Văn hoá ứng xử là một phần rất quan trọng của cuộc sống, không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn giúp các mối quan hệ trong xã hội trở nên gắn kết và bền vững hơn. Vậy văn hóa ứng xử là gì? Biểu hiện thế nào? Tác động đến đời sống ra sao? Mời bạn cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Văn hóa ứng xử là gì?
Ứng xử là gì?
Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa người với tự nhiên và xã hội. Ứng xử cũng là phản ứng của con người trước sự tác động của người khác trong một tình huống cụ thể.
Hành vi này biểu hiện bản chất, nhân cách của mỗi các nhân thông qua ngôn từ, cử chỉ, thái độ, phong thái trước sự tác động của các yếu tố bên ngoài.
Thế nào là văn hóa ứng xử?
Văn hóa ứng xử là một bộ phận cấu thành văn hóa, là hệ thống giá trị các chuẩn mực từ thái độ và hành vi của con người. Văn hóa ứng xử bao gồm các mối quan hệ, thái độ và hành động của con người đối với con người và xã hội. Văn hóa ứng xử sẽ phản ánh trình độ văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc.
Có thể hiểu đơn giản, văn hóa ứng xử là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực văn hóa chân - thiện - mỹ của một cộng đồng xã hội, tức là ứng xử có văn hóa.
Biểu hiện của người có văn hóa ứng xử
Trong gia đình
Văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là vấn đề được quan tâm và coi trọng. Trong các gia đình Việt, văn hóa ứng xử gia đình là nét đẹp lâu đời, truyền thống của dân tộc ta.
- Tình yêu thương: Ông bà cha mẹ yêu thương, hy sinh, bảo bọc con cháu. Vợ chồng giữ trọn lòng chung thuỷ, tình nghĩa. Anh chị em hòa thuận, nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.
- Sự bình đẳng: Nam nữ bình đẳng với nhau, vợ chồng san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống.
- Sự tôn trọng: Các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau, góp ý, nâng đỡ tinh thần, không làm tổn thương người khác.
- Sự chia sẻ: Cùng nhau gánh vác những trách nhiệm, cùng nhau hưởng thụ những thành quả của quá trình lao động do gia đình làm ra. Sẻ chia là kết quả của yêu thương, tôn trọng và bình đẳng trong gia đình.
- Lòng hiếu thảo: Con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Cha mẹ cũng chính là tấm gương hiếu thảo cho con cái noi theo.
- Sự đoàn kết: Cần có sự đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình, thân tộc. Sức mạnh của gia đình, cộng đồng chính là tình đoàn kết.
Trong doanh nghiệp
Văn hóa ứng xử là một phần quan trọng của nền văn hóa doanh nghiệp. Điều này là một trong các nhân tố góp phần tạo dựng nên hình ảnh doanh nghiệp, xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả.
- Nói năng lịch sự, tế nhị, giọng nói vừa đủ nghe, không nói quá to hoặc quá nhỏ.
- Chăm chú lắng nghe khi người khác nói.
- Hòa đồng, chân thành trong đối xử với mọi người.
- Tác phong làm việc chuyên nghiệp.
- Giữ hòa khí.
- Xây dựng tinh thần đoàn kết.
- Thái độ lạc quan, cầu thị.
Trên mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Bên cạnh những tiện lợi, mạng xã hội cũng nảy sinh không ít vấn đề, trong đó có nhiều cá nhân ứng xử thiếu văn hóa trên không gian mạng.
- Tuân thủ Luật An ninh mạng.
- Không lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Phát ngôn cẩn thận, không khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều, gây ảnh hưởng đến người khác.
- Có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Tôn trọng người khác, không nói xấu, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Không đưa ra những nhận xét, bình luận không đúng hoặc ác ý.
- Khuyến khích đưa những thông tin tích cực, những giá trị tốt đẹp của con người.
Xem thêm:
50+ danh ngôn, ca dao tục ngữ về tôn trọng người khác ý nghĩa nhất
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực, thật thà
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
Tầm quan trọng của văn hóa ứng xử
Văn hóa ứng xử có vị trí, vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người trước mọi tình huống của cuộc sống.
Thước đo giá trị con người
Người có văn hóa ứng xử là người có cách tư duy và hành động hợp thông minh và tinh tế. Điều này thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng ứng biến, tư duy của người đó trong cuộc sống.
Đối với mỗi cá nhân, văn hóa giao tiếp, ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường hàng ngày mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ở cơ quan và xã hội. Đồng thời có ảnh hưởng sự thành công trong sự nghiệp của người đó. Một người bình thường như có thái độ cầu tiến, cư xử chan hòa với mọi người chắc chắn sẽ thành công hơn một người tài giỏi nhưng kiêu ngạo, chủ quan và cư xử thiếu văn hóa.
Qua cách ứng xử của một con người, ta có thể hiểu được bản chất của con người đó. Đây chính là mối quan hệ giữa nội hàm (bên trong) và hình thức (bên ngoài) của một người.
