Từ bao đời nay, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, cha ông ta đã để lại cho con cháu một kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ đồ sộ dạy các thế hệ trẻ cách làm người. Những bài học quý giá ấy được đúc kết từ kinh nghiệm sống thực tế của người, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn. Câu “Nước chảy chỗ trũng” cũng là một câu thành ngữ như vậy.
1. “Nước chảy chỗ trũng” là gì?
Câu thành ngữ “Nước chảy chỗ trũng” thể hiện rõ quy luật của tự nhiên. Nước là chất lỏng, chịu tác động của lực hấp dẫn từ Trái Đất, nó sẽ chảy từ nơi cao xuống nơi thấp. Do đó, những chỗ thấp, vùng trũng, nước sẽ tích tụ ngày càng nhiều. Trên bề mặt Trái Đất có những nơi bị lõm xuống do quá trình kiến tạo của địa hình hoặc chịu sự tác động của con người gọi là “chỗ trũng”.
Câu thành ngữ này nếu hiểu theo nghĩa đen thì “nước chảy chỗ trũng” chính là một quy luật tất yếu của tự nhiên, không có gì làm lạ. Thế nhưng, khi xét về mặt nghĩa bóng trong câu thành ngữ này có thể hiểu rằng, những người giàu được ví như “chỗ trũng”. Tức là họ càng ngày sẽ càng giàu có, bởi bao nhiêu của cải, vật chất sẽ đều “chảy” vào trong túi của họ.
Ngoài ra, câu thành ngữ còn mang một ý nghĩa khác là sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội. Những người đã giàu có lại hay được lộc, được biếu xén, khiến cho người giàu thì lại càng giàu, còn người nghèo thì vẫn cứ mãi nghèo.
Xem thêm: Lời dạy tiền nhân "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" khuyên con cháu nên học tập điều gì?
2. Câu chuyện xưa cùng tên và bài học sâu sắc đúc kết từ câu thành ngữ “Nước chảy chỗ trũng”
Khi nhắc đến câu thành ngữ “Nước chảy chỗ trũng”, đã có một câu chuyện xưa như sau:
Ngày xưa, ở lò giời đã xảy ra một vụ kiện giữa thần nước và thần mây. Thần nước đã tâu rằng: “Thần mây không công bằng, thần mây đã khiến hạ giới chỗ thì nắng, chỗ thì râm vì đã che mất nắng của lò giời.”
Nghe xong, lò giời bèn cho gọi thần mây lại quở trách: “Sao thần mây lại thiếu công bằng như thế, sao lại che lấp nắng của hạ giới?” Thần mây liền phân trần: “Thần cũng không có cách nào khác vì gió thổi mạnh thì bay nhanh, thổi nhẹ thì bay chậm. Không những thế, thần nước còn cưỡi lên thần, che lấp đi nắng của hạ giới. Sao bây giờ lại quay qua kiện thần!”
Khi hiểu ra mọi chuyện, lò giời giải thích: “Chẳng qua điều thần nước muốn ở đây là sự công bằng. Thần mưa muốn hạ giới nơi nào cũng có nắng và nơi nào cũng có nước.” Thần mây tức giận trả lời: “Muốn công bằng, cứ thử xem!”
Thế rồi thần mây sà xuống giúp thần nước tích tụ lại, nước rơi xuống hạ giới khi nặng dần. Thần nước vui vẻ chảy tràn khắp mọi nơi, từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Thần cố lấp những nơi thiếu nước với mong muốn mặt đất nơi nào cũng có nước. Tuy nhiên, nước cứ từ chỗ cao chảy dài xuống chỗ trũng, còn nơi cao thì cần nước nhưng chảy thấy đâu, lúc nào cũng khô ráo.
Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng chỗ trũng luôn có nước hoặc nhiều nước, chỗ cao thì thiếu nước, thậm chí là không có nước. Thế mà, nước cứ chảy về chỗ trũng. Mặc dù thần nước muốn tìm kiếm sự công bằng cho hạ giới nhưng thần là chất lỏng nên phải tuân theo quy luật của tự nhiên mà chảy về chỗ trũng. Điều đó càng làm cho hạ giới mất sự cân bằng.
