ ý thúc giục ta tiếp tục học tập để nâng cao tri thức, trí tuệ, năng lực bản thân. Đã học rồi nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục học, học nhiều hơn nữa.
  • Học mãi: Học tập là một công việc không ngừng nghỉ, cũng không giới hạn thời gian. Dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời thì cũng đều không làm ảnh hưởng đến việc học. 
Giải nghĩa câu nói “học học nữa học mãi” của Lê Nin 1
Khái niệm “học” trong “học học nữa học mãi” của Lênin

Như vậy, khái niệm “học” trong “học học nữa học mãi” của Lênin được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nó tùy theo mức độ rộng hẹp trong ý nghĩa của câu nói.

Hiểu theo nghĩa hẹp thì việc học là một hoạt động tiếp nhận và tái hiện lại các tri thức được học của học sinh thông qua sự hướng dẫn và truyền đạt của các thầy cô trong trường. Hoạt động học được xem là một giai đoạn cụ thể gắn liền với cuộc đời của lứa tuổi thiếu niên, gắn liền với một không gian nhất định là nhà trường.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì học là hoạt động diễn ra ở mọi lúc mọi nơi và kéo dài trong suốt cuộc đời của con người. Không phải tự nhiên mà người ta lại gọi cuộc đời là “trường đời”, đây chính là mái trường mà con người phải theo học trong mọi nẻo đường đời và trong mọi lứa tuổi. Đây được xem là ý nghĩa chính của chữ “học” trong câu nói của Lênin.

Vì chính cuộc đời của Lênin đã một minh chứng hoàn hảo nhất cho quan niệm này. Thông qua trường đời Lênin đã học và tiếp nhận được nhiều trí thức sâu rộng. Cũng chính “trường đời” đã giúp Lênin “học làm cách mạng” và trở thành một nhà cách mạng vĩ đại người người tôn vinh. 

Từ đây có thể thấy trí thức của trường đời rất rộng lớn và phong phú. Với trường đời mọi sự kiện, lĩnh vực trong cuộc sống đều là một trang đầy kiến thức và những người xung quanh ta chính là thầy của ta. 

Đây đều là những kiến thức hữu ích mà chúng ta cần phải tìm hiểu và học, cho dù là một việc nhỏ nhặt nhất cũng không thể bỏ qua. Vì đôi khi chính những điều đó sẽ giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống hiện tại.

Xem thêm: Tìm hiểu về ý nghĩa của thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ và bài học gửi gắm phía sau

2. Tại sao chúng ta phải học, học nữa, học mãi?

Hầu hết mỗi người chúng ta ai cũng được căn dặn là phải “học, học nữa, học mãi” thế nhưng có mấy ai hiểu được hết những lợi ích từ việc học. Thực chất trên đời ai cũng phải học, kể cả là tổng thống hay người hành khất thì cũng phải được giáo dục từ nhỏ. Ai cũng phải học lễ phép, đạo đức, học cách cư xử với người thân, gia đình, bạn bè và xã hội.

Giải nghĩa câu nói “học học nữa học mãi” của Lê Nin 2
Thực chất trên đời ai cũng phải học để thành công

Bác Hồ cũng đã dạy chúng ta rằng "Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài làm gì cũng khó". Nếu chúng ta có được một đức tính tốt nhưng lại không có kiến thức cũng không thể làm được việc gì lớn lo xã hội. Nó giống như việc bạn muốn đi nước ngoài làm việc mà không biết tiếng Anh vậy, kết quả sau cùng là chả đạt được điều gì.

Còn với những người có hiểu biết rộng mà không có nhân đức thì cũng không thể nào giúp ích được cho đời, thậm chí có thể “gây họa” cho xã hội nếu người đó mang trong mình một tư tưởng xấu.

Từ xưa đến nay, Nước ta đã có được rất nhiều nhân tài và tấm gương hiếu học đáng được khâm phục. Ngành khoa học kỹ thuật cũng ngày càng phát triển trên đà hiện đại hóa thế giới. Giờ đây con người đã có thể phát minh ra được rất nhiều thiết bị, máy móc tinh vi và khám phá được bí mật của các hiện tượng kỳ lạ.

Với tốc độ phát triển của thời đại như vậy, chúng ta càng phải ra sức trau dồi thêm kiến thức để không bị lạc hậu so với mọi người. Học không chỉ dừng lại ở việc bắt kịp thời đại mà bạn còn có thể vươn lên và đi trước thời đại. Đây chính là lý do vì sao chúng ta phải học, học nữa, học mãi.

Xem thêm: Bài học rút ra từ câu thành ngữ 'Cầm đèn chạy trước ô tô'

3. Làm thế nào để luôn có ý chí học, học nữa, học mãi?

Việc học không tùy thuộc vào tuổi tác, công danh mà nó dựa vào sự cầu tiến, mong muốn được làm giàu kiến thức của bản thân. Và để cho việc học không bị gián đoạn cũng như giữ vững được ý chí học tập bạn cần phải xác định được mục đích học, ước mơ về tương lai,... để ra sức hướng đến mục tiêu đó.

Giải nghĩa câu nói “học học nữa học mãi” của Lê Nin 3
 Xác định được mục đích học, ước mơ tương lai,... 

Học không chỉ đơn giản là giúp ích cho xã hội mà nó giúp ích rất nhiều cho bản thân. Nó giúp chúng ta làm việc, giúp chúng ta kiếm sống và giúp chúng ta thành công. Khi đã xác định được mục đích của việc học thì bằng mọi giá chúng ta cũng phải thành công cho dù có thất bại thì cũng không được bỏ cuộc.

Làm bất cứ một việc gì cũng cần phải có đam mê, nghị lực và quyết tâm thành công thì mới có thể làm nên việc lớn. Hãy học lý thuyết và học luôn cả thực hành, áp dụng chúng song song với nhau để mục đích học tập của mình có hiệu quả tốt nhất.

Xem thêm: Câu thành ngữ 'ăn vóc học hay' của ông cha khuyên nhủ ta điều gì?

4. Lời khuyên được rút ra từ câu nói “học, học nữa, học mãi”

Từ những phân tích trên chúng ta có thể thấy được lời khuyên của nhà cách mạng Lê-nin “học, học nữa, học mãi” mang ý nghĩa rất sâu xa. Nó nhằm khuyên nhủ mọi người phải chăm chỉ học hỏi, học mãi và học cả đời. Bản thân mỗi người cần phải có sự cố gắng để xây dựng một đất nước vững mạnh với nền kinh tế phát triển.

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ngày 15-9-1945.

Như vậy chúng ta đã tìm hiểu về ý nghĩa của câu “học, học nữa, học mãi”. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về câu nói này và có thêm ý chí trong việc học của mình, từ đó gặt hái được thật nhiều kiến thức trên con đường học tập của mình.

Sưu tầm
Nguồn ảnh internet