Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ý nghĩa câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần”

VOH - Dân gian có câu “Cờ bạc là bác thằng bần” để răn người ta không nên va vào con đường bài bạc, nhất là khi mượn danh “vui xuân 3 ngày Tết”.

“Cờ bạc là bác thằng bần/ Ruộng vườn bán hết tra chân vào cùm”, đó là lời nhắc nhở của ông bà xưa khi nói về vấn nạn cờ bạc. Cờ bạc chưa bao giờ mang lại hạnh phúc, ấm no, tiền tài, thứ nó mang lại hại nhiều hơn lợi… Hãy cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa câu “Cờ bạc là bác thằng bần” trong bài viết sau đây.

“Cờ bạc là bác thằng bần” là gì?

Từ xưa đến nay, cờ bạc luôn được xem là vấn nạn của xã hội, chưa từng có được sự công nhận và ủng hộ của mọi người. Thậm chí, khi nhắc đến bài bạc, ông bà ta còn có câu: “Cờ bạc là bác thằng bần” như một lời răn dạy con cháu tuyệt đối không nên sa vào kiếp “đỏ đen”.

Ý nghĩa câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần” 1
"Cờ bạc là bác thằng bần" - câu nói chứa đựng lời răn dạy ý nghĩa của người xưa - Ảnh: Internet

Vậy ý nghĩa “Cờ bạc là bác thằng bần” là gì? Thực chất nghĩa đen của câu nói này vô cùng đơn giản, ai đọc cũng hiểu. Người xưa đã sử dụng phép tu từ so sánh, nhân hóa để đưa ra một lời khẳng định chắc nịch về vấn đề bài bạc.

“Cờ bạc” trong câu nói đã được tôn lên thành “bác”. “Bác” ở đây nói đến vai vế trong gia đình, là họ hàng có địa vị cao (bác là anh của cha). Còn “bần” chỉ sự nghèo khổ, tằn tiện, đứng ở tầng lớp thấp hèn.

Người xưa dùng “cờ bạc” nhân hóa lên thành “bác”, một danh xưng có địa vị cao trong họ hàng thân thuộc, đứng vào bậc cha chú, dù là cha chú thằng “nghèo”, nhằm ám chỉ “bác thằng bần” là nghèo hơn cả chữ “nghèo”. Và câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần” như một lời nhắc nhở: Cờ bạc chắc chắn đưa con người ta đến sự nghèo đói, bần cùng.

Vấn nạn cờ bạc “lên ngôi” nhất là khi Tết đến xuân về

Cờ bạc được xem như một vấn nạn của xã hội, thế nhưng, mỗi khi Tết đến xuân về “cờ bạc” lại là một trong những trò giải trí yêu thích của rất nhiều người từ trẻ đến già, từ trai đến gái ở nông thôn lẫn thị thành.

Đánh bài, lắc bầu cua, lô tô,… trong dịp đầu năm mới dường như đã trở thành một thói quen tại các vùng miền trên cả nước. Những trò chơi ấy nếu chỉ dừng lại ở mục đích vui chơi, giải trí thì có lẽ niềm vui trong những ngày đầu năm mới sẽ tròn vẹn và không có gì để bàn tới. Thế nhưng, những trò may rủi, đỏ đen vào dịp Tết lại dần biến tướng, khiến cho một nét đẹp văn hóa bị biến đổi theo thời gian.

Ý nghĩa câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần” 2
Vấn nạn cờ bạc thường “lên ngôi” mỗi khi Tết đến xuân về - Ảnh: Internet

Thực tế, trong những ngày trong và sau Tết, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm người tụ tập, tụm năm tụm ba từ trong nhà ra ngoài ngõ chỉ để đánh bài, lắc bầu cua có cá cược, nhỏ thì vài ngàn, vài chục ngàn, lớn thì vài trăm, vài triệu. Khi máu đỏ đen đã thấm vào, mỗi ván có thể lên tới vài chục triệu đồng.