Khi ứng dụng câu thành ngữ “Nước chảy chỗ trũng” vào cuộc sống, ta lại càng thấm thía về sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội ngày nay. Những người giàu có thường hay gặp nhiều may mắn, được lợi lộc. Người nghèo thì mãi cứ loay hoay với những lo toan, bộn bề của cuộc sống mà vẫn không khấm khá lên được, chữ “nghèo” cứ đeo bám mãi. Như thế đâu có công bằng.
Xem thêm: Lối suy nghĩ ‘Cháu bà nội tội bà ngoại’ có còn phổ biến ở gia đình Việt hiện đại?
3. “Nước chảy chỗ trũng” và một ý nghĩa hoàn toàn khác
Thông thường, chúng ta hay hiểu câu thành ngữ “nước chảy chỗ trũng” theo mặt tiêu cực, tức là những người đã giàu lại còn gặp nhiều may mắn, giàu càng thêm giàu. Thế nhưng, xét trong một ngữ cảnh khác, câu thành ngữ “nước chảy chỗ trũng” lại mang một ý nghĩa khá tích cực.
Dân gian có câu nói “nước chảy chỗ trũng, người tìm chỗ cao”. Đây là một cách nói ví von thể hiện bản thân chúng ta muốn trở thành người như thế nào thì hãy chơi với người như thế ấy. Nếu ta muốn trở nên thông minh, tài giỏi hay giàu có thì ta kết giao với người hội tụ những yếu tố ấy. Hãy chọn bạn mà chơi.
Cổ nhân đã từng dạy, ở đời may mắn nhất của mỗi người là gặp được người thầy tốt khi đi học, gặp sư phụ giỏi khi đi làm và tìm được một người phù hợp làm vợ/chồng. Chỉ khi tiếp xúc nhiều, chúng ta sẽ học được những điều tốt đẹp từ họ. Khi ở cùng người siêng năng, ta sẽ chẳng bao giờ lười biếng. Bên cạnh người suy nghĩ tích cực, ta sẽ luôn mỉm cười.
Thái độ chính là chìa khóa quyết định tương lai, còn tính cách quyết định cho vận của bạn. Do đó, hãy tránh xa những điều tiêu cực để bản thân không bị tước đoạt năng lượng sống tích cực. Hãy rời xa bóng tối, tìm đến nơi có ánh sáng mặt trời, thay đổi hành động và suy nghĩ để vươn lên, để trở thành “chỗ trũng” phì nhiêu.
Một cách lý giải khác của câu thành ngữ "nước chảy chỗ trũng" liên quan đến đức tính khiêm tốn để học hỏi như sau: Nước trong thành ngữ mang ý nghĩa là kiến thức, kinh nghiệm. Người muốn học hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thì cần hạ thấp bản thân xuống, cần khiêm tốn như chỗ thấp, chỗ trũng để nước (kiến thức, kinh nghiệm) từ trên cao có thể chảy về. Tuy nhiên cách hiểu này không phổ biến lắm.
Xem thêm: Bài học rút ra từ câu thành ngữ 'Cầm đèn chạy trước ô tô'
4. Những câu tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa với câu “Nước chảy chỗ trũng”
Ngoài câu thành ngữ “Nước chảy chỗ trũng” thì trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc còn rất nhiều câu có ý nghĩa đề cập đến sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội, sự may mắn và lợi lộc mà người giàu có được. Dưới đây là một số câu thành ngữ tiêu biểu:
- Của cải vào cả nhà giàu
- Đồng tiền đi trước, mực nước theo sau
- Ai giàu ba họ, ai khó ba đời
- Miệng nhà giàu nói đâu ra đấy
- Ăn sung mặc sướng
- Nhà cao cửa rộng
- Giấu giàu không ai giấu được nghèo
- Tội gì bằng tội nghèo
- Giàu chiều hôm, khó sớm mai
- Nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn
Như vậy, những ý nghĩa sâu xa ẩn giấu đằng sau câu thành ngữ “Nước chảy chỗ trũng” đã giúp chúng ta - thế hệ trẻ biết phấn đấu hơn cho tương lai, để trở thành một người tài năng, giàu có đáng tự hào của người thân và bạn bè. Đồng thời, chúng ta hãy biết san sẻ “chỗ trũng” ấy với người có những hoàn cảnh khó khăn hơn để họ có thêm động lực phấn đấu cho tương lai của bản thân, còn riêng chúng ta có thêm niềm vui khi làm được nhiều việc tốt. Bởi:
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet