Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” có nghĩa là gì?

VOH - “Ngồi lê đôi mách” là gì mà được “gắn mác” kiểu người độc hại, không nên kết giao? Buôn chuyện, nói chuyện phiếm có xấu như chúng ta vẫn thường nghĩ?

“Ngồi lê đôi mách” nằm trong cụm thành ngữ trào phúng, phê phán và thường được mọi người định nghĩa là hành vi tiêu cực, ác ý. Tuy nhiên, bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt. “Ngồi lê đôi mách” là gì, tốt - xấu ra sao, hãy cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau..

Giải thích “Ngồi lê đôi mách” là gì?

“Ngồi lê đôi mách” hay “Ngồi lê mách lẻo” là một trong những câu thành ngữ được sử khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

“Ngồi lê” là hành động la cà, lê la hết nơi này đến nơi khác để ngóng chuyện, hóng chuyện. “Mách” là nói cho người khác biết một chuyện gì đó, có thể là cần thiết, có lợi cho người nghe hoặc là nói lỗi của người này với người khác. Còn “mách lẻo” là đem chuyện riêng của người này nói cho người khác, thường gắn với dụng ý không tốt.

Riêng với “đôi”, có người cho rằng nó chỉ “hai”, tức là hai người trở lên (điều kiện cần thiết để buôn chuyện, tám chuyện).  Một số ý kiến giải thích “đôi” có nghĩa là giãi bày, phân bua. Còn có tài liệu chú thích rằng “đôi” là từ cổ, phương ngữ miền Trung, có nghĩa là hỏi để xác minh việc gì đó.

Giải thích thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” có nghĩa là gì? 1
"Ngồi lê đôi mách" là hành động hóng chuyện, buôn chuyên riêng tư của người khác - Ảnh: Vicki Nerino

Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách cắt nghĩa từ "đôi" không ảnh hưởng quá nhiều đến ý nghĩa chung của câu thành ngữ. Chúng ta có thể hiểu “Ngồi lê đôi mách” phê phán những kẻ hay nghe ngóng chuyện riêng tư, vặt vãnh của người này rồi đem mách cho người khác, đem chuyện chỗ này đến chỗ khác để bàn tán, gây nghi hoặc, mâu thuẫn. Đôi khi câu chuyện còn được thêm thắt, thậm chí đơm đặt.

Có thể nói “Ngồi lê đôi mách” hay “Ngồi lê mách lẻo” của người xưa chính là buôn chuyện, nói chuyện phiếm, “buôn dưa lê”. Nó cũng có nét tương đồng một hoạt động được giới trẻ hiện nay thực hiện khá nhiều, ấy là  “ăn dưa” (từ lóng chỉ hành vi nghe ngóng tin đồn thuộc giới giải trí xứ Trung). 

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “có mới nới cũ” nói lên điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’ khuyên chúng ta điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau

“Ngồi lê đôi mách” và những hệ quả

“Ngồi lê đôi mách” thường được chúng ta định nghĩa là một hành vi độc hại, một thói xấu. Bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến mọi người, xã hội mà còn tác động tới chính bản thân người có hành động này.

  • Tốn thời gian, năng lượng cho những việc vô bổ, không có ích. Không thể tập trung vào các công việc khác.
  • Việc phát tán những thông tin, tin đồn sai sự thật có thể làm tổn hại danh dự, uy tín của người khác.
  • Hành vi đem chuyện của người này nói, lan truyền cho người khác là hành động xâm phạm quyền riêng tư.
  • “Ngồi lê mách lẻo” gây hiểu lầm, đánh mất lòng tin và sự đoàn kết của tập thể, cộng đồng.
  • Tích tụ năng lượng tiêu cực cho bản thân và người khác.
  • Làm rạn nứt các mối quan hệ cũng như khó xây dựng mối quan hệ với người khác. Khó nhận được sự yêu mến, kính trọng, hỗ trợ từ mọi người.

 Tóm lại, “Ngồi lê đôi mách” là hành vi đáng phê phán, đặc biệt là khi nó mang tính chất tiêu cực.

Giải thích thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” có nghĩa là gì? 2
Đem chuyện của người này nói cho người khác có thể gây ra mâu thuẫn - Ảnh: Internet

“Ngồi lê đôi mách” không phải lúc nào cũng xấu

Tuy “Ngồi lê đôi mách” không mấy tốt đẹp nhưng nếu áp dụng tính chất hai mặt của một vấn đề, chúng ta sẽ thấy được một vài lợi ích bất ngờ.

Đa phần mọi người đều nghĩ rằng buôn chuyện, nói chuyện phiếm đồng nghĩa với việc trao đổi, lan truyền những tin đồn ác ý. Thế nhưng các nhà nghiên cứu lại định nghĩa rộng hơn, đó là việc nói về những người không có mặt. Khi đó nó được xem là một phần không thể thiếu trong các cuộc trò chuyện, chia sẻ thông tin thậm chí là xây dựng cộng đồng.

Khi mạng lưới xã hội trở nên rộng lớn, ngoài thế giới thực con người còn có thêm thế giới ảo (mạng xã hội) thì việc nghe, nói, lấy thông tin từ người khác trở nên hữu ích. Thông qua việc trao đổi, chúng ta cũng có thể tạo sự kết nối, liên kết với người khác thậm chí là kéo gần khoảng cách, trở nên thân thiết. 

Tạo điều kiện cho sự hình thành và củng cố mối quan hệ, đây là một trong những lợi ích khá thú vị và bất ngờ của buôn chuyện.

Giải thích thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” có nghĩa là gì? 3
Nói chuyện phiếm cũng là cách để kết nối, tạo mối quan hệ - Ảnh: Connor Lawless

Nói chuyện phiếm còn có thể trở thành công cụ giúp con người đồng cảm và tìm hiểu cuộc sống của người khác từ đó học hỏi kinh nghiệm cho bản thân. Hay trong một số trường hợp, nó có thể trở thành lời cảnh báo có lợi cho người khác, bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị lợi dụng, tổn thương.

Cho nên, “Ngồi lê đôi mách” không phải lúc nào cũng xấu. Nó thể đem lại đôi điều tích cực hoặc không tốt cũng chẳng xấu, tức trung tính. Thứ quyết định ranh giới này hẳn là mục đích và cách thức của người thực hiện. Ví như “Ngồi lê mách lẻo” nhằm hạ thấp, đặt điều… cho người khác đều là tiêu cực, có hại.

Xem thêm:
Văn hóa ứng xử là gì? Biểu hiện, tầm quan trọng trong đời sống
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày

Thành ngữ về giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống

Người Việt coi trọng lời ăn tiếng nói nên kho thành ngữ, tục ngữ, ca dao có rất nhiều ví dụ đề cập đến vấn đề này. Dưới đây là một số gợi ý có liên quan đến câu thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” được VOH tổng hợp.

Một số câu thành ngữ đồng nghĩa

  1. Đôi co mách lẻo: nói chuyện (không cần thiết) của người này cho người khác khiến đôi bên cãi vã.
  2. Hết chuyện nhà, ra chuyện người: chỉ kẻ chuyên ngồi lê mách lẻo.
  3. Mồm loa miệng chảo, mách lẻo đôi co: người lắm điều, to mồm, đem chuyện người này nói cho người khác gây cãi vã.
Giải thích thành ngữ “Ngồi lê đôi mách” có nghĩa là gì? 4
Từ xưa đến nay, chuyện lời ăn tiếng nói luôn được người Việt coi trọng - Ảnh: Istockphoto

Thành ngữ về lời ăn tiếng nói, ứng xử

  1. Một lời nói, một đọi máu
  2. Ăn đơm nói đặt
  3. Ăn không nói có
  4. Ăn không nói có
  5. Ngậm máu phun người
  6. Nói đứng dựng ngược
  7. Nói bóng nói gió
  8. Nói cạnh nói khoé
  9. Nói gần nói xa
  10. Nói ngược nói xuôi
  11. Lời ong tiếng ve
  12. Lời ra tiếng vào
  13. Ngứa mồm ngứa miệng

“Ngồi lê đôi mách” là câu thành ngữ phê phán những kẻ hay hóng chuyện, đem chuyện riêng của người này kể cho người khác, tụ tập bàn tán không quản đúng sai, phải trái thậm chí đơm đặt. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, nói chuyện phiếm, buôn chuyện cũng có những lợi ích định. Quan trọng là mỗi người có cái nhìn, mục đích và cách làm như thế nào.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị và bổ ích bạn nhé!

Bình luận