Có người từng nói rằng: "Khai bút là khai tâm". Khai bút đầu năm là mỹ tục đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta với mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn và thành công. Vậy khai bút đầu năm là gì? Đầu năm nên viết gì để cả năm gặp nhiều may mắn? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Khai bút đầu năm là gì?
Người Việt ta thường quan niệm rằng, những ngày đầu tiên của năm mới, nếu mọi việc suôn sẻ, vui vẻ thì cả năm sẽ luôn được may mắn, thuận lợi. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian ấy, mọi người thường tranh thủ làm những việc để “lấy may” cho cả năm, trong đó có tục khai bút.
Khai bút có nghĩa là “mở đầu viết”. Hiểu đơn giản, khai bút đầu năm (khai bút đầu xuân hay chắp bút đầu năm) là hoạt động viết chữ đầu tiên trong năm mới để cầu mong một năm được hanh thông, bình an và an lành.
Đặc biệt, khai bút cũng mang ý nghĩa về sự nghiệp học hành thăng tiến, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.
Xem thêm:
Xin chữ đầu năm là gì? Xin chữ gì để cả năm hanh thông, may mắn?
Mâm cúng giao thừa sao để cầu bình an, may mắn?
Ý nghĩa của phong tục lì xì trong ngày Tết
Nguồn gốc khai bút đầu xuân
Không rõ tục khai bút được bắt nguồn từ bao giờ. Nhưng đây là một trong những nghi thức mang đậm tinh thần trọng thầy, trọng chữ và quan niệm “Vạn sự khởi ư xuân" (Muôn việc khởi đầu từ mùa xuân) vốn hiện hữu trong đời sống văn hóa của người Việt từ xa xưa.
Nhiều người cho rằng, phong tục này còn gắn liền với nhà giáo Chu Văn An. Vào những ngày đầu xuân năm mới, khi có học trò tới thăm, thầy Chu Văn An thường tự tay viết chữ để dành tặng.
Thời xưa, khai bút là một nghi thức được thực hiện rất trang trọng và được thực hiện bởi các quan chức, nho sĩ, học trò. Trước khi tiến hành, họ tắm rửa sạch sẽ, mặc áo the, khăn xếp chỉnh tề, kính cẩn thắp hương rồi mới tiến lại bàn viết đã đặt lư trầm đốt sẵn bên cạnh. Sau đó, họ dùng cây bút mới được chuẩn bị kĩ lưỡng, mài mực tàu và viết trên giấy hồng điều hoặc giấy hoa tiên.
Nghi thức khai bút được thực hiện vào khoảnh khắc đất trời giao hòa thiêng liêng, không gian yên tĩnh, người viết trang nghiêm, tĩnh tại. Những người thầy, người học sĩ tập trung viết chữ thật đẹp với niềm tin cả năm sẽ hanh thông, suôn sẻ. Sau khi khai bút xong, người viết sẽ trang trọng treo lên tường nhà để mong trời đất chứng giám, phù hộ cho những mong ước sớm trở thành hiện thực.
Ý nghĩa phong tục khai bút
Khai bút đầu năm là một phong tục độc đáo và vô cùng có ý nghĩa sâu sắc của người dân Việt Nam. Tục khai bút không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.
Cho đến nay truyền thống này vẫn được giữ gìn và tiếp tục phát huy. Phong tục ấy như một mạch nguồn cứ chảy mãi từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Và mỗi năm, sau giao thừa, vào thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút.
Cứ đến cái thời khắc đầu tiên đặt bút viết cho một năm mới thì hẳn ai cũng thấy trong lòng mình một chút xốn xang, chộn rộn.
Cách khai bút đầu năm
Thủ tục khai bút
- Ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc, sạch sẽ.
- Chuẩn bị loại bút viết chữ đẹp và cần kiểm tra bút thật kỹ, tránh sự cố đầu bút bị hỏng hoặc hết mực, nét không liền mạch khi khai bút đầu xuân.
- Chuẩn bị một tờ giấy trắng, hoặc một quyển vở, quyển sổ. Bạn cũng có thể chuẩn bị một tờ giấy đẹp, viết những điều thật hay để giữ làm kỷ niệm hoặc tặng cho người thân.
- Chuẩn bị những điều hay, ý đẹp để viết.
- Viết nắn nót, cẩn thận từng câu từ.
Chọn thời gian đẹp
Thông thường, việc khai bút sẽ được thực hiện vào khoảnh khắc sau giao thừa tới mùng 5 Tết. Trong năm 2024, thời gian khai bút tốt nhất là mùng 3 hoặc mùng 4.
Tốt nhất, bạn nên khai bút vào ban ngày, khi đất trời được soi sáng bởi ánh nắng. Ngoài ra, hãy chọn góc có vị trí sáng nhất để khai bút được thuận lợi. Nếu chưa chọn được giờ đẹp để khai bút, bạn có thể tham khảo trên lịch vạn niên.
Sau đây là một số khung giờ đẹp để khai bút đầu năm mà bạn có thể tham khảo. Đây là những giờ thuộc hành Thủy, hành Mộc hoặc hành Hỏa.
- Để cầu mong cho việc học hành, thi cử thuận lợi, bạn khai bút vào: Giờ Tý (23h - 1h), Giờ Thìn (7h - 9h), Giờ Mùi (13h - 15h).
- Để cầu mong cho công danh, sự nghiệp thăng tiến, bạn sẽ viết khai bút đầu xuân vào: Giờ Sửu (1h - 3h), Giờ Tỵ (9h - 11h), Giờ Tuất (19h - 21h).
Xem thêm:
Tổng hợp 15 mẫu thư chúc mừng năm mới hay nhất
Gợi ý 70 câu chúc đầu năm Giáp Thìn 2024 hay và ý nghĩa
Top 150 câu chúc Tết hay tặng ông bà, cha mẹ, người yêu, bạn bè
Mẫu khai bút đầu năm
Khai bút đầu năm nên viết gì để cả năm thuận lợi và may mắn là câu hỏi thường được nhận mỗi dịp đầu năm mới. Sau đây là những gợi ý của VOH về mẫu khai bút đầu năm giúp bạn viết khởi đầu năm mới ý nghĩa và ấn tượng nhé.
Viết câu đối
1. Mai vàng nở rộ mừng năm mới
Đào hồng khoe sắc đón xuân sang.
2. Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khỏe, tết an khang.
3. Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố
Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian.
4. Xuân sang cội phúc sinh cành lộc
Tết về cây đức trổ thêm hoa.
5. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
6. Tân niên, tân phúc, tân phú quý
Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an.
7. Xuân an khang thịnh vượng
Niên phúc thọ miên trường.
8. Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên.
9. Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc
Tết về cây đức trổ thêm hoa.
10. Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.
Danh ngôn về Tết
1. “Chúng ta sẽ mở cuốn sách với các trang trắng tinh. Chính chúng ta sẽ viết lên đó. Quyển sách có tên là Cơ hội và chương đầu tiên là Ngày đầu năm.” (Edith Lovejoy Pierce)
2. “Mục tiêu của năm mới không phải là chúng ta cần có một năm mới. Cái chính là ta phải có một tâm hồn mới.” (G. K. Chesterton)
3. “Hôm qua tôi tài ba, nên tôi muốn thay đổi thế giới, Hôm nay tôi hiểu biết, vì thế tôi đang thay đổi chính mình.” (Rumi)
4. “Một người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa. Người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua.” (Bill Vaughn)
5. “Quyết tâm cho năm mới của chúng ta đây: chúng ta sẽ có mặt cho nhau như là thành viên của cộng đồng nhân loại theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ ngữ này.” (Gorran Persson)
Chép thơ hoặc đoạn văn mẫu
Các bạn học sinh có thể lựa chọn một trong những tác phẩm văn học mình thích nhất để khai bút. Đoạn văn không cần dài, nhưng phải viết cẩn thận, nắn nót.
Ví dụ, bạn cũng có thể viết một đoạn thơ trong bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phụng múa rồng bay.”
Viết lời chúc
Bạn cũng có thể viết những lời chúc Tết để gửi gắm bản thân, người thân và bạn bè. Sau đây là một vài câu chúc Tết hay nhân dịp đầu năm:
- An khang thịnh vượng
- Công thành danh toại
- Đức tài như ý
- Đại phú đại quý
- Ngũ phúc lâm môn
- Lộc tài vượng tiến
- Phúc lộc an khang
- Phát tài phát lộc
- Vạn sự như ý
- Vạn cát an khang
- Tấn tài tấn lộc
Viết mong muốn của bản thân
Ngoài câu đối, ca dao, lời chúc đầu năm thì mọi người cũng có thể tự viết ra những tâm nguyện của chính bản thân mình trong năm mới, những ước muốn hay mục tiêu, kế hoạch để phấn đấu đạt được trong năm.
Ví dụ:
- Phải đỗ đại học.
- Giữ sức khỏe, ăn uống đầy đủ.
- Đi du lịch đến...
- Tiết kiệm được...
Thời buổi hiện đại, khai bút không còn cầu kì và phổ biến như trước. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình Việt, sau nghi lễ chúc Tết ông bà, họ hàng, phụ huynh thường nhắc nhở con cháu khai bút nhằm mục đích nâng cao ý thức tự giác, tính chăm chỉ và điều quan trọng là luôn đề cao việc học tập.
Hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình lưu giữ phong tục này bằng cách viết những dòng cảm nhận về cuộc sống, những điều lắng lại sau một năm cũ đã qua, những khát khao, hy vọng trong năm mới. Hoặc đơn giản là gửi lời chúc tốt đẹp tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp qua mạng xã hội.
Những điều cần lưu ý khi khai bút
Ngoài việc chọn những lời chúc, câu đối hay thì người khai bút cũng cần lưu ý những điều sau:
- Tránh viết sai: Nếu viết khai bút sai chữ hoặc có lỗi sẽ là dấu hiệu về khó khăn, việc hỏng. Đây được xem là điều kiêng kỵ trong năm mới.
- Không bỏ dở khi đang viết: Khi đã đặt bút xuống, bạn hãy viết nội dung trọn vẹn. Nếu bỏ dở sẽ báo hiệu năm mới gặp nhiều khó khăn và dở dang.
- Không viết theo người khác: Ngoài việc chép thơ văn, những dự định nên được xuất phát từ tâm ý của mình.
- Không ngập ngừng khi viết: Theo quan niệm dân gian, tránh việc ngồi viết lung tung, ngập ngừng để cả năm việc học hành, công danh sẽ thuận lợi, thi cử trôi chảy, đỗ đạt. Vì thế, trước khi khai bút bạn nên xác định viết gì trước nhé.
Trên đây là những thông tin về phong tục khai bút đầu năm, một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn còn được lưu truyền theo dòng chảy của thời gian. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những gợi ý để khởi đầu năm mới cũng như đón Tết Nguyên đán trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Đừng quên cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất cũng như những bài viết về Tết hay nhất tại chuyên mục VOH Sống đẹp.