Chờ...

Giải thích “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là gì?

VOH - Bàn về tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện, người xưa có câu “Người không học như ngọc không mài”. Đây là một lối ví von vừa gần gũi vừa dễ hiểu.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam là “túi khôn” của nhân dân, chứa đầy những kiến thức, kinh nghiệm quý báu cũng như những lời răn dạy, khuyên bảo quý giá. “Người không học như ngọc không mài” chính là một một trong số những lời nhắc nhở về việc giáo dục, học tập. Hãy cùng VOH giải thích câu nói này để hiểu được dụng ý của người xưa.

“Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là gì?

Xưa nay, việc học hành luôn được các thế hệ coi trọng và tôn vinh. Trong văn học dân gian, cụ thể là thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều câu nói hay về giáo dục. Trong số đó, có không ít những lời khẳng định về vai trò quan trọng của việc học, ví như: “Người không học như ngọc không mài”.

Mượn lối nói so sánh gần gũi, người xưa ví “người không học” hành giống như những viên ngọc “không mài”. “Ngọc” là một loại đá quý thường được dùng làm trang sức hay vật trang trí. Tuy nhiên, trước khi trở thành món đồ quý giá, những viên ngọc thô phải trải qua việc được chọn lọc, mài giũa. Quá trình này cũng chính là quá trình con người học tập, rèn luyện.

Giải thích “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là gì? 1
Ngọc thô phải được mài giũa thì mới thành ngọc sáng, có giá trị - Ảnh: Auckland i-SITE

Như vậy, “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là người không chịu học hành thì đầu óc tăm tối, chậm chạp, thiếu hiểu biết, thiếu sự linh hoạt. Giống như “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài/Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”.

Ngược lại, người chịu khó học hành, rèn luyện, tu dưỡng, như ngọc đã qua mài giũa thì mới có thể thành tài.

Quan niệm này đã tồn tại từ bao đời: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (Ngọc không mài giũa thì không thành đồ quý. Người không học thì không biết lẽ phải). Trong Bàn luận về phép học, tác giả Nguyễn Thiếp cũng khẳng định: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”.

Cho nên, thông qua câu nói “Người không học như ngọc không mài”, ông cha  ta đã bàn về tầm quan trọng của việc học đồng thời khuyên răn con người tu chí học tập, rèn luyện để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xem thêm:
Những câu nói truyền cảm hứng học tập, tạo động lực mạnh mẽ
86 câu nói, châm ngôn, danh ngôn về giáo dục hay và ý nghĩa nhất
60 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về học tập, học hành rèn luyện

Vai trò và giá trị của việc học tập

Chúng ta khó có thể đo đếm được tầm quan trọng và giá trị của việc học. Nhưng nếu thắc mắc, tại sao người xưa lại đề cao và tôn vinh việc học đến vậy, bạn có thể tham khảo những lý do sau.

Học để làm người

Học ở đây không chỉ là học kiến thức từ trường lớp, sách vở như chúng ta vẫn thường liên tưởng. Với người xưa, học trước hết là để làm người. Học để rèn luyện nhân cách, phẩm chất, phát huy những đức tính tốt đẹp, hướng đến điều tốt đẹp và từng bước hoàn thiện bản thân.

Câu tục ngữ “Học ăn học nói, học gói, học mở” cũng đã đề cập. Chúng ta phải học cả những điều cơ bản trong cuộc sống, từ ăn ở, giao tiếp cho đến cách đối nhân xử thế. Tất cả những điều này được xem là nền tảng, kỹ năng cần thiết của một con người khi sống trong xã hội, cộng đồng.

Giải thích “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là gì? 2
Học tập, rèn luyện là một trong những cách giúp chúng ta có được cuộc sống mà mình mong muốn - Ảnh: Canva

Học để nâng cao giá trị bản thân

Bên cạnh nhân cách, kỹ năng sống, con người cũng cần phải có kiến thức, sự hiểu biết. Học chính là con đường giúp chúng ta mở mang tri thức, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân. Nó cũng là cách để nâng cao, khẳng định giá trị của bản thân, là cách tạo ra cũng như nhận được nhiều cơ hội hơn.

Học để có một cuộc sống tốt đẹp hơn

Ai cũng muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng không phải ai cũng biết cách hoặc có đủ khả năng biến mong muốn thành hiện thực.

