Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Cũ người mới ta" nói về thói quen nào?

(VOH) - ‘Cũ người mới ta’ là câu thành ngữ nhấn mạnh một quy luật tâm lý về chuyện cũ - mới của con người, từ đó răn dạy chúng ta về đức tính sẻ chia.

Cho và nhận là một chủ đề không mới nhưng chưa từng cũ trong đời sống con người. Nói về vấn đề này, ông cha ta có câu “Cũ người mới ta”. Cùng tìm hiểu về câu thành ngữ này trong bài viết dưới đây nhé.

1. Thành ngữ ‘Cũ người mới ta’ nghĩa là gì?

Cũ người mới ta - một câu thành ngữ quen thuộc quen thuộc trong đời sống người Việt Nam. Trong thời đại công nghệ số hoá ngày nay, tính chất cũ - mới đã không còn ranh giới rõ ràng. Có thể món đồ này là cũ với người khác nhưng khi vào tay mình nó lại trở thành một món đồ mới - cực kỳ hữu dụng và khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc.

Ý nghĩa của ‘Cũ người mới ta’ vốn chỉ để nói đến sự thay đổi, xoay vần của lòng người. Bản tính con người vốn cả thèm chóng chán, chuyện mới ta cũ người chẳng qua cũng là khoảng cách giàu - nghèo, phân tầng giai cấp mà thôi.

Đôi lúc một vật rơi vào tay người khác chỉ bị coi như món đồ bỏ, nhưng lại có thể sưởi ấm nỗi lòng ai đó. Câu thành ngữ “Cũ người mới ta” đã thể hiện một cách đầy đủ ý nghĩa mà nó muốn truyền tải, chính là đức tính sẻ chia mà bất kỳ ai cũng nên có khi sống chung trong một gia đình, một tập thể, hay rộng hơn là một cộng đồng.

2. “Cũ người mới ta” -  ý nghĩa ngọn lửa nhỏ sưởi ấm đêm đông

Từ ngàn xưa, cha ông ta đã dạy rằng “Cũ người thì lại mới ta/Người chê rách rưới, ta là gấm nhung”, lời dạy ấy thấm nhuần qua bao thế hệ. Việt Nam ta bao đời vẫn luôn giữ gìn tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vươn lên, vượt qua nghịch cảnh.

Không nói đâu xa, trong đợt lũ lịch sử miền Trung mấy năm vừa qua, đồng bào cả nước đã cùng hướng về miền đất ấy. Ai có gạo góp gạo, ai có tiền góp tiền, ai có quần áo cũ góp quần áo cũ; đôi lúc còn là chén bát, chiếc lược, cuốn sách đã dùng qua... những món đồ cũ được quyên góp ấy, đã trở thành niềm động lực của những người trong cơn hoạn nạn.

(xong) Thành ngữ Cũ người mới ta có nghĩa là gì? 1
Quyên góp ủng hộ vì miền Trung nước lũ

Chúng ta có thể không thể biết rằng, món đồ mà mình chẳng thèm để tâm đến nữa lại trở thành “phao cứu sinh” của ai đó. Lúc nghèo khổ, con người ta chỉ cần nhận được bất cứ sự trợ giúp nào cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thế mới thấy, tấm lòng cho đi dù là nhỏ cũng đủ để sưởi ấm lòng người, và bất cứ sự sẻ chia thật lòng nào cũng đều là điều quý giá, miễn là nó có thể thực hiện điều gì đó tích cực.

Với những ai đang có suy nghĩ rằng “Cũ người mới ta” chính là thói bủn xỉn, đã muốn cho mà chẳng dám cho đồ mới thì xin nhắc rằng đó chẳng qua cũng chỉ thể hiện cái nhìn thiếu khách quan. Chúng ta sống hãy cứ cho đi nếu còn có thể, và cứ nhận nếu được cho đi. Cho và nhận, cũ và mới, không cần phải câu nệ miễn là mình không thiệt gì và người khác thấy vui, ấy mới là điều đáng quý.

Xem thêm: Làm thế nào để có lối sống đẹp như những bông hoa

3. “Cũ người mới ta” - biết ơn và trân trọng tấm lòng của người khác

Muốn nhận nhiều hơn thì phải cho đi nhiều hơn, bất kỳ ai cũng vậy. Nhiều người giàu hiện nay vẫn không từ chối những món quà của người nghèo khi đi từ thiện, bởi họ trân trọng những tấm lòng đó. Sự sẻ chia dù là rất nhỏ cũng rất đáng được trân trọng.