Nâng cao trình độ văn hóa xã hội
Tầm quan trọng của văn hóa ứng xử cũng có tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Văn hóa ứng xử lành mạnh sẽ là động lực cho sự phát triển toàn diện của xã hội về an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao,...
Thực hiện tốt văn hóa ứng xử giúp cải thiện quan hệ giữa con người với nhau, rộng hơn là giữa quốc gia này với quốc gia khác. Chúng ta hành động hài hòa với chính mình, dùng tình yêu thương để xoa dịu vấn đề, thông cảm và thấu hiểu người khác. Từ đó dễ dàng liên lạc, trao đổi và kết nối với nhau, góp phần tăng cường tình đoàn kết, tạo tiền đề cho sự hợp tác bền vững trong tương lai.
Danh ngôn về ứng xử, đối nhân xử thế
Sau đây là những danh ngôn về ứng xử cũng như cách đối nhân xử thế trong cuộc sống mà VOH sưu tầm.
- Người nói càng nhiều càng tạo ra nhiều nhầm lẫn. (Benjamin Franklin)
- Yêu mọi người, tin vài người, đừng xúc phạm tới ai hết. (William Shakespeare)
- Đừng bận tâm về những điều người ta nói xấu sau lưng bạn, vì họ là những người chỉ bới móc sai lầm trong đời bạn thay vì lo sửa sai lỗi lầm của chính mình (Ngạn ngữ Anh)
- Khi nói với những kẻ thông thái nửa vời, hãy nói điều nhảm nhí. Khi nói với những kẻ dốt nát, hãy khoe khoang. Khi nói với những người khôn ngoan, hãy nhún nhường và xin họ lời khuyên. (Edward Bulwer Lytton)
- Nói hay và hùng hồn là một nghệ thuật, nhưng biết lúc nào cần ngừng lời cũng là một nghệ thuật chẳng kém hơn. (Wolfgang Amadeus Mozart)
- Sáng suốt trong thế giới của người điên cũng chính là điên. (Jean Jacques Rousseau)
- Người nhận được ân tình nhiều nhất là người biết đáp trả chúng. (Publilius Syrus)
- Con đường tốt nhất dẫn đến trái tim một người là nói chuyện với anh ta về những điều anh ta trân trọng nhất. (Dale Carnegie)
- Nghệ thuật thông thái là nghệ thuật biết phải bỏ qua cái gì. (William James)
- "Biết mình" là một câu nói hay, nhưng không phải trong mọi tình huống. Trong nhiều tình huống, tốt nhất là hãy nói "biết người". (Menander)
- Trái tim của kẻ khờ khạo nằm ở cửa miệng, nhưng cái miệng của người sáng suốt lại ngự ở trong tim. (Benjamin Franklin)
- Chân thật giả quả ngôn. Hư ngụy giả đa biện. Chân thật thì ít lời. Gian dối lắm miệng lưỡi. (Lão Tử)
- Người muốn sống yên bình và thoải mái không được nói lên tất cả những gì mình biết và tất cả những gì mình thấy. (Benjamin Franklin)
- Để thành công trong thế giới này, chỉ ngu xuẩn là không đủ, anh cũng phải biết xử thế. (Voltaire)
- Bí mật để biến thành một kẻ buồn chán... là cái gì cũng kể. (Voltaire)
- Bất cứ khi nào bạn xung đột với ai đó, có một yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt giữa hủy hoại mối quan hệ và làm nó trở nên sâu sắc hơn. Yếu tố đó là thái độ. (William James)
- Điều bạn nói không quan trọng mà quan trọng là cách bạn nói. Nơi đó ẩn giấu bí mật của thời gian. (William Carlos Williams)
- Lắng nghe nhiều người, nói với ít người. (William Shakespeare)
- Một người bắt đầu nói dở khi người đó chẳng có gì để nói. (Voltaire)
- Không phải câu hỏi nào cũng cần trả lời. (Publilius Syrus)
- Có những người có thể làm được mọi điều tốt và anh hùng, chỉ trừ một việc - không kể hạnh phúc của mình cho người bất hạnh. (Mark Twain)
- Khó mà làm hài lòng được tất cả mọi người. (Publilius Syrus)
- Am hiểu tự hào vì mình biết quá nhiều; khôn ngoan nhún nhường rằng mình chỉ biết đến thế. (William Cowper)
- Hãy luôn cố để làm người đầu tiên: người đầu tiên gật đầu, người đầu tiên cười, người đầu tiên khen ngợi, và người đầu tiên tha thứ. (Khuyết danh)
- Nêu rõ luận điểm mà không tạo kẻ thù đòi hỏi tài ứng xử khéo léo. (Isaac Newton)
Trên đây là những lý giải của VOH về văn hóa ứng xử là gì, tầm quan trọng của ứng xử có văn hóa trong các khía cạnh của xã hội. Để cư xử có văn hóa, từ lời nói cho đến thái độ, bạn phải luôn nhìn nhận bản thân mình, mình là ai, mình có gì và thiếu sót những gì. Có như vậy, bạn mới có thể tự tin vào những gì mình có nhưng đồng thời giữ được sự khiêm nhường để đón nhận những điều tốt đẹp từ người khác.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.