Những kiến thức, kỹ năng thu nhận được từ quá trình học tập, rèn luyện có thể giúp chúng ta cải thiện và có được cuộc sống mơ ước. Không chỉ dành cho bản thân mà còn dành cho những người mà ta quan tâm như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái…

Ngoài ra, học hỏi còn là yếu tố thúc đẩy, góp phần giúp bạn đạt được những thành công trong tương lai.

Giải thích “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là gì? 3
Học tập là con đường giúp chúng ta nâng cao giá trị của bản thân - Ảnh: Internet

Học để đóng góp, cống hiến

Người xưa ví “Người không học như ngọc không mài”. Việc dùng “ngọc không mài” để ví với “người không học” có lẽ cũng mang chút ngụ ý. Ngọc thô vốn có giá trị, chỉ là so với ngọc đã được mài giũa cẩn thận, tỉ mỉ từ bàn tay của những người thợ, giá trị của nó sẽ thấp hơn.

Cũng như mỗi con người đều có tiềm năng, thế mạnh riêng. Chỉ cần bỏ công sức khai phá, rèn luyện thì ắt hẳn ai cũng có thể trở thành một viên ngọc sáng.

Lại nói chuyện học vốn không có bất cứ ranh giới nào, học kiến thức từ trường lớp, học kỹ năng từ xã hội… đều là học, đều có ích. Chúng ta không nên lãng phí tài năng của bản thân hay bỏ lỡ cơ hội để phát triển.

Học vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mỗi người. Cho nên sau cùng, học không chỉ là để phục vụ bản thân mà còn để phục vụ, cống hiến cho xã hội. Đây là vai trò, là giá trị mà chúng ta không thể không nhắc đến.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Học ăn học nói học gói học mở" nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa ‘Tiên học lễ hậu học văn’ ẩn chứa bài học giáo dục gì?
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về giáo dục dạy dỗ con cái

Ca dao, thành ngữ, tục ngữ về học tập, rèn luyện

Không chỉ có câu “Người không học như ngọc không mài”, ông cha ta còn  có rất nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ nói đến chuyện học tập, rèn luyện. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.

Giải thích “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là gì? 4
Thanh ngữ, tục ngữ về học tập, rèn luyện - Ảnh: Canva

1. Học ăn học nói, học gói, học mở

2. Tiên học lễ hậu học văn

3. Dùi mài kinh sử

4. Học một biết mười

5. Ăn vóc học hay

6. Tài cao học rộng

7. Thuộc sách văn hay, mau tay tốt chữ

8. Có học thì mới biết, có đi thì mới đến

9. Đi một ngày đàng học một sàng khôn

10. Bảy mươi còn học bảy mươi mốt

11. Học khôn đến chết, học nết đến già

12. Người mà không học khác gì đi đêm

13. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe

14. Học hành vất vả kết quả ngọt bùi

15. Siêng làm thì có, siêng học thì hay

16. Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi

17. Cần cù bù thông minh

18. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

19. Học là học biết giữ giàng

Biết điều nhân nghĩa biết đàng hiếu trung.

20. Làm trai cố chí học hành

Lập nên công nghiệp để dành mai sau.

21. Có học mà chẳng có hành

Như cây thiếu lá, như tranh thiếu màu.

22. Học là học để làm người

Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.

23. Dẫu rằng thông hoạt, chẳng học cũng hư đời

Tài chí bằng trời, chẳng học cũng là phải khổ.

24. Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài

Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.

25. Người không học, không có sự hiểu biết

Trẻ mà không học, lớn không làm được việc gì.

26. Dẫu có bạc vài trăm vạn lạng

Chẳng bằng kinh sử một vài pho.

27. Dẫu rằng thông hoạt, chẳng học cũng hư đời

Tài chí bằng trời, chẳng học cũng là phải khổ.

28. Mấy ai là kẻ không thầy

Thế gian thường nói “đố mày làm nên”.

29. Ở đây gần bạn, gần thầy

Có công mài sắt có ngày nên kim.

30. Làm người mà được khôn ngoan

Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay

Nghề gì đã có trong tay

Mai sau rồi cũng có ngày ích to.

Qua câu nói “Người không học như ngọc không mài” chúng ta thấy được quan niệm của người xưa về việc học tập, giáo dục. Ấy là không rèn luyện, không học hỏi, mài giũa, tu dưỡng thì sẽ không thể thành tài.

Mong rằng phần giải thích của VOH Sống đẹp đã giúp bạn hiểu được ý nghĩa này.