Phụ nữ từ xưa đến nay vẫn luôn là biểu tượng của cái đẹp. Dân gian có nhiều câu nói để ám chỉ vẻ đẹp của người phụ nữ, một trong những câu nói vô cùng nổi tiếng phải kế đến chính là vẻ đẹp “Nghiêng nước nghiêng thành” mà VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
“Nghiêng nước nghiêng thành” là gì?
“Nghiêng nước nghiêng thành” hay “nghiêng thành đổ nước” là một câu thành ngữ được người Việt sử dụng khá nhiều. Câu thành ngữ thường được dùng để chỉ về sắc đẹp phi thường của người phụ nữ.
Trong bài hát của Lý Diên Niên, đời nhà Hán, khi ca ngợi sắc đẹp của mỹ nhân có câu: “Nhất cố khuynh nhân thành/Tái cố khuynh nhân quốc”. Nghĩa là: Quay lại nhìn một lần thì làm nghiêng thành người/Quay lại nhìn lần nữa thì làm nghiêng nước người.
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du cũng có câu rằng: “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”
Về sau, dân gian thường dùng chữ “nghiêng nước”, “nghiêng thành” để nói về vẻ đẹp tuyệt sắc của người phụ nữ.
Đồng nghĩa với “Nghiêng nước nghiêng thành” có thể kể đến là “Đổ quán xiêu đình” và “Khuynh thành khuynh quốc".
Nguồn gốc thành ngữ “Nghiêng nước nghiêng thành”
“Nghiêng nước nghiêng thành” là một thành ngữ gốc Hán. Câu thành ngữ có nguồn gốc từ “傾城傾國 - Khuynh thành khuynh quốc”, xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Hán Thư viết về Hiếu Vũ Lý hoàng hậu (thường gọi là Lý phu nhân).
Theo Hán Thư, Lý phu nhân là người ở tỉnh Hà Bắc. Bà có tất cả 3 người anh em trai và có ít nhất một chị gái. Trong đó, anh thứ Lý Diên Niên là người đã có công đưa bà vào cung làm Phu nhân. Và bà cũng là vị phi tần duy nhất chưa từng làm Hoàng hậu, nhưng vẫn được truy phong thụy hiệu Hoàng hậu trong lịch sử nhà Hán.
Ghi chép rằng, năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 TCN), Lý Diên Niên vì phạm tội nên bị đưa vào cung nuôi chó. Sau đó, vì ông am hiểu âm luật nên được Hán Vũ Đế ngày càng xem trọng.
Một ngày nọ, khi hầu hát cho Hán Vũ Đế, Lý Diên Hiên bèn hát một khúc như sau:
“Phương Bắc có mỹ nhân,
Vẻ đẹp tuyệt thế không ai sánh bằng.
Một cái nhìn làm ngả nghiêng thành quách,
Nhìn lại lần nữa làm đất nước suy vong.
Thà là không biết cái đẹp khuynh thành khuynh quốc,
Người đẹp như vậy khó lòng gặp đến hai lần.”
Từ đó về sau, từ “Khuynh thành khuynh quốc” trở thành điển cố để hình dung người đẹp.
Những vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” nổi tiếng Trung Quốc
Khi nhắc đến những mỹ nhân đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” nổi tiếng thì không thể không nhắc đến Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc, đó là: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi.
Sắc đẹp của họ được mô tả qua 4 cụm ngữ tu từ nổi tiếng dùng để tả về mỹ nhân, theo thứ tự là:
- 西施沉魚 (Tây Thi trầm ngư): Vẻ đẹp của Tây Thi khiến cá phải chìm sâu dưới nước.
- 昭君落雁 (Chiêu Quân lạc nhạn): Vẻ đẹp của Chiêu Quân khiến cho chim nhạn trên cao phải sa xuống đất ngắm nhìn.
- 貂嬋閉月 (Điêu Thuyền bế nguyệt): Vẻ đẹp của Điêu Thuyền khiến mặt trăng phải giấu mình đi.
- 貴妃羞花 (Quý Phi tu hoa): Vẻ đẹp của Dương Quý Phi khiến hoa phải xấu hổ.
Họ là những mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc bởi vẻ đẹp và sự ảnh hưởng đến các vị hoàng đế, cùng những tác động đối với lịch sử Trung Hoa.
Người đầu tiên là Tây Thi, nàng sống ở thời Xuân Thu. Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người khác say mê.
Nàng gặp gỡ và yêu Phạm Lãi (một đại thần nước Việt). Khi nước Việt bị Ngô vương Phù Sai đánh bại, nàng được chọn là một trong các mỹ nhân tiến cho Ngô vương.
Ngô vương say đắm vẻ đẹp của Tây Thi, không màng chính sự, quên đi bổn phận làm vua dù được khuyên can, dẫn đến kết cục nước Ngô bị diệt vong.
Người thứ hai là Vương Chiêu Quân, sống thời nhà Tây Hán. Nàng nhập cung làm Giai nhân tử nhưng Hán Nguyên Đế thời điểm ấy không hề hay biết.
Sau đó, trong một lần Hung Nô đến cầu thân, nàng đã tự đề cử mình đi Hung Nô. Khi Hán Vũ Đến nhìn thấy Vương Chiêu Quân liền sửng sốt trước vẻ đẹp của nàng, nhưng lại không thể thu hồi thánh mệnh nên đành để nàng xuất giá đi Hung Nô trong sự luyến tiếc.
Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một mỹ nhân hòa bình, sự quên mình của nàng đã mang lại hòa bình giữa hai nhà Hán và Hung Nô trong 60 năm.
Người thứ ba là Điêu Thuyền, nàng sống ở thời Tam Quốc. Khi triều Đông Hán suy thoái do sự chuyên quyền của Đổng Trác. Nàng đã cùng cha nuôi - Tư đồ Vương Doãn - dùng “liên hoàn kế” để khiến Đổng Trác và người con nuôi là Lữ bố đều si mê. Cuối cùng, vì tranh giành Điêu Thuyền mà Lữ Bố đã giết chết Đổng Trác.
Mỹ nhân cuối cùng trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc chính là Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn), nàng sống ở thời nhà Đường. Khi đến tuổi cập kê, Dương Ngọc Hoàn nổi tiếng vì sắc đẹp tuyệt trần, nàng được gả cho Thọ vương Lý Mạo, con trai Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.
Trong một lần nhìn thấy dung mạo của Dương Ngọc Hoàn, Đường Huyền Tông liền say mê, quyết đoạt nàng từ tay con trai đưa vào cung. Không lâu sau đó, Dương thị được phong làm quý phi.
Khi Loạn An Sử nổ ra, nàng đã bị sát trong lúc cùng Đường Huyền Tông rời khỏi thành Trường An.
Có thể thấy, cả 4 mỹ nhân có vẻ đẹp gọi là “nghiêng nước nghiêng thành” trên đều có những kết thúc không có hậu, hoặc vẫn còn là bí ẩn. Do đó, dân gian hay ví những người đẹp “Nghiêng nước nghiêng thành” đều là “Hồng nhan bạc mệnh”.
Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam xưa và nay
Người Việt Nam từ xưa đến nay cũng có không ít những mỹ nhân sở hữu nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, thế nhưng, quan trọng hơn cả vẻ đẹp bên ngoài chính là nét đẹp bên trong.
Phụ nữ thời xưa, quan niệm về cái đẹp sẽ gắn liền với “công, dung, ngôn, hạnh”. Quan điểm này được tầng lớp tri thức và quan lại phong kiến đưa ra cho đến nay vẫn tiếp tục được giữ gìn, khẳng định vì đó là vẻ đẹp tiêu biểu đáng trân quý của người phụ nữ Việt.
Cùng với sự vận động và phát triển của đất nước, thân phận người phụ nữ đã có những chuyển biến mới, được xã hội coi trọng, đề cao, phụ nữ ngày nay có cơ hội phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước.
Về mặt phạm trù cái đẹp cũng có những biến đổi so với trước, dù vậy nét đẹp của người phụ nữ hôm nay vẫn kế thừa được các giá trị đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Thêm vào đó, họ chọn lọc, tiếp thu những giá trị đẹp của thời đại... để phù hợp với thị hiếu, cách nhìn thẩm mỹ về cái đẹp của xã hội hiện đại.
Theo đó, “Công” không còn giới hạn ở việc phụ nữ giỏi việc nhà mà còn đảm việc nước. “Dung” không chỉ cần có một nhan sắc đẹp mà còn phải đẹp cả về trí tuệ. “Ngôn” ở thời hiện đại không còn là sự nhẹ nhàng, chậm rãi mà sẽ bao hàm rộng hơn ở cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp, lời nói nhanh, rõ nhưng vẫn thể hiện được sự tôn trọng người khác. Còn “hạnh” của phụ nữ hôm nay chính là một nét đẹp toàn diện về đạo đức.
Như vậy, với người Việt mà nói vẻ đẹp của người phụ nữ có lẽ không cần phải đến mức “nghiêng nước nghiêng thành”, chỉ cần bên trong mỗi người có đủ “công, dung, ngôn, hạnh” thì đã thể hiện đủ hết nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Ca dao về vẻ đẹp người phụ nữ
Vẻ đẹp của người phụ nữ đã được thể hiện qua rất nhiều những câu ca dao lưu truyền trong dân gian, có thể kể đến như:
- Vì cam cho quýt đèo bồng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương. - Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng. - Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa. - Những người thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con. - Ra đường nghiêng nón cười cười
Như hoa mới nở, như người trong tranh. - Nụ cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. - Thấy em hân hấn má đào
Thanh tâm mày liễu dạ nào chẳng thương. - Thấy người yểu điệu đi qua
Trùng trình mắt phượng cho ta mến tình. - Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng,
Thương em chúm chím cười duyên một mình.
Trên đây là ý nghĩa thành ngữ “Nghiêng nước nghiêng thành”. Mong rằng những thông tin vừa chia sẻ sẽ mang đến bạn kiến thức hữu ích.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.