Những thứ như giai cấp giàu nghèo, cách biệt địa vị… đừng để nó xen vào thực tâm thực ý của bạn. Cũ người mới ta là sẻ chia, dù cũ, dù mới đều không quan trọng. Cái nào mình không cần đến, không dùng nữa thì hãy chia sẻ lại cho những người đang cần nó. Đừng sợ việc mình cho đồ cũ sẽ bị dè bỉu, khen chê bởi vì cốt yếu chính là tấm lòng. Bạn hãy tin rằng, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.

(xong) Thành ngữ Cũ người mới ta có nghĩa là gì? 2
“Cũ người mới ta” và chuyện tặng quà

Tuy rằng ngày nay việc cho - tặng trong một số trường hợp ngày này đã không còn mang nhiều ý nghĩa như trước mà nó giống như một hình thức trao đổi. Cho đi để nhận được cái này, tặng đồ để vừa lòng ông nọ bà kia.

Các bạn trẻ ngày nay đôi khi quan trọng vật chất quá mà không ý thức được ý nghĩa thực sự của món đồ. Lì xì 5.000 hay 10.000 không thèm nhận, thậm chí còn đòi nhiều hơn. Chứng kiến thực trạng ấy thật không tránh khỏi thở dài thất vọng.

Đồng ý quan điểm mỗi người khác nhau. Không thể bắt tất cả mọi người đều phải nhận những món đồ mình không thích được. Nhưng việc nhận không phải là lợi ích riêng mình, cũng như “cũ” không phải với riêng ta. Nhận để cho, cho những ai thấy cũ là mới. Lòng biết ơn và trân trọng cũng có thể tạo ra hàng nghìn tấm lòng vàng.

Xem thêm: Ý nghĩa của ‘Tôn sư trọng đạo’ và truyền thống kính trọng thầy cô của thế hệ ngày nay

4. “Cũ người mới ta” trong kinh doanh có ý nghĩa như thế nào?

Thành ngữ ‘Cũ người mới ta’ trong Tiếng Anh có nghĩa là “It’s old for him but new for me”. Và câu thành ngữ này càng có ý nghĩa trên thương trường. Đây là hình thức kinh doanh “mua của người chán, bán cho người cần”. Người bán vừa có thể cho đi những món đồ mình không còn muốn sử dụng, người mua lại có thể mua được đồ mình muốn với giá rất hời.

Thông thường người bán sẽ ký gửi của mình tại những địa điểm bán đồ cũ hoặc đại lý điện lạnh. Người mua nếu bán được đồ của mình rồi sẽ nhận được một phần hai tổng lợi nhuận, phần còn lại sẽ thuộc về cơ sở trưng bày, rao bán. Nếu bạn có quá nhiều đồ không nhất thiết phải sử dụng, nhưng lại chưa muốn vứt nó đi. Hãy tham gia ngay hình thức kinh doanh này nhé.

Xem thêm: Ý nghĩa của lối sống giản dị và tiết kiệm trong đời sống hiện nay

5. Ca dao, tục ngữ về tấm lòng sẻ chia

Sẻ chia từ lâu đã là đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam, bên cạnh thành ngữ “Cũ người mới ta”, trong kho tàng văn học dân gian nước ta có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ về đức tính này. Cùng xem qua một số ví dụ dưới đây.

  1. Chị ngã, em nâng
  2. Thương người như thể thương thân
  3. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ
  4. Anh em như chân tay.
  5. Chia ngọt sẻ bùi.
  6. Cành dưới đỡ cành trên.
  7. Người với người là bạn.
  8. Nhiều no lòng, ít mát ruột.
  9.  Lọ là ăn thịt ăn xôi,
    Quý hồ ở nết tới lui bằng lòng.
  10. Nhường cơm sẻ áo

Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay

Cũ người mới ta 10

  1. Đó nghèo thì đây cũng nghèo
    Hai ta như bọt với bèo dưỡng nhau.
  2. Em ơi chua ngọt đã từng,
    Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
  3. Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
    Người trong một nước phải thương nhau cùng.
  4. Lúc thương nhau, cho đường thêm bánh
    Buổi ghét nhau, tay đánh miệng la.
  5. Có câu tích đức tu nhân,
    Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri.
  6. Anh em cốt nhục đồng bào,
    Kẻ sau người trước phải hào cho vui.
  7. Gương không có thuỷ gương mờ,
    Thuyền không có lái lửng lơ giữa dòng.
    Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
    Cho thuyền cập bến gương trong ngàn đời.
  8. Mấy ai ở đặng hảo tâm
    Nắng hun giúp nón, mưa dầm giúp tơi.

“Cũ người mới ta” là một nhân cách, lối sống quý báu. Hãy sống yêu thương và trân trọng mọi người hơn, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh. Giữ cho mình thái độ tích cực sẽ nhận lại những điều tốt đẹp.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)