Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa câu nói "Học đi đôi với hành"

VOH - Học là con đường ngắn nhất để đạt được thành công. Và bất kể cách học của bạn ra sao, thực hành vẫn luôn là việc đi đôi cùng học tập. Vậy “học đi đôi với hành” nghĩa là gì?

“Học đi đôi với hành” rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi người. Trên tiến trình tích lũy và nâng cao tri thức “học” và “hành” cần phải song hành cùng nhau. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về câu nói nổi tiếng này.

“Học đi đôi với hành” là gì?

“Học đi đôi với hành” là một câu nói mà ai trong chúng ta cũng đều đã nghe hoặc nhìn thấy ở đâu đó. Đây có thể xem như một phương châm trong sự học của nhiều người.

“Học” chính là quá trình tiếp nhận và lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm từ sách vở và thực tiễn vào bên trong đầu óc con người. Học là nắm bắt lý thuyết, biến lý thuyết thành kỹ năng, năng lực của mình.

“Hành” là đem những tri thức, kinh nghiệm có được trong quá trình học tập để vận dụng vào cuộc sống thực tiễn. Vận dụng những điều đã được học trong sách vở, những lý thuyết vào thực tế để tạo ra của cải, vật chất xã hội.

Giải thích ý nghĩa câu nói

Ý nghĩa câu “học đi đôi với hành” hiểu đơn giản chính là một sự kết hợp và bổ trợ cho nhau về mọi mặt. Khi học “đi đôi” với hành sẽ làm cho cái ta học trở nên sâu sắc, logic phù hợp với cơ sở khoa học và đạt được kết quả tốt nhất. Đây cũng là hai yếu tố cần được song hành cùng nhau để giúp chúng ta hoàn thiện, phát triển bản thân.

“Học đi đôi với hành” là câu nói của ai?

“Học đi đôi với hành” là câu nói được trích từ câu: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về mối quan hệ giữa học và hành tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập vào năm 1950.

Theo Người, học không thể tách rời với hành. Học mà không hành, không áp dụng những điều đã học vào thực tế thì chẳng khác nào chiếc hòm đựng đầy sách. Còn hành mà không học thì khó mà trôi chảy. Người học muốn thực hành tốt thì cần phải được trang bị đầy đủ tri thức, kiến thức.

“Học đi đôi với hành” cũng là nguyên tắc giáo dục cơ bản của Đảng và Nhà nước hiện nay. Học mà không hành thì hiểu vấn đề nhưng không nắm bắt được trọng điểm, gây lãng phí thời gian và công sức. Hành mà không học thì ngược lại, nắm bắt được trọng điểm nhưng không hiểu được vấn đề vì thiếu những kiến thức cơ bản và nội dung chuyên môn.

Như vậy, “Học không hành” là không đạt được kết quả, gây lãng phí thời gian và công sức, “Hành không học” thì thường sẽ gặp thất bại hoặc kết quả không cao.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Không thầy đố mày làm nên’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘ăn vóc học hay’ có nghĩa là gì?
‘Cái khó bó cái khôn’ - câu tục ngữ dạy ta bài học gì?

“Học đi đôi với hành” và nguyên tắc giáo dục hiện nay

Từ xưa đến nay, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu và luôn nhận được sự quan tâm sát sao của toàn xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói rất giản dị nhưng đã thể hiện tầm nhìn của Người về giáo dục, đó là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khổng Tử cũng là một bậc thầy về giáo dục. Ông luôn đề cao việc học phải đi đôi với hành. Ông từng nói: “Học đi với hành, không chỉ nói cho qua chuyện”. Nếu học được lý thuyết cao siêu mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức và tiền bạc mà thôi.

Học và hành chính là hai yếu tố quan trọng luôn phải đi cùng nhau để giúp con người hoàn thiện, phát triển bản thân một cách tối ưu nhất. Ở bất kể thời đại nào, xã hội cũng cần và ưu tiên cho những ai “chắc lý thuyết, vững thực hành”.

Giải thích ý nghĩa câu nói

Ông cha ta ngày xưa thường nói: “Trăm hay không bằng quen tay” ý muốn nói dẫu có hiểu biết đến đâu nhưng không biết tận dụng những kiến thức thì điều vô ích.

