Khi giải thích thành ngữ “Kẻ tám lạng người nửa cân” là gì, bên cạnh ý nghĩa mọi người luôn có một thắc mắc tại sao 8 lạng lại bằng 0,5kg? Trong bài viết này, VOH sẽ cùng bạn đi tìm lời giải đáp để hiểu được dụng ý của người xưa cũng như thấy được sự phong phú đa dạng và thú vị của kho tàng tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.
“Kẻ tám lạng người nửa cân” là gì?
Cùng với tục ngữ và ca dao, từ xưa thành ngữ đã được chúng ta sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như trong văn học. Thành ngữ thường ngắn gọn, hàm súc, có tình hình tượng, biểu cảm nhưng đa phần chúng ta không thể đơn giản dựa vào các từ tạo nên nó để giải thích. Đây có lẽ cũng là điểm thú vị của việc tìm hiểu ý nghĩa của các câu thành ngữ.
Với thành ngữ “Kẻ tám lạng người nửa cân”, chúng ta có thể thấy câu nói này thường xuất hiện trong những cuộc thi đấu, cuộc đọ sức giữa hai đối thủ, hai phe.
Người ta dùng nó để so sánh, nhận xét mức độ tương đương lực lượng hoặc hoặc mức độ tương đương của một sự việc, hành động, tính chất nào đó của hai bên. Trong đó, hai bên đều tương đồng, như nhau hoặc bằng nhau, hòa nhau, không ai kém ai.
Ví như trong một trận đá bóng, hai đội đều ngang sức ngang tài, người ta có thể gọi đây là cuộc chiến giữa “Kẻ tám lạng người nửa cân”. Lại như giữa hai cô gái có nhan sắc xinh đẹp, mỗi người một vẻ, “bất phân thắng bại” người ta cũng có thể dùng câu thành ngữ “Kẻ tám lạng người nửa cân” để ví von, so sánh.
Trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, ngoài “Kẻ tám lạng người nửa cân”, người xưa cũng có rất nhiều cách nói thể hiện sự cân bằng, tương đương giữa hai đối tượng, cụ thể như:
- Một chín một mười: chỉ sự tương đương, xấp xỉ, hơn kém nhau không đáng kể.
- Bên thừng bên chão: đối thủ cân sức, tương đương với nhau, cùng ngoan cố như nhau.
- Đồng cân đồng lạng (Cân tài cân sức): ngang nhau, cân sức với nhau; chi li.
- Cá đối bằng đầu: ngang bằng nhau, không phân biệt trên dưới.
- Trứng gà trứng vịt: suýt soát ngang bằng nhau.
- Bằng vai phải lứa: chỉ những người ngang hoặc xấp xỉ tuổi nhau; quan hệ bình đẳng không phân biệt trên dưới.
- Bất phân thắng bại: Ngang tài ngang sức, không phân biệt được thắng thua.
Tại sao tám lạng bằng nửa cân?
Hầu hết mọi người đều có thể giải thích và hiểu “Kẻ tám lạng người nửa cân” có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, không phải ai cũng lý giải được tại sao trong câu thành ngữ này vì sao tám lạng (8 lạng) lại bằng nửa cân (0,5 kilôgam - 0,5kg).
Trên thực tế, “cân” và “lạng” được người xưa dùng ở đây không phải là “cân tây” (1 cân là 1 kilôgam) và “lạng tây” (1 lạng là 100 gam) theo hệ thống đo lường quốc tế mà chúng ta sử dụng ngày nay. “Cân” và “lạng” trong thành ngữ “Kẻ tám lạng người nửa cân” được áp dụng theo một loại cân cũ của ta, thường được dùng để cân đo kim loại quý hay các vị thuốc bắc.
Theo cân ta, 1 cân bằng 16 lạng (tương đương 605 gam hay 0,605 kilôgam); 1 lạng bằng 1/16 cân (tương đương 37,8 gam). Như vậy, nếu cân bằng cân ta thì nửa cân chính là tám lạng, tám lạng chính là nửa cân.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ và cách sử dụng trong cuộc sống
Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Đẽo cày giữa đường” ngụ ý điều gì?
Bài học từ thành ngữ “Kẻ tám lạng người nửa cân”
Thông thường, thành ngữ không nêu lên nhận xét, kinh nghiệm sống, bài học hay sự phê phán nào cả. Cho nên tùy vào hoàn cảnh sử dụng mà chúng có thể mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực.
Ví dụ, với “Kẻ tám lạng người nửa cân”, nếu dùng để chỉ sự ngang tài ngang sức giữa hai đối thủ thì mang ý nghĩa tốt, khuyến khích phấn đấu, cạnh tranh lành mạnh. Còn nếu dùng để chỉ những thói hư tật xấu như lười biếng, toan tính… thì nghĩa của câu thành ngữ này sẽ chuyển thành phê phán, cảnh báo.
Vậy, thông qua lời đúc kết của người xưa, chúng ta có thể học được điều gì?
Nhận thức được vị trí, khả năng của bản thân
Đánh giá bản thân là một kỹ năng quan trọng, cần thiết với cả công việc và cuộc sống. Khi bạn phát hiện được những kỹ năng, tố chất, năng lực… của bản thân, bạn có thể phát huy điểm mạnh đồng thời nỗ lực rèn luyện để khắc phục điểm yếu.
Tự hoàn thiện, nâng cao bản thân là cách giúp chúng ta có được điều mà mình mong muốn. Việc nhận thức được giá trị, khả năng, vị trí của mình cũng giúp ích rất nhiều cho công việc, cho các mối quan hệ cũng như tạo nên sự tự tin cho mỗi người.
Công nhận, tôn trọng khả năng của người khác
Bên cạnh việc nhận thức khả năng của bản thân chúng ta cũng cần phải học được cách đánh giá, công nhận năng lực của đối thủ hay người khác. Không nên có thái độ kiêu ngạo, chủ quan, coi thường, phải biết khiêm tốn, học hỏi. Như người xưa đã từng dạy, phải “biết người biết ta”.
“Kẻ tám lạng người nửa cân” là gì, hy vọng phần giải thích trên đã giúp bạn hiểu được ý nghĩa của câu thành ngữ này. Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị và bổ ích nhé!