Dân gian có câu “Gái một con trông mòn con mắt” để nói về những người phụ nữ sau sinh nở. Thế nhưng, vì sao người xưa lại nói như thế thì không phải ai cũng hiểu rõ. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn đi tìm lời giải đáp ý nghĩa về câu nói này.
“Gái một con trông mòn con mắt” nghĩa là gì?
“Gái một con trông mòn con mắt” là câu nói được lấy từ bài ca dao lưu truyền trong dân gian để nói về vẻ đẹp của người phụ nữ sau sinh nở (nhất là sinh con lần đầu) thường sẽ tươi tắn, da dẻ hồng hào và đằm thắm hơn trước, điều này khiến nhiều ông (không phải chồng) si mê ngắm nhìn.
Thế nhưng, nếu để ý sẽ thấy người xưa chỉ nói “Gái một con trông mòn con mắt” chứ không nói “đẹp” hay một mỹ từ nào khác. Bởi “đẹp” thường đề cập đến ngoại hình, có thể dễ dàng nhận thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng với “gái một con”, sau khi trải qua nhiều những biến đổi trong cơ thể ở những tháng ngày mang thai và sinh nở làm họ có sự thay đổi sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần.
Những tác động đó khiến người phụ nữ trở nên trầm lặng hơn, lời nói nhẹ nhàng, nụ cười ý nhị hơn. Tướng đi, dáng đứng của họ cũng trở nên uyển chuyển, mềm mại và gợi cảm. Và nếu muốn nhận ra được hết vẻ đẹp của họ thì cần phải nhìn ngắm và cảm nhận. Càng ngắm “gái một con” lại càng thấy ưa nhìn, giống như một bông hoa đẹp nở bung cánh khoe sắc hương nhiến người ta phải “trông mòn con mắt”.
“Gái một con trông mòn con mắt” - vẻ đẹp tuổi xuân thì
Câu nói “Gái một con trông mòn con mắt” có từ thời xa xưa. Thời xưa, người ta kết hôn rất sớm. “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, ấy là quy luật muôn đời ai cũng phải qua, nó cũng được xem là việc trọng đại cần được ưu tiên, bởi khi đã lớn khôn, trưởng thành thì lẽ tất nhiên là phải yên bề gia thất.
Các cụ còn có câu: “Gái thập tam, nam thập lục” để nói về độ tuổi kết hôn, tức là con gái vừa bước qua tuổi 13 đã có thể lấy chồng. Điều đó cho thấy, độ tuổi trung bình kết hôn của phụ nữ là khoảng 13 - 14 tuổi. Cứ theo đó, thì sau khi mang thai và sinh nở, độ tuổi của người mẹ sẽ được cộng thêm 1 hoặc 2 năm.
Từ khoảng thời gian này cho đến khi sinh đứa con tiếp theo, người phụ nữ được gọi là “gái một con”, đó là khoảng độ 16 trăng tròn và dao động khoảng 1 vài năm sau đó.
Ngày xưa, cuộc sống cơ cực, vẻ đẹp của người phụ nữ chỉ như hoa, sớm nở tối tàn, thanh xuân ngắn ngủi. Tuổi mười tám đôi mươi lại là thời kỳ đỉnh cao của nhan sắc với vẻ đẹp căng mọng, tươi mới, một vẻ đẹp tự nhiên đầy cuốn hút. Vậy nên chẳng có gì phải nghi ngờ về vẻ đẹp của “gái một con” ở độ tuổi này.
Ngày nay độ tuổi kết hôn theo quy định của Luật pháp đối với nữ giới là từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do những áp lực từ công việc, cuộc sống nên người ta thường lập gia đình muộn, điều đó kéo theo việc mang thai và sinh con cũng xa cách độ tuổi đó.
Những chính sách về sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình cũng như mong muốn con cái có được sự phát triển tốt nhất nên người ta sinh ít con cũng như kéo dài khoảng cách giữa các lần mang thai. Vì thế, thời gian mà bà mẹ được coi là “gái một con” cũng lâu hơn.
Mặc dù điều này khiến cho khái niệm “gái một con” không còn gắn liền với độ tuổi và khoảng thời gian xuân thì của người con gái, nhưng ở mỗi giai đoạn người phụ nữ lại có những vẻ đẹp khác nhau. Khi đời sống sức khỏe, tinh thần được chú ý, những người phụ nữ sau sinh dù ở độ tuổi nào cũng đều mang một nét đẹp riêng biệt, thu hút ánh nhìn của mọi người.
Xem thêm:
Ý nghĩa câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần”
Ý nghĩa câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” cùng triết lý “Đêm ba mươi”
Ý nghĩa câu nói "Ngậm bồ hòn làm ngọt" là gì?
“Gái một con trông mòn con mắt” - sự thay đổi về hình thể
Ngày xưa, người ta chỉ biết đến quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử” trong vòng đời của con người. Ngày nay khi nghiên cứu sâu sơn đến những sự biến đổi trong cơ thể, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai và sinh nở, các nhà khoa học đã có những phát hiện bất ngờ.
Trước đây, để giải thích câu nói “Gái một con trông mòn con mắt” theo góc nhìn khoa học, người ta chỉ nói là do khả năng cân bằng nội tiết tố sau sinh. Nội tiết tố (hay còn gọi là estrogen) là hormone do buồng trứng tiết ra quyết định toàn bộ vẻ đẹp và sức khỏe ở người phụ nữ.
Khi lượng estrogen dồi dào phụ nữ thường có ngực nở, eo thon, da dẻ mịn màng, mái tóc chắc khỏe. Khi mang thai, lượng estrogen sẽ tăng đột biến từ 500 - 1000 lần. Sau khi sinh xong, estrogen lại sụt giảm mạnh để nhường chỗ cho prolactin. Khi người mẹ dừng cho con bú, estrogen mới tăng trở lại.
Nếu “gái một con” ở độ tuổi còn trẻ, cơ địa tốt sẽ dễ dàng tái thiết lập được hệ cân bằng nội tiết sau khi dừng cho con bú, thậm chí còn tốt hơn trước khi sinh. Mặt khác, trong quá trình chăm sóc con cái, cơ thể người phụ nữ còn tiết ra oxytocine khiến họ cảm thấy hạnh phúc, viên mãn, đẹp và đắm thắm hơn. Trong thời kỳ nở rộ về nhan sắc lại đạt tới đỉnh cao của sự phát triển về sinh lý thì sẽ càng đẹp hơn.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tế bào gốc truyền đã từ thai nhi đến mẹ trong suốt quá trình mang thai và điều đó có thể đã giúp mẹ có được một cơ thể trẻ đẹp hơn.
Các tế bào gốc này đã di chuyển đến các mô và cơ quan khác của cơ thể người mẹ bao gồm máu, tủy xương, da và gan. Các tế bào gốc không chỉ tham gia vào việc chữa lành vết thương trên người mẹ, mà còn có tác động tích cực trong việc tăng cường sức khỏe và tạo sự tươi trẻ cho mẹ.
Việc di cư của tế bào thai nhi tới cơ thể người mẹ đã làm tăng cường thêm nguồn tế bào gốc cho cơ thể mẹ. Tế bào gốc thai nhi là nguồn tế bào gốc vô cùng non trẻ, với tiềm năng biệt hóa thành tế bào chức năng, để thay thế các tế bào già yếu có trong cơ thể người mẹ.
Da là một cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống đầy biến động bên ngoài, do đó tốc độ lão hóa cũng sẽ nhanh hơn so với nhiều cơ quan khác. Thế nhưng, sau sinh người phụ nữ có những điều kiện thuận lợi về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vi môi trường cho hoạt động của tế bào gốc được tối ưu hóa nên đã góp phần tích cực vào sự tái tạo lại cấu trúc da đã bị lão hóa. Có thể vì vậy mà người mẹ sau khi sinh con thường có được làn da tươi đẹp, mặn mà hơn.
Bài ca dao nổi tiếng về “Gái một con trông mòn con mắt”
Trong dân gian có lưu truyền một bài ca dao nói về người phụ nữ sau khi sinh nở, đó là những sự thay đổi về dáng vóc, ngoại hình - thứ mà người phụ nữ rất coi trọng dù ở bất kỳ thời đại nào.
Bài ca dao được viết như sau:
“Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngằng, răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
năm con tóc rối tổ cu
Sáu con yếm tụt, váy dù vặn ngang.”
Ngoài ra, còn có một số dị bản khác là:
“Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con, con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngoảnh, răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
Năm con tóc rối tổ cu
Sáu con yếm trụi, váy dù vắt ngang”.
“Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con vú quạt sau lưng
Gái ba con bạ đâu ngồi đấy.”
Xem thêm:
Giải thích thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” nghĩa là gì?
Giải thích thành ngữ “Mở cờ trong bụng” là gì?
Giải thích thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” có nghĩa là gì?
Những câu nói, stt gái một con trông mòn con mắt
Từ câu ca dao “Gái một con trông mòn con mắt” người trẻ hiện này đã chế ra rất nhiều những câu nói, stt gái một con trông mòn con mắt để tạo tiếng cười, đôi khi là những sự châm biếm trong cuộc sống.
- Gái một con trông mòn con mắt
Trai một mắt nhìn gái một con. - Gái một con trông mòn con mắt
Trai một mắt ngắm hoài một con. - Gái một con trông mòn con mắt
Trai một mắt tóm tận 4 con. - Gái một con trông mòn con mắt
Trai một mắt coi vậy mà ngon… - Gái một con trông mòn con mắt
Gái một mắt hết hồn chưa cưng? - Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con nhìn vẫn còn ngon. - Gái một con trông mòn con con mắt
Gái một chồng đẹp gấp trăm lần. - Người ta hay nói “Gái một con trông mòn con mắt”. Vậy em đã ba con rồi, anh có cảm nghĩ gì không?
Câu ca dao “Gái một con trông mòn con mắt” đang muốn nói đến hình ảnh người phụ nữ đang ở đỉnh cao của sức sống, nữ tính và tình yêu. Thế nhưng, không phải cứ lấy chồng sinh con người phụ nữ mới có vẻ đẹp “trông mòn con mắt”, bởi vẻ đẹp của một người phụ nữ vốn không có thước đo chuẩn mực nào để đánh giá ai đẹp hơn ai.
Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.