Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Phép vua thua lệ làng’ nói về điều gì?

(VOH) – Là một trong những câu nói của người xưa để lại, “phép vua thua lệ làng” ẩn chứa những luật lệ và cả những điều sâu xa trong cuộc sống. Vậy “phép vua thua lệ làng” có ý nghĩa gì?

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, chứa đựng không ít những câu ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ có sự mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn “không thầy đố mày làm nên” và “học thầy không tày học bạn”. Hơn thế, còn có những mâu thuẫn nằm ngay trong cùng một câu, điển hình như “phép vua thua lệ làng”. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu ý nghĩa của câu “phép vua thua lệ làng” cũng như những ẩn ý đằng sau câu nói ấy.

1. Phép vua thua lệ làng là gì?

Chỉ cần nghe qua là ta có thể đoán được, câu ‘phép vua thua lệ làng’ đã có từ thời xa xưa và ý nghĩa của nó có liên quan tới luật lệ, trật tự an toàn. Tuy nhiên ẩn ý sâu xa đằng sau câu nói này là gì thì không phải ai cũng biết.

phep-vua-thua-le-lang-voh-1

Trước hết cần phải hiểu “phép vua” và “lệ làng” là gì? Phép vua (luật nước) được hiểu là những duy định, luật lệ của nhà vua, là điều luật mang tính hành chính được ban ra trong phạm vi cả nước bởi bộ máy cai trị phong kiến. Lệ làng (hương ước, khoán ước) là điều lệ, quy củ do người dân hoặc đại diện chính quyền như trưởng làng đưa ra và yêu cầu người dân trong làng phải nghe theo. Lệ làng thường nặng về phong tục địa phương và chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp trong một làng.

Câu tục ngữ gói ghém trong 5 chữ gồm hai vế “phép vua” và ‘lệ làng” được liên kết với nhau bởi chữ “thua”, tạo nên một phép so sánh khập khiễng, không ngang bằng. Đồng thời nó cũng cho thấy sự mâu thuẫn bởi một quy định mang tính phổ quát chung lại phải “chào thua” những phong tục trong một cộng đồng nhỏ bé. Thế nhưng, qua mâu thuẫn này, người xưa cũng ngầm muốn khẳng định sự quý giá của những phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương. 

2. Phép vua thua lệ làng nói đến yếu tố nào?

Việt Nam ta vốn là một đất nước vô cùng tôn trọng những nét đẹp truyền thống, những văn hóa dân gian thuở xưa. Bởi vậy những quy định đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác tại các làng, xã vẫn luôn được giữ gìn và tồn tại cho tới ngày nay. Mỗi ngôi làng đều có những phong tục truyền thống riêng tạo nên niềm tự hào sâu sắc.

Mặc dù mỗi thời mỗi khác, thế nhưng phép vua chính là đại diện cho luật pháp, là điều luật có giá trị bao quát đời sống của toàn bộ người dân trong nước. Trong khi lệ làng là những phong tục văn hóa cổ truyền có từ lâu đời, chỉ giới hạn trong phạm nhỏ hẹp. Và cho dù là luật nước hay lệ làng, thì câu nói này cũng đều mang hàm ý ám chỉ tính kỷ luật.

phep-vua-thua-le-lang-voh-2

Tính kỷ luật là điều được hình thành ngay từ khi còn nhỏ, và dần dần được trau dồi qua năm tháng. Do đó, những người đã sống trong quy định của làng xóm từ nhỏ thì sẽ bị chúng ảnh hưởng, sẽ tuân thủ theo luật làng thay vì quy định chung của xã hội. Bởi với họ đó mới là điều đúng, là kỷ luật mà họ cũng như toàn bộ dân làng đều tuân theo.

Trên thực tế trong xã hội phong kiến xưa, những ngôi làng thuộc vùng sâu vùng xa, hoặc nằm trong khu vực nằm ngoài quyền kiểm soát của hệ thống quan lại, thì luật làng mới là điều luật tối cao. Bởi ở đó, người dân sống theo làng xã hơn là sống theo một đất nước. Họ gắn bó bên nhau mật thiết và họ tạo ra những quy tắc nhằm bảo vệ cuộc sống tốt đẹp mà học có. Nên đôi khi, “phép vua” được ban ra cũng dễ bị hóa giải sau lũy tre làng. 

Xem thêm: 
Phân tích câu'Quân pháp bất vị thân' trong đời sống xưa và nay
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Đất có lề, quê có thói'
Thành ngữ 'Của thiên trả địa" và ý nghĩa về quy luật nhân quả

3. Phép vua có thật sự thua lệ làng không?

Nhiều người khi đọc câu “phép vua thua lệ làng” thường sẽ nghĩ rằng điều đó thật phi lý, và tự đặt ra câu hỏi liệu “phép vua” có thật sự thua “lệ làng”? 

Thật ra, luật nước và lệ làng trong xã hội phong kiến có tác dụng hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Từ thời Hồng Đức, pháp luật đã có quy định “lệ làng’ phải do những người có địa vị, chức quan trong làng soạn, sau đó trình lên quan địa phương duyệt. 

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có viết: “Khoán ước định xong, dân làng ký kết, có nơi đem trình quan xin chữ phê để làm luật nhất định cho làng” và “trong khoán ước có thưởng, có phạt, trừ các việc lớn đã có phép của nhà nước, còn việc nhỏ trong dân thôn thi hành lẫn nhau” Như vậy, có thể nói như cách nói ngày nay thì lệ làng là những “văn bản dưới luật” và vẫn chịu sự giám sát của nhà nước.

phep-vua-thua-le-lang-voh-3

Trước đây, một số “điều ước” của lệ làng như: lệ khao vọng, hương ẩm, phạt vạ, lệ cưới cheo… trong điều luật của “phép vua” không đề cập đến hoặc chỉ nói chung chung, lâu dần chúng trở những hủ tục rất nặng nề, phiền hà.

Ngày nay chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tiên tiến hơn, Nhà nước ta luôn hướng đến việc phát triển toàn dân và xóa bỏ những vấn nạn, hủ tục đã không còn phù hợp với thời đại.

Đồng thời chúng ta cũng không quên việc duy trì và bảo tồn những phong tục, văn hóa lâu đời trong dân gian, ví dụ như lễ hội, lễ cúng viếng... Tuy nhiên, không phải “lệ làng” nào cũng cần được bảo tồn và phát triển. Có những “lệ làng” lạc hậu và không còn phù hợp với xã hội hiện đại như: bắt vợ, cúng ốm đau, tảo hôn và hôn nhân cận huyết… cần được loại bỏ để xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Mỗi một làng quê Việt Nam đều mang nét đẹp truyền thống riêng biệt, nhưng trong xã hội ngày nay thì không phải quan niệm xưa nào cũng phù hợp. Có những nét đẹp nên được gìn giữ, nhưng cũng có những quan niệm cần phải được xóa bỏ để tránh gây ảnh hưởng tới trật tự chung của xã hội.

Dù thời gian có phủ bụi hay xóa nhòa những ký ức xưa cũ, thì những nét đẹp văn hóa và truyền thống lâu đời của dân tộc ta vẫn luôn được gìn giữ và phát triển. Câu tục ngữ ‘Phép vua thua lệ làng’, chính là lời khẳng định sự bền vững của giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh, phê phán những hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ. Có như vậy đất nước ta mới ngày càng giàu mạnh và phát triển ngang tầm quốc tế.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)