Học vốn là một quá trình tích lũy kiến thức cơ bản của nhân loại. Có rất nhiều cách học, từ sách vở, từ thầy cô, bạn bè… hay ngay cả một người qua đường cũng có thể mang đến ta nhiều kiến thức mới. Khi đã có kiến thức trong tay, ta cần biết cách ứng dụng chúng vào thực tiễn, hay nói cách khác là thực hiện những công việc thực tế dựa trên lý thuyết đã học.

Bằng cách này, những kiến thức mà ta có được sẽ không bị mai một theo thời gian. Thay vào đó, nó sẽ được ứng dụng vào trong những việc làm, hành động cụ thể để đạt được kết quả cao.

Khi bàn về lợi ích của học đi đôi với hành, có một câu nói như thế này: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không thực hành thì cũng là tri thức có một nửa”. Câu nói ấy cho thấy, việc kết hợp học (lý thuyết) với hành (thực hành) là vô cùng cần thiết.

Hiện nay, nước ta đang chủ trương nâng cao chất lượng dạy và học trong các hệ thống bậc học, cấp học, chung tay xây dựng một xã hội học tập, xem học tập như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống

Học không chỉ là học văn hóa trong nhà trường, mà còn phải học các kiến thức khác ở bên ngoài để ứng dụng vào công việc, để sáng tạo, để sống tốt hơn, thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành là cơ sở để tạo ra nguồn nhân lực có lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Xã hội ngày nay, những ai còn tư tưởng “học không hành” học chỉ để lấy chữ nghĩa, lấy mảnh bằng, lối học kinh viện, không nhằm mục đích phục vụ thực tiễn sẽ rất nhanh bị đào thải bởi không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Xem thêm:
72 bài thơ về ước mơ hay, chùm thơ về ước mơ hoài bão ý nghĩa nhất
100 slogan học tập, khẩu hiệu cỗ vũ tinh thần học tập
60 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về học tập, học hành rèn luyện

Những câu nói về “học đi đôi với hành”

Học đi đôi với hành là một nguyên tắc quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống. Trong dân gian, có rất nhiều câu ca dao tục ngữ về học hành được lưu truyền như:

  • Học hay cày biết.
  • Có cày có thóc, có học có chữ.
  • Dao có mài mới sắc, người có học mới thông minh
  • Học ăn học nói, học gói học mở.
  • Học thầy chẳng tày học bạn.
  • Dốt đến đâu học lâu cũng biết.
  • Ăn vóc học hay.
  • Bảy mươi còn học bảy mươi mốt.
  • Hay học thì sang, hay làm thì có.
  • Học là học để làm người
    Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.
  • Học là học để mà hành
    Vừa hành vừa học mới thành người khôn.
Giải thích ý nghĩa câu nói

Ngoài ra, trong thế giới của “Danh ngôn” cũng có rất nhiều những câu nói về học đi đôi với hành có thể kể đến như:

  • Học, học nữa, học mãi. - Lê-Nin
  • Đọc sách không bằng suy ngẫm. Học trường không hơn được trường đời. - Immanuel Kant
  • Học đi đôi với hành. Bất cứ lý thuyết nào cũng cần phải được áp dụng vào thực tiễn, như thế mới có thể lưu lại trong tâm trí của chúng ta thật lâu. - Khuyết danh
  • Học không biết chán, dạy người không biết mỏi. - Khổng Tử
  • Sự học tập không phải là đọc nhiều, mà là hiểu nhiều. - Elbert Hubbard.
  • Học tập không chỉ về việc đọc sách, mà còn về việc trải nghiệm cuộc sống và học hỏi từ nó." - Richard Branson
  • Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì. - Lev. Tolstoy
  • Sự học tập giúp bạn mở rộng tư duy và mở cửa cho cơ hội trong tương lai." - Malcolm X.
  • Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời. - Bill Gates
  • Học tập là một việc làm liên tục, mà không có điểm đến cuối cùng." - Napoleon Hill

“Học đi đôi với hành” là một câu thành ngữ cũng là phương châm giáo dục hiện nay. Bất kỳ cá nhân nào cũng cần phải ghi nhớ điều này, từ đó nâng cao tính tự giác học tập tích lũy kiến thức để tương lai có thể vận dụng vào cuộc sống để đạt được thành công.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận