Người đời khi đến tuổi 70 thường nghĩ tới câu “Thất thập cổ lai hy”. Vậy câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây.
“Thất thập cổ lai hy” nghĩa là gì?
“Thất thập cổ lai hy” là câu nói được nhiều người sử dụng và dường như đã trở thành câu thành ngữ phổ biến trong dân gian. Theo đó, người Việt thường dịch và hiểu ý nghĩa câu nói này là: Người sống đến bảy mươi xưa nay hiếm.
Xuất xứ câu nói “Thất thập cổ lai hy”
Văn hóa Phương Đông lý giải câu nói “Thất thập cổ lai hy” với ý nghĩa: Sống trên đời đến bảy mươi xưa nay hiếm. Hay cụ Tản Đà đã dịch câu này như sau: “Sống bảy mươi năm đã mấy người?”.
Thế nhưng thực tế, “thất thập cổ lai hy” là câu thơ cổ được trích từ một bài thơ có tên Khúc Giang Nhị Thủ - Kỳ Nhị của Đại thi hào Đỗ Phủ và ý nghĩa của câu thơ hoàn toàn khác so với cách hiểu phổ biến trong dân gian.
Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hi.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương thưởng mạc tương vy.
(Khúc Giang Nhị Thủ - Kỳ Nhị của Đại thi hào Đỗ Phủ)
Đây là một đoản khúc tự bạch lừng danh về thú mê rượu chè của nhà thơ Đỗ Phủ. Trong bài thơ này có hai câu: “Tửu trái tầm thường hà hữu xứ/Nhân sinh thất thập cổ lai hy” như một cách tự bào chữa của nhà thơ, vì vào thời ấy ít ai sống được tới đến 70, nên ta cứ say sưa thoải mái.
Ý nghĩa của cả bài thơ như một sự ngông thường thấy của một nhà thơ, Đỗ Phủ mê rượu. Trong cơn thăng hoa của rượu, của sông nước và phong cảnh hữu tình hoa thơm bướm lượn, ông đã viết ra những lời như tự bạch, tự bào chữa rằng, đời người có mấy ai sống được hết tuổi bảy mươi đâu nên phải tranh thủ vui đi, chớ có hành xử trái với đời.
"Thất thập cổ lai hy" và sự tiếp biến ngôn ngữ văn hóa
Ban đầu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy” cũng chỉ là câu chuyện bên bàn trà, mâm rượu của những người gọi là “trí thức” trong xã hội xưa. Thế nhưng, trải qua nhiều năm tháng truyền khẩu vào dân gian, nó đã trở thành một chân lý, lẽ sống ở đời. Đến mức, những người không biết chữ khi xưa cũng đều coi “tuổi bảy mươi xưa nay hiếm” là một điều hiển nhiên.
Trong mắt người xưa, những người sống qua 70 năm cuộc đời là những người đã trải qua đủ “hỷ nộ ái ố”, đã biết lẽ nhân sinh và thấu hiểu vận trời cơ nước. Thế nên, cần phải được kính trọng nâng niu. Thậm chí, dân gian còn lưu truyền: “Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”, để thể hiện sự kính trọng những người cao tuổi.
Ngày nay, tuổi 70 có thể không còn được gọi là tuổi hiếm, bởi có rất nhiều người đã sống qua độ tuổi thất tuần. Tuy nhiên, người xưa cho rằng, con người bước qua tuổi 70 là đã bước vào tuổi Thọ, dù chỉ mới là Tiểu Thọ (tám mươi tuổi gọi là Trung Thọ, chín mươi tuổi gọi là Thượng Thọ và một trăm tuổi gọi là Bách Niên Giai Lão).
Thật ra, một người sống giáp được một vòng 60 năm sẽ trở lại chu kỳ mới gọi là Đáo Tuế. Vào thời xưa, Đáo Tuế được coi là lão làng, đã được lên hàng kỳ lão và có thể ngồi vào hội đồng kỳ mục để chăm lo việc làng.
Theo Dịch lý, số 7 cũng là số lớn nhất trong 4 quẻ dương (1,3, 5, 7) nên được gọi là lão dương, vì thế 70 tuổi được coi là tuổi lão, tuổi thọ. Và đây cũng là lý do vì sao 70 được coi là cái cột mốc trọng đại của một đời người.
Sự nhầm lẫn giữa “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” và “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”
“Nhân sinh thất thập cổ lai hy” và “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” là hai câu thơ cổ, đều nói về tuổi bảy mươi, nhưng hai câu lại nói đến hai khía cạnh khác nhau hoàn toàn.
Được biết, “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” được trích từ bài Khúc Giang Nhị Thủ - Kỳ Nhị của Đỗ Phủ, còn câu “Thất thập nhị tòng tâm sở dục bất du củ” được trích từ sách Luận Ngữ do Khổng Tử và những đệ tử của mình biên soạn.
Trong đó, “thất thập” của Đỗ Phủ là lời than thở tuổi già 70 rất hiếm, vì vậy hãy tận hưởng vui thú với đời, chớ hoài phí - “thất thập” của Khổng Tử lại là bài học nhân sinh, chỉ cách sống thọ theo lòng mong muốn, không vượt quá quy tắc và khuôn khổ đạo lý.
So với “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” thì “thất thập cổ lai hy” phổ biến hơn. Song, cũng cần hiểu rõ “thất thập cổ lai hy” không phải lời Khổng Tử, cho nên khi muốn sử dụng những câu nói, câu thơ cổ cần phải tìm hiểu kỹ càng để tránh “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Đừng quên theo dõi voh.com.vn - mục Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.