Để rồi sau những canh bạc ngày Tết cũng là lúc hết tiền, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, thậm chí là rơi vào cảnh tù tội vì trộm cắp, cướp giật…

Những phong tục tập quán mà ông bà xưa để lại trong ngày Tết luôn mang giá trị tốt đẹp, đậm nét nhân văn. Vấn đề là những người đang sống ở thời hiện đại đã làm lệch lạc đi ý nghĩa của các trò chơi ngày Tết cổ truyền.

Trong dịp Tết xưa, cờ bạc chỉ mang tính chất chơi để thử vận may xem năm nay đen hay đỏ, chơi cho vui, chơi là chính chứ không phải để làm giàu hay sát phạt nhau.

Câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần” chính là một lời răn dạy của người xưa rằng cờ bạc không thể mang lại cho con người sự ấm no, hạnh phúc hay tiền tài. Thứ mà chúng ta có được sau những canh bạc thâu đêm, suốt sáng chỉ là sự nghèo đói cùng một tương lai tăm tối.

Xem thêm:
Giải thích thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” là gì?
Giải thích thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó” nghĩa là gì?
“Thắt đáy lưng ong” là gì mà được xem là chuẩn mực của cái đẹp?

Nghiện cờ bạc dễ “ăn sâu vào máu”

Người xưa đã xếp cờ bạc thuộc nhóm “tứ đổ tường”, gồm: Tửu, Sắc, Tài, Khí (Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Nghiện Hút). Chúng đều là những thói xấu làm tan nát nhà cửa, thân bại danh liệt của nhiều người, phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, ảnh hưởng đến xã hội, đất nước.

Cờ bạc là vấn nạn, là căn bệnh xã hội cũng là một triệu chứng tâm bệnh. Nó dễ mắc nhưng khó chữa. Những ai may mắn thoát ra khỏi căn bệnh này ít nhiều cũng học được những bài học đau đớn, đắt giá và hối hận cả đời.

Như một người say rượu không bao giờ nhận mình là say. Cũng vậy, người nghiện cờ bạc không bao giờ nhận mình là “con ma bài bạc”. Thế nhưng, đam mê cờ bạc thực tế là một hình thức nghiện ngập có thể gây ra những mối nguy hại về mặt thể chất, tâm lý và xã hội.

Rất nhiều người sau khi sa chân vào kiếp “đỏ đen” thừa nhận, một khi đã dính vào cờ bạc thì chỉ có thay máu may ra mới cai được. Bước vào một cuộc "đỏ đen", người chơi luôn bị thôi thúc và lôi cuốn giống như kẻ nghiện rượu, nghiện hút thuốc lá hoặc nghiện ma túy. Mà đã nghiện thì rất khó bỏ.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nghiện cờ bạc không khác nghiện ma túy là bao. Bởi trong lúc chơi, cơ thể sẽ sản sinh ra một chất trung gian hóa học kích thích thần kinh. Khi thắng một canh bạc, cơ thể lại tiết ra một lượng lớn morphin nội sinh tạo cảm giác thăng hoa và người chơi chính là thèm cái cảm giác đó.

Cảm giác sung sướng thăng hoa khi morphin tràn ngập khắp cơ thể. Cái đó gọi là cờ bạc ăn vào trong máu, thật khó để mà cai.

Cờ bạc cũng là “con đường” đi đến sự bần cùng nhanh nhất

Nghiện cờ bạc không chỉ hủy hoại bản thân mà nó còn gây nguy hại cho gia đình và xã hội. Báo đài hàng ngày vẫn đưa tin về những vụ việc liên quan đến nạn cờ bạc như: chồng giết vợ, con đánh cha mẹ già, gia đình tan vỡ, con cái hư hỏng… Ấy vậy mà người ta vẫn cứ lao vào như thiêu thân vậy!

Ý nghĩa câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần” 1
Cờ bạc dễ đi đến con đường "bán vợ đợ con" - Ảnh: PAP16

“Cờ bạc là bác thằng bần”, “chơi số đề ra đê mà ở”, cờ bạc, số đề một khi đã ăn vào máu thì cai rất khó, chẳng khác gì cai nghiện ma túy cả.

Khi thắng, người ta lại muốn kiếm thêm, còn khi thua thì lại muốn gỡ gạc… cứ thế đến khi trong túi không còn tiền, lại đi “chà đồ nhôm” đem bán, nhà cửa, xe cộ. Tài sản tích góp cả đời cũng vì thế mà lần lượt đội nón ra đi.

Khi trong nhà không còn thứ gì có thể cầm cố, các con bạc “túng quá làm liều”, bắt đầu trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giết người… để có sát phạt trên bàn “đen đỏ”.

Xã hội ngoài kia không thiếu những kẻ có công ăn việc làm đàng hoàng, cán bộ công chức nhà nước mà chỉ vì nghiện cờ bạc, cá độ đến mức phải chôn vùi công danh sự nghiệp, thậm chí vào khám, vào tù vì thụt két công quỹ.

Tệ nạn cờ bạc cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho nạn cho vay nặng lãi lộng hành, tín dụng đen nở rộ. Nhiều người đam mê cờ bạc, đề đóm sẵn sàng vay “nóng” lãi cao, họ tin rằng chỉ cần một lần thắng sẽ “một bước lên mây”. Thế nhưng, phần lớn họ đều rơi vào cảnh bị chủ nợ dồn đuổi tới bước đường cùng phải bỏ xứ trốn biệt. Có người thậm chí còn bị xã hội đen bắt giữ, tra tấn để đòi nợ…

Rõ ràng con đường cờ bạc không giúp giàu lên, nó chỉ khiến người ta ngày càng nghèo túng, thậm chí tán gia bại sản, nhân cách suy đồi, rơi vào tù tội, có khi là hủy hoại thân mình vì cảm thấy tuyệt vọng, thấy con đường trước mặt tối tăm.

Xem thêm:
Giải thích thành ngữ “Chọc gậy bánh xe” là gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Thua keo này ta bày keo khác” là gì?
“Kẻ tám lạng người nửa cân” là gì? Vì sao 8 lạng bằng 0,5kg?

Ca dao tục ngữ về cờ bạc

Cờ bạc không phải chỉ hại tiền, thiệt của, nó còn làm người ta mất thời giờ, bỏ bê công việc, buôn bán, làm ăn… Cái nghèo cũng vì thế mà đến nhanh hơn. Dưới đây là một vài câu ca dao tục ngữ nói về cờ bạc hay và ý nghĩa.

1. Ăn sẻ sẻ đẻ ông voi (Ăn ít thua nhiều)

2. Lấy chồng trà rượu là tiên
Lấy chồng cờ bạc là duyên nợ nần.

3. Làm trai cờ bạc thì chừa
Rượu làng thì uống, rượu mua thì đừng.

4. Tiền cờ bạc gác ngoài sân.

5. Tiền buôn tiền bán thì để trong nhà
Tiền cờ tiền bạc thì ra ngoài đường.

Ý nghĩa câu nói “Cờ bạc là bác thằng bần” 4
Ảnh minh họa - Ảnh: PAP14

6. Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết ra thân ăn mày.

7. Cờ bạc là bác thằng bần,
Ruộng nương bán hết xỏ chân vào cùm.

8. Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm.

9. Đĩa bằng thau, con tôm càng dựng đứng
Đĩa bằng sứa, dựng đứng con tôm he
Đạo vợ chồng em nói anh nghe
Biểu anh đừng cờ bạc rượu chè hư thân.

Nhiều người tưởng rằng, đi đánh bạc sẽ vét được tiền thiên hạ, nào biết rằng một khi máu cờ bạc nổi lên, thắng thì muốn thêm, thua thì ham gỡ, chung quy chỉ có gỡ vào. Cho nên từ xưa đến nay, không ai do cờ bạc mà làm giàu, chỉ thấy vì cờ bạc mà vong thất gia thổ, bán vợ đợ con. Ông bà ta nói câu “Cờ bạc là bác thằng bần” âu cũng từ đấy mà ra.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận