Giải thích thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” là gì?

VOH - “Đứng núi này trông núi nọ” là lời phê phán những người không biết hài lòng với những gì mình đang có, ngay cả trong tình yêu và cuộc sống.

Tham lam là một tính xấu của con người. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nếu để lòng tham chi phối hành động, con người sẽ không thể có được hạnh phúc, không thể sống trọn vẹn cuộc đời của mình. Chính vì vậy, để nói về lòng tham, ông cha ta đã có những câu ca dao, thành ngữ tục ngữ răn dạy về điều này.

Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn giải mã câu thành ngữ “Đứng núi này trông núi núi nọ” là gì để thấy được những bài học ý nghĩa mà ông bà ta gửi gắm đến thế hệ sau.

“Đứng núi này trông núi nọ” là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “Đứng núi này trông núi nọ” ví thái độ không bằng lòng, không an tâm với công việc, hoàn cảnh hiện có, mà mơ tưởng đến cái khác tốt hơn (hàm ý phê phán).

Theo nghĩa đen, câu thành ngữ nói về một người đang đứng ở trên ngọn núi nàу mà lại trông ngóng ѕang ngọn núi kháᴄ, muốn đi đến ngọn núi kia hơn là ngọn núi mình đang đứng. Từ đó, ta có nghĩa ẩn dụ chỉ về những người không biết thỏa mãn ᴠới ᴠị trí, với những điều mình đang ᴄó mà luôn so sánh và nhóm ngó mọi thứ xung quanh.

Như vậy, câu thành ngữ có ý phê phán thói tham lam, thái độ sống không biết điểm dừng. Chính điều này sẽ khiến con người luôn mãi chạy theo những điều phù phiếm trong cuộc sống, đánh mất đi hạnh phúc mình đang nắm giữ.

Các phiên bản khác của câu thành ngữ này là:

  • Đứng núi nọ, đọ núi kia.
  • Đứng núi nọ, nhìn non kia.
  • Đứng núi nọ, trông núi này.
Giải thích thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” là gì? 1
Ảnh: Canva

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Giàu đổi bạn sang đổi vợ' nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu ca dao ‘Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân’
Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Ăn cây táo rào cây sung" là gì?

Điển tích của câu thành ngữ

Câu chuyện kể về một anh chàng lên tìm gặp sư thầy nổi tiếng của vùng để hỏi về chuyện gia đình của mình. Anh đã không còn tha thiết với người vợ hiện tại và phải lòng một cô gái khác. Anh cho rằng, cô gái dịu dàng, lương thiện và chính là mẫu người anh đã tìm kiếm lâu nay.

Sư thầy bảo anh đi theo rồi dẫn anh đến một ngọn núi.

- Con thấy ngọn núi này thế nào?

- Đẹp và hùng vĩ ạ.

Sư thầy không nói gì và cả hai cùng leo lên đỉnh núi. Trên đường đi, chàng trai cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu vì con đường khúc khuỷu đầy sỏi đá. Chờ leo lên tận đỉnh, nhà sư lại lặp lại câu hỏi ban đầu và chàng trai đáp ngay:

- Ngọn núi này không ổn, đường thì toàn đá sỏi, cây cối cũng mọc không được tốt. Nhưng đứng đây có thể nhìn ra xa, con thấy ngọn núi đối diện đẹp hơn nhiều.

Nhà sư cười và ôn tồn giảng giải: “Khi con quen một người cũng hệt như lúc con đứng xa nhìn ngọn núi, trong mắt đầy sự mới lạ và ngưỡng mộ. Nhưng khi hiểu rõ người đó rồi, chính là lúc con leo lên núi, con thấy được những thứ chi tiết rõ ràng, nhưng đến đỉnh núi, mắt của con cũng chỉ nhìn thấy ngọn núi khác mà thôi.”

“Đứng núi này trông núi nọ” trong tình yêu: Bài học về lòng chung thủy

Trong tình yêu, câu thành ngữ có ý muốn phê phán những người không chung thủy. Dù đã có người yêu, có người bạn đời ở bên, một vài người vẫn vô thức so sánh người bên cạnh mình với người khác. Khi đó, họ thấy người kia trông tốt hơn người hiện tại. Nếu tình cảm và trách nhiệm không đủ lớn, họ sẽ nhẫn tâm bỏ rơi người bên cạnh mình để chạy theo người mới.

Giải thích thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” là gì? 2
“Đứng núi này trông núi nọ” trong tình yêu là biểu hiện của sự phản bội - Ảnh: Canva

"Núi này cao còn có núi khác cao hơn", chỉ cần chúng ta so sánh, chúng ta sẽ thấy được những người tốt hơn. Một người phụ nữ xinh đẹp, một người đàn ông giỏi giang,... sẽ luôn luôn có một người tốt hơn như thế. Nhưng, trên thực tế, những điều ta cho là "tốt hơn" lại chưa chắc là điều mang lại cho ta hạnh phúc trong tình yêu, trong hôn nhân. Nếu cứ mãi so sánh, mãi chạy theo điều mà bạn cho là "tốt hơn", bạn sẽ không bao giờ thoát được vòng luẩn quẩn này, không bao giờ có được tình yêu trọn vẹn.

Đặc biệt, lòng chung thủy là điều trân quý và thiêng liêng nhất trong tình yêu. Nếu đánh mất nó, bạn không chỉ huỷ hoại mối quan hệ mà còn đánh mất lòng tự trọng của mình. Yêu đương là bản năng nhưng chung thủy là sự lựa chọn. Người phản bội người khác thì không xứng đáng có được hạnh phúc.

“Đứng núi này trông núi nọ” trong cuộc sống: Sống biết đủ chính là khôn ngoan

Đừng so sánh bản thân với người khác

Chúng ta đều biết rằng, mỗi người sinh ra đều có một con đường khác nhau. Nếu cứ mãi nhìn sang người khác, ta sẽ không còn thời gian để nhìn chính mình, bỏ quên cuộc đời của mình.

Sống không biết đủ, không thể hạnh phúc

Biết hài lòng với những gì đang có chính là một loại hạnh phúc. Người biết đủ luôn biết bản thân muốn gì, nên làm gì và không đòi hỏi quá mức. Lòng tham quá mức sẽ dẫn đến những hành động sai lầm, làm tổn hại bản thân và liên lụy đến người khác.

Nếu không biết đủ, con người sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn. Từ thiếu thốn sẽ nảy sinh cảm giác bất an, ghen tỵ và hình thành lòng đố kỵ. Lúc này lòng vị tha, khoan dung sẽ biến mất và con người trở nên ích kỷ. Đừng mù quáng chạy theo hư danh để rồi đánh mất những điều tốt đẹp, an yên trong cuộc sống.

Giải thích thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” là gì? 3
Hài lòng với những gì mình đang có cũng là một loại hạnh phúc - Ảnh: Canva

Nên có tham vọng, nhưng đừng tham lam

Frank Tyger từng nói: “Tham vọng là nhiệt huyết có mục đích.” Có thể nói, tham vọng tạo nên mục tiêu. Nếu không có mục tiêu thì con người rất khó có sức mạnh, ý chí để tiến tới thành công.

Nhưng tham vọng lại là con dao hai lưỡi. Nếu không thể kiểm soát tham vọng một cách đúng đắn, nó sẽ trở thành tham lam.

Tham lam là mong muốn lấy hết thành quả của người khác, muốn lấy nhiều hết mức có thể. Người tham lam luôn muốn có được nhiều hơn, luôn khó chịu với những người hơn mình. Nếu không biết kiểm soát, sự tham lam có thể dẫn đến các hành động vô đạo đức, thậm chí làm tổn thương người khác để đạt được mục tiêu cá nhân.

Như vậy, nếu như tham vọng là dây cót giúp ta tiến về phía trước, không ngủ trên chiến thắng, giúp bản thân ngày càng tiến bộ thì tham lam sẽ làm ta mù quáng, dễ đi vào con đường trái đạo đức, trái lương tâm.

Vì vậy, hãy học cách nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn để đi đúng con đường mình đã chọn. Hãy học cách chấp nhận bản thân không phải lúc nào cũng là người hoàn hảo nhất và tập trung hết sức vào việc mình đang làm.

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng tham

Sau đây là những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng tham mà VOH sưu tầm.

Giải thích thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” là gì? 4
Ảnh: Canva
  1. Tham thì thâm.
  2. Ăn chó cả lông ăn hồng cả hạt.
  3. Uống nước không chừa cặn.
  4. Bắt cá hai tay.
  5. Tham thực cực thân.
  6. Ăn một miếng, tiếng để đời.
  7. Ăn ngập mặt ngập mũi.
  8. Muốn ăn, gắp bỏ cho người.
  9. Của mình thì giữ bo bo
    Của người thì thả cho bò nó ăn.
  10. Tham vàng phụ nghĩa ai ơi
    Vàng rồi tiêu hết, nghĩa đời còn nguyên.
  11. Đừng ham nhà ngói cao nền
    Lăn thân vô đó biết bền hay không?
  12. Đừng nên tham phú phụ hèn
    Đừng như châu chấu thấy sáng đèn nhảy vô.
  13. Tham vàng bỏ đống gạch đầy
    Vàng thì ăn hết gạch xây nên thành.
  14. Một tay hai trái khó bưng
    Muốn bưng trái nọ thì đừng trái kia.
  15. Con chim ham ăn còn mắc cái tròng
    Người mà tham của sao khỏi mắc vòng gian nan.

Trên đây là phần giải thích của VOH về câu thành ngữ "Đứng núi này trông núi nọ" nghĩa là gì. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về câu thành ngữ, có được thêm cho mình những bài học quý giá. Để cập nhật thêm những kiến thức về thành ngữ, tục ngữ Việt Nam hay nhất, hấp dẫn nhất, đừng quên truy cập chuyên mục VOH Sống đẹp.

Bình luận