Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “có mới nới cũ” nói lên điều gì?

VOH - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu thành ngữ thâm thúy “có mới nới cũ”. Vậy câu nói trên mang ý nghĩa gì?

Ở đời, con người khi có món đồ mới trong tay thường hay lãng quên, vứt bỏ cái cũ không thương tiếc. Dù đó là thứ mà họ từng trân quý và khao khát sở hữu. Chính vì vậy, ông cha ta dùng câu “có mới nới cũ” để chỉ những người như thế. Câu thành ngữ trên khuyên nhủ chúng ta điều gì? 

Hãy cùng VOH đi tìm hiểu ý nghĩa thành ngữ “có mới nới cũ” và khám phá bài học ẩn chứa đằng sau câu nói này nhé!

"Có mới nới cũ" là gì?

Câu thành ngữ “có mới nới cũ” được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày. Vậy liệu bạn đã hiểu “có mới nới cũ” nghĩa là gì chưa? Trước tiên, chúng ta cần đi phân tích từng chữ để làm rõ ý nghĩa của câu thành ngữ này.

"Mới”, “cũ” là hai tính từ trái ngược nhau. Trong đó, “mới” có nghĩa là vừa được làm ra hay là chưa dùng. “Cũ” là đã qua sử dụng và không còn nguyên, còn mới như trước nữa. “Có” là động từ, biểu thị trạng thái tồn tại nào đó nói chung. Còn “nới” ý chỉ làm cho rộng, lỏng ra để bớt chặt, căng. 

Theo nghĩa đen, “có mới nới cũ” được hiểu đơn giản là có cái mới sẽ bỏ hoặc quên đi cái cũ. Về nghĩa bóng, thành ngữ này ngụ ý mỉa mai, phê phán người có hành vi phụ bạc, sống thiếu tình nghĩa, nhanh thay lòng đổi dạ. Khi họ có cái mới hay lợi ích trước mắt thì quay ra rẻ rúng, thậm chí vứt bỏ những thứ đã từng gắn bó, giúp bản thân trở nên tốt đẹp như ngày hôm nay.

co-moi-noi-cu-voh-0
Con người dễ dàng bị thu hút bởi những thứ mới mẻ - Ảnh: Freepik

Câu thành ngữ “có mới nới cũ” có thể sử dụng giữa người với vật hoặc chỉ tình cảm con người với con người.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây' nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ăn cháo đá bát" lên án điều gì?

“Có mới nới cũ” tiếng Anh, tiếng Trung là gì?

Thành ngữ “có mới nới cũ” trong tiếng Việt dùng để chỉ những người không chung thủy, thay lòng đổi dạ, “có trăng quên đèn”. Vậy khi dịch sang các ngôn ngữ khác sẽ được viết như thế nào?

  • “Có mới nới cũ” tiếng Anh có thể dịch là: New one in, old one out. 
  • “Có mới nới cũ” tiếng Trung có thể được viết là: 喜新厌旧 - xǐ xīn yàn jiù - hỉ tân yếm cựu.

Nguyên nhân khiến con người “có mới nới cũ” là gì?

Nguyên nhân nào khiến con người hình thành xu hướng “có mới nới cũ”? Phải chăng là do con người dễ bị sự hào nhoáng từ những thứ mới mẻ mê hoặc hay đó chính là bản chất thật của lòng người?

Cái mới dễ thu hút

Con người là loài động vật thông minh nhất nhưng cũng dễ dàng thay đổi nhất. Chẳng hạn, lúc còn bé, chúng ta luôn bị cuốn hút bởi những món đồ chơi mới. Sau vài ngày, bản thân sẽ bắt đầu cảm thấy chán, không muốn chơi với nó nữa vì đồ vật ấy đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, sự hào hứng nhanh chóng quay lại khi đồ chơi mới khác xuất hiện.

Hay trường hợp, chúng ta gặp và tiếp xúc với người khác giới hoàn hảo hơn khiến bản thân dễ chìm đắm, “cảm nắng”, say mê họ rồi quên mất đi người yêu hiện tại. Khi ta thưởng thức được món ngon ngoài đường sẽ vội vàng chán cơm nhà, thấy đồ mới sử dụng tốt hơn thì lãng quên món đồ cũ mình từng quý trọng. Từ đó có thể thấy rằng, cái mới luôn có sức hút mạnh mẽ với con người. 

co-moi-noi-cu-voh-1
Những đứa trẻ chẳng bao giờ khóc lóc, đòi hỏi món đồ chơi cũ khi đã có đồ chơi mới - Ảnh: Freepik

Bản chất của con người

Người ta thường bảo, có hai thứ trên đời này không thể nhìn thấu: một là mặt trời, hai là lòng người. Bởi lẽ, ánh sáng mặt trời sẽ làm ta chói mắt, còn lòng người thì thâm sâu, khó lường. 

Khi đứng trước gánh nặng cơm áo gạo tiền, người bản lĩnh sẽ cố gắng, nỗ lực để đạt được điều mình mong muốn. Còn kẻ nhu nhược thì tìm kiếm con đường có lợi cho bản thân. Họ trở nên ích kỷ, sẵn sàng vứt bỏ cái cũ để tận hưởng những thứ tốt đẹp trước mắt. 

Tất nhiên, không phải ai cũng thế, nhưng những người như vậy lại rất nhiều và dễ dàng bắt gặp ở cuộc sống xung quanh ta. Về lâu về dài, con người dần cảm thấy quá quen thuộc với điều đó. 

Vì vậy, khả năng kiểm soát chính là yếu tố quyết định để đánh giá nhân phẩm của mỗi người. Nếu chúng ta dũng cảm, kiên định trước cám dỗ thì sẽ không bao giờ xảy ra chuyện “có mới nới cũ”.

Dẫn chứng hành vi “có mới nới cũ” trong tình yêu và hôn nhân

Những đồ vật cũ kỹ có thể bị bỏ đi để thay thế bằng thứ mới, những kỷ niệm xưa cũ sẽ được đặt sang một bên, nhường chỗ cho kỷ niệm mới. Nhưng trong tình yêu và hôn nhân, việc áp dụng hành vi “có mới nới cũ” là một điều đáng bị chỉ trích, phê phán.

Có các đôi tình nhân chia tay nhau chỉ sau vài tháng hẹn hò do cảm thấy không phù hợp. Song, cũng có những người, cặp vợ chồng đã ở bên nhau hơn chục năm, trải qua bao gian nan để xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Vậy mà, đến một ngày, đối phương vội vàng buông tay chỉ vì “người mới” xuất hiện. 

co-moi-noi-cu-voh-2
Đừng vì "người mới" xuất hiện mà vội quên đi tình nghĩa xưa - Ảnh: Freepik

Thật đáng buồn khi từng trao nhau tất cả tin yêu, tưởng chừng chẳng có gì chia ly, nhưng cuối cùng ngỡ ngàng nhận ra: Lòng người sao dễ dàng đổi thay đến thế. Họ bỏ qua mối quan hệ đã tồn tại bấy lâu nay để tìm kiếm cảm giác mới. Phải chăng con người chỉ nắm tay nhau đi qua giông bão nhưng không thể cạnh bên ngày mưa tan? 

Chia tay với lý do đơn giản chỉ vì một trong hai người cảm thấy đối phương đã trở nên quen thuộc. Họ muốn tìm một nguồn cảm hứng mới, thú vị hơn để thay thế. Sự thay đổi, tiếp nhận cái mới không có gì là sai nhưng đừng đổi thay đến mức quên đi tình xưa nghĩa cũ. 

Xem thêm:
Status chia tay đau đớn, cap sau khi chia tay cô đơn buồn bã
Status về người yêu cũ, cap hay viết cho người yêu cũ đầy tâm trạng

Bài học quý giá trong cuộc sống từ câu thành ngữ “có mới nới cũ”

Dẫu con người biết thay lòng đổi dạ là sai trái nhưng mấy ai có thể vượt qua cám dỗ để kiên định với sự lựa chọn ban đầu của mình. Câu thành ngữ "có mới nới cũ" là bài học hay mà người xưa dùng để khuyên răn con cháu đời sau. 

Đừng quên đi tình xưa nghĩa cũ

Trên đời, chẳng ai cấm cản chúng ta không được thay đổi nhưng bản thân mỗi người cần phân biệt đúng sai để có hành động hợp với luân thường đạo lý, chuẩn mực xã hội.

Con người thích nghi, đón nhận cái mới là điều cần thiết để cuộc sống của chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đừng vì “có mới nới cũ” mà lãng quên, vứt bỏ thứ từng gìn giữ, trân trọng. Có thể ở thời điểm này, bạn bị sự hào nhoáng của cái mới thu hút. Nhưng xin nhớ rằng, những thứ mới mẻ rồi cũng sẽ trở nên cũ kỹ mà thôi. 

Cho nên, hãy thay đổi một cách khôn ngoan, linh hoạt và phù hợp. Đừng quên đi tình nghĩa năm xưa mà chạy theo phù phiếm, danh lợi trước mắt. Chỉ khi bạn học được cách trân trọng hiện tại, hài lòng với những gì mình đang có thì bản thân mới hạnh phúc. Đừng đợi đến khi mất đi rồi mới cảm thấy hối hận, tiếc nuối. 

co-moi-noi-cu-voh-3
Theo năm tháng, những món đồ mới rồi cũng sẽ trở thành đồ cũ - Ảnh: Freepik

Những “thứ cũ” là để hoài niệm

Trên thực tế, có những thứ cũ kỹ trở thành kỷ niệm đáng quý, khiến chúng ta ao ước quay lại thời điểm đó. Hoặc các thứ đã rất cũ như đồ cổ lại có giá trị cao, gấp nhiều lần so với đồ mới. Tất cả chúng mang dấu ấn thời gian và giá trị tinh thần vì lưu giữ những câu chuyện xưa.

Bởi vậy, cũ không đồng nghĩa với việc phải vứt đi và không phải thứ nào cũ cũng không còn giá trị.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Chim có tổ người có tông’ là gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Uống nước nhớ nguồn’ nói đến điều gì?

Những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về sự thay lòng đổi dạ của con người

Khi bàn luận về sự thay lòng đổi dạ của con người, ngoài câu “có mới nới cũ”, ông cha ta còn để lại cho các thế hệ sau vô vàn ca dao, thành ngữ, tục ngữ hay. Dưới đây là một số gợi ý mà VOH đã tổng hợp, mời bạn xem qua.

  1. Bắt cá hai tay.
  2. Thay lòng đổi dạ.
  3. Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.
  4. Được chim bẻ ná, được cá quên cơm.
  5. Trách lòng tham đó bỏ đăng
    Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.
  6. Trách ai rọc giấy bỏ bìa
    Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa.
  7. Vàng mười vô lửa nào phai
    Anh nằm nghĩ lại coi ai bạc tình.
  8. Trách người quân tử bạc tình
    Chơi hoa xong lại bẻ cành bán rao.
  9. Trách người quân tử gian manh
    Chơi hoa rồi lại hái cành kế bên.
  10. Chàng ràng bắt cá hai tay
    Con trong cũng mất con ngoài cũng không.
  11. Thùng thùng cắc cắc
    Chim đậu không bắt, đi bắt chim bay
    Em thương anh vì bởi anh tài,
    Tài cày tài cuốc, tài lên líp thuốc, tài cuốc vồng khoai,
    Phải chi em ham lên xe xuống ngựa, đi dép đi hài
    Mà anh nỡ bỏ em.
co-moi-noi-cu-voh-4
Ảnh: Freepik
  1. Đã lòng hẹn bến, hẹn thuyền
    Chờ anh hàng muối cho duyên mặn mà
    Vì chưng bướm bướm, hoa hoa
    Gặp anh hàng trứng hóa ra đổi lòng.
  2. Bạc tình chi lắm hỡi ai
    Lên non cao trở mặt, xuống dốc dài quay lưng.
  3. Chim chuyền bụi ớt, rớt xuống bụi cà
    Hồi nào gắn bó với ta
    Bây giờ bội nghĩa đi ra lấy chồng.
  4. Có mới thì nới cũ ra
    Mới để trong nhà, cũ để ngoài sân.
  5. Nhổ bìm nhổ lộn dây tiêu
    Trách ai ở bạc bỏ liều vợ con.
  6. Một mai cúc ngã lan quỳ,
    Bậu lo thân bậu lo gì thân qua?
  7. Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
    Sông An Cựu nắng đục mưa trong
    Dẫu ai ăn ở hai lòng
    Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng.
  8. Trách ai được miếu phụ nghè
    Được chiêng phụ trống được bè phụ nan.
  9. Trách ai ăn ở hai lòng
    Đang chơi với phụng, thấy rồng bay theo.
  10. Tiếc công bỏ mẳn cho cu
    Cu ăn cu lớn cu gù cu đi.
  11. Thương tằm ngửa áo bọc dâu
    Tưởng tằm có nghĩa, hay đâu bạc tình.

Câu thành ngữ “có mới nới cũ” như một lời nhắc nhở tinh tế của người xưa đến các thế hệ mai sau: Thay đổi để phát triển thì không có gì là xấu nhưng thay đổi đến nỗi quên đi những giá trị đạo đức, tình nghĩa thì thật đáng trách. Hãy sống chậm lại, biết hoài niệm về quá khứ, trân trọng hiện tại và phấn đấu hết mình cho tương lai.

Đừng quên cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH - Sống đẹp.

Bình luận