Kho tàng thành ngữ, tục ngữ của dân tộc Việt Nam rất đa dạng về chủ đề cũng như các hình ảnh ẩn dụ. Trong đó, hình ảnh con ngựa xuất hiện rất thường xuyên trong văn học cũng như các câu thành ngữ, tục ngữ. Những câu thành ngữ về ngựa hay những câu tục ngữ về ngựa rất đa dạng về nghĩa. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được ý nghĩa vì sao những “chú” ngựa thường được sử dụng trong hội họa, văn học và một một số câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về ngựa được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Ý nghĩa của hình ảnh con ngựa trong văn hóa Việt Nam
Ngựa là loài vật được biểu tượng cho sự mạnh mẽ, thành công, kiên nhẫn, trung thành và những điều tích cực hướng về phía trước. Vì thế hình ảnh con ngựa mang một ý nghĩa tinh thần rất phong phú và được văn hóa dân tộc ta đón nhận một cách tích cực.
Trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam xưa, ngựa là con vật tuy không phổ biến nhưng tương đối quen thuộc. Với nền văn hóa mà nghề nông đóng vai trò chủ đạo đã làm cho cuộc sống của người dân gắn bó với con trâu, con ngựa rất nhiều cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Với những đặc điểm nổi bật như nhanh nhẹn, trung thành, thông minh và cùng với đó là vẻ ngoài hiền lành, nhã nhặn, ngựa đã trở thành một hình tượng rất phổ biến xuất hiện trong những câu thành ngữ về con ngựa, bên cạnh các câu chuyện cổ, truyền thuyết hay những câu chuyện lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam ta.
Hình ảnh người chiến binh cưỡi ngựa để tham gia cuộc chiến luôn là một hình tượng đầy uy lực trong các giai thoại. Đặc biệt trong lịch sử nước nhà ta có câu chuyện về Phù Đổng Thiên Vương đã hóa lớn nhanh như thổi và cùng con ngựa sắt của ông đẩy lùi quân xâm lược để bảo vệ nền hòa bình nước nhà.
Ngoài ra, hình tượng con ngựa còn là nguồn cảm hứng trong nền văn học Việt Nam. Với đa dạng chủ đề lẫn thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc đã làm cho những tác phẩm với hình tượng con ngựa luôn mang lại sự thu hút nhất định. Một số tác phẩm đặc sắc phải kể đến như: Người ngựa ngựa người của Nguyễn Công Hoan, Con ngựa bỏ ở chân thành của Nguyễn Du, Người đẹp trên mình ngựa của Ninh Tốn, Ngựa hồng của Chế Lan Viên,…
Những câu tục ngữ, thành ngữ về con ngựa
Vì quá thân thuộc nên hình ảnh con ngựa đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân ta, trở thành một phần trong cuộc sống của nhân dân, “đi vào” lời thơ, lời văn và cả trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ. Những câu thành ngữ về con ngựa hay những câu tục ngữ về ngựa vô cùng thân thuộc, dễ nhớ, dễ hiểu và mãi khắc sâu trong văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.
Một số câu tục ngữ, thành ngữ về con ngựa thường được nghe rất nhiều trong đời sống của người dân Việt xưa và nay có thể kể đến như:
- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
→ Ý nghĩa: Nói về tình đoàn kết. - Chiêu binh mãi mã.
→ Ý nghĩa: Chiêu mộ những người nhân tài, có sức khỏe, có tinh thần chiến đấu. - Mã đáo thành công.
→ Ý nghĩa: Câu chúc may mắn, thành công. - Ngựa non háu đá.
→ Ý nghĩa: Chỉ những người trẻ tuổi thường có tính cách hung hăng, thiếu chín chắn. - Cưỡi ngựa xem hoa.
→ Ý nghĩa: Chỉ những người làm việc qua loa, không cẩn thận, không tìm hiểu kỹ càng. - Ngựa chứng là ngựa hay.
→ Ý nghĩa: Nói những người có tài thường có những tật xấu. - Ngựa quen đường cũ.
→ Ý nghĩa: Chứng nào tật ấy.
- Ngưu tầm ngưu mã tầm mã.
→ Ý nghĩa: Chỉ việc những người giống nhau thường tập hợp lại với nhau, tìm đến nhau. - Da ngựa bọc thây.
→ Ý nghĩa: Câu này trong thời xưa dùng để nói về một người lính đã ngã xuống trên chiến trường. - Đầu trâu mặt ngựa.
→ Ý nghĩa: Dùng để chỉ những kẻ vô lại, kẻ đại bất lương. - Thẳng như ruột ngựa.
→ Ý nghĩa: Nói về việc không úp mở, thẳng thắn vào đề luôn. - Đơn thương, độc mã (một ngựa với một cây thương).
→ Ý nghĩa: Chỉ người một mình chống lại khó khăn, không có sự trợ giúp của ai. - Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
→ Ý nghĩa: Câu này dùng để chỉ việc có nhiều người qua lại.. - Ngựa lồng cóc cũng lồng.
Ý nghĩa: Chỉ sự đua đòi bắt chước một cách lố bịch kệch cỡm. - Ngựa nào gác được hai yên.
Ý nghĩa: Chỉ việc người ta không thể đồng thời phụng sự hai sự nghiệp lớn. Câu này tương đương với “Một gáo, hai chĩnh”. - Thiên binh vạn mã.
→ Ý nghĩa: Chỉ sự đông đảo, số lượng nhiều - Một mình một ngựa.
→ Ý nghĩa: Chỉ sự đơn độc - Một lời nói ra bốn ngựa khó tìm (Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy).
→ Ý nghĩa: Câu này có nghĩa là một lời nói vô ý khi ra khỏi miệng rất khó có thể lấy lại được. - Tái ông mất ngựa.
→ Ý nghĩa: Chỉ trong cái rủi có cái may. - Bóng ngựa qua cửa sổ.
→ Ý nghĩa: Bóng ngựa hay bóng câu lướt qua khe cửa là nhằm để chỉ sự trôi nhanh của thời gian.
- Dài như mặt ngựa.
→ Ý nghĩa: Gương mặt ngây ra, đờ đẫn khi bị phát hiện. - Voi giày ngựa xé.
→ Ý nghĩa: Là hình phạt tàn nhẫn nhất đối với những người có tội. Nó còn được hiểu là lời nguyền rủa cay độc với những bị căm ghét, khinh thường. - Đường dài mới hay sức ngựa.
Ý nghĩa: Câu này ý nói, cùng với thời gian, người ta có thể được những phẩm chất ta một người nào, nhất là khi ở với nhau thường xuyên. - Thay ngựa đổi chủ.
→ Ý nghĩa: Câu ngày dùng để chỉ một người rời bỏ một phe phái để đi theo một phe phái khác. - Thay ngựa giữa dòng.
→ Ý nghĩa: Ý chỉ thay đổi tướng giữa trận, đổi nhân vật chủ chốt giữa một kế hoạch đang triển khai - Ngựa về ngược.
→ Ý nghĩa: Dùng để nói những người không được kỳ vọng cao nhưng lại tạo ra được sự đột phá bất ngờ. - Ngũ mã phanh thây.
→ Ý nghĩa: Là một hình phạt thời phong kiến dùng cho những tù nhân bị trọng tội. - Làm thân trâu ngựa.
→ Ý nghĩa: Chỉ sự quy lụy, hầu hạ, cung phụng làm nô lệ cho người người khác. - Kiếp trâu ngựa.
→ Ý nghĩa: Chỉ những kiếp người nghèo khổ, phải đi làm thuê, làm những công việc nặng nhọc, đọa đày. - Hồ Mã tê Bắc phong (Ngựa Hồ hí gió Bắc).
→ Ý nghĩa: Chỉ về sự nhớ nhung quê hương xứ sở, chốn cũ người xưa. - Ra sức khuyển mã.
→ Ý nghĩa: Kẻ hết lòng hết sức đối với người ra ơn với mình. - Công lao hãn mã.
→ Ý nghĩa: Nói về những chiến công lừng lẫy của những kỵ sĩ cưỡi ngựa chiến đấu. - Chạy như ngựa vía.
→ Ý nghĩa: Chạy rất nhanh. - Lên xe, xuống ngựa.
→ Ý nghĩa: Sống giàu sang, nhàn hạ, được trọng vọng. - Được đầu voi đòi đầu ngựa.
→ Ý nghĩa: Nói về người có lòng tham không đáy - Bạch Mã phi Mã
→ Ý nghĩa: (Chữ Hán: 白馬非馬; Ngựa trắng không phải là ngựa), một câu đầy tính triết học của Công Tôn Long bản về sự khác nhau giữa cái cá thể (bạch mã) và cái chung (mã). - Mồm chó vó ngựa.
→ Ý nghĩa: Nói về những người ruột “ruột để ngoài da”, ăn nói linh tinh, không biết giữ miệng. - Ai muốn đi xa phải dành sức ngựa.
→ Ý nghĩa: Đường xa, phải chú ý đến sức khỏe của ngựa. - Bò đất ngựa gỗ.
→ Ý nghĩa: Đồ vô dụng, bất tài, của bỏ đi. - Buộc đuôi cho ngựa đá nhau.
→ Ý nghĩa: Tạo xích mích để cho đối tượng đấu đá với nhau. - Con dân cầm đòn càn. Con quan được cưỡi ngựa.
→ Ý nghĩa: Nói về sự quan trọng của xuất thân.
Xem thêm:
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
86 bài thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ về con cò
Top bài thơ, ca dao tục ngữ về con trâu gắn liền với người nông dân
Những câu ca dao về ngựa hay nhất
Những câu thành ngữ về con ngựa đã cho chúng ta thấy sự vận dụng tuyệt vời của ông cha ta với những hình ảnh thân thuộc xung quanh vào trong từng con chữ. Bên cạnh những câu thành ngữ tục ngữ, những câu ca dao về ngựa cũng rất dễ đọc, dễ nhớ và ý nghĩa.
- Ngựa ô chẳng cưỡi, chẳng bò,
Đường ngay không chạy, chạy dò đường quanh. - Ngựa hay chẳng quản đường dài,
Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng. - Hỡi cô thắt dải lưng xanh,
Ngày ngày thấp thoáng bên mành chờ ai?
Trước đường xe ngựa bời bời,
Bụi hồng mờ mịt ai người mắt xanh! - Đường dài ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa trăm năm cũng về. - Năm con ngựa bạch sang sông,
Năm gian nhà ngói đèn trong đèn ngoài.
Đèn yêu ai mà đèn chẳng tắt?
Ta yêu mình nước mắt nhỏ ra. - Tiếc thay con ngựa cao bành,
Để cho chủ ấy tập tành không nên. - Sông sâu ngựa lội ngập kiều,
Dầu anh có phụ, có nhiều nơi thương.
- Đường dài ngựa chạy cát bay,
Ngãi nhân thăm thẳm một ngày một xa. - Em có chồng rồi như ngựa có cương,
Ngõ em em đứng, đường trường anh đi… - Xa thì mượn ngựa anh đi,
Quý hồ tốt quảy, quản chi xa gần.
Ước gần mà chẳng được gần,
Ai làm cách Việt xa Tần thế ni? - Em đã có chồng như ngựa đủ yên,
Anh chưa có vợ như chiếc thuyền nghiêng giữa vời. - Có chồng như ngựa có cương,
Đắng cay cũng chịu, vui thương cũng nhờ. - Ngựa ô anh thắng kiệu vàng,
Anh tra khớp bạc,
Lục lạc đồng đen,
Búp sen lá rậm,
Dây cương đằm thắm,
Cán roi anh bịt đồng,
Anh đưa nàng về dinh… - Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ông thời cầm bút cầm nghiên,
Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa. - Gập ghềnh nước chảy qua đèo,
Ngựa xô xuống biển, thuyền chèo lên non. - Con dân cầm đòn càn,
Con quan được cưỡi ngựa. (Ca dao dân tộc Thái)
Với sự phong phú về nghĩa lẫn các bài học mà những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con ngựa mang lại đã mang đến rất nhiều những kinh nghiệm sống cho thế hệ sau này. Những câu thành ngữ, tục ngữ ca dao ấy cũng trở thành một di sản quý giá, được những người con Việt cùng chung tay gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau này.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.
Ảnh